Việt Nam có thể là bên đắc lợi nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
Chủ tịch 4 tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ đến Pháp vào cuối tháng này để hỗ trợ Hàn Quốc đăng cai tổ chức Triển lãm Thế giới 2030; sau đó họ sẽ đến Hà Nội – Việt Nam tham gia Diễn đàn Kinh tế Hàn Quốc-Việt Nam. Có phân tích cho rằng Việt Nam đã trở thành một trong những bên thắng cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
Truyền thông Hàn Quốc gần đây đưa tin, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc như Chủ tịch Lee Jae-yong của Samsung Electronics, Chủ tịch Chey Tae-won của Tập đoàn SK, Chủ tịch Chung Eui-sun của Tập đoàn Hyundai Motor, Chủ tịch Koo Kwang-mo của Tập đoàn LG sẽ đến Paris – Pháp từ ngày 19 – 21/6 để tham dự các hoạt động quảng bá xin tổ chức Triển lãm Thế giới Busan 2030 (World Expo) được tổ chức tại đây. Sau đó họ sẽ bay tới Hà Nội – Việt Nam để tham dự các hoạt động như Diễn đàn Doanh nghiệp Hàn Quốc-Việt Nam nhằm thúc đẩy tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Chủ tịch Shin Dong-bin của Tập đoàn Lotte – Hàn Quốc cũng có thể tham dự hoạt động này.
Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc ngày 3/6 cho biết, trong khi Hàn Quốc và Việt Nam đang tìm hiểu các chương trình hợp tác kinh tế thì tại Hà Nội các công ty lớn cũng sẽ ký một biên bản ghi nhớ và tổ chức các cuộc họp liên quan đến xuất khẩu và đầu tư.
Theo thông tin, trước xu hướng gia tăng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc và sự điều chỉnh cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vươn lên thành cứ điểm sản xuất của các công ty như Samsung Electronics, Hyundai Motor, LG Electronics, cũng như thành mạng lưới phân phối của những doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Lotte…
Nhà bình luận chính trị người Hoa tại Mỹ là Wang He cho hay trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times hôm 4/6, rằng sau cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ thì Mỹ đã thực hiện một số chính sách để đối phó với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó có chính sách quan trọng là thuế quan cao. Hiệu ứng chiến lược này đã khiến nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải rút khỏi Trung Quốc, thay vào là chuyển sang những nơi như Việt Nam và Ấn Độ nhằm tránh thuế quan, vì vậy Việt Nam đã trở thành một lựa chọn thay thế quan trọng.
“Nhiều nước đang thực hiện chính sách ‘Trung Quốc + 1’, trong đó ‘1’ này được nhiều bên chọn là Việt Nam”, ông Wang He nói. “Vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những bên thắng cuộc lớn nhất trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ”.
Chiến lược “Trung Quốc + 1” có thể được hiểu là chuyển một phần vốn ban đầu được đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc sang một nước thứ ba xung quanh Trung Quốc. Các nước bên thứ ba được ưu tiên thường là các thành viên ASEAN, chẳng hạn như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan. Mục đích của chiến lược “Trung Quốc + 1” là sản xuất sẽ không bị gián đoạn nếu quan hệ xuyên eo biển giữa Trung Quốc và Đài Loan xấu đi, hoặc nếu Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với ĐCSTQ.
Ông Wang He cho rằng Việt Nam có dân số khoảng 100 triệu người nên đất nước phát triển rất nhanh trên nhiều lĩnh vực. Ông nói: “Nhìn chung tiềm năng của Việt Nam rất lớn, nhất là khoản đầu tư hàng chục tỷ của Samsung vào Việt Nam, quy mô rất lớn. Các công ty Hàn Quốc coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng. Về điểm này, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc đã bắt đầu lung lay”.
Việt Nam có thể thành “công xưởng thế giới” mới?
Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin vào tháng 3 năm nay rằng Việt Nam có tiềm năng và cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang chuyển dịch như hiện nay. Ông Wang He tin rằng khả năng này khó xảy ra.
“Công nghiệp sản xuất của Trung Quốc chiếm tỷ trọng 1/3 toàn cầu”, ông nói, “Điều đó có ý nghĩa gì? Ngay cả Mỹ khi ở mức cao nhất cũng chưa đạt được tỷ trọng đó. Việt Nam không thể so sánh với một nền kinh tế quy mô lớn như Trung Quốc, hai bên chệnh lệch quá lớn”.
Ông nói thêm: “Bây giờ phương Tây đưa ra khái niệm gọi là ‘chuỗi cung ứng châu Á’, tức là ngoài Việt Nam, toàn bộ các nước ASEAN cộng với Nhật Bản và Ấn Độ cùng hợp sức sản xuất, quy mô đó để xuất khẩu sang Mỹ mới tương đương với xuất khẩu của Trung Quốc, do đó các nước này cộng lại thì quy mô mới ngang được Trung Quốc, còn riêng Việt Nam thì không tương ứng về quy mô”.
Chuỗi cung ứng châu Á thay thế Trung Quốc
Tạp chí The Economist của Anh có bài chỉ ra hơn một chục nước (hoặc vùng lãnh thổ) bao gồm Đài Loan đang hình thành chuỗi cung ứng thay thế châu Á, dự kiến trong vài năm tới sẽ dần thay thế Trung Quốc và trở thành trung tâm của hoạt động sản xuất toàn cầu.
Ngay từ tháng 2 năm nay, The Economist đã đưa ra khái niệm “chuỗi cung ứng thay thế châu Á” (Altasia, alternative Asian supply chain). Tháng 3 năm nay, tạp chí này cũng đã có bài vấn đề hình thành “chuỗi cung ứng thay thế châu Á” là kết quả của sự khác biệt địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, điều này đã thúc đẩy các nhà sản xuất toàn cầu tìm kiếm cơ sở sản xuất mới ở những nơi khác tại châu Á. Mặc dù không nền kinh tế nào của châu Á có thể đơn độc cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng khi kết hợp lại sẽ tạo nên phương án thay thế hùng hậu.
“Chuỗi bắt đầu từ Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, đi qua Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh, và kéo dài đến bang Gujarat ở tây bắc Ấn Độ”, bài báo viết.
Tờ The Economist cho rằng mặc dù về tổng thể khó có thể thay thế hoàn toàn năng lực sản xuất của Trung Quốc, nhưng các nền kinh tế khác nhau của Altasia không hoạt động cùng nhau theo kiểu một thực thể thống nhất như Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, việc tìm kiếm các lựa chọn bên ngoài Trung Quốc hiện là ưu tiên hàng đầu. Trong những năm tới có thể họ sẽ đẩy mạnh hơn tìm kiếm những cơ hội mới ở Altasia.
Chuyên gia Wang He tin rằng vị thế công xưởng của thế giới của Trung Quốc đã bị lung lay. Ông nói: “Đối với Trung Quốc hiện nay thì phía trước là rào chặn còn phía sau là truy đuổi tấn công. Các nước châu Âu và Mỹ đã thực hiện các chiến lược đánh chặn chống lại ĐCSTQ trong các ngành công nghiệp cao cấp, còn Mỹ thì tấn công ngành công nghiệp chip của ĐCSTQ khiến Trung Quốc khó nâng cấp lĩnh vực công nghệ cao, trong hoàn cảnh khó khăn đó thì điều duy nhất mà ĐCSTQ có thể dựa vào lúc này là lợi thế về quy mô, chuỗi công nghiệp hỗ trợ, lực lượng lao động dồi dào, và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Bốn khía cạnh đó là những lợi thế mà ĐCSTQ hiện đang dựa vào.”
“Nhưng về những phương diện đó, khối ASEAN và Ấn Độ đang dần chiếm lĩnh và bắt kịp Trung Quốc”, ông Wang He nói, “Chuỗi công nghiệp toàn cầu đã được tái tổ chức, theo đó châu Âu và Mỹ ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc về các ngành công nghiệp cao cấp; nhưng những ngành ở trình độ thấp thì phương Tây cũng bắt đầu buộc ĐCSTQ phải tụt lùi. Trong hoàn cảnh như vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang không ngừng tồi tệ hơn, bây giờ là thời điểm thị trường đầy biến động và khó khăn nên chỉ vấn đề duy trì ổn định cơ bản đã trở nên rất khó khăn chứ nói gì đến tăng trưởng”.
Theo Diệu Dương, Epoch Times
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam: Xem xét tăng số người nhập ngũ
Bộ Quốc phòng Việt Nam đang nghiên cứu sửa Luật Nghĩa vụ quân sự theo hướng tăng số người và giảm thời gian nhập ngũ.
Truyền thông nhà nước đưa tin chiều ngày 9/6, Quốc hội Việt Nam thảo luận tại tổ về dự Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.
Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Quốc phòng cho biết số lượng người đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự của Việt Nam đông, nhưng số miễn, hoãn lại nhiều; thanh niên có hình xăm trên người cũng rất lớn. Số lượng công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự mỗi năm ít dần.
Theo ông Giang, nhiều người đã đề xuất tất cả thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự như ở Hàn Quốc. Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương Việt Nam đang nghiên cứu, đề nghị sửa Luật Nghĩa vụ quân sự. Hướng sửa đổi là thu hẹp diện miễn, hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự; có thể tăng số lượng nhập ngũ; tăng cường độ huấn luyện nhưng giảm thời gian phục vụ trong quân ngũ.
Trước đó, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương – Tổng Tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết hiện nay quân đội đang tổng hợp ý kiến cử tri để sửa Luật Nghĩa vụ quân sự.
“Chúng tôi nhận rất nhiều ý kiến của cử tri làm sao để tạo công bằng xã hội nhưng rất khó. Hiện một năm cả quân đội và công an lấy vào chỉ 3,4% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ, số lượng rất ít”, ông Cương cho biết.
Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội thông qua tháng 6/2015, có hiệu lực từ 1/1/2016. Luật quy định độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 đến hết 25. Với người được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27. Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
Trong trường hợp cần bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ phòng thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn thì Bộ trưởng Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 6 tháng.
Sau khi rà soát 7 năm thi hành Luật, Bộ Quốc phòng cho biết quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ gặp nhiều khó khăn khi triển khai. Điều 41 quy định công dân đang học đại học, cao đẳng hệ chính quy được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của trình độ đó. Song, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ.
Bộ Quốc phòng Việt Nam kiến nghị Chính phủ giao Bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15, năm 2025.
Về vấn đề này, nhiều người đã để lại ý kiến dưới bài viết của Báo Tuổi trẻ.
Độc giả có tên Long Lang bình luận: “Sao cũng được, làm sao công bằng chính trực là được? Học đại học tôi nghĩ đi 6 tháng đủ rồi. Ngoài ra các cầu thủ, ca sĩ, nghệ sĩ tới tuổi đi hết cho tôi mới gọi là công bằng.”
Một người khác có tên Trường viết: “Ra luật cấm xăm vẽ vào người dưới 28 tuổi. Vì có một số người xăm vẽ vào người để tránh đi nghĩa vụ quân sự.”
Bạn Hy nêu ý kiến: “Thanh niên nào từng có thành tích đua xe, trộm cắp, cướp giật, hút chích sau khi mãn hạn tù cho thi hành ngay nghĩa vụ quân sự với thời gian gấp đôi.”
Độc giả có tên Lê để lại bình luận: “Sinh viên học đại học, cao đẳng cũng có học giáo dục Quốc Phòng khá bài bản rồi thì cần gì phải đi nghĩa vụ nữa.”
Khánh Vy
‘Nếu thủy điện Hòa Bình về mực nước chết, tình hình sẽ căng thẳng hơn rất nhiều’
Miền Bắc chỉ còn hồ thủy điện Hòa Bình có thể duy trì phát điện kéo dài đến khoảng ngày 13/6. Nếu thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ căng thẳng hơn rất nhiều.
Chiều ngày 9/6, Hội Truyền thông Số Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Giải bài toán thiếu điện: Cách nào?” tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Quốc Trung, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết toàn hệ thống điện miền Bắc có công suất là 29.500 MW, gồm thủy điện là 9.700 MW, thủy điện nhỏ 3.300 MW.
Tuy nhiên, do thủy điện khó khăn nên nhiều hồ chỉ phát được 4.000 MW; điện than suy giảm công suất do gặp sự cố nên chỉ huy động được 10.000 MW; nhập khẩu chỉ được 25 MW.
Như vậy, công suất thực tế huy động được tại miền Bắc chỉ vào khoảng 16.000 MW, trong khi nhu cầu tiêu dùng trong thời điểm nắng nóng có thể lên tới 19.000 MW.
Cùng với đó, hiện tượng El Nino tái diễn năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng vẫn sẽ khiến áp lực cấp điện gia tăng.
Ông Chung cho hay để cung ứng điện, hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực miền Bắc phải vận hành vào đúng lúc khách hàng cần để hạn chế tối thiểu việc tiết giảm. Việc này làm lợi cho miền Bắc hơn 1.000 MW.
Ngoài ra, A0 cũng phải tính đến việc nhập khẩu điện song nguồn này cũng khó khăn do Trung Quốc cũng đang cắt giảm điện. Tổng lượng điện nhập khẩu rất nhỏ, gần như không đáng kể trong tổng sản lượng miền Bắc.
“Nếu không tiết kiệm điện và có những giải pháp cấp bách, khi thủy điện Hòa Bình về mực nước chết thì chúng ta sẽ mất 1.920 MW nữa. Tình hình lúc ấy sẽ rất khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều. Khi nhà máy có vai trò điều tần hệ thống này không còn nữa, thì ảnh hưởng rất lớn không chỉ miền Bắc mà cả hệ thống điện quốc gia”, ông Chung nói.
Đầu tư thêm đường truyền tải
Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3%/năm trong 2016 – 2020, tương ứng gần 6.000 MW. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.
Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu.
Do đó, việc truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc đang nhận được nhiều kỳ vọng.
Đề cập khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết hệ thống truyền tải Việt Nam sở hữu, vận hành là lớn nhất Đông Nam Á. Liên quan lưới truyền tải Bắc – Nam, đã có 2 đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam.
“Trong 27 tỉnh miền Bắc, Hà Tĩnh hưởng lợi đường dây này nên tình hình cung ứng điện tốt hơn”, ông Lâm nói.
Ngoài ra, tổng sơ đồ điện VIII đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030.
Tuy nhiên, đây là vấn đề cấp thiết nên EVN đang giao Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ, ngành thực hiện ngay dự án này.
“Nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000 – 1.500 MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc”, ông Lâm nói.
Quảng Bình: Cả UBND xã đi cổ vũ bóng chuyền, không người trực giải quyết giấy tờ cho dân
Cán bộ xã Cảnh Hóa huyện, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) bỏ nhiệm sở, đóng cửa kín mít trong giờ làm việc để đi cổ vũ bóng chuyền khiến người dân đến giao dịch hồ sơ, giấy tờ phải quay về vì không có cán bộ giải quyết.
Cán bộ xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) bỏ nhiệm sở, đóng cửa kín mít trong giờ làm việc để đi cổ vũ bóng chuyền. (Ảnh: vov.vn)
Chiều ngày 8/6, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho hay đã yêu cầu lãnh đạo UBND xã Cảnh Hóa giải trình về việc cán bộ xã này cùng bỏ nhiệm sở, đi xem đánh bóng chuyền, không bố trí người trực giải quyết, xử lý hồ sơ cho người dân.
Theo đó, buổi sáng cùng ngày, nhiều người dân xã Cảnh Hóa đến trụ sở UBND xã để làm hồ sơ, giấy tờ nhưng thấy toàn bộ các phòng ban của xã kể cả phòng lãnh đạo đều đóng cửa kín mít, có khóa ngoài, không có ai làm việc để giải quyết giấy tờ cho dân.
Vì vậy, người dân đến giao dịch giấy tờ, hồ sơ, phải quay về vì không có cán bộ nào ở đây trực làm việc.
Được biết, nhân kỷ niệm 81 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện, huyện Quảng Trạch tổ chức giải đánh bóng chuyền, có 17 đội bóng của 17 xã tham gia nên nhiều lãnh đạo và cán bộ của xã Cảnh Hóa đi cổ vũ.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa – bà Nguyễn Thị Tỉnh cho biết bà là thành viên của Ban tổ chức, theo điều động phải tham gia dẫn đoàn của xã đi đánh bóng chuyền trong 3 ngày (kể từ ngày 8/6) và thừa nhận việc buổi sáng 8/6, lãnh đạo xã không làm việc, trực giải quyết hồ sơ cho người dân.
Đồng thời, một số đoàn thể như phụ nữ, thanh niên cũng đi cổ vũ nên mới xảy ra việc không có người trực nhiệm sở.
Ngoài ra, cùng thời điểm, Phó Chủ tịch UBND xã, văn phòng và Thường trực Đảng ủy xã Cảnh Hóa theo đoàn Thanh tra của Sở Nội vụ về làm việc ở Trường mầm non và Trường THCS Cảnh Hóa.
Ông Hoàng Anh Dũng – Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Hóa (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói: “Nếu lãnh đạo UBND đi phải bố trí người trực ban, làm việc, đây lại đi hết, không có ai làm việc giúp dân. Việc làm này là sai, không đúng luật cán bộ, công chức. Tới đây, tôi sẽ tổ chức họp để có hình thức xử lý”.
Ông Nguyễn Xuân Đạt – Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) cho biết sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm. Huyện Quảng Trạch đang chờ báo cáo giải trình từ UBND xã Cảnh Hóa.
Ngọc Mai
Bị lừa sang Lào làm việc, 5 người Việt bị đánh đập và đòi 2,5 tỷ đồng tiền chuộc
Bị lừa sang Lào làm việc tại một casino tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào), 5 nạn nhân người Việt bị ngược đãi, đánh đập, buộc gọi điện về nhà gửi 2,5 tỷ đồng tiền chuộc.
Tối ngày 8/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết vừa giải cứu 5 nạn nhân bị những người xấu dụ dỗ đưa sang Lào làm việc và bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập.
Các nạn nhân này gồm có 4 người nam trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh và 1 người nữ trú tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.
Các nạn nhân này bị ép buộc gọi điện về nhà yêu cầu gửi tiền chuộc với số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng.
Trước đó, có 5 gia đình tại huyện Can Lộc và huyện M’Đrắk trình báo đến Bộ đội Biên phòng tỉnh về việc người thân của họ có dấu hiệu bị lừa đưa đi lao động.
Sau đó, những nạn nhân này bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập tại một casino tại Đặc khu kinh tế Bò Kẹo (Lào).
Tiếp nhận trình báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh đã cử lực lượng xác minh và báo cáo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xin ý kiến chỉ đạo.
Ngày 10/5, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có văn bản gửi Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát Bộ An ninh Lào đề nghị phối hợp giải cứu các nạn nhân.
Sau đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Bộ đội Biên phòng các tỉnh tuyến biên giới Việt – Lào tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng của Lào giải cứu các nạn nhân.
Hiện tinh thần các nạn nhân đã tương đối ổn định, sức khỏe tốt.
Cơ quan chức năng sẽ hoàn tất thủ tục để bàn giao các nạn nhân về gia đình.
Ngọc Mai