“Chúng tôi hình dung về việc này khi nó khởi động như thế nào đó để gặt hái thành quả lớn nhất từ cuộc chiến,” ông Danilov nói với phóng viên BBC và giải thích tại sao ông không thể đưa ra ngày cụ thể. “Nó có thể xảy ra ngày mai, ngày kia, hoặc sau 1 tuần. Sẽ là kỳ lạ nếu tôi chỉ ra đó là ngày nào để khởi động sự kiện này hoặc sự kiện khác, điều đó không thể được.”
Khi được hỏi rằng Ukraine có sẵn sàng không, thì ông trả lời rằng “chúng tôi sẵn sàng; giống như chúng tôi luôn luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc mình vào bất cứ lúc nào. Mà đây không phải là vấn đề thời gian.”
Sau đó ông ví đây là cơ hội mà Chúa ban cho Ukraine, và có lẽ đó là cơ hội duy nhất, “Hãy hiểu rằng đây là cơ hội của lịch sử, cơ hội mà Chúa ban cho chúng tôi. Chúng tôi không thể thất bại, và chúng tôi sẽ trở thành một quốc gia độc lập và lớn của Châu Âu.”
Nói về cơ hội và vinh danh Đức Chúa —một cơ hội của một giải pháp khác— hồi đầu tháng này, trong cuộc phỏng vấn với đài Svoboda RFE/RL, ông đã phủ nhận nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Giáo hoàng Francis, và miêu tả hành động đó là “ai đó nghĩ rằng có thể đồng ý về điều gì đó sau lưng chúng tôi”, mặc dù ông khẳng định cá nhân “tôi kính trọng Giáo hoàng vì chức vị và tuổi tác của ông ấy.”
Là thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, ông Danilov là trung tâm của nội các chiến tranh trên thực tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Cuộc phỏng vấn với BBC đã bị gián đoạn bởi một tin nhắn điện thoại từ Tổng thống Zelensky triệu tập ông đến một cuộc họp để thảo luận về cuộc phản công.
Theo những gì ông Danilov chia sẻ, thì quân đánh thuê Wagner quả thực đã rút khỏi trấn Bakhmut như họ tuyên bố, nhưng điều đó không có nghĩa là “họ sẽ ngừng chiến đấu với chúng tôi” vì theo ông, Wagner đã di chuyển và tập trung ở 3 địa điểm khác.
Theo ông, chính quyền Kyiv “hoàn toàn bình tĩnh” về việc Nga bắt đầu triển khai vũ khí hạt nhân tới Belarus, nói rằng: “Đối với chúng tôi, đó không phải là một tin tức gì cả.”
Hãng tin BBC cũng nhắc tới việc đất nước của mình, Anh quốc, vẫn tiếp tục dẫn đầu trong một số hạng mục cung cấp vũ khí cho chiến trường Ukraine, cụ thể là các vũ khí tầm xa.
Thông điệp Kyiv kiên trì với kế hoạch phản công của ông Danilov là thông điệp nhất quán từ các cấp chính quyền Kyiv. Tuy có khác nhau không nhỏ về việc lý giải rằng chiến dịch này đã chính thức diễn ra hay chưa, nhưng giới chức Kyiv đều nhất trí ở quyết tâm dùng quân sự để giải quyết xung đột ở Ukraine, trong khi các đồng minh Âu Mỹ tuyên bố sẽ ủng hộ “as long as it takes” (“đến cùng” hoặc “chừng nào còn khả dĩ” tùy cách hiểu) chính quyền Kyiv trong vấn đề này.
Theo bài viết của BBC, chính quyền Kyiv đang ở những bước cuối cùng để tung ra đòn tấn công mang tính quyết định chiến cuộc, còn quân Nga đang ở thế bị động với các nỗ lực phòng thủ.
Chi tiết này trái ngược với những dự đoán trước đó. Khi phương tây phân tích rằng tại sao chính quyền Kyiv phải tử thủ Bakhmut, đã giải thích nhiều lần rằng sau khi Nga thành công chiếm được Bakhmut, thì rất có thể Nga sẽ tiếp tục mở rộng tấn công.
“Pháo đài” Bakhmut ở chiến tranh Ukraine đã được ví như Stalingrad trong giao tranh với Đức Quốc xã thời Đại Thế chiến II. Năm đó Hitler đã đổ rất nhiều công sức vào Stalingrad, và thất bại ở chiến trường trọng điểm đó đã trở thành điểm xoay chuyển tình thế. Về chiến tranh Ukraine, những phân tích trước đó của phương tây đã nói rằng phe nào chiến thắng ở trận Bakhmut sẽ là phe có năng lực tiếp tục mở rộng tiến công.
Nhật Tân