Alex Wu
Trung Quốc giữ vị trí thứ 2 từ dưới lên trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới mới nhất do Tổ chức Phóng viên Không Biên giới công bố vào ngày 03/05 (ngày Tự do Báo chí Thế giới).
Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 179 trong số 180 quốc gia và khu vực, trên Triều Tiên một bậc. Nước này đã giảm 4 bậc so với vị trí của họ trong bảng xếp hạng năm ngoái.
Hong Kong (do Trung Quốc kiểm soát) đứng thứ 140. Thực trạng tự do báo chí tại Hong Kong được xếp vào loại “khó khăn”, trong khi Trung Quốc đại lục được xếp vào loại “rất nghiêm trọng”.
Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới xếp hạng các quốc gia và khu vực theo 5 hạng mục: bối cảnh chính trị, khuôn khổ pháp lý của khu vực tài phán, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và mức độ an toàn.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lựa chọn các nhà báo, học giả và nhà hoạt động nhân quyền để trả lời bảng câu hỏi của họ về quyền tự do báo chí. Tổ chức này sử dụng phương pháp thống kê định lượng các hành vi ngược đãi đối với giới truyền thông và nhà báo, đồng thời phân tích định tính các quan sát của giới chuyên gia về tự do báo chí, từ đó tính điểm cho từng quốc gia và khu vực.
Báo cáo Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm nay miêu tả Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là “nhà tù lớn nhất thế giới đối với các nhà báo và người ủng hộ tự do báo chí, đồng thời là một trong những nước xuất khẩu nội dung tuyên truyền lớn nhất thế giới”.
Theo báo cáo của RSF, tại Trung Quốc, “các nhà báo và blogger độc lập dám đưa tin ‘nhạy cảm’ thường bị theo dõi, sách nhiễu, giam giữ và trong một số trường hợp còn bị tra tấn”.
Đầu năm 2020, The Epoch Times từng đưa tin rằng ông Phương Bân (Fang Bin), một nhà báo công dân ở Vũ Hán, đã bị chính quyền Trung Quốc bỏ tù vì đưa tin “sai sự thật” về đại dịch COVID-19 ở Vũ Hán. Ba năm sau, vào ngày 30/04, ông được trả tự do nhưng vẫn bị cảnh sát đưa tới đưa lui giữa Bắc Kinh và Vũ Hán. Gia đình ông không dám cho ông trở về nhà do họ bị chính quyền đe dọa. Kết quả là, ông Phương Bân bị buộc phải trở thành người vô gia cư và liên tục bị các đặc vụ mặc thường phục theo dõi.
Một nhà báo công dân khác, bà Trương Triển (Zhang Zhan), cũng bị kết án vì đưa tin về đại dịch ở Vũ Hán và vẫn đang ngồi tù.
Ông Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan), một chuyên gia về Trung Quốc đang sống tại Hoa Kỳ, nói với NTD News vào ngày 05/05: “Điều này [thứ hạng thấp của Trung Quốc] một lần nữa cho thấy rằng dưới chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), việc phát triển kinh tế nhanh chóng không thể mang đến tự do ngôn luận và tư tưởng dân chủ”.
Nga, đồng minh của Trung Quốc, cũng bị tụt hạng trong bảng xếp hạng tự do báo chí năm nay. Nước này đứng thứ 164, kém 9 bậc so với vị trí của họ vào năm ngoái.
Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc), được RSF mô tả là một trong những “nền dân chủ” của thế giới, xếp hạng thứ 35.
Ông Đường Tịnh Viễn nói thêm: “Quyền tự do báo chí ở Trung Quốc tiếp tục đi xuống đáy. Điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng hoạt động đàn áp ngôn luận của ĐCSTQ trong những năm gần đây đã đạt đến tầm cao mới”.
Ông Đường chỉ ra: “Không thể mong đợi ĐCSTQ tự thay đổi bản thân họ”.
Trong chương trình “Wei Yu Sees the World” của đài truyền hình NTD tiếng Trung, bà Chen Weiyu nói: “ĐCSTQ dựa vào súng và bút để cướp chính quyền. Cái gọi là ‘bút’ là hoạt động kiểm soát tin tức và hoạt động tuyên truyền. Lý do tại sao họ coi trọng tin tức và tuyên truyền đến vậy và phải kiểm soát chặt chẽ chúng đến vậy, là vì họ muốn phát tán thông tin sai lệch”. “ĐCSTQ đã xây dựng ‘Vạn Lý Tường Lửa’ với cùng mục đích ấy, đó là ngăn chặn người dân Trung Quốc tiếp cận tin tức và thông tin thực sự”.
Ông Đường nói: “Chừng nào hệ thống của ĐCSTQ chưa tan rã, dân thường và nhà báo sẽ không có ngày nào mà họ có thể thực sự có được tự do ngôn luận”.
Theo The Epoch Times
Thủy Tiên biên dịch