Chương trình thị thực vàng của Úc thay đổi khiến người giàu Trung Quốc gặp rắc rối

(Ảnh minh họa: Atstock Productions/Shutterstock)

Hôm 16/6 vừa qua, hơn 50 người có tư cách thường trú BIIP (đa số là người Trung Quốc) đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng ABC ở Sydney, trong đó yêu cầu chính phủ xúc tiến các đơn xin thường trú của họ. Chương trình thị thực vàng của Úc thay đổi khiến người giàu Trung Quốc gặp rắc rối.

Năm 2018, ông Vương Bảo La (Paul Wang) rời quê hương Bắc Kinh để bắt đầu cuộc sống mới ở Úc. Ông đã đầu tư 1 triệu AUD (680.000 USD) vào một doanh nghiệp chế biến thực phẩm, với hy vọng có được quyền thường trú nhân theo chương trình thị thực nhà đầu tư (thị thực vàng) của Úc.

Tuy nhiên, 5 năm trôi qua, giấc mơ Úc của gia đình 3 người vẫn chưa thành hiện thực, ông nói với Reuters. Những người nhập cư như ông Paul Wang bị mắc kẹt, vì kế hoạch “thị thực vàng” gây tranh cãi đã bị chính phủ gạt ra ngoài, và mất quá nhiều thời gian để xử lý.

Ông Paul Wang, 44 tuổi, nói: “Chúng tôi không ngờ lại mất nhiều thời gian như vậy. Cuộc sống của chúng tôi trở nên hỗn độn vì nó. Đơn giản là chúng tôi không thể lên kế hoạch trước khi mọi thứ đều không chắc chắn”.

Triển vọng cho chương trình thị thực vàng của Úc tỏ ra không mấy lạc quan

Úc đã khởi động Chương trình Đầu tư và Đổi mới Doanh nghiệp (BIIP) vào năm 2012, với hy vọng rằng bằng cách cung cấp “thị thực vàng” cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư và doanh nhân giàu có, Úc có thể thu hút vốn và thúc đẩy đổi mới để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, một đánh giá của chính phủ được công bố vào tháng Ba cho thấy, những người di cư BIIP đóng góp ít hơn cho nền kinh tế so với những người Úc bình thường. Bởi vì những người này, mặc dù giàu có, nhưng thường lớn tuổi, và nhận lợi nhuận trên vốn thấp hơn thông qua đầu tư thụ động.

Đánh giá ước tính khoản đóng góp kinh tế trọn đời của những người đăng ký BIIP là 600.000 đô la Úc (khoảng 412.227 USD), ít hơn một nửa so với 1,6 triệu AUD (khoảng 1,09 triệu USD) mà người Úc kiếm được.

Chính phủ Đảng Lao động của Úc lên nắm quyền cách đây 13 tháng đã chuyển các ưu tiên sang giảm bớt tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao. Kết quả là hầu hết các thị thực vĩnh viễn theo BIIP cần xử lý trong thời gian gần 3 năm, so với mức trung bình trước đó là khoảng 12 tháng, ngoài ra còn phải có chu kỳ đầu tư từ 4 – 5 năm.

Ông Paul Wang đã chờ đợi 21 tháng.

Canada, Anh và Singapore đã hủy bỏ các chương trình thị thực nhà đầu tư tương tự. Chính phủ tin rằng những khoản đầu tư như vậy không tạo ra việc làm và có thể trở thành một phương thức đầu cơ.

Trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), đã có một lượng tồn đọng thị thực cho mọi hạng mục ở Úc. Mặc dù nhìn chung chính phủ đã rút ngắn thời gian xử lý khi đại dịch giảm bớt, nhưng hơn 3.000 người đăng ký BIIP và gia đình của họ đã phải chờ đợi khá lâu. Nhiều người trong số họ là người Trung Quốc.

Ứng viên Trung Quốc đối mặt với sự không chắc chắn trong tương lai

Vào thứ Sáu (16/6), hơn 50 người có tư cách BIIP, đa số là người Trung Quốc, đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng ABC ở Sydney, yêu cầu chính phủ xúc tiến các đơn xin thường trú của họ.

Khi được hỏi về sự chậm trễ cấp thị thực, trong một tuyên bố gửi qua email, Bộ Nội vụ cho biết, chính phủ sẽ xử lý tất cả các thị thực theo mức độ ưu tiên và theo kế hoạch, đồng thời từ chối bình luận về khiếu nại của những người nộp đơn BIIP.

Bộ Nội vụ cho biết, chiến lược nhập cư mới sẽ được công bố vào cuối năm nay, bao gồm việc “tái định hình triệt để” chương trình BIIP.

Chính phủ có kế hoạch giảm phân bổ BIIP từ 5.000 thị thực trong năm tài chính vừa qua xuống còn 1.900 trong năm nay, ít hơn 20% so với các năm trước.

Những người đăng ký BIIP cho biết, họ đang giảm đầu tư kinh doanh, hoãn các quyết định trong cuộc sống và trong một số trường hợp, bán tài sản ở Úc do tình hình không chắc chắn. Một số người nói rằng để có được quyền thường trú nhân, họ phải duy trì hoạt động kinh doanh của mình ngay cả khi thua lỗ, và bỏ lỡ các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn.

“Chờ đợi mãi có nghĩa là ngay cả khi kinh doanh thua lỗ, tôi cũng không thể đóng cửa hàng, (chỉ có thể) đi tiếp”, ông Đàm (Tan), nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu một cửa hàng nội thất ở Melbourne, cho biết ông đã đợi suốt 33 tháng.

Paul Wang đã từ bỏ kế hoạch mua thêm đất cho nhà máy vào năm ngoái do không chắc chắn về thị thực vàng. Paul Wang nói rằng ông dự định bán tài sản của mình ở Úc và chuyển đến Hoa Kỳ vào năm tới, để con gái ông được theo học ở đó.

“Nhiều người sẽ không thông cảm vì chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ. Nhưng chúng tôi không được đối xử công bằng”, ông cho hay.

EU đang rút lại chương trình thị thực vàng

Sự xâm nhập của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra thế giới ngày càng bị phản kháng, thị thực vàng của các nước EU cũng lần lượt đóng lại hoặc thắt chặt. Bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là những người Trung Quốc giàu có.

Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các chính phủ EU chấm dứt các chương trình quốc gia bán quyền công dân từ lâu được coi là rủi ro an ninh cho các nhà đầu tư.

Bắt đầu từ ngày 16/3, chính phủ Bồ Đào Nha đã ngừng cấp “thị thực vàng”. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết, động thái này nhằm “chống đầu cơ làm tăng giá bất động sản”.

Giá bất động sản đã tăng lên trong những năm gần đây, khi người nước ngoài mua nhà hoặc căn hộ thứ hai ở Bồ Đào Nha, và cho khách du lịch thuê thông qua các nền tảng như Airbnb. Thủ tướng Costa cho biết, cuộc khủng hoảng nhà ở hiện đang ảnh hưởng đến tất cả các gia đình, không chỉ những người dễ bị tổn thương nhất.

Kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 2012, những người nhận được thị thực hàng đầu là công dân Trung Quốc. Họ được cấp hơn 5.000 thị thực, theo số liệu của chính phủ Bồ Đào Nha.

Trước khi Bồ Đào Nha đình chỉ thị thực vàng, chính phủ Ireland đã đóng cửa Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư Quốc tế (IIP) mà không có bất kỳ cảnh báo nào.

Theo tờ The Irish Times, một cuộc họp báo riêng với các bộ trưởng nội các cho biết, việc tiến hành thẩm định lượng đơn đăng ký ngày càng tăng từ một quốc gia trở nên “cực kỳ khó khăn”. Buổi họp báo cũng chất vấn nhiều khoản đóng góp thụ động “không có chiến lược đầu tư và tạo ra ít việc làm”.

Trong số 1.316 đơn đăng ký được nộp vào năm 2022, các ứng viên Trung Quốc chiếm đại đa số, chỉ có 41 trường hợp ngoại lệ, báo cáo cho hay.

Bên cạnh đó, ngày 28/3/2022, chính phủ liên minh của Latvia đã quyết định rằng chương trình thị thực vàng giấy phép cư trú dành cho người nước ngoài thông qua việc mua các căn hộ và biệt thự đắt tiền đã chấm dứt.

Theo The Epoch Times,

Related posts