Huyền Anh
Trong khi cộng đồng quốc tế đang đổ dồn sự chú ý đến những diễn biến trên chiến trường Nga – Ukraine, thì những tương tác ngầm giữa Ấn Độ, Nga và Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của ngoại giới. Ở bên kia Thái Bình Dương, Mỹ chủ động mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sang thăm, điều này có thể phá vỡ thế cân bằng giữa ba nước ở châu Âu và châu Á.
Nhà Trắng ngày 10/5 ra thông cáo cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời Thủ tướng Modi trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ trong tuần thứ ba của tháng 6 tới. Ông Modi là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ 3 được mời tới Hoa Kỳ trong chuyến thăm cấp nhà nước trong nhiệm kỳ của ông Biden, chỉ sau Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Ấn Độ cũng là nước chủ nhà luân phiên của G20 và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (gọi tắt là SCO) trong năm nay.
Điều này có nghĩa là từ tháng 7 đến tháng 9, cơ hội để 3 nhà lãnh đạo Ấn Độ, Mỹ và Nga xuất hiện trong cùng một khung hình tại Ấn Độ sẽ tăng lên đáng kể.
Đồng thời, Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Đối thoại an ninh 4 bên (QUAD – Bộ Tứ) đã diễn ra tại Úc vào ngày 24/5. Trước đó, ông Modi đã gửi lời chúc mừng tới tân Thủ tướng Úc Albanese trên Twitter và ủng hộ những nỗ lực của tổ chức này ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ông Satoru Nagao, một chuyên gia về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và là nhà nghiên cứu tại Viện Hudson ở Washington, gần đây đã nói với Đài VOA rằng Ấn Độ là nước duy nhất trong 4 nước QUAD có xung đột vũ trang với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Tuy nhiên, Ấn Độ năm nay lại là nước chủ nhà của G20 và SCO nên nước này phải “ngoài nóng trong lạnh”, duy trì thái độ ngoại giao thân thiện với Trung Quốc. Vì vậy, 3 nước còn lại của QUAD đặc biệt chú ý đến Ấn Độ, bởi vì nước này là một phần then chốt trong phe chống ĐCSTQ.
Ấn Độ – Nga tăng cường hợp tác thương mại để chống lại ‘Vành đai và Con đường’
Ấn Độ và Nga duy trì mối quan hệ thân thiết từ thời Chiến tranh Lạnh. Sau khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, Ấn Độ tỏ ra e dè trước các biện pháp trừng phạt do các nước G7 áp đặt lên Nga. Trong bối cảnh chiến tranh kéo dài, thương vong của quân đội hai nước sẽ không ngừng tăng lên, cáo buộc của phương Tây đối với Nga ngày càng sâu sắc, liệu Ấn Độ có bỏ rơi Nga?
Ông Sameer Lalwani, một chuyên gia Nam Á tại Viện chính sách Stimson có trụ sở tại Washington, đã viết một bài báo cách đây vài ngày nhấn mạnh rằng trong ngắn hạn và trung hạn, nền tảng của quan hệ Nga – Ấn vẫn vững chắc. Tuy nhiên, về lâu dài, quan hệ Nga – Ấn đang có chiều hướng “lao dốc” khi chuyển từ quan hệ đối tác sang “quan hệ giao dịch”.
Báo Business Standard (Tiêu chuẩn Kinh doanh) của Ấn Độ ngày 1/5 đưa tin, Ấn Độ sẽ tham gia Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg tại Nga trong tháng này và ký một loạt thỏa thuận với Nga nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại trên Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc – Nam (INSTC). Hành lang này dài 7.200 km, chạy từ St Petersburg qua miền Nam nước Nga, Azerbaijan, Iran, đến Mumbai, Ấn Độ
Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Xu hướng Abu Dhabi (Trends Research and Advisory) tin rằng đây chỉ là một trong một chuỗi các sáng kiến quốc tế có sự tham gia của Ấn Độ, và đó rõ ràng là một phần trong chiến lược quốc tế của nước này nhằm chống lại sáng kiến ”Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ĐCSTQ khởi xướng gần đây đã vấp phải những thất bại ở Trung và Nam Âu. Ý, ban đầu là thành viên duy nhất của G7 tham gia sáng kiến này, hiện có khả năng rút lui.
Tám năm trước đứng trước làn sóng đầu tư, Cộng hòa Séc tự gọi mình là “cửa ngõ của Trung Quốc vào châu Âu”. Tuy nhiên, giờ đây vì quan điểm của ĐCSTQ trong vấn đề Ukraine, nước này đã quyết định thu hẹp “cửa ngõ” của mình. Ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva cũng đã thay đổi lập trường của họ đối với ĐCSTQ.
Ông Li Dengke, Giáo sư tại Khoa Ngoại giao tại Đại Học Quốc Lập Chính Trị Đài Loan nói với The Epoch Times vào ngày 8/5 rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề.
“Trung Á hiện đang bất ổn, trong khi Nga và Ukraine lại nổ ra xung đột. Nếu Ấn Độ dốc sức hỗ trợ Nga trong việc thúc đẩy Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc – Nam thì Mỹ cũng có thể có ý kiến. Trong bối cảnh địa chính trị như hiện nay và mối quan hệ giữa Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nga, cơ hội để hiện thức hóa kế hoạch này là không cao”.
Ông Li Dengke cho rằng trong nhiều thập kỷ, Ấn Độ đã duy trì chính sách đối ngoại truyền thống là “không liên kết”, do đó, họ sẽ không dễ dàng khuất phục trước bất kỳ cường quốc nào. Ông lập luận rằng về cơ bản đó là chính sách ngoại giao bình đẳng mà nước này theo đuổi để tìm kiếm lợi ích lớn nhất cho mình.
Một nhà ngoại giao giấu tên làm việc tại Ấn Độ nói với The Epoch Times rằng Ấn Độ và Nga vẫn rất khó hiện thực hóa Hành lang Giao thông Quốc tế Bắc – Nam và dự án này sẽ rất tốn kém.
“Ấn Độ đang tích lũy sức mạnh và nỗ lực hết mình để xây dựng nền kinh tế của riêng mình với mục tiêu trở thành một cường quốc trên thế giới và tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc”.
Cơn khát dầu Nga tại Ấn Độ
G7 và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga từ ngày 5/12/2022, buộc Nga phải bán với giá thấp hơn nhằm “bóp nghẹt” lợi nhuận của nước này. Do đó, người mua đã chuyển từ châu Âu sang châu Á, trong đó khối lượng lớn dầu của Nga được chuyển đến Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi một lượng nhỏ hơn được chuyển đến Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đây, do chi phí vận chuyển đắt đỏ nên Ấn Độ hiếm khi mua dầu từ Nga. Tuy nhiên, sau khi giá dầu của Nga sụt giảm, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Nga đã tăng trong vòng 7 tháng liên tiếp. Nga đã thay thế Iraq trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ và các nhà máy lọc dầu của nước này tiếp tục tăng cường xuất khẩu dầu diesel và nhiên liệu máy bay sang châu Âu.
Ông Liu Hsiao-hsiang, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) của Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ban đầu dự định chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây và cấm bán dầu cho các nước áp đặt giá trần dầu Nga. Tuy nhiên, ngày 28/4, Tổng thống Nga Putin đã ký sắc lệnh miễn áp dụng quy định cấm bán dầu của Nga liên quan tới những hợp đồng hiện tại với “các nước và doanh nghiệp thân thiện”.
Sự thay đổi thái độ của ông Putin cho thấy rằng dưới áp lực kinh tế của phương Tây, Nga buộc phải mở rộng xuất khẩu dầu mỏ.
Ông Liu phân tích rằng, xét về hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ, việc tái chế và bán dầu thô từ Ấn Độ sang các nước phương Tây cũng như các kênh bán hàng khứ hồi vẫn còn khoảng cách. Trong trường hợp tìm được người mua và nhà cung cấp phù hợp thì quan hệ Ấn Độ – Nga sẽ được duy trì ở mức độ ổn định.
Gần đây, Moscow nhận thấy rằng nỗ lực thương thảo giao dịch thương mại song phương bằng đồng rupee của Ấn Độ là “không thỏa đáng”.
Ông Liu Xiaoxiang cho biết: “Nga và Ấn Độ có một số mâu thuẫn về cơ chế thanh toán năng lượng. Nga lo ngại rằng việc nắm giữ quá nhiều đồng rupee của Ấn Độ sẽ mang lại rủi ro lớn. Bất kể hai nước sử dụng đồng tiền nào để thanh toán trong tương lai thì dầu mỏ của Nga vẫn sẽ được vận chuyển đến phương Đông với tốc độ chóng mặt”.
Tờ Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ hôm 2/5 cho hay, chính quyền ông Biden quyết định giữ im lặng trước cách tiếp cận của Ấn Độ vì Mỹ đang đẩy mạnh nỗ lực để kéo Ấn Độ về phía mình trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Manoj Joshi, chuyên gia về chính trị quốc tế tại Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ, cho biết, xét về quy mô và tiềm năng, Ấn Độ là quốc gia duy nhất ở châu Á có thể sánh ngang với Trung Quốc.
Ấn Độ và Hoa Kỳ tăng cường hợp tác về vũ khí
Ấn Độ là nước mua nhiều vũ khí của Nga nhất thế giới. Doanh số bán vũ khí cho Ấn Độ chiếm khoảng 20% số đơn đặt hàng hiện tại của Nga, nhưng Mỹ đang bắt kịp đà này để trở thành nhà cung cấp hệ thống vũ khí lớn thứ hai của Ấn Độ.
Tờ Eurasia Times từng mô tả rằng tại cuộc duyệt binh của Ấn Độ hồi năm ngoái, các binh sĩ Ấn Độ cầm trên tay khẩu súng trường SiG 716 tối tân, trong khi những chiếc trực thăng “Apache” gầm rú trên đầu họ.
Ở đâu đó trên quần đảo Andaman, trực thăng Seahawk và chiến đấu cơ chống ngầm P-8 Poseidon đang phối hợp trên không trung. Trong khi đó, ở vùng cao nguyên của dãy Himalaya, Lục quân Ấn Độ (ở độ cao 4.570 mét) đang sử dụng radar trinh sát pháo binh AN/TPQ-3 “Fire Finder” để giám sát khu vực địa phương. AN/TPQ-36 Firefinder là một radar phản pháo tầm ngắn có tính cơ động cao với phạm vi phát hiện lên tới 24 km. Điểm chung của những loại vũ khí này là chúng đều được sản xuất tại Mỹ.
Ông phân tích, Ấn Độ cũng hiểu rõ rằng việc phụ thuộc vào vũ khí của Nga là một điểm yếu chí mạng, đồng thời nước này cũng đang cố gắng phân tán việc mua sắm vũ khí để đa dạng hóa nguồn cung khí tài. Tuy nhiên, do việc tái trang bị trên quy mô lớn đi kèm với nhiều vấn đề khác nên nỗ lực này sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian.
Một yếu tố khác đằng sau việc tái trang bị vũ khí của Ấn Độ bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết giữa Trung Quốc và Nga sau khi nổ ra chiến tranh Nga – Ukraine. Điều này khiến Ấn Độ không khỏi lo ngại.
Đài CNBC đưa tin, Giáo sư Sreeram Chaulia, Hiệu trưởng Trường Quan hệ Quốc tế Jindal nói rằng việc Moscow ngày càng xích lại gần Trung Quốc không phải là tín hiệu tốt đối với nhu cầu an ninh quốc gia của Ấn Độ.
Trong khi đó, ông Harsh V Pant, người đứng đầu chương trình nghiên cứu chiến lược tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát (Observer Research Foundation) tại thủ đô New Delhi, cho biết các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang “theo dõi sát sao” tình hình.
Theo nguồn tin từ hãng thông tấn nhà nước Nga hồi tháng 2, Nga đã cung cấp cho Ấn Độ số vũ khí trị giá khoảng 13 tỷ USD trong 5 năm qua, trong khi Ấn Độ đã đặt hàng vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 10 tỷ USD.
Tại Triển lãm Hàng không Ấn Độ hồi tháng 2 năm nay, cả Mỹ và Pháp đều điều các máy bay chiến đấu tiên tiến để giành được đơn đặt hàng từ Pháp. Trong khi đó, Nga cũng đưa ra đề xuất xuất khẩu tàu ngầm diesel-điện lớp Amur dựa trên kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm P-75I của Ấn Độ.
Tờ Wall Street ngày 2/3 đưa tin Ấn Độ sắp thông qua thỏa thuận mua máy bay không người lái vũ trang tầm cao từ Hoa Kỳ nhằm tìm cách duy trì lập trường cứng rắn hơn về vấn đề biên giới Trung – Ấn.
Xung đột Trung Quốc – Ấn Độ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Mối quan hệ giữa Ấn Độ, Nga và Hoa Kỳ vẫn diễn ra tốt đẹp, nhưng mối quan hệ với ĐCSTQ thì không.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã gặp người đồng cấp Ấn Độ Jaishankar vào ngày 4/5. Ông cam kết sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Tuy nhiên, ông Jaishankar nói với hãng tin AP sau cuộc gặp rằng nếu biên giới bị xáo trộn, thì mối quan hệ giữa hai nước sẽ không thể bình thường được nữa.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Singh cũng phớt lờ người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc khi bắt tay các Bộ trưởng Quốc phòng khác trong cuộc họp cấp Bộ trưởng.
Xung đột đẫm máu nổ ra ở biên giới Trung – Ấn năm 2020 đến nay vẫn ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Một tháng trước, ĐCSTQ đã tự ý đổi tên các địa điểm ở biên giới Trung – Ấn và đổi tên 10 địa điểm trong khu vực tranh chấp Arunachal Pradesh. Đây là khu vực mà phía Trung Quốc gọi là “Zangnan” hay “Nam Tây Tạng”.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định, Arunachal Pradesh sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ.
Ông Li Dengke, Giáo sư Khoa Ngoại giao tại Đại học Quốc lập Chính Trị Đài Loan phân tích, kể từ khi thành lập SCO vào năm 2001 với 6 quốc gia, đến nay SCO đã có 8 quốc gia thành viên.
Mặc dù diện tích lãnh thổ của các quốc gia thành viên tham gia chiếm 3/5 tổng diện tích lục địa Á – Âu với tổng dân số lên tới 3,4 tỷ người, “nhưng trên thực tế, hoạt động của các quốc gia này thực sự mờ nhạt, và có rất ít kế hoạch được xúc tiến thành công”.
Ông Li Dengke kết luận rằng hai tranh chấp lớn, xung đột Trung – Ấn và xung đột Ấn Độ – Pakistan, khó có thể được giải quyết trong khuôn khổ SCO.
“Nội bộ lục đục, tranh chấp không thể giải quyết êm thấm, điều này cho thấy ảnh hưởng của SCO đối với lĩnh vực chính trị và kinh tế trên trường quốc tế còn hạn chế. Suy cho cùng, SCO chỉ là nơi để các nhà lãnh đạo gặp gỡ và liên lạc thường xuyên”.
Huyền Anh tổng hợp