Tin thế giới sáng thứ Năm: Nga hăm dọa phá hủy cáp thông tin dưới biển của kẻ thù

Ngoại trưởng Mỹ – Trung điện đàm trước chuyến thăm Bắc Kinh của ông Blinken

Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (The Australian)

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã có cuộc điện đàm hôm thứ Tư (14/6), cuộc đàm phán cấp cao nhất trong một loạt các hoạt động ngoại giao gần đây giữa hai nước.

Căng thẳng đã gia tăng mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những năm gần đây, đặc biệt là về vấn đề Đài Loan.

Ông Blinken dự kiến đến Bắc Kinh vào Chủ nhật để đàm phán nhằm xoa dịu căng thẳng, sau khi chuyến thăm được lên kế hoạch trước đó đột ngột bị hủy bỏ vào tháng Hai.

Nhưng trong cuộc điện đàm diễn ra vào thứ Tư theo giờ Bắc Kinh, ông Tần Cương đã cảnh báo rằng quan hệ giữa hai nước đã phải đối mặt với “những khó khăn và thách thức mới” kể từ đầu năm.

“Trung Quốc luôn xem và quản lý quan hệ Trung-Mỹ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi do Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra,” ông Tần nói, theo một bản ghi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc gọi điện thoại.

Trong khi đó, viết trên Twitter, ông Blinken cho biết “[Tôi] đã nói chuyện tối nay với Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng CHND Trung Hoa Tần Cương qua điện thoại. Thảo luận về những nỗ lực liên tục để duy trì các kênh liên lạc mở cũng như các vấn đề song phương và toàn cầu.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết ông Blinken đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở để quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc nhằm tránh tính toán sai lầm và xung đột” với ông Tần.

Ngoại trưởng Blinken cũng “nói rõ rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp ngoại giao để bày tỏ về các lĩnh vực quan tâm cũng như các lĩnh vực hợp tác tiềm năng”, ông Miller nói.

Ông Blinken dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào ngày 18/6, chuyến đi đầu tiên của một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tới Trung Quốc kể từ người tiền nhiệm Mike Pompeo vào tháng 10/2018.

Tổng thống Joe Biden và ông Tập đã gặp nhau ở Bali vào tháng 11 và đồng ý cố gắng kiềm chế căng thẳng vốn đã cao vượt khỏi tầm kiểm soát.

Trước đó, ông Blinken đã đột ngột hủy chuyến đi dự kiến vào đầu tháng 2 sau khi Hoa Kỳ cho biết họ phát hiện và sau đó bắn hạ một khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc bay qua lục địa Hoa Kỳ.

Gần đây, hai bên đã xem xét lại để kiểm soát căng thẳng, bao gồm cả cuộc gặp mở rộng cũng như họp kín giữa cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc Vương Nghị tại Vienna vào tháng trước.

Ngân Hà (theo AFP)

Tổng thống Putin thừa nhận Nga không có đủ vũ khí và drone

Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Khaleej Times.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba (13/6) đã cảnh báo rằng lực lượng vũ trang Nga thiếu khí tài quân sự họ cần để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tại Ukraine. Đồng thời, ông Putin cũng khẳng định Moscow đang tăng cường sản xuất vũ khí để bù đắp sự thiếu hụt này.

Hôm thứ Ba (13/6), khi phát biểu tại một cuộc họp với các blogger ủng hộ chiến tranh, ông Putin đã thừa nhận rằng “trong tiến trình của hoạt động quân sự đặc biệt, rõ ràng đã đang có sự thiếu hụt nhiều thứ như đạn dẫn đường chính xác, thiết bị thông tin, máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (drone) v.v…”

“Chúng ta có những thứ đó, nhưng không may là chúng ta không có đủ”, ông Putin nói, theo hãng tin Interfax. Tổng thống Nga nói thêm rằng cũng như drone, quân đội Nga cần “vũ khí chống tăng hiện đại và xe tăng hiện đại”.

Đồng thời, ông Putin tuyên bố rằng sản xuất vũ khí nội địa đã tăng gần gấp ba để phục vụ cho chiến trường, trong khi nhu cầu thiết bị quân sự tăng gấp 10 lần.

Theo tờ Wall Street Journal, việc thiếu đạn dẫn đường chính xác đã đang ngăn cản cuộc xâm lược toàn diện của Nga, ngăn cản quân đội Nga tấn công vào các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa. Thay vào đó, lực lượng vũ trang Nga đã đang phải sử dụng các drone điều hướng kém, chẳng hạn như drone Shahed-129 do Iran sản xuất, và thậm chí đã phải sử dụng tên lửa hải quân chống hạm để tấn công vào các tòa nhà dân sinh.

Một báo cáo do Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế xuất bản hồi tháng Tư cho thấy rằng các chế tài của phương Tây đang ngăn chặn Nga mua các phụ tùng cần thiết để sản xuất vũ khí tiên tiến.

“Trong khi chất lượng của thiết bị quân sự do quân đội Ukraine sử dụng tiếp tục được cải thiện nhờ vào viện trợ từ phương Tây, thì chất lượng vũ khí của Nga tiếp tục kém đi”, báo cáo của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế phân tích.

Ở chiều hướng ngược lại, trong những tuần gần đây Kyiv đã đang nhận được một số xe tăng từ phương Tây, trong đó có Challenger 2 của Anh Quốc và Leopard 2 của Đức.

Hải Đăng

Mỹ trừng phạt các thực thể hỗ trợ Trung Quốc tiến hành hiện đại hóa quân đội

(Ảnh minh họa: Dragon Claws/Shutterstock)

Danh sách trừng phạt cũng bao gồm các công ty đã mua các mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, chẳng hạn như phát triển vũ khí siêu vượt âm, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, những công ty và thực thể huấn luyện bay cho các phi công quân sự Trung Quốc là mục tiêu trừng phạt mới nhất của Mỹ khi chính quyền Tổng thống Biden đã thêm 43 thực thể vào danh sách kiểm soát xuất khẩu, trong đó có Frontier Services Group Ltd (FSG), một công ty an ninh và hàng không trước đây do Erik Prince điều hành, vì đã “đào tạo phi công quân sự Trung Quốc và các hoạt động khác đe dọa an ninh quốc gia Mỹ”.

Học viện bay thử nghiệm của Nam Phi (TFASA), một trường dạy bay dưới sự giám sát của chính quyền Anh vì đã tuyển dụng các cựu phi công quân sự người Anh để huấn luyện phi công quân sự Trung Quốc, cũng bị liệt vào “danh sách đen” của Bộ Thương mại Mỹ.

Các công ty nằm trong danh sách trừng phạt nêu trên bị hạn chế nhận hàng xuất khẩu của Mỹ vì các hoạt động được coi là “đi ngược lại lợi ích của Washington”.

Các danh sách mới bao gồm các cơ sở của FSG ở Trung Quốc, Kenya, Lào và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE); các cơ sở của TFASA ở Nam Phi, Trung Quốc, UAE và Anh; cùng các thực thể thuộc tổ hợp hàng không vũ trụ và quốc phòng của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) ở Trung Quốc và Nam Phi.

Ngoài việc tuyển dụng các phi công phương Tây để huấn luyện các phi công của quân đội Trung Quốc về vận hành máy bay phương Tây, các công ty trên còn có thể mua những mặt hàng có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, bao gồm phát triển vũ khí siêu vượt âm, Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

Matthew Axelrod, một quan chức Bộ Thương mại Mỹ, cho hay: “Điều cấp thiết là chúng ta phải ngăn chặn Trung Quốc mua công nghệ và bí quyết của Mỹ để kích hoạt các chương trình hiện đại hóa quân sự của họ”.

Tổng cộng có 31 thực thể Trung Quốc bị liệt vào danh sách. Công ty Công nghệ siêu máy tính Thượng Hải cũng nằm trong danh sách mới bổ sung vì cung cấp khả năng siêu máy tính dựa trên đám mây để hỗ trợ nghiên cứu siêu vượt âm.

9 công ty của Trung Quốc và Pakistan đã được thêm vào danh sách vì đã “đóng góp cho chương trình tên lửa đạn đạo của Pakistan và các khoản hỗ trợ vũ khí khác”.

FSG, có trụ sở tại Hong Kong, đã phủ nhận các cáo buộc rằng họ cung cấp dịch vụ huấn luyện cho các phi công quân sự Trung Quốc khi sử dụng nhân viên phương Tây và NATO, đồng thời cho biết thêm rằng họ không biết vì lý do gì khi bị đưa vào danh sách đen của Hoa Kỳ.

Phan Anh

Quan chức Ý chỉ trích Trung Quốc: Nên chấm dứt mọi viện trợ cho Nga

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani. (Nguồn: mivzaklive).

Hôm 12/6, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani đã trực tiếp chỉ trích Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, nói rằng chính quyền Bắc Kinh nên chấm dứt mọi viện trợ cho Nga – nước đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina.

Ông Tajani nói: “Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số điểm giúp hòa giải cuộc xung đột Nga – Ukraina thì không thể và không nên đưa ra bất kỳ hình thức viện trợ nào cho một chính phủ vi phạm luật pháp quốc tế”.

Ngoại trưởng Ý cùng người đồng cấp Hoa Kỳ Antony Blinken, đã chỉ trích chính quyền Bắc Kinh sau khi một nhóm nghiên cứu người Anh tìm thấy các linh kiện của Trung Quốc trong một chiếc máy bay không người lái do Iran sản xuất được Nga sử dụng để tấn công Ukraina.

Ngoại trưởng Ý nói rằng cam kết của Trung Quốc không nên nhằm hỗ trợ Matxcova, mà nên nhằm thúc đẩy hòa bình. Vì vậy, Ý hy vọng Trung Quốc sẽ đi theo hướng đó.

Tuyên bố của ngoại trưởng Ý là dấu hiệu mới nhất cho thấy Thủ tướng “dân túy” Giorgia Meloni của nước này có ý định đưa Ý vào sự đồng thuận xuyên Đại Tây Dương. 

Điều này diễn ra chỉ mới 3 năm sau khi chính phủ tiền nhiệm của Ý tham gia kế hoạch cơ sở hạ tầng ​​”Một vành đai, Một con đường” do Trung Quốc khởi xướng, nhưng được coi là một bẫy nợ.

Tổng thống Nga Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraina vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Ông Putin ban đầu có ý định đánh nhanh thắng nhanh. Tuy nhiên, sự kháng cự kiên cường của Ukraina đã khiến nguồn dự trữ trang thiết bị quân sự và nhân lực của Nga bị hao tổn.

Tạ Linh

Medvedev: Nga có toàn quyền phá hủy cáp thông tin dưới biển của kẻ thù

Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và đang là phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, hôm thứ Tư (14/6) nói rằng không có lý do nào để Moscow không phá hủy các tuyến cáp thông tin ngầm dưới biển của kẻ thù bởi vì phương Tây đã đồng lão trong vụ làm nổ đường ống dẫn khí Nord Stream của Nga, theo Reuters đưa tin.

Ngày 26/9/2022, hệ thống đường ống Nord Stream bị giảm áp suất mạnh và các nhà địa chấn học khi đó đã phát hiện thấy các vụ nổ. Vụ việc đó đã kích hoạt những đồn đoán về hành vi cố tình phá hoại một trong những tuyến hành lang năng lượng quan trọng nhất của Nga.

Hiện vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã xảy ra với đường ống Nord Stream và các chính phủ phương Tây vẫn đang bác bỏ sự liên quan. Một số quan chức Mỹ và châu Âu ban đầu đã cho rằng Nga chịu trách nhiệm trong vụ làm nổ chính đường ống của mình. Tổng thống Putin đã mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này và gọi đó là sự diễn giải ngu ngốc.

Trong vài tháng gần đây, các tờ nhật báo của Mỹ, trong đó có The Washington Post, The New York Times và The Wall Street Journal đã đăng bài viết cho biết Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) đã biết về âm mưu của Ukraine tấn công các đường ống dẫn khí của Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phủ nhận Ukraine tấn công các đường ống đó.

Ông Medvedev nói trên Telegram hôm 14/6: “Nếu chúng tôi căn cứ vào sự đồng lõa đã được chứng minh của các quốc gia phương Tây trong vụ làm nổ các đường ống Nord Stream, thì chúng tôi không cần phải kiềm chế, không có lý do đạo đức nào còn lại để ngăn cản chúng tôi phá hủy cáp thông tin ngầm dưới đáy đại dương của kẻ thủ”.

Các tuyến cáp ngầm dưới biển được lắp đặt chằng chịt khắp các đại dương trên thế giới đã đang trở thành tuyến đường thông tin liên lạc toàn cầu. Tầm quan trọng của các tuyến cáp này đã biến chúng trở thành trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa một bên là Nga và Trung Quốc với một bên còn lại là Mỹ và các đồng minh phương Tây của Mỹ.

Nga nhiều lần nói rằng phương Tây, cụ thể là Mỹ và Anh Quốc đã đứng sau các vụ nổ đường ống Nord Stream. Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố rằng thế giới nên biết sự thật về những gì đã xảy ra.

Moscow cũng đã yêu cầu tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hủy các đường ống dẫn khí, dự án của Nga nhằm xuất khẩu khí đốt dưới Biển Baltic trực tiếp tới Tây Âu không cần đi qua đất liền Ukraine.

Ông Andrey Ledenev, cố vấn tại Đại sứ Nga ở Washington D.C cho biết: “Sẽ cần phải suy nghĩ về lý do tại sao các quốc gia phương Tây nhất định không sẵn sàng tiến hành một cuộc điều tra quốc tế minh bạch và khách quan dưới sự bảo trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Hải Đăng

Related posts