Lạc Á • An Bình Nhã
Vào ngày 17/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Thủ tướng Úc Albanese đã tổ chức một cuộc gặp tại Canberra, thủ đô của Úc. Một số nhóm người Úc đã tổ chức mít tinh trước Tòa nhà Quốc hội để phản đối cuộc đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), kêu gọi chính phủ Úc đặt nhân quyền lên trên lợi ích kinh tế và chấm dứt cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc.
Các học viên Pháp Luân Công kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp của ĐCSTQ
Tiến sĩ Lucy Zhao, Chủ tịch Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Úc, cho biết: “Chúng tôi ở đây để hy vọng rằng chính phủ Úc có thể nêu vấn đề chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công với phái đoàn của ông Lý Cường. Đồng thời, chúng tôi cũng hy vọng được truyền đạt yêu cầu của chúng tôi tới ông Lý Cường, đó là Cuộc đàn áp Pháp Luân Công kéo dài 25 năm phải được chấm dứt ngay lập tức và tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù phải được trả tự do ngay lập tức, bao gồm cả thành viên gia đình của các học viên Pháp Luân Công người Úc vẫn đang bị bức hại ở Trung Quốc”.
“Chúng tôi ở đây không phải để nói rằng chúng tôi chống lại Trung Quốc, hay chống lại những người bạn Trung Quốc của chúng tôi. Chúng tôi ở đây chỉ để yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp, bởi vì chúng tôi tin rằng ĐCSTQ không đại diện cho Trung Quốc, cũng như không thể đại diện cho tất cả những người bạn Trung Quốc. Nhưng chúng tôi rất tiếc khi một số người chào đón ông Lý Cường đã tấn công các học viên Pháp Luân Công như kẻ thù và đầy thù địch. Trên thực tế, chúng tôi hy vọng Trung Quốc được tốt đẹp, và những người Trung Quốc cũng được tốt đẹp. Chính vì vậy chúng tôi mới đến đây, bởi vì chỉ khi nào sự đàn áp Pháp Luân Công kết thúc, và chính phủ Bắc Kinh tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo, thì Trung Quốc mới thực sự có một tương lai tươi sáng”, bà Zhao nói.
Cựu nhà ngoại giao Trung Quốc, Trần Dụng Lâm, nói rằng ông đã chứng kiến tình trạng vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây “Đặc biệt là kể từ khi lãnh đạo đảng hiện tại lên nắm quyền, việc đàn áp các vấn đề nhân quyền trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết”.
“Từ năm 1999 đến đầu thế kỷ 21, Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất trong hơn 20 năm qua. Hiện người Duy Ngô Nhĩ ở Hồng Kông và Tây Tạng đang bị đàn áp, và nhân quyền của họ ngày càng bị vi phạm nghiêm trọng. Những học viên Pháp Luân Công bị bắt vẫn đang bị giam giữ trong tù, những người bị giám sát, bị hạn chế, (chính quyền Trung Quốc cho rằng) vẫn còn những người cần bắt, sự trấn áp Pháp Luân Công vẫn chưa ngừng lại, thực tế còn trở nên gay gắt hơn trước”, ông nói.
Nhiều đoàn thể kêu gọi chính phủ Úc đặt vấn đề nhân quyền lên trên lợi ích kinh tế
Đại diện của nhóm người Tây Tạng, ông Tsewang Thupten, trong bài phát biểu của mình nói rằng, “Chỉ vài tháng sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc thăm, chúng tôi lại đến đây, bởi vì Chính phủ Australia một lần nữa lại trải ra tấm thảm đỏ cho chế độ độc tài của Trung Quốc. Chúng tôi đến đây để trở thành những người phát ngôn cho đạo đức, trở thành những người phát ngôn cho công lý. Nhân quyền là điều không thể bán. Giữ im lặng trước nhân quyền và dân chủ không phù hợp với lợi ích của chúng tôi”.
Ông Thupten kêu gọi, “Chính phủ Australia phải kiên định với các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi, đó chính là lý do chúng tôi tụ họp ở đây hôm nay. Chính phủ Australia có quyền áp đặt trừng phạt đối với các hành vi vi phạm nhân quyền, đó chính là điều chúng tôi kêu gọi Chính phủ Australia làm”.
Giáo sư phó tại Đại học Công nghệ Sydney, ông Phùng Sùng Nghĩa, chủ tịch Liên minh Nạn nhân của chế độ Cộng sản Trung Quốc tại Australia và New Zealand, phát biểu tại buổi tập hợp và trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times cho biết: “Lịch trình chuyến thăm của ông Lý Cường rất bí mật, có những nhóm người thân ĐCSTQ, trên mạng truyền đi có khoảng 4-5 nghìn người, hầu hết là những người già, được trả tiền để đi chào đón. Thực ra, chính quyền Trung Quốc trên thế giới hiện nay đến đâu thì gặp trở ngại, Australia là một điểm sáng, họ cho ông ta một chút thể hiện, do đó ông ta rất hài lòng”.
“Lý do chúng tôi đến Canberra lần này là hy vọng rằng chính phủ sẽ không đặt bán tôm hùm, mua rượu vang lên trên nhân quyền. Như trường hợp công dân Australia Dương Hằng Quân bị kết án tử hình oan trái, trong tình huống như vậy, nếu lại đi thảo luận về thị trường thương mại, thì đó là một hành vi đáng ngờ, không thể chấp nhận được, thứ tự ưu tiên đã bị sai lệch. Nếu Chính quyền Trung Quốc không bao giờ lắng nghe lời khuyên về nhân quyền, thì họ không đáng được kết bạn. Họ chỉ là một chế độ giống như Phát xít thôi”.
Bà Kyinzom Dhongdue, cựu thành viên Quốc hội Tây Tạng lưu vong và là nhà hoạt động nhân quyền Tây Tạng, nói rằng yêu cầu của cộng đồng Tây Tạng là: “Chúng tôi yêu cầu chính phủ Úc đặt nhân quyền lên trên thương mại trong quan hệ Úc – Trung. Thủ tướng sẽ phát biểu tuyên bố về nhân quyền, nhưng điều này vẫn chưa đủ. Chúng tôi hy vọng chính quyền sẽ có hành động cụ thể. Chúng tôi hy vọng Chính phủ Australia sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các lãnh đạo Trung Quốc chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền ở Tây Tạng”.
Bà Dhongdue cho rằng “Chính phủ Australia vẫn chưa truy cứu trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng họ sẽ làm như vậy, chúng tôi hy vọng họ sẽ chịu trách nhiệm. Hiện nay Australia có Đạo luật Magnitsky. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Chính phủ Australia sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc”.
Ông Celepci, người phát ngôn của Hiệp hội Duy Ngô Nhĩ Australia, cho biết: “Mục đích của chúng tôi là nâng cao nhận thức và kêu gọi chính phủ Australia đặt nhân quyền lên trên lợi ích kinh tế. Australia phải thận trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Điều này là do Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền và sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế như một phương tiện để gây ảnh hưởng lên Úc và các nước khác trên thế giới. Mặc dù hợp tác kinh tế có thể rất quan trọng, nhưng nó không nên như vậy, và không nên được đổi lấy sự hy sinh của nhân quyền và các giá trị dân chủ”.
Ông Eric, cựu đặc vụ của Trung Quốc, cũng phát biểu tại cuộc mít tinh, nhắc nhở chính phủ Úc và phương Tây phải thận trọng khi tiến hành hợp tác thương mại với Trung Quốc, “bởi vì ở một mức độ nhất định, điều này đồng nghĩa với việc đang cung cấp máu cho Chính quyền Trung Quốc, đồng thời cũng tương đương với việc cung cấp máu cho Nga, cung cấp máu cho tất cả các quốc gia chuyên chế độc tài trên thế giới. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm thảm họa nhân quyền trên toàn thế giới và đáng kể làm tăng nguy cơ chiến tranh”.
Ông Eric còn kêu gọi phải ý thức rõ ràng rằng, càng có mối quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Trung Quốc, thì sự xâm nhập của Trung Quốc càng trầm trọng hơn. “Australia và các quốc gia khác không bao giờ được chủ quan. Giảm thiểu các giao dịch hữu nghị với Chính quyền Trung Quốc, giảm thiểu hoặc hoàn toàn cắt đứt nguồn “máu” kinh tế đổ vào Trung Quốc! Điều này rất quan trọng để làm suy yếu chế độ cai trị của ĐCSTQ!”
Người dân lên tiếng tại cuộc biểu tình
Tại cuộc mít tinh ngày hôm đó, người dân cũng bày tỏ mong muốn và yêu cầu được tham gia mít tinh.
Một thanh niên đến từ Melbourne cho biết: “Điều tôi muốn bày tỏ nhất khi đến Canberra để tham gia cuộc mít tinh là tự do, dân chủ và pháp quyền là điều không thể thiếu. Tôi không muốnĐCSTQ hành động liều lĩnh ở vùng đất tự do Australia này. Hãy lật đổ ĐCSTQ!”
Anh Darren Zheng, một sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết chuyên ngành chính của anh là kinh tế “Thực tế đã chứng minh rằng, khi bạn bỏ qua nhân quyền, bỏ qua tự do ngôn luận, nó cũng sẽ kìm hãm kinh tế. Lý do khiến Hoa Kỳ thành công như vậy là vì họ đặt nhân quyền lên hàng đầu”.
Ông Thang, người sống ở Australia được 18 năm, cho biết: “Hôm nay, chủ yếu tôi muốn bày tỏ sự phẫn nộ đối với các biện pháp đàn áp nhân dân ở Thượng Hải của chính quyền Trung Quốc trong đại dịch, đã khiến nhiều người chịu đau khổ và nhiều người đã chết. Vì vậy, tôi đến đây để phản đối ĐCSTQ và mong muốn chế độ này sớm sụp đổ. Tôi tin rằng việc truy vết nguồn gốc của đại dịch COVID-19 là cần thiết, vì nó liên quan đến cách chúng ta đối phó với những nguồn bệnh tương tự trong tương lai. Trong mọi trường hợp, Australia là quốc gia đầu tiên đề xuất truy vết nguồn gốc, và tôi tin rằng chúng ta nên kiên trì với sáng kiến này”.
Bên cạnh đó, cũng có những người ủng hộ chính quyền Trung Quốc có mặt tại hiện trường. Bà Ngô Đồng cho biết với phóng viên rằng, “các bác, các cô đến chào mừng ông Lý Cương đều là thành viên của các hiệp hội thương nhân Hoa Kiều, họ được các hiệp hội này tổ chức đến đây để du lịch, có người ở 3 ngày 2 đêm, có người ở 2 ngày 2 đêm. Một số người đến hôm nay và chỉ ghé qua để tham quan. Rất nhiều cô cũng nhận ra được những vấn đề của chính quyền Trung Quốc và đã nói với chúng tôi rằng, chúng tôi cần cẩn thận với chính quyền Trung Quốc. Họ không quá “hồng” như vẻ bề ngoài”.
Bà Ngô Đồng cũng cho biết, tại hiện trường có rất nhiều ông bà già là tiểu phấn hồng, và họ nói những điều tốt đẹp về ĐCSTQ. Họ đến đây là để nhận được các suất du lịch miễn phí, nhưng họ không biết rằng họ đã trở thành đồng phạm của ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch