Khảo sát hơn 9.500 doanh nghiệp, trên 82% phải thu hẹp sản xuất, ngừng kinh doanh

Dù gặp kinh tế khó khăn nhưng có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả. (Ảnh minh họa: baotuyenquan.com.vn)

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khảo sát hơn 9.500 doanh nghiệp thì có tới hơn 7.600 đơn vị (tỷ lệ 82,3%) cho biết phải tiếp tục thu hẹp sản xuất, ngừng kinh doanh trong nửa cuối năm 2023. Bên cạnh đó, chỉ có 4% doanh nghiệp đánh giá kinh tế tích cực, còn lại đa số cho rằng triển vọng kinh tế ở mức tiêu cực hoặc suy thoái nặng.

Khảo sát nói trên được Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để phản ánh về tình hình đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

Theo đó, có 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát thì có tới hơn 7.600 đơn vị (tỷ lệ 82,3%) phải giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến ngừng kinh doanh, chờ giải thể là 10,9%; dự kiến tạm ngừng kinh doanh 12,4%; dự kiến giảm mạnh quy mô là 38,5% và dự kiến giảm nhẹ quy mô là 20,5%.

Còn các doanh nghiệp còn hoạt động trong năm 2023, có tới 71,2% dự kiến cắt giảm lao động trên 5%, trong đó có 22,2% dự kiến giảm trên 50%.

Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, trong đó tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Niềm tin của doanh nghiệp đối với kinh tế vĩ mô, kinh tế ngành trong bối cảnh này đặc biệt thấp.

Theo Ban IV, có đến 81,4% doanh nghiệp được khảo sát có đánh giá tiêu cực/rất tiêu cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023.

Chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho là tích cực, còn 83,7% doanh nghiệp đánh giá triển vọng kinh tế ngành năm 2023 là tiêu cực/rất tiêu cực, trong đó có 29,6% là rất tiêu cực (suy thoái nặng).

Những khó khăn mà doanh nghiệp đang đối mặt, đó là tình hình đơn hàng (59,2%); tiếp cận vốn vay (51,1%); thực hiện thủ tục hành chính và quy định pháp luật (45,3%) cùng nỗi lo nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).

Đáng chú ý, dù gặp kinh tế khó khăn nhưng có đến 84% doanh nghiệp đánh giá hiệu quả điều hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương ở mức kém hiệu quả.

Doanh nghiệp kiến nghị đưa thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp xuất khẩu về mức 5-10% để tạo sức cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác.

Hạn chế thanh kiểm tra doanh nghiệp, không ban hành thêm văn bản mới tạo gánh nặng chi phí, thủ tục. Có cơ chế pháp lý rõ ràng với các chính sách liên quan tới hỗ trợ doanh nghiệp.

Related posts