Phát hiện cụm tàu Trung Quốc gần giàn khoan Nga ngoài khơi bờ biển Việt Nam

Francesco Guarascio (Reuters)

Cù Tuấn, biên dịch

Một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tuần tra tại Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp ngày 5 tháng 4 năm 2017. Ảnh: Reuters

Ngày 10 tháng 5 (Reuters) – Theo hai nhóm giám sát cho biết, trong ngày 10/5 một tàu nghiên cứu của Trung Quốc được lực lượng bảo vệ bờ biển và gần chục tàu thuyền hộ tống đã đi vào một lô khí đốt do các công ty nhà nước của Nga và Việt Nam điều hành, vốn là một điểm nóng tiềm ẩn khác ở Biển Đông.

Đây là một trong các động thái quyết đoán gần đây của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước láng giềng, khi nước này thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của mình đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thử thách Hoa Kỳ và các đồng minh của họ vào thời điểm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết mối quan hệ bền chặt giữa Nga và Trung Quốc là yếu tố chính hỗ trợ sự ổn định toàn cầu, nhưng hai nước có những lợi ích xung đột với nhau ở Biển Đông.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc, hai cảnh sát biển và 11 tàu đánh cá đã tiến vào lô 04-03 của Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft của Nga và PetroVietnam, và vẫn ở trong khu vực này khi màn đêm buông xuống, dữ liệu từ hai nhà giám sát tàu độc lập được Reuters xem xét cho thấy.

Tàu Hướng Dương Hồng 10 được bảo vệ chặt chẽ bởi các lớp dân quân biển và hải cảnh TQ. Tàu Việt Nam đang nỗ lực áp sát đội hình tàu Trung Quốc. Ảnh: Marine Traffic

Dữ liệu cho thấy nhóm tàu Trung Quốc cũng ở gần các lô 05-1 B và 05-1 C, được điều hành bởi Idemitsu Oil & Gas, một đơn vị của Idemitsu Kosan (5019.T) của Nhật Bản.

Trung Quốc đã bị cáo buộc sử dụng lực lượng bảo vệ bờ biển và một đội tàu đánh cá được nhiều người coi là lực lượng dân quân để đe dọa và làm gián đoạn các hoạt động khai thác năng lượng, bao gồm cả ngoài khơi Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Bắc Kinh nói rằng họ đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển của mình.

Nhưng động thái trong ngày 10/5 là “bất thường”, theo Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu của Đại học Stanford trên Biển Đông, vì “số lượng lớn các tàu dân quân và tàu bảo vệ bờ biển tham gia”.

“Dường như họ đang gửi thông điệp về quyền tài phán của Trung Quốc đối với các hoạt động dầu khí của Việt Nam”, ông Powell nói và cho biết thêm ít nhất ba tàu kiểm ngư của Việt Nam đã tiến sát các tàu Trung Quốc.

‘QUYỀN TÀI PHÁN CỦA TRUNG QUỐC’

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết những hoạt động đó là “bình thường”.

“Các tàu nghiên cứu khoa học và đánh cá của Trung Quốc thực hiện các hoạt động sản xuất và làm việc bình thường trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc,” Bộ này nói.

Bộ này đã đưa ra nhận xét tương tự vào ngày 9/5 sau khi các tàu Trung Quốc tiếp cận một khu vực nơi hải quân của Ấn Độ và các nước Đông Nam Á tổ chức các cuộc tập trận.

Công ty Idemitsu của Nhật Bản từ chối bình luận. Bộ Ngoại giao Việt Nam và các công ty khác có liên quan đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Ngày 10/5, các tàu Trung Quốc còn cách giàn khoan đang hoạt động của Nhật Bản khoảng 10 hải lý (18 km) và cách giàn khoan Nga-Việt Nam khoảng 20 dặm, theo South China Sea Chronicle Initiative (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập.

Tàu nghiên cứu Trung Quốc đã di chuyển hết tốc lực trước khi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng sau đó giảm tốc độ còn 4-5 hải lý/giờ, cho thấy tàu đang tiến hành khảo sát ở đó, ông Phạm Văn của SCSCI cho biết.

Các cuộc khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia mà không có thông báo trước trong các trường hợp trước đây được coi là mang tính thù địch hoặc khiêu khích.

Các hoạt động trên diễn ra sau các sự cố tương tự vào tháng 3 tại hai lô liên quan đến các công ty Nga ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Việt Nam đã cấp phép hoạt động cho hơn 150 lô khai thác khí đốt tại đây.

Related posts