Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo có thể cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh do sự can dự đáng kể của London vào cuộc xung đột ở Ukraine, theo hãng tin RT.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao Nga ngày 26/5 cảnh báo việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Vương quốc Anh sẽ là một “biện pháp cực đoan”, nhưng Moscow có thể sẽ thực hiện bước đi này khi cân nhắc sự can dự đáng kể của London vào cuộc xung đột Ukraine.
Tạp chí Wall Street Journal (WSJ) đã đưa tin vào tuần trước rằng, “các lực lượng đặc biệt của Anh từ các trung đoàn SAS và SRR của Quân đội Anh và các đơn vị SBS của Hải quân đang hoạt động rất gần tiền tuyến” ở Ukraine. Quân nhân Anh không trực tiếp tham gia chiến đấu với quân đội Nga, “nhưng ảnh hưởng chỉ đạo của họ đối với hoạt động của lực lượng đặc biệt Ukraine thể hiện rõ trong các hoạt động phá hoại mà Ukraine đã tiến hành nhằm vào đường sắt, sân bay, nhiên liệu và các điểm hậu cần khác của Nga”, tờ báo của Mỹ cho biết.
Đài RT đã đề nghị Bộ Ngoại giao Nga bình luận về bài báo trên, với câu hỏi liệu Moscow có thể xác minh các tuyên bố của WSJ hay không và nếu được xác nhận, liệu điều này có thể dẫn đến việc cắt đứt quan hệ với Anh hay không.
Trong một phản hồi vào ngày 26/5, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, họ “biết rõ những nỗ lực nhất quán của London nhằm cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kyiv”.
Sự hỗ trợ của Anh bao gồm cung cấp phần cứng quân sự sản xuất trong nước và nước ngoài cho Ukraine, huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh và các nơi khác ở châu Âu, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ tư vấn và “có khả năng tham gia vào kế hoạch tác chiến – chiến thuật của quân đội [Ukraine], bao gồm phá hoại, các hoạt động khác, cung cấp trực tiếp an ninh mạng, và triển khai lính đánh thuê”, theo tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga.
“Chúng tôi không thể loại trừ khả năng người Anh đã tham gia vào việc lập kế hoạch, tổ chức và hỗ trợ các cuộc tấn công khủng bố do Kyiv thực hiện trên lãnh thổ Nga, bao gồm cả việc cung cấp thông tin tình báo”, tuyên bố cho biết thêm.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine thường bác bỏ vai trò liên quan hoặc không thừa nhận trách nhiệm trong các vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng họ đã triệu tập Đại sứ Anh tại Moscow, Deborah Bronnert vào mùa thu năm ngoái, sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của hải quân Ukraine vào các tàu Nga ở cảng Sevastopol, Crimea. Các nhà ngoại giao Nga đã lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” Đại sứ Bronnert về “sự tham gia tích cực của các chuyên gia quân sự Anh trong việc huấn luyện và cung cấp cho các đơn vị thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của Ukraine, bao gồm cả việc thực hiện các hoạt động phá hoại trên biển”, tuyên bố trên cho biết.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, Moscow có quyền đáp trả hành vi như vậy của Anh vào thời điểm và địa điểm do họ lựa chọn, đồng thời khẳng định rằng “mọi trách nhiệm đối với hậu quả của các hoạt động phá hoại của London hoàn toàn thuộc về những kẻ chủ mưu và thủ phạm của những hành động liều lĩnh đó”.
Về khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với London, “đây rõ ràng là một biện pháp cực đoan không thể loại trừ khi tính đến tổng thể tất cả các yếu tố”, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.