Ngân hàng First Republic Bank phá sản, cơ quan chức năng đang tiếp nhận để xử lý
Quang Nhật
Ngân hàng có quy mô tương đương với Ngân hàng Thung lũng Silicon đã không thể gắng gượng thêm nữa sau khi tình trạng người gửi tiền rút tiền ồ ạt trong 3 tháng đầu năm diễn ra, 102 tỷ tiền gửi biến mất. Trong khi tài sản đầu tư dài hạn và các lớp tài sản mất giá trị với lãi suất cao, First Republic Bank đã không thể bán tài sản để chống đỡ với rủi ro. Một ngân hàng cỡ trung nữa lại biến mất.
Theo nguồn tin từ Reuters, Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Hoa Kỳ (FDIC) đang chuẩn bị tiếp nhận Ngân hàng First Republic (FRB). Tin tức FRB chính thức phá sản có lẽ sắp công bố. Reuters cho biết FRB chưa phản hồi xác nhận nguồn tin này.
Tin tức lan ra trong phiên giao dịch cuối cùng trong tuần này ở Mỹ đã khiến cổ phiếu của FRB rớt thêm 40%, giá cổ phiếu về mức 2,99 USD/cổ phiếu, mất giá 98% so với đầu năm 2023.
Ở mức thấp nhất, ngân hàng có vốn hóa thị trường gần 557 triệu USD, khác xa so với mức định giá cao nhất là hơn 40 tỷ USD vào tháng 11/2021. Cổ phiếu của FRB mất giá theo chiều thẳng đứng chỉ trong vài tháng qua (Nguồn: Yahoo Finance)
Cơ quan quản lý ngân hàng Hoa Kỳ đã quyết định rằng vị thế của FRB đang gặp khó khăn đã xấu đi. FRB không còn thời gian để theo đuổi giải cứu thông qua khu vực tư nhân, nguồn tin nói với Reuters, yêu cầu giấu tên vì vấn đề là bí mật.
Nếu FRB, ngân hàng có trụ sở tại San Francisco, rơi vào tình trạng bị thu hồi, thì đó sẽ là ngân hàng thứ ba của Hoa Kỳ sụp đổ kể từ tháng Ba. First Republic cho biết vào đầu tuần này, tiền gửi của họ đã giảm hơn 100 tỷ đô la trong quý đầu tiên.
Sự sụt giảm giá cổ phiếu của FRB đã thúc đẩy lo sợ với các cổ phiếu ngân hàng khu vực. Cổ phiếu của một số ngân hàng khu vực khác cũng giảm với PacWest Bancorp (PACW.O) giảm 2% trong khi Western Alliance (WAL.N) giảm 0,7%.
Reuters trước đó đã đưa tin rằng một thỏa thuận giải cứu do chính phủ làm trung gian đang được đề xuất cho FRB. Không rõ tại sao nỗ lực đó thất bại.
Ukraine kỳ vọng sẽ nhận được 42 tỷ USD viện trợ quốc tế
Phan Anh
Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ukraine (NBU) Andriy Pyshnyy cho biết rằng Kyiv hy vọng sẽ nhận được 42 tỷ USD viện trợ quốc tế trong năm 2023.
Cụ thể, trao đổi với báo giới ngày 27/4, ông Pyshnyy cho biết tính đến cuối năm nay, các khoản viện trợ từ các đối tác sẽ góp phần tăng dự trữ quốc tế của nước này lên hơn 35 tỷ USD.
Ông Pyshnyy cũng lưu ý cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine là một trong những yếu tố rủi ro chính đe dọa nền kinh tế Ukraine trong năm nay. Theo ông, xung đột đã làm gia tăng gánh nặng kinh tế khi làm tăng nhu cầu ngân sách, gây gián đoạn hoạt động của “hành lang ngũ cốc” và phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng. Quan chức này nhấn mạnh việc nhanh chóng triển khai chương trình tái thiết và các cải cách hội nhập châu Âu sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ukraine.
Năm ngoái, Ukraine đã nhận được khoản hỗ trợ kỷ lục 32,1 tỷ USD từ các đối tác nước ngoài.
Ở một diễn biến khác, hãng Reuters đưa tin rằng Nga đã nã tên lửa vào các thành trấn của Ukraine khi người dân đang ngủ nửa đêm về sáng hôm 28/4, khiến ít nhất 9 thiệt mạng. Sự việc xảy ra khi với trợ giúp mạnh mẽ của phương Tây, Ukraine đang chuẩn bị cuộc phản công mùa xuân với kỳ vọng giành lại phần lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.
Tại thành phố Uman (miền trung Ukraine), ít nhất 7 người thiệt mạng và 17 người bị thương khi một tên lửa đánh trúng một tòa nhà chung cư, theo Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko.
Các nhân viên cứu hộ trèo qua đống đổ nát khổng lồ đang cháy âm ỉ, và người ta nhìn thấy các nhân viên cứu hộ khiêng một chiếc túi đựng xác trên cáng. Một người đàn ông trưởng thành hú lên khi chứng kiến, Reuters tường thuật.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao mới: 2.24 ngàn tỷ USD
Patrick Langendorf
Mộc Miên biên dịch
Chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao mới, lên tới 2.24 ngàn tỷ USD vào năm ngoái (2022). Châu Âu đã chứng kiến mức tăng mạnh nhất trong chi tiêu quốc phòng trong 30 năm qua.
Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên mức cao mới: 2.24 ngàn tỷ USD vào năm ngoái. Con số đó tương đương với 2.04 ngàn tỷ euro, và sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thì đây là mức tăng 3.7% so với năm 2021. Đây là những gì Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) viết trong “Báo cáo Chi tiêu Quân sự Toàn cầu”, được công bố hôm thứ Hai (24/04).
Mức tăng mạnh nhất ở châu Âu trong 30 năm qua
Viện SIPRI tiếp tục cho biết, chi tiêu quân sự ở châu Âu đã tăng mạnh trong ít nhất là 30 năm qua. Chi tiêu cho quốc phòng đã tăng trên toàn thế giới trong tám năm liên tiếp. Viện nghiên cứu có trụ sở tại Thụy Điển này dự kiến mức chi tiêu sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới. “Chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên bất ổn hơn,” nhà nghiên cứu chính của viện SIPRI, ông Điền Nam (Nan Tian), nhận xét về kết quả này. “Các quốc gia tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự để ứng phó với tình hình an ninh ngày càng xấu đi. Và họ không mong đợi tình trạng này sẽ được cải thiện trong tương lai gần,” ông Điền nói.
Năm quốc gia có ngân sách quân sự lớn nhất năm ngoái là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, và Saudi Arabia, chiếm 63% chi tiêu quân sự toàn cầu.
Bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, châu Âu là nơi ghi nhận mức tăng chi tiêu vũ khí lớn nhất cho đến nay, ở mức 13%. Theo viện SIPRI thì chưa từng có làn sóng tái vũ trang nào như thế này kể từ thời Chiến Tranh Lạnh. Tuy nhiên, viện nghiên cứu hòa bình này nhận thấy nguyên nhân chi tiêu tăng không chỉ là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Ông Lorenzo Scarazzato, chuyên gia về chi tiêu quân sự và sản xuất vũ khí của viện SIPRI đã chỉ ra trong báo cáo rằng, gia tăng chi tiêu quân sự đã xảy ra kể từ năm 2014, một năm sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Kể từ đó, nhiều quốc gia khối Đông Âu cũ đã tăng hơn gấp đôi chi tiêu quân sự của mình.
Ba Lan muốn có quân đội mạnh nhất châu Âu
Tại một sự kiện bầu cử ở thành phố Wolomin gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã tuyên bố đất nước ông sẽ xây dựng quân đội mạnh nhất ở châu Âu trong hai năm tới, nếu Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của ông đắc cử trong cuộc bầu cử Nghị viện vào mùa thu. Hãng thông tấn Ba Lan PAP trích lời vị bộ trưởng quốc phòng này nói như sau:
“Nếu các cử tri, nếu người dân cho chúng ta một nhiệm kỳ khác, thì chúng ta sau hai năm nữa có thể gặp lại nhau ở đây tại Wolomin và khi đó tôi có thể cho các vị thấy, rằng quân đội Ba Lan sẽ là quân đội trên bộ mạnh nhất ở châu Âu.”
Ukraine: Tăng 640%
Đánh giá về Ukraine, theo viện SIPRI, chi tiêu quân sự của Ukraine năm ngoái đã lên tới 44 tỷ USD. Với mức chi tiêu này họ đã tiến rất gần đến mức chi tiêu của Đức (55.8 tỷ USD) và Pháp (53.6 tỷ USD). Theo viện SIPRI, nếu tính cả khoản viện trợ quân sự do hơn 20 quốc gia cung cấp cho Ukraine, thì sẽ có thêm khoảng 30 tỷ Euro nữa, con số này tương ứng với hơn ⅘ ngân sách quân sự của Nga vào năm 2022.
Trong lịch sử 57 năm của viện nghiên cứu SIPRI, chưa một quốc gia nào có tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng cao hơn Ukraine vào năm ngoái. So với năm 2021 thì mức độ tăng là 640%, theo viện này. Ví dụ, nếu so sánh với năm 2013, thì mức tăng thậm chí sẽ là 1,661%. Trong bối cảnh này, viện SIPRI cũng xem xét gánh nặng liên quan đến chi tiêu đối với nền kinh tế: tỷ lệ chi tiêu quân sự trên tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine đã tăng từ 3.2% vào năm 2021 lên 34% vào năm 2022.
Các quốc gia thành viên NATO cũng tự nâng cấp vũ trang
Sự mở rộng về phía Bắc của NATO cũng khiến cho chi tiêu vũ khí ở châu Âu tăng mạnh. Trong quá trình chuẩn bị trở thành thành viên của NATO, hai quốc gia Phần Lan và Thụy Điển đã tăng đáng kể chi tiêu quân sự vào năm 2022. Trong năm đó, Phần Lan tăng chi tiêu 36% còn Thụy Điển tăng 12%.
Theo SIPRI, tổng chi tiêu vũ khí của tất cả các thành viên trong khối NATO gộp lại tăng 0.9% so với năm 2021 lên mức 1,232 tỷ USD, chiếm 55% chi tiêu quân sự toàn cầu. Trong đó 877 tỷ USD là mức chi tiêu của Hoa Kỳ, quốc gia chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Chi tiêu của Trung Quốc liên tục tăng trong 28 năm
Bên cạnh châu Âu, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là điểm căng thẳng địa chính trị thứ hai có tác động đến ngân sách quân sự. Đối với các quốc gia châu Á — ngoại trừ Trung Đông và châu Đại Dương, tổng ngân sách là 575 tỷ USD vào năm 2022, chiếm ¼ chi tiêu toàn cầu.
Trung Quốc, Ấn Độ, và Nhật Bản chiếm 75% chi tiêu quân sự. Với Trung Quốc thì chi tiêu quân sự tăng 4.6% lên 296 tỷ USD trong năm thứ 28 liên tiếp. Viện SIPRI ước tính chi tiêu quân sự của Trung Quốc bằng khoảng ⅓ chi tiêu của Hoa Kỳ.
Nhà nghiên cứu Xiao Liang của SIPRI quan sát thấy sự thay đổi sâu sắc trong chính sách quân sự ở Nhật Bản. Chi tiêu của nước này tăng 5.9% lên 46 tỷ USD, tương đương 1.1% GDP. Nhật Bản dự tính sẽ tăng lên 2% vào năm 2027 để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, Bắc Hàn, và Nga.
Trong 5 đến 10 năm tới, viện SIPRI ước tính bùng nổ trong chi tiêu quân sự dựa trên các kế hoạch đã được nhiều quốc gia trình bày — trong đó có Đức.
Pháp lên án vụ không kích mới nhất của Nga ở Ukraina
Liên Thành
Bộ Ngoại giao Pháp cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng, Pháp đã lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công mới do Nga thực hiện vào đêm qua trên lãnh thổ Ukraina, đặc biệt là ở các khu vực Cherkasy, Dnipro và Kyiv”.
Tuyên bố nhấn mạnh việc Nga cố ý nhắm mục tiêu vào các tòa nhà dân cư ở trung tâm thành phố Uman, nơi “dẫn đến một số lượng lớn dân thường thương vong, bao gồm cả trẻ em”.
Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Bộ Nội vụ Ukraina hôm thứ Sáu, đá có 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong vụ tấn công bằng tên lửa của Nga ở Uman.
Theo Không quân Ukraina, Nga đã phóng khoảng 23 tên lửa vào Ukraina từ khu vực biển Caspi, trong đó 21 tên lửa đã bị lực lượng phòng không Ukraina đánh chặn.
“Việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng và dân thường cho thấy Nga tiếp tục muốn leo thang cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraina”, Bộ Ngoại Pháp cho biết.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục hỗ trợ các tòa án Ukraina và Tòa án Hình sự Quốc tế để trừng phạt tội ác của Nga.
Belarus tăng cường xây dựng quan hệ quốc phòng với Trung Quốc, Ấn Độ: Tạo liên minh giúp Nga?
Tạ Linh
Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mohammad Reza Ashtiani tại New Delhi, Ấn Độ vào ngày 27 tháng 4.
Những nỗ lực không ngừng của Belarus nhằm xây dựng mối quan hệ với các quốc gia ủng hộ hoặc không lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine có khả năng nhằm mục đích xây dựng một liên minh gồm các quốc gia không thuộc phương Tây và mở rộng các con đường giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, điều mà ISW đã đưa tin trước đây.
Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố rằng hai ông Khrenin và Lý đã thảo luận về tình trạng của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong mọi hoàn cảnh giữa Belarus và Trung Quốc cũng như triển vọng hợp tác trong các lĩnh vực quân sự và chung.
Việc Bộ Quốc phòng Belarus đề cập đến mối quan hệ đối tác “trong mọi hoàn cảnh” phản ánh chặt chẽ những nỗ lực của Nga nhằm định hình mối quan hệ Trung-Nga như một mối quan hệ đối tác “không giới hạn” bất chấp sự dè dặt hiện có của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Belarus tuyên bố rằng hai ông Khrenin và Ashtiani ghi nhận sự tồn tại của “tiềm năng và triển vọng đáng kể” để củng cố các hợp đồng quân sự và tăng cường hợp tác thực tế.