Đỗ Duy Ngọc
EVN đã 8 lần tăng giá điện, mới nhất là tăng từ tháng 5.2023, mới đây EVN lại đề nghị tăng thêm từ tháng 9.2023. Lý do Điện lực Việt Nam tăng giá vì lỗ. Ở xứ ta, các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước luôn than lỗ. Tài nguyên dưới đất chỉ đào lên mang bán mà cũng lỗ thì chẳng còn ý kiến gì nữa.
” Thực tế cho thấy, thống kê báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho thấy, kết thúc năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc ghi nhận doanh thu đạt 157.021 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 309 tỉ đồng, giảm 64%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đạt 42.650 tỉ đồng, tăng 8%; lợi nhuận trước thuế gần 454 tỉ đồng, giảm 57%.
Tương tự, doanh thu Tổng Công ty Điện lực Miền Nam trong năm 2022 xấp xỉ 152.709 tỉ đồng, tăng 10% so với năm trước đó; lợi nhuận trước thuế hơn 293 tỉ đồng, giảm 76%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực Hà Nội gần 46.783 tỉ đồng, tăng 10%; lãi trước thuế đạt 38 tỉ đồng, giảm 88%. Doanh thu Tổng Công ty Điện lực TPHCM đạt 58.893 tỉ đồng, tăng 14% nhưng lãi trước thuế lại giảm 71%.(Báo Lao động, ngày 1.6.2023).
Thế nhưng Tập đoàn EVN báo lỗ liên tục và mới đây được đề xuất 130.000 tỷ, tức gần 6 tỷ đô la để cắt lỗ. Và tiếp tục tăng giá điện.
Trong khi đó, hàng loạt công ty con của EVN gởi ngân hàng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để lấy lãi? Hàng trăm tỷ tiền lãi đấy vào tay ai? Có gộp chung với số lãi hoạt động của EVN không?
Đơn cử trong năm 2022, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc có hơn 10.500 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng. Tổng Công ty Điện lực miền Trung có khoảng 5.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng của Tổng Công ty Điện lực Miền Nam là gần 5.500 tỉ đồng. Tổng Công ty Điện lực Hà Nội có gần 5.000 tỉ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM có gần 4.000 tỉ đồng gửi ngân hàng (Báo Lao động).
Năm 2022, theo báo cáo Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc lãi từ cho vay 371 tỉ đồng. Tổng Công ty Điện lực Miền Trung lãi từ ngân hàng gần 178 tỉ đồng. Tổng Công ty Điện lực Miền Nam hơn 170 tỉ đồng; Tổng Công ty Điện lực Hà Nội 166 tỉ đồng và Tổng Công ty Điện lực TPHCM là 155 tỉ đồng.
Lỗ và lỗ liên tục, tăng và tăng giá liên tục. Sự thật EVN có lỗ thật không? Câu hỏi chỉ EVN mới trả lời chính xác. Tuy vậy, người ta thấy có rất nhiều điểm mù mờ trong những báo cáo tài chính của EVN. Dân đen không rành và không có kiến thức để hiểu hết những giải thích lằng nhằng của EVN cũng như của các nhà báo, facebooker đưa ra để giải thích hay bênh vực cho EVN. Nhân dân chỉ cần biết tại sao giá điện càng lúc càng tăng khi thu nhập càng lúc càng giảm, cuộc sống càng khó khăn, thất nghiệp tràn lan. Có nhiều kẻ còn cho rằng giá điện VN rẻ nhất so với Mỹ và nhiều nước khác. Họ không đề cập đến thu nhập trung bình của người lao động Mỹ cao gấp mấy chục lần thu nhập của người lao động Việt Nam. Đó là lối so sánh khập khiễng và hoàn toàn không chính xác.
Người dân không quan tâm EVN tính toán như thế nào, nhưng rõ ràng EVN điều hành quá tệ, cộng quá nhiều chi phí phát sinh khiến chi phí cao, lại thêm báo cáo càng lỗ thì cán bộ điện lực càng giàu, đó là một nghịch lý cần quan tâm.
Cần phải xã hội hoá ngành điện như các nước phát triển, không thể tiếp tục để EVN độc quyền vì như thế sẽ không thể minh bạch giá và dân càng khổ.
Điều phi lý nhất là EVN báo lỗ nhưng các công ty con của EVN vẫn liên tục công bố lãi cao. Nghịch lý này giải thích như thế nào cho đúng?
Lương cán bộ cao ngất, EVN không chỉ làm điện mà còn hoạt động đủ thứ, tất cả đều gộp vào chi phí. Một trò ma mãnh để báo lỗ. Tất cả đều đổ trên đầu dân. Chịu hết thấu rồi, cứ kiểu này người thu nhập thấp đành trở lại cây đèn dầu và nồi nấu cơm, tủ lạnh, truyền hình, máy tính đành cất vào kho, trở lại cuộc sống một thời kinh hoàng tưởng đã không còn nữa.
Và cuối cùng, xin trở lại câu hỏi EVN có lỗ thật không?
Đ.D.N.