Katabella Roberts
Ngày 6/6, quân đội Ukraine đã cáo buộc các lực lượng Nga cho nổ đập thủy điện Nova Kakhovka trên sông Dnipro ở miền Nam Ukraine, khiến thành phố Kherson có nguy cơ bị ngập lụt. Trong khi đó, giới chức Nga cho biết các cuộc pháo kích của Ukraine đã phá hủy cửa xả lũ của con đập, khiến nước tràn xuống hạ lưu.
Đập thủy điện Nova Kakhovka được xây dựng vào năm 1956, cao 30 mét và dài 3,2 km. Con đập là một phần của nhà máy thủy điện Nova Kakhovka và có sức chứa tương đương với Hồ Muối Lớn ở bang Utah của Mỹ, nhưng đã bị phá hủy vào rạng sáng ngày 6/6, khiến hàng triệu lít nước tràn qua một lỗ hổng.
Thiệt hại đã khiến nhiều ngôi làng dọc theo sông phải sơ tán, bao gồm cả các khu vực của Kherson, với lo ngại lũ lụt lan rộng trong bối cảnh mực nước dâng cao nhanh chóng.
Trong một bài đăng trên Facebook, Bộ chỉ huy tác chiến miền Nam của Ukraine cáo buộc rằng các binh lính Nga đã cho nổ tung con đập và nói thêm rằng họ vẫn đang đánh giá tình hình.
Cơ quan này cho biết: “Các lực lượng chiếm đóng Nga đã cho nổ tung [hồ chứa nước] Kakhovka. Chúng tôi đang xác định quy mô tàn phá, tốc độ và lưu lượng nước cũng như các khu vực có khả năng bị ngập lụt”.
Trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy đổ lỗi cho “những kẻ khủng bố Nga” đã phá hủy con đập, đồng thời nói thêm rằng điều đó “chỉ khẳng định với toàn thế giới rằng chúng phải bị trục xuất khỏi mọi ngóc ngách trên lãnh thổ Ukraine”.
“Không nên để lại một mét nào cho bọn chúng, bởi vì chúng sử dụng từng mét để khủng bố. Chỉ có chiến thắng của Ukraine mới mang lại an ninh. Và chiến thắng đó sẽ đến. Những kẻ khủng bố sẽ không thể ngăn chặn Ukraine bằng nước, tên lửa hay bất cứ thứ gì khác”, nhà lãnh đạo Ukraine viết.
‘Thiệt hại to lớn’ đối với môi trường
Ông Zelenskyy cho biết thêm rằng các dịch vụ vẫn tiếp tục như bình thường và ông đã triệu tập Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia để thảo luận về vụ vỡ đập.
Đoạn video do ông Zelenskyy chia sẻ cho thấy một lượng lớn nước tràn qua phần còn lại của con đập ở hạ lưu trong khi có thể nhìn thấy sự tàn phá trên diện rộng ở hai bên của lỗ hổng.
“Mục tiêu [của Nga] rất rõ ràng: tạo ra những chướng ngại vật không thể vượt qua trên con đường tiến công của [quân đội Ukraine]… để đánh chặn sáng kiến thông tin nhằm trì hoãn giai đoạn cuối cùng của cuộc xung đột”, ông Mikhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine, tuyên bố trên Twitter.
“Trên một lãnh thổ rộng lớn, tất cả sự sống sẽ bị hủy diệt; nhiều khu dân cư sẽ bị phá hủy và gây thiệt hại to lớn về môi trường”.
“Nga phải được công nhận ngay lập tức là một quốc gia khủng bố, kèm theo mọi hậu quả pháp lý nghiêm khắc”, ông Podolyak nói thêm.
Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel dường như cũng đổ lỗi cho các lực lượng Nga về “cuộc tấn công chưa từng có” vào con đập. Ông viết trên Twitter: “Việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự rõ ràng đã đủ điều kiện để kết luận đây là tội ác chiến tranh. Do đó, chúng tôi sẽ buộc Nga và các lực lượng ủy nhiệm phải chịu trách nhiệm”.
Theo các Công ước Geneva, việc tấn công “các công trình và cơ sở chứa các lực lượng nguy hiểm, đặc biệt là đập, đê điều và nhà máy điện hạt nhân” có thể bị coi là tội ác chiến tranh nếu nó “có thể giải phóng các lực lượng nguy hiểm và gây tổn thất nghiêm trọng cho dân thường” .
Tuy nhiên, giới chức Nga đã nhanh chóng bác bỏ cáo buộc của Ukraine và đổ lỗi thảm kịch là do các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào khu vực tranh chấp, do đó mới phá hủy các van thủy lực của nhà máy thủy điện.
Thị trưởng Nova Kakhovka do Nga bổ nhiệm, ông Vladimir Leontyev, cho biết thiệt hại đối với con đập thời Liên Xô là do các cuộc tấn công vào ban đêm của lực lượng vũ trang Ukraine. Ông gọi đây là “hành động khủng bố rất nghiêm trọng“, theo hãng tin AP.
Ukraine sơ tán dân thường vì mực nước sẽ ‘dâng lên mức nguy hiểm’
Ngoài ra, ông Leontyev nói với các đài truyền hình địa phương rằng cư dân của khoảng 300 ngôi nhà đang được sơ tán để tránh thương vong do mực nước dự kiến sẽ dâng cao nhanh chóng. Ông cho biết thành phố vẫn đang bị lực lượng Ukraine pháo kích vào sáng 6/6 (theo giờ địa phương).
Ông bổ sung thêm rằng mức độ tàn phá của con đập là “rất nghiêm trọng” và ông không chắc việc sửa chữa con đập bị hư hại sẽ khó khăn đến nhường nào.
Công ty sản xuất thủy điện chính của Ukraine Ukrhydroenergo nhận định nhà máy “không thể phục hồi” và cáo buộc “lực lượng Nga đã cho nổ tung” con đập trong đêm. Công ty này còn nói thêm rằng mực nước sẽ dâng cao đến “mức nguy hiểm” trong vòng vài giờ.
Theo dữ liệu chính thức, mực nước của hồ chứa Kakhovka đã đạt mức cao nhất trong 30 năm qua là 17,5 mét trong những tháng gần đây.
Trên truyền hình quốc gia, Thống đốc tỉnh Kherson Oleksandr Prokudin thông báo rằng hơn 16.000 cư dân trong khu vực nằm trong vùng “có nguy cơ cao” và hiện đang được sơ tán. Theo ông Prokudin, các ngôi làng Tiahynka, Lvove, Odradokamianka, Ivanivka, Mykilske, Poniativka, Tokarivka, Bilozerka và vùng Ostrov của Kherson đã “bị ngập một phần hoặc hoàn toàn”.
Đập Nova Kakhovka giúp lưu giữ khoảng 18 km3 nước, cung cấp nước cho miền nam Ukraine và bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014, cũng như nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện do Nga kiểm soát.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết trên Twitter rằng họ đã biết về các báo cáo liên quan đến thiệt hại đối với con đập nhưng hiện tại chưa có rủi ro an toàn hạt nhân nào đối với nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do sự cố vỡ đập. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết các quan chức hiện đang theo dõi chặt chẽ tình hình.
Huyền Anh biên dịch