Hôm thứ Tư (26/4), trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy khẳng định ‘sẽ không có hòa bình nếu phải đánh đổi bằng các thỏa hiệp về lãnh thổ’. Trong khi đó, ông Tập Cận Bình đã nhất trí cử một đặc phái viên tới Ukraine để giúp môi giới hòa bình ở đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Cuộc điện đàm kéo dài một giờ cho thấy bước tiến quan trọng kể từ khi ông Tập thông báo với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du Moscow khoảng hai tháng trước rằng Trung Quốc mong muốn trở thành một nhà kiến tạo hòa bình trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Nhưng không rõ liệu cuộc điện đàm có phải là dấu hiệu cho thấy ông Tập đang rời xa Moscow, quốc gia duy trì mối quan hệ “không giới hạn” với Bắc Kinh, hay ông Tập chỉ muốn tỏ ra như vậy.
Trong khi đó, ông Zelenskyy bày tỏ sự lạc quan sau cuộc điện đàm mới nhất mà ông mô tả là “dài hơi và có ý nghĩa” trên mạng xã hội.
“Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương”, ông Zelenskyy nói.
Trong một tuyên bố chi tiết hơn, ông Zelensky nhấn mạnh rằng cuộc điện đàm đặc biệt chú trọng đến “cách thức hợp tác khả thi để kiến tạo một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.
Ông nói: “Sẽ không có hòa bình nếu phải đánh đổi bằng các thỏa hiệp về lãnh thổ. Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được khôi phục với các đường biên giới như năm 1991” (nghĩa là Ukraine kiểm soát hoàn toàn Crimea).
Dù không lên án hành động xâm lược hung hăng của Nga và cản trở nỗ lực lên án chiến tranh của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc vẫn tuyên bố mình là bên trung lập trong cuộc chiến.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cuộc điện đàm là cơ hội để ông Tập nhấn mạnh rằng “lập trường cốt lõi của Bắc Kinh là tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán vì hòa bình”.
Theo tuyên bố trên, Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên – cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga – đến thăm Ukraine để giúp đạt được một “giải pháp chính trị”.
Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không cung cấp vũ khí cho “người bạn thân thiết” Putin để trợ giúp trong cuộc chiến vốn đang gây lo ngại rất lớn cho cả Mỹ và Ukraine.
“Tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc – Ukraine”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc viết.
“Việc Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ với Ukraine là nhất quán và rõ ràng. Bất kể tình hình quốc tế diễn biến như thế nào, Trung Quốc sẽ hợp tác với Ukraine để thúc đẩy hợp tác cùng có lợi”.
Phản ứng trước cuộc điện đàm, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy nỗ lực đàm phán hòa bình, đồng thời chỉ trích Kyiv vì đã từ chối “mọi sáng kiến hợp lý nhằm đạt được một giải pháp hòa bình”.
“Chúng tôi ghi nhận sự sẵn sàng của phía Trung Quốc trong nỗ lực thiết lập quá trình đàm phán”, bà Zakharova cho biết trong một cuộc họp báo hôm 26/4.
Trong khi đó, Nhà Trắng nói rằng họ không biết trước về cuộc điện đàm này, nhưng họ coi việc ông Tập sẵn sàng lắng nghe quan điểm của Ukraine về “cuộc xâm lược vô cớ, bất hợp pháp” là một diễn biến tích cực trong cuộc xung đột đang diễn ra.
“Chúng tôi nghĩ đó là điều tốt”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết hôm 26/4.
Kể từ khi ông Tập trình bày với ông Putin về kế hoạch hòa bình 12 điểm trong chuyến công du Moscow, các cuộc đàm phán đã được dự đoán trong nhiều tuần. Nga hoan nghênh đề xuất kêu gọi ngừng bắn, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine và trao đổi tù nhân – nhưng từ chối giải pháp cho các sự kiện quan trọng như nền độc lập của Ukraine và việc Nga chiếm đóng lãnh thổ của họ.
Đề xuất của Trung Quốc gồm 12 điểm sau:
- Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia;
- Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh;
- Ngừng các hành động thù địch;
- Nối lại hòa đàm;
- Giải quyết khủng hoảng nhân đạo;
- Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh;
- Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân;
- Giảm các rủi ro chiến lược;
- Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc;
- Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương;
- Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp;
- Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột.
Phản ứng về kế hoạch hoà bình của Trung Quốc, Tổng thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng Bắc Kinh thiếu “sự tin cậy” để đưa ra kế hoạch hoà bình.
“Trung Quốc không có nhiều uy tín vì họ không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine”, ông Stoltenberg cho biết.
Vào thời điểm đó, ông Zelenskyy đã thận trọng hoan nghênh kế hoạch này, nhưng nói thêm rằng sự thành bại của kế hoạch này phụ thuộc vào hành động nhiều hơn là những lời nói suông.
Huyền Anh tổng hợp