Trang Sách
Trời mấy hôm nay oi bức nóng. Mồ hôi cứ rịn ra rin rít đến khó chịu.
Người chồng, một thanh niên hai mươi bốn tuổi chở bác sĩ trên xe máy về nhà mình, sau khi chờ bác sĩ khám xong bệnh nhân cuối cùng.
“Sao không để bác tự đi xe, tí bác về con khỏi phải đưa về mất công?”
“Nhà con vô mấy con hẻm nhỏ. Con chở bác đi tiện hơn. Bác tự đi thì rồi con cũng phải dắt bác ra thôi.”
Đúng là đường ngoằn ngoèo qua nhiều hẻm nhỏ, mờ tối, nước đọng..
“Vợ con bệnh thế nào?”
“Vợ con đang ở cử, sanh gần một tháng. Lúc nào nó cũng khó thở, ngộp, nặng ngực, mặt mày đỏ au như người say rượu.”
Sau khi vòng vèo qua bao nhiêu hẻm lớn, hẻm nhỏ, dài ngắn khác nhau, hai bác cháu dừng lại trước một căn nhà cấp bốn. Nhà ngang khoảng hai mét rưỡi, tường gạch đỏ không tô, mái tôn thấp, không la phong. Phòng khách phía trước có bộ bàn nước nhỏ và chiếc xe máy cũ.
Sau phòng khách là phòng bà đẻ nằm. Căn phòng nhỏ, ngang chưa tới hai mét, dài chừng ba mét. Diện tích chưa đến sáu mét vuông. Trong đó kê một cái giường nhỏ, vài thứ linh tinh nho nhỏ nữa xem như lấp kín căn phòng. Dưới giường một nồi than hồng đỏ, tỏa hơi nóng hầm hập. Hai mẹ con sản phụ da đỏ au, nổi mẩn. Sản phụ thở gấp, khó nhọc, mệt mỏi.
Bác sĩ vào khám sản phụ gần năm phút..
“Vợ con nằm căn phòng này được bao lâu rồi.”
“Dạ gần hơn tuần.”
“Trước đó nằm ở đâu?”
“Dạ, ở ngay phòng khách.”
“Lúc đó có mệt như bây giờ không?”
“Không bác, vô nằm phòng này hai ba hôm sau là mệt vậy.”
“Sao trước đó nằm phòng khách, bây giờ vào trong phòng kín này?”
“Nói thật với bác, vợ chồng con mới có con đầu nên khờ khạo không biết gì, cậy lắm nhờ bà nội ở quê ngoài trung mới vào giúp. Bà vào thấy nằm ngoài này, bà nói không được. Bà đẻ ở cử phải ở phòng kín tránh gió máy cho hai mẹ con, phải hong than hồng cho da dẻ, cơ thể cứng cáp. Thế là đưa hai mẹ con vào đây.”
“Bác ở trong phòng mới có năm phút mà đã khó thở rồi. Con đưa vợ con của con ra phòng ngoài ngay. Trong phòng kín, lại đốt than sẽ bị thiếu oxy và ngộ độc khí CO2 rất nguy hiểm.”
“Nhờ bác nói với má con giùm.”
Bà nội cháu nhỏ, người gầy nhưng rắn chắc bước ra.
“Bác gái cho phép hai mẹ con ra nằm phòng ngoài này cho thoáng nhé.” Bác sĩ nói với bà.
“Tui nuôi ba con dâu, năm con gái ở cử đều làm như ông bà xưa chỉ dạy. Phải ở phòng kín đáo, hong than hồng..”
“Nhưng ở quê mình lạnh giá, nhà cửa trống trải nên làm như vậy là tốt. Ở đây phòng rất nhỏ, lại kín quá nên ngộp. Bác gái phải cho phép hai mẹ con ra ngoài, chứ không là ngộ độc, khó thở phải đi cấp cứu đó.”
Bà cụ ậm ừ, chấp nhận nhưng không vừa ý lắm.
Trong nhà chật chội oi bức. Thật tội nghiệp cho cháu nhỏ và bà mẹ trẻ ở cử trong khí trời nóng bức này..
Trong truyện “Đoạn tuyệt” Nhất Linh viết về Loan, nhân vật chính vì mẹ chồng đưa con trai nàng đi chữa thầy bùa và cháu trai đã mất. Đó là câu chuyện những năm ba mươi của thế kỷ trước. Tôi kể cho người chồng nghe.
“Các cháu phải mạnh dạn quyết định những gì đúng đắn, nhất là việc nuôi con. Những ông bà xưa rất thương cháu, nhưng họ rất khó thay đổi quan niệm, thói quen cũ, dù bây giờ đã là thập niên thứ hai của thế kỷ hai mươi mốt.”
“Còn việc ăn uống, dạy dỗ đứa bé nữa, cả một hành trình dài sẽ có va chạm giữa mẹ chồng con dâu..”
Rồi cậu ấy kể chuyện chữa bệnh ở quê mấy chục năm về trước khi cậu còn ở đó.
“Lúc con năm sáu tuổi, có những cơn đau bụng quằn quại, thường là ban đêm, mẹ con đưa đến một ông chích lễ. Hàng chục mũi kim may đau đớn được chích liên tục quanh rốn con. Máu rỉ ra rất nhiều. May mắn là cơn đau dần dần giảm. Sau này con mới biết đó là bệnh xoắn ruột, tắc ruột của trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Có thể rất nhiều đứa trẻ đã chết vì căn bệnh đó mà chẳng ai hay biết.
Rồi một lần bị mắc xương cá, Bà cũng đưa đến thầy bùa. Ông thầy bắt con ngồi nghiêm trang trước tran thờ của ông. Ông ấy đốt ba cây nhang khấn vái lầm bầm. Rồi ông vẩy tàn nhang vào ly nước lạnh. Nhìn cái ly cáu bẩn không bao giờ rửa con muốn nôn. Nhắm mắt lại, con phải uống hết ly nước phép đầy tàn nhang chữa hóc xương cá của thầy bùa đó..
Một lần con bị con chó đốm vàng nhà hàng xóm cắn ở bắp chân. Ông ấy đưa cháu đến một ông thầy chuyên trị chó cắn ở thị trấn cách nhà gần mười cây số. Khi đến, ông thầy thoa lên lưng con một loại nước sền sệt. Ổng phán: Con chó vàng phải không?
Dạ phải ạ. Ông hàng xóm đưa con đi đáp.
Rồi ổng cũng đọc thần chú, và vẩy mấy cây nhang tứ phương.
“Cho nó uống ly nước màu vàng này.” Ổng bảo.
Cái nước màu vàng sền sệt muốn nhợn lên trong họng con. Con phải cố nuốt. Đó, chữa bệnh quê con thật lạc hậu phải không bác? May mà con chó nhà hàng xóm không bị dại chứ không đời con đã xong rồi.”
“Thế mày vẫn sống và lớn mạnh đến bi chừ đó. Giờ nhiều người đi nhà thương về có hết bệnh đâu?” Người mẹ vẫn cố chấp.
“Thôi, từ từ rồi thuyết phục mẹ con, từng tí, từng tí một. Những quan niệm và thói quen từ xưa rất khó thay đổi.”
Nhìn người mẹ trẻ và cháu bé thở nhẹ nhàng hơn, da bớt đỏ tôi yên tâm ra về..
Trang Sách
Nguồn: https://dembuon.vn