Phát biểu vào ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản hôm Chủ nhật (21/5), Thủ tướng Vương Quốc Anh Rishi Sunak nhận định chính quyền Trung Quốc đã đặt ra thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu.
Ông lập luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có đầy đủ các phương tiện và kế hoạch để tái định hình trật tự thế giới, nhưng các nền kinh tế lớn khác không nên tìm cách tách rời hoàn toàn khỏi Trung Quốc.
Thủ tướng Anh: ĐCSTQ là thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu
Theo nguồn tin của tờ Reuters, The Guardian của Anh và các phương tiện truyền thông khác, sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã nói với giới truyền thông rằng: “Trung Quốc đặt ra thách thức lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu trong thời đại của chúng ta. Họ ngày càng độc đoán ở cả trong và ngoài nước. Và Trung Quốc có các phương tiện và nỗ lực để định hình lại trật tự thế giới”.
Thủ tướng Sunak cho biết Vương Quốc Anh và các nước G7 khác sẽ tìm kiếm một phản ứng chung để giảm bớt thách thức do Trung Quốc đặt ra.
Tờ The Guardian đưa tin rằng sự đồng thuận của G7 là quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc nên tìm cách “giảm thiểu rủi ro” hơn là “xóa liên kết”. Đồng thời, G7 đang thực hiện các biện pháp ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng cưỡng chế kinh tế để can thiệp vào vấn đề chủ quyền của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, khi ông Sunak mô tả mối đe dọa mà ĐCSTQ gây ra cho thế giới, ông đã táo bạo hơn so với tuyên bố của hội nghị thượng đỉnh G7 và coi Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu nghiêm trọng hơn Nga.
Tờ The Guardian dẫn lời ông Sunak cho hay: “G7 và các quốc gia khác cần đảm bảo rằng chúng tôi có thể giảm thiểu rủi ro cho chính mình và khả năng dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã thấy từ Trung Quốc. Ngoài ra, G7 cũng thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chính mình trước đầu tư thù địch và làm sao để không gây thiệt hại lẫn nhau (giữa các nước G7)”.
Ông Sunak cũng được hỏi liệu các nước G7 đã đủ nỗ lực để đáp các ứng thách thức từ Trung Quốc hay chưa. Các quốc gia G7 đã ra tuyên bố về Bắc Kinh và đồng ý thiết lập một cơ chế mới để chống lại “sự cưỡng ép kinh tế” của Trung Quốc và các nước khác.
Bên cạnh đó, ông Sunak phản hồi rằng ông không đồng ý với quan điểm cho rằng G7 không có hành động cụ thể nào. Ông lập luận: “Có một quyết tâm và sự thống nhất hoàn toàn trong G7, trước hết chỉ là nhận ra thách thức mang tính hệ thống mà Trung Quốc đặt ra cho trật tự thế giới. Đây là quốc gia duy nhất có cả phương tiện và ý định định hình lại trật tự thế giới”.
Thủ tướng Anh còn cho hay, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về việc “đảm bảo rằng công nghệ quan trọng liên quan đến an ninh của chúng ta không bị rò rỉ sang Trung Quốc”.
“Tất cả những điều này là nhằm loại bỏ rủi ro chứ không phải tách rời. Với G7, chúng tôi đang thực hiện các bước để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng vũ lực kinh tế để can thiệp vào các vấn đề chủ quyền của nước khác”.
Tuyên bố của G7 cho biết quan hệ với Trung Quốc là một thách thức, không phải là mối đe dọa. Tuy nhiên tuyên bố của G7 cũng có nội dung thúc giục Trung Quốc “không tham gia vào các hoạt động can thiệp” và bày tỏ quan ngại về các vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.
Tuyên cho biết các nước G7 có “mối quan ngại nghiêm trọng” về các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và kêu gọi Bắc Kinh sử dụng đòn bẩy với Moscow để buộc quân đội Nga rút khỏi Ukraine.
G7 ra mắt ‘Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế’
Tại hội nghị thượng đỉnh G7, ông Rishi Sunak cũng chủ trì một cuộc họp tập trung vào an ninh kinh tế và G7 cũng lần đầu tiên đưa ra tuyên bố của các nhà lãnh đạo về “khả năng phục hồi kinh tế và an ninh kinh tế” trong năm nay.
Đáng chú ý là G7 đã công bố ra mắt “Nền tảng Hợp tác G7 về Áp bức Kinh tế” (Coordinator Platform on Economic Coercion) nhằm nâng cao năng lực của các nước trong việc đánh giá, chuẩn bị, ngăn chặn và ứng phó với các hành vi cưỡng ép kinh tế; đồng thời thúc đẩy hơn nữa hợp tác với các đối tác quốc tế bên ngoài các quốc gia G7.
Tuyên bố đề cập rằng nền tảng sẽ sử dụng các cơ chế như cảnh báo sớm, chia sẻ thông tin theo thời gian thực và tham vấn thường xuyên để điều phối hành động của tất cả các bên và khi cần thiết sẽ thực hiện các biện pháp đối phó với sự ép buộc kinh tế với tiền đề tuân thủ luật pháp và quy định quốc gia . Ngoài ra, các nước G7 có ý định thực hiện các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với các quốc gia, nền kinh tế và thực thể gặp phải sự ép buộc kinh tế.
Thủ tướng Anh cũng đã đưa ra một tuyên bố trước khi chủ trì cuộc họp về an ninh kinh tế của hội nghị thượng đỉnh G7 vào ngày 20/5. Theo đó, ông nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đang tham gia vào cuộc cạnh tranh chiến lược có tính chất phối hợp.
Ông cũng kêu gọi các nước G7 hợp tác và tránh “sự cạnh tranh giữa những người bạn” để đẩy nhanh việc thúc đẩy sự thịnh vượng và đổi mới cũng như giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia độc tài.
Huyền Anh tổng hợp