Ngày 20/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra mắt một mạng lưới toàn cầu để giúp nhanh chóng phát hiện mối đe dọa từ các bệnh truyền nhiễm như COVID-19 và chia sẻ thông tin để ngăn chặn sự lây lan của chúng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh minh họa: Getty Images)
Cơ quan này cho hay, Mạng lưới giám sát mầm bệnh quốc tế (IPSN) sẽ cung cấp một nền tảng để kết nối các quốc gia và khu vực, cải thiện các hệ thống thu thập và phân tích mẫu.
IPSN được xây dựng nhằm mục đích giúp đảm bảo việc xác định và theo dõi các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm diễn ra nhanh chóng, đồng thời chia sẻ thông tin và phối hợp hành động để ngăn chặn các thảm họa như đại dịch COVID-19.
Mạng lưới này sẽ dựa vào bộ gen của mầm bệnh để phân tích mã di truyền của virus, vi khuẩn và các sinh vật gây bệnh khác từ đó biết được mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của mầm bệnh cũng như cách thức chúng lây lan.
Dữ liệu được thu thập sẽ đưa vào một hệ thống giám sát dịch bệnh rộng lớn hơn để xác định và theo dõi các bệnh, nhằm ngăn chặn các đợt bùng phát dịch và phát triển các phương pháp điều trị cũng như vaccine.
Các mục tiêu “đầy tham vọng
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã ca ngợi các mục tiêu “đầy tham vọng” của IPSN, rằng mạng lưới này có thể “đóng một vai trò quan trọng trong an ninh y tế”.
Ông tuyên bố: “Như đã được chứng minh rõ ràng trong đại dịch COVID-19, thế giới sẽ mạnh mẽ hơn khi sát cánh cùng nhau để chống lại các mối đe dọa y tế chung.”
IPSN được công bố một ngày trước cuộc họp thường niên của các quốc gia thành viên WHO tại Geneva. Đây là sáng kiến mới nhất trong một số sáng kiến được đưa ra kể từ sau đại dịch COVID-19 nhằm tăng cường khả năng của thế giới trong việc ngăn chặn và ứng phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa từ đại dịch.
IPSN sẽ tập hợp các chuyên gia về bộ gen và phân tích dữ liệu, từ các chính phủ, cơ sở nghiên cứu và đào tạo, học viện, hay các khu vực tư nhân.
Cơ quan này cho biết: “Tất cả đều có chung một mục tiêu, đó là phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh tật trước khi chúng trở thành dịch bệnh và đại dịch, đồng thời tối ưu hóa hoạt động giám sát bệnh tật thông thường.”
WHO cũng nhấn mạnh: “Bộ gen đóng vai trò trung tâm trong việc chuẩn bị và ứng phó với đại dịch và đại dịch một cách hiệu quả”, đồng thời lưu ý thêm rằng nó cũng rất quan trọng để giám sát một loạt bệnh, từ cúm đến HIV.
Trong khi đại dịch thúc đẩy các quốc gia mở rộng quy mô năng lực bộ gen của họ, cơ quan này cảnh báo nhiều nước vẫn thiếu các hệ thống thu thập và phân tích mẫu hiệu quả.
IPSN sẽ giúp giải quyết những thách thức như vậy, ông Tedros khẳng định, vì nó có thể “cung cấp cho mọi quốc gia quyền truy cập vào trình tự và phân tích bộ gen của mầm bệnh như một phần của hệ thống y tế công cộng”.
Nhật Minh (Theo AFP)