Bộ trưởng Bộ GTVT: ‘Báo cáo ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu’
Trước bức xúc của đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) về việc nhiều nhiệm kỳ chưa xây xong cầu Cẩm Lý (Bắc Giang), Bộ trưởng Bộ GTVT nói “thực ra báo cáo với ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Bộ GTVT đang khó nhất là không có tiền”.
Chiều ngày 7/6, chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho hay Bắc Giang còn 2 nút thắt giao thông mà cử tri đã phản ánh qua nhiều kỳ Quốc hội.
Đầu tiền là dự án cầu Cẩm Lý xây dựng từ năm 1979, có đường sắt đi chung với đường bộ duy nhất ở miền Bắc hiện nay. Đây là tuyến huyết mạch nối giữa Lạng Sơn, Bắc Giang với Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, có nguy cơ xảy ra thảm họa. Dự án đang trong danh mục các dự án khẩn cấp được Chính phủ phê duyệt từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa có vốn bố trí cho dự án.
Thứ hai là cao tốc Hà Nội – Bắc Giang đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, đây là tuyến huyết mạch nối cửa khẩu hữu nghị với các tỉnh phía Bắc có lưu lượng rất lớn nhưng thường xuyên ùn tắc ở 2 cây cầu Như Nguyệt và Xương Giang. Lý do là 2 cây cầu này mới có 2 làn xe.
Năm 2022, cầu Như Nguyệt đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Bắc Giang đầu tư mở rộng từ nguồn ngân sách địa phương và tới đây sẽ hoàn thành trong tháng 6. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc của các tuyến cao tốc sẽ vẫn tiếp tục diễn ra, nếu như cầu Xương Giang chưa được mở rộng.
Trả lời về cầu Cẩm Lý, ông Thắng nói đây là cây cầu duy nhất hiện nay đang đi chung giữa đường sắt và đường bộ. Bộ GTVT nhận thấy việc sớm nâng cấp mở rộng cầu này là rất hợp lý, bởi vì lưu lượng bây giờ đi lại qua cầu rất cao, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn cũng lớn. Tuy nhiên, ngành GTVT đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn xây dựng cầu.
“Trường hợp thật sự cấp bách cần phải triển khai ngay thì tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn. Nếu cấp thiết quá mà tỉnh có nguồn, mà đợt này giá vải lại đắt, có thể Bắc Giang dành một phần ngân sách để làm. Còn trường hợp không còn thì Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ KH-ĐT tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề này của Bắc Giang”, ông Thắng nói.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ GTVT, ĐBQH Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng đây là vấn đề phải tháo gỡ ngay vì nếu kéo dài, cầu Cẩm Lý có thể có nguy cơ nguy hiểm tới tính mạng người dân.
Trong khi đó, cầu Như Nguyệt và Xương Giang là tuyến huyết mạch và ngắn nhất để đưa hàng hóa từ mũi Cà Mau thông thương với Trung Quốc. Nếu chỉ tháo được một cây cầu, tình trạng “tắc vẫn hoàn tắc”.
Trả lời ý kiến đại biểu Hạ, ông Thắng cho biết hiện nay còn một số tuyến đường, một số cây cầu cũng đang trong tình trạng như cầu Cẩm Lý. Quan điểm Bộ GTVT rất muốn tham mưu cho Chính phủ và rất muốn Quốc hội tạo điều kiện để mở rộng cho thí điểm thêm một số một số công trình, một số hạng mục, nếu không thì có khó khăn trong việc đầu tư các kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.
Đối với cầu Xương Giang, hiện đã hoàn thành các khâu thẩm định, trình tờ trình lên Chính phủ và chờ cấp thẩm quyền phê duyệt.
“Còn với cây cầu Cẩm Lý thì chúng tôi cũng tiếp tục ghi nhận. Thực ra báo cáo với ĐBQH, vấn đề đầu tiên là tiền đâu. Bộ GTVT đang khó nhất là không có tiền”, ông Thắng nói và mong Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm cho Bắc Giang để xử lý vấn đề này.
Hoàng Minh
Khánh Hòa: PGĐ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Khánh Vĩnh bị bắt
Do liên quan đến vụ án mà công an đang điều tra theo đơn tố giác của người dân, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Khánh Vĩnh bị khởi tố và bắt giữ.
Ngày 7/6, tin từ Công an huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) cho hay cơ quan này vừa thi hành lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Phương (SN 1985, ngụ xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) – Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Khánh Vĩnh để điều tra về hành vi Nhận hối lộ.
Đồng thời, công an cũng khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Phương.
Ông Phương bị bắt do có liên quan đến vụ án của Nguyễn Minh Tùng, đã bị bắt tạm giam vào đầu năm 2023.
Trước đó, sau khi tiếp nhận đơn tố giác của công dân, ngày 10/1, Cơ quan CSĐT Công an huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) đã điều tra, khởi tố và thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Minh Tùng (SN 1978) – Phó chánh Văn phòng UBND huyện Khánh Vĩnh và ông Trần Thiện Sinh (SN 1984) – cán bộ dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện Khánh Vĩnh về hành vi Nhận hối lộ, liên quan đến sốt đất đai tại huyện Khánh Vĩnh.
Hiện cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Ngọc Mai
‘Chi 100 đồng, chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại chi cho bộ máy’
ĐBQH Nguyễn Công Long chất vấn Bộ trưởng Bộ KH-CN việc chi 100 đồng thì chỉ có 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại cho bộ máy, chi thường xuyên.
Ngày 7/6, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt.
Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho biết trong giai đoạn 2021 – 2026, tổng kinh phí dành cho các các, bộ, cơ sở chỉ có khoảng 13% dành cho nghiên cứu. Có nghĩa là 100 đồng thì chỉ 13 đồng cho nghiên cứu, còn lại là cho bộ máy, cho chi thường xuyên. “Vậy trách nhiệm của Bộ như thế nào và giải pháp trong những năm tới là gì?”, ông Long đặt câu hỏi.
Trả lời, ông Đạt cho rằng lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù về tài chính. Nghiên cứu khoa học không thể tính toán một cách định lượng chính xác như các hoạt động sản xuất khác.
“Rất khó để chúng ta xây dựng các định mức cũng như tính toán hiệu quả, lợi nhuận. Trong quá trình xây dựng thuyết minh, quá trình quản lý đề tài, ngay cả việc nghiệm thu đề tài, việc xác định lợi nhuận, hiệu quả kinh tế nó phải ở trong tương lai”, ông Đạt nói.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) chất vấn về việc xác định mức chi đầu tư phát triển và tỷ lệ phần trăm tổng chi nhà nước cho KH-CN từ năm 2017 đến nay cũng như hướng xử lý tình trạng phân bổ kinh phí sự nghiệp dàn trải.
Trả lời, ông Đạt nhìn nhận đây là vấn đề thực tế tại Việt Nam. Bộ KH-CN đã có giải pháp để thời gian tới, ngân sách tiền chi cho các nhiệm vụ KH-CN đảm bảo được hiệu quả.
Theo đó, giải pháp được Bộ KH-CN đưa ra là phê duyệt 19 chương trình KH-CN với mục tiêu, yêu cầu, dự kiến sản phẩm… với những nội dung cụ thể. Đây là cơ sở để hình thành khung số lượng, tầng ngân sách nhà nước bố trí cho các nhiệm vụ khoa học.
Lê Hoàn