Anne Zhang và Cathy Yin-Garton
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, triển vọng việc làm vẫn không có dấu hiệu khởi sắc đối với sinh viên tốt nghiệp đại học của Trung Quốc.
Trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường việc làm tăng lên đáng kể, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ — nguồn tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp chính yếu — đã phải đóng cửa hàng loạt do chính sách “zero COVID” kéo dài ba năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Do đó, những cử nhân mới tốt nghiệp hiện đang phải chịu áp lực tìm việc làm chưa từng có trước đây.
Hôm 11/05, ông Đinh Tiết Tường (Ding Xuexiang), phó thủ tướng của Quốc Vụ viện, đã diễn thuyết trong một buổi hội nghị truyền hình về việc làm và tinh thần khởi nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Căn cứ vào thực trạng ảm đạm của thị trường việc làm Trung Quốc, ông kêu gọi các nhà lập pháp thực hiện các chính sách việc làm ổn định để trợ giúp những sinh viên mới tốt nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Bộ Giáo dục ước tính rằng số lượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học năm nay sẽ đạt 11.58 triệu người, tăng 820,000 người so với năm 2022. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn khi số lượng sinh viên tốt nghiệp ở ngoại quốc trở về Trung Quốc làm việc mỗi năm ngày càng tăng. Năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp trở về từ ngoại quốc đã vượt quá 1 triệu người.
Tháng trước (04/2023), Đại học Hải dương Thượng Hải, được xem là một trường đại học thuộc dự án “Song Nhất Lưu” hay trường đại học hàng đầu, tiết lộ thực trạng việc làm đáng báo động trong một cuộc hội thảo. Tính đến hôm 11/04, tỷ lệ việc làm trung bình của sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân ở Thượng Hải là 24.1%, và đối với sinh viên tốt nghiệp có bằng sau đại học là 40.66%. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp của trường đại học này thấp hơn mức trung bình của các trường đại học ở Thượng Hải.
Cục Thống kê Quốc gia của ĐCSTQ đã công bố một báo cáo về tình hình việc làm của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay. Báo cáo đó cho biết hồi tháng Ba, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên thành thị từ 16 đến 24 tuổi đã tăng lên 19.6%. Trong tháng Một và tháng Hai, tỷ lệ thất nghiệp trung bình của nhóm này lần lượt là 17.3% và 18.1%. Tuy nhiên, nếu xét đến lịch sử báo cáo sai sự thật và che đậy thông tin của ĐCSTQ, thì con số thực tế có thể cao hơn.
Trong một hội thảo nghiên cứu về “việc làm ổn định” do Quốc Vụ viện tổ chức hồi tháng Tư, các quan chức đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo dữ liệu chính thức, hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 50% trong nguồn thu thuế của Trung Quốc, hơn 60% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hơn 70% trong đổi mới công nghệ, hơn 80% trong việc làm lao động đô thị, và hơn 90% trong tổng số doanh nghiệp.
Năm nay, nhiều trường đại học Trung Quốc đã liên tiếp công bố “Báo cáo Chất lượng Việc làm của Sinh viên Tốt nghiệp năm 2022,” cho thấy các công ty tư nhân là nguồn tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hàng đầu. Tại nhiều trường, số lượng sinh viên tốt nghiệp được các doanh nghiệp tư nhân tuyển dụng vượt xa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Theo dữ liệu năm 2022, tại Đại học Giao Thông Thượng Hải, gần 46% sinh viên tốt nghiệp với bằng cử nhân có việc làm trong các doanh nghiệp tư nhân, trong khi 35% tìm được việc làm trong các doanh nghiệp nhà nước. Trong số những sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng cao học, thì 49% gia nhập các công ty tư nhân, gần như gấp đôi tỷ lệ (24%) gia nhập các doanh nghiệp nhà nước.
Tại Đại học Bắc Hàng (BUAA, một trường đại học nghiên cứu về Hàng không và Du hành vũ trụ), thì 35.8% sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân, trong khi 28.4% làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước. Trong số những sinh viên tốt nghiệp bằng cao học, thì 36.4% gia nhập các công ty tư nhân, vượt qua tỷ lệ sinh viên gia nhập các doanh nghiệp nhà nước (22.5%).
Tại Đại học Đông Bắc, 43.5% sinh viên tốt nghiệp bằng cử nhân gia nhập các doanh nghiệp tư nhân, trong khi 40.1% tìm được việc làm trong các doanh nghiệp nhà nước.
Tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, một nửa số sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân đã làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân.
Tại Đại học Tây Bắc A&F, 53% sinh viên tốt nghiệp có bằng cử nhân và 43.6% sinh viên có bằng cao học tham gia vào các doanh nghiệp tư nhân.
Triển vọng ảm đạm cho các công ty Trung Quốc
Tuy nhiên, tình hình của các doanh nghiệp tư nhân năm nay không khả quan.
Mặc dù giới quan chức của ĐCSTQ vẫn đang rao giảng là Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn phục hồi kinh tế, nhưng các báo cáo trong tháng Tư của họ đã thừa nhận những thách thức mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt, chẳng hạn như nhu cầu của người tiêu dùng thấp, dòng tiền eo hẹp, cũng như áp lực trong việc thay đổi phương thức kinh doanh để thích ứng với các điều kiện thị trường.
Theo tờ Nam Hoa Tảo Báo, số liệu thống kê cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2021, khoảng 4.37 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã đóng cửa vĩnh viễn, gấp hơn ba lần số doanh nghiệp mới mở trong cùng thời kỳ. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã hủy ghi danh trong năm 2020 đạt mức cao lịch sử là 4.45 triệu, gần gấp đôi so với năm 2019 và gấp khoảng 10 lần so với năm 2018.
Ông Mạnh Quân (Meng Jun), một doanh nhân tư nhân ở Trung Quốc đại lục mới nhập cư vào Hoa Kỳ, chia sẻ trong tập phát sóng ngày 13/05 của chương trình “Elite Forum” (Diễn đàn Tinh hoa) trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times, rằng khoảng một nửa số công ty trong khu công nghiệp nơi ông đặt nhà máy đang trên bờ vực đóng cửa hoặc không thể hoạt động trở lại.
Ông Mạnh cho hay, kêu gọi tài chính không phải là chuyện dễ dàng. Khởi động lại hoạt động kinh doanh sau khi ngừng hoạt động nhà máy cần phải có vốn. Tuy nhiên, việc vay vốn ở Trung Quốc luôn là sự thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ thường tìm kiếm các khoản vay từ các ngân hàng nhỏ hơn với lãi suất cao hơn để bảo đảm có tiền. Các ngân hàng quốc doanh thường không cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay mà thường cho các doanh nghiệp nhà nước vay. Do đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc đang phải gắng gượng sau đại dịch.
Ông Mạnh cho biết sau Tết Nguyên Đán, nhiều bằng hữu của ông trong khu công nghiệp đã hỏi thăm nhau xem doanh nghiệp của họ hoạt động trở lại chưa. Câu trả lời là chưa vì không có đơn đặt hàng.
Ông Mạnh cũng chia sẻ về hành trình gian khổ của việc điều hành một doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc. Do các đợt phong tỏa và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh hà khắc, công ty của ông, với doanh thu 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 43.47 triệu USD), đã phá sản.
Ông Mạnh cho biết hoạt động kinh doanh xuất cảng sản phẩm mủ cao su của ông đã từng đạt đến thời kỳ hoàng kim vào năm 2017 và năm 2018 khi có nhiều đơn đặt hàng hơn. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2020, nhà máy của ông đã đóng cửa rất nhiều lần. Ngay cả khi có một ca dương tính với COVID-19 được báo cáo trong cộng đồng, thì cả khu vực đó sẽ bị phong tỏa hoàn toàn và phải được xét nghiệm acid nucleic toàn diện. Đến cuối năm 2021, ông cảm thấy việc mở lại công việc kinh doanh của mình không còn giá trị nữa, vì vậy ông đã đóng cửa các hoạt động kinh doanh của mình ở Quảng Tây, Bắc Kinh, và Trùng Khánh.
Ông Thạch Sơn (Shi Shan,) một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận các vấn đề thời sự, nói với NTD rằng cả ba động lực của nền kinh tế Trung Quốc — xuất cảng, tiêu dùng, và đầu tư — đều gặp phải các vấn đề, và tình hình kinh tế đang thực sự rơi vào khủng hoảng.
Cẩm An biên dịch