Đặng Duy Hưng
Ngồi lái xe nhìn con gái cười giỡn vui với hai đứa bạn làm anh cảm thấy an ủi ít nhất một phần. Trên đời này người đàn ông nào lại không lo lắng làm trọn bổn phận của người cha? Ly dị với vợ hơn 12 năm rồi từ ngày con bé mới gần 3 tuổi. Khi ký giấy tờ ly hôn, hai vợ chồng đồng ý chia sẻ thời gian chăm sóc cho con. Mỗi hai tuần anh được dành trọn cuối tuần với con một lần, hoặc ay đôi khi rảnh anh nhận đón chở con và bạn bè sau giờ học ngày thứ sáu đi ăn và xem phim. Anh và vợ cũ luôn luôn giữ tình cảm hậu ly dị thắm thiết để con gái không bị buồn tủi.
Vợ cũ đã tiến thêm bước nữa, nhưng anh vẫn ở vậy. Một hôm, anh chợt nghe đứa bạn của con gái nói về ca sĩ Cẩm Vân: “Show diễn ca nhạc của cô vừa mở vé ra bán hơn một tiếng đã bán sạch làm biết bao nhiêu thanh thiếu nữ thất vọng. Vé chợ đen hô giá lên trời, học sinh như tụi nó chẳng có cha mẹ nào dám bỏ ra số tiền lớn như vậy để xem? Không những trả tiền nhiều mà vé còn phải đứng rất xa chẳng thấy rõ khuôn mặt người biểu diễn.”
Anh ngồi nghe thôi chứ không nói gì bởi kỷ niệm ngày cũ cứ nhẹ nhàng lần lượt kéo về. Anh nhớ ngày ấy đạp xe chở Cẩm Vân đi hát hàng đêm. Nàng mới vừa được lăng xê nên chạy show từ chỗ này qua chỗ khác. Dù vậy đồng lương cũng chỉ đủ tiền để trang điểm cùng quần áo may đặc biệt cho ca sĩ chạy theo mode thời đại mới. Anh chỉ là sinh viên nghèo mới ra trường công việc tạm bợ. Hôm nay lỡ ăn ngon hôm sau phải luộc mì gói ăn liền. Anh vẫn không hiểu sao lúc đó nàng lại có cảm tình với anh vì ngoài kia có cả chục ngàn đàn ông muốn cầm tay ngọc của nàng và cung phụng nàng. Phần anh yêu nàng, người con gái Hà Nội dám yêu, dám chịu khổ lúc nào cũng hết mình cho tình yêu. Khi gần sáng hết show, về nằm bên nhau và nàng trở thành người vợ hiền lành bé bỏng chờ sự âu yếm thành thật trong vòng tay anh.
Ngày dẫn Cẩm Vân về giới thiệu với gia đình, anh cứ nghĩ bản thân mình sẽ đủ tự tin để xoá đi cái thành kiến cha mẹ đối với người phía Bắc. Nhưng bầu trời như sụp đổ sau trước mắt anh khi ba má anh nhất quyết không chấp nhận với lý do Cẩm Vân thuộc thành phần “xướng ca vô loại.” Anh gục đầu như kẻ thua trận không biết giải thích gì ngoài muốn làm đứa con hiếu thảo.
Lúc chia tay khuôn mặt nàng lầm lì nhưng không khóc: “Em yêu anh bởi tính thành thật của người Trung biết lo cho em từ miếng ăn đến tinh thần. Nhưng nếu anh không có cái can đảm để bảo vệ cái hạnh phúc của hai đứa, lấy nhau rồi thì mình cũng chia tay thôi.”
Hơn hai mươi năm qua mỗi lần nghe nàng lưu diễn đâu đó trái tim anh vẫn thấy bồi hồi. Mối tình đầu với người con gái đến trao cho anh tất cả. Phải chăng anh đã lỡ tay vụt mất điều quý giá nhất trong đời?
Anh ngập ngừng bấm số điện thoại nhưng không chắc nàng còn giữ số này không? Lần sau cùng anh gọi mấy ngày sau khi chia tay mong ước được gặp lại một lần nhưng không ai bốc máy. Nàng như bóng ma biến mất trên sân khấu cả năm hơn. Và lúc trở lại với cả chục bài nhạc tự sáng tác vui buồn tuổi mới biết yêu, dám nói, dám yêu, dám chịu. Có lẽ vì vậy tuổi trẻ hôm nay xem nàng như thần tượng tiên phong dám nói lên cảm nghĩ mà cha mẹ không bao giờ hiểu!
Bên kia giọng của nàng: “Anh đó sao?”
Anh như bị sốc lắp bắp: “Không nghĩ là em sẽ trả lời!”
Nàng nói thẳng: “Anh đang ở đâu? Em đến gặp được không?”
Trong góc quán ăn bình dân chỗ khuất anh với nàng hai trái tim rách nát bao năm như bắt đầu đập chung một nhịp. Con bé cùng bạn đi tìm quanh tính mở miệng phàn nàn: “Sao ba ngồi chỗ khó tìm?”
Nhưng khi thấy người ngồi cạnh, đôi mắt nó và hai đứa bạn trợn to hai tay che miệng: “Cô có phải là … như con nghĩ không?”
Nhìn nàng gật đầu không nói, nó hỏi tiếp: “Cô là bạn thân của ba con sao?”
Nàng lại gật đầu: “Con có thể nói như vậy!”
Nàng kéo nó ôm chặt vào lòng: “Ngày mai lúc 7 giờ tối đến cổng sau của hội trường cô sẽ nhờ người ra đón. Cô đãi ba đứa ăn tối trước khi nghe cô trình diễn được không?”
Con bé làm nũng: “Lâu lâu nhớ ghé thăm ba, ở lại dạy con nhé!”
Nàng cười chân thành: “Sợ tương lai gặp cô nhiều sẽ chán như ăn cơm.”
Con bé và bạn xin phép chụp chung vài tấm hình kỷ niệm. Tối nay và sáng mai với mạng xã hội Facebook, Twitter chắc cả trường đều biết.
Đám cưới anh và nàng cuối cùng cũng xảy ra. Cả hai đều muốn tránh báo chí săn lùng. Trong căn nhà thuê trên đồi chỉ có vài chục người đại diện cho hai gia đình và bạn bè gần nhất. Vào lễ hai người lạy rót trà cho cha mẹ hai bên, và nhận lại quà cùng lời chúc mừng trăm năm hạnh phúc. Nàng đột nhiên vẫy tay kêu anh thanh niên cao ráo nhưng khuôn mặt trẻ măng ra làm tất cả mọi người lấy làm lạ. Nàng giọng dịu dàng yêu thương: “Con tới lạy ông bà nội ngoại rồi chào ba đi.”
Anh chạy tới ôm nó vào lòng như hiểu câu chuyện tại sao nàng vắng mặt hơn một năm sau khi chia tay. Anh nói thầm vào tai: “Con có giận ba thiếu trách nhiệm bao năm qua?”
Nó điềm tĩnh trả lời: “Mẹ dạy ba là người tốt nhưng duyên phận ba mẹ còn cách trở. Thêm vào đó ai mà không có khiểm khuyết nhưng đừng dùng đó đổ lỗi cho đời hay cho người. Phải biết dũng cảm vượt qua chướng ngại mới đủ bản lĩnh đối chọi với đời để cùng bảo vệ hạnh phúc cho bản thân và người thân yêu.”
Anh ôm nó thật chặt và quay qua nàng cám ơn nàng dạy cho con tính rộng lượng bao dung. Anh nghe mẹ ruột anh nức nở khóc lớn tiếng. Chung quanh mọi người ai cũng chùi nước mắt.
Đặng Duy Hưng