Trung Quốc: Phóng viên đi phỏng vấn bị cảnh sát đánh đập, dấu vân tay bị xóa sau khi hành hung

Liên Thành

Phóng viên Lý Hiền Thành đi phỏng vấn bị cảnh sát đánh đập, dấu vân tay bị xóa sau khi hành hung. (Ảnh chụp màn hình Secretchina).

Vào ngày 13 tháng 4, sáu giáo viên của Trường tiểu học Bố Để ở thị trấn Mã Trường, huyện Chức Kim, thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, đang nhặt đá cuội trên bãi sông địa phương thì Trạm thủy điện Dẫn Tử Độ ở thượng nguồn bất ngờ xả lũ khiến 2 giáo viên bị lũ cuốn trôi và chết đuối. Một số người nhà nạn nhân sau đó khẳng định nhà trường bố trí giáo viên đi nhặt đá để phục vụ cho công tác kiểm tra của cấp trên, nhưng nhà trường đã phủ nhận.

Sau đó, một phóng viên của Jimu news là Lý Hiền Thành đã đến địa phương vào ngày 30 tháng 5 để xem xét hiện trường và phỏng vấn một số cư dân về vụ việc hai giáo viên chết đuối. Tuy nhiên, trong suốt quá trình đó, anh đã bị 3 kẻ lạ mặt theo dõi. Khi đến Trạm thủy điện Tử Độ, anh bị họ chửi bới, và đánh đập dã man, điện thoại di động và kính đeo mắt bị đập vỡ.

Anh Lý Hiền Thành kể lại rằng, vào thời điểm đó, anh đã hỏi những người đó tại sao họ lại chửi bới, nhưng không ngờ ba người đó đã xuống xe ngay lập tức, rồi giật điện thoại của anh. Khi anh định nhặt chiếc điện thoại lên thì họ đã lao vào đấm anh và khiến anh bị rơi kính. Anh bị cận thị 5-6 độ và không thể nhìn thấy gì khi kính rơi ra. Anh bị đánh trong khoảng 1 phút, khiến đầu chảy máu, khóe miệng bị rách và có những vết sẹo trên tay.

Lý Hiền Thành cũng đề cập rằng sau khi ba người đánh anh xong, họ đã cẩn thận lau sạch dấu vân tay để lại trên tay nắm cửa xe của anh, sau đó lên xe xem có máy ghi âm trong xe không.
Về vấn đề này, một người phụ trách của Jimu News tố cáo rằng: “Họ hành động như kẻ cướp, nhưng cách làm của họ rất chuyên nghiệp. Quyền phỏng vấn và quyền thân thể của các nhà báo được pháp luật bảo vệ. Những kẻ đánh người phải trả giá cho hành vi bạo lực đó. Chúng tôi kiên quyết đứng lên bảo vệ quyền của các nhà báo, và chúng tôi phải đòi công lý! Tất Tiết, Quý Châu phải đưa ra lời giải thích cho các nhà báo và công chúng. Công bố danh tính của những kẻ tấn công và những kẻ chủ mưu đằng sau”.

Khi vụ việc gây bất bình và lên án mạnh mẽ từ công chúng, trang web của Chính quyền thành phố Tất Tiết bất ngờ đưa ra một tuyên bố vào ngày 1 tháng 6, nêu tên 3 kẻ tấn công là phó giám đốc Sở cảnh sát Mã Trường ở huyện Chức Kim, họ Hùng, và hai cảnh sát họ Lý và họ Đào .

Ngoài ra, theo “Thời báo hoàn cầu”, chính quyền thành phố Tất Tiết cũng nhấn mạnh rằng phó bí thư Đảng ủy họ Bành ở thị trấn Mã Trường đã bị cách chức và xử phạt, phó giám đốc Sở cảnh sát Mã Trường họ Hùng bị cách chức và hai cảnh sát liên quan bị sa thải.

Theo báo cáo chính thức, phó bí thư Đảng ủy thị trấn Mã Trường họ Bành là người xúi giục “cảnh sát đánh nhà báo”.

Sau khi kiểm tra thông tin, người ta thấy rằng bí thư họ “Bành” được nhắc đến trong thông báo chính thức có tên đầy đủ là Bành Cầm Cầm.

Ông Chử Triêu Tân, một người nổi tiếng trong giới truyền thông nhận xét rằng: “Cách chức Bành Cầm Cầm (彭琴琴), phó bí thư kiêm thị trưởng thị trấn, chỉ là để xoa dịu dư luận, chẳng bao lâu nữa, bà ấy sẽ trở lại, thay đổi vị trí nhưng vẫn là cán bộ lãnh đạo, có thể bà ấy còn được thăng chức”.

Ông Chử chỉ ra rằng các phương tiện truyền thông nên dành nhiều sức lực hơn để điều tra và đặt câu hỏi: Tại sao phóng viên của Jimu News lại bị đánh khi đi đưa tin về vụ việc 2 giáo viên chết đuối khi đập thủy điện xả nước. Hai giáo viên đó đó đã tử vong như thế nào? Tại sao chính quyền địa phương không có bất kỳ hành động pháp lý nào đối với Bành Cầm Cầm, kẻ chủ mưu đánh đập nhà báo Tốt nghiệp trường Luật Dân sự và Thương mại”.

Về nhà báo Lý Hiền Thành, anh cho biết anh đã chuẩn bị tâm lý cho sự việc này, nhưng anh vẫn không thể lý giải và chấp nhận việc mình bị đánh đập. Anh cho biết, trong sự nghiệp của mình, dù đã gặp phải những lần bị theo dõi nhưng đây là lần đầu tiên anh bắt gặp hành vi cảnh sát đánh đập nhà báo một cách trắng trợn.

Anh cho rằng việc “cản trở phỏng vấn, đánh phóng viên” là một việc làm rất xấu, gây bức xúc trong dư luận, và ở một mức độ nào đó, nó phản ánh sự coi thường pháp quyền.

Related posts