Quốc hội Thụy Điển: Không loại trừ khả năng Nga tấn công Thụy Điển
Truyền hình công cộng Thụy Điển SVT hôm Chủ Nhật (18/6) dẫn các nguồn tin riêng cho biết một báo cáo của ủy ban quốc phòng của quốc hội Thụy Điển tuyên bố không thể loại trừ khả năng Nga tấn công quân sự vào Thụy Điển.
Thụy Điển gần đây đã đang nhanh chóng tăng cường quốc phòng và năm ngoái đã nộp đơn gia nhập NATO cùng Phần Lan sau khi Nga đem quân xâm lược Ukraine. Trong khi Phần Lan hôm 4/4 đã chính thức trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng đơn xin gia nhập của Thụy Điển vẫn chưa được duyệt do bị hai thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phản đối.
Truyền hình SVT dẫn các nguồn tin riêng biết về báo cáo nêu trên nói rằng báo cáo đó của quốc hội Thụy Điển sẽ được công bố trong tuần này cho rằng mặc dù lực lượng bộ binh Nga đã bị sa lầy ở Ukraine, nhưng không thể loại trừ Nga tấn công Thụy Điển bằng các nhánh quân khác.
“Nga cũng đã đang hạ thấp hơn nữa ngưỡng giới hạn cho việc sử dụng lực lượng quân sự và biểu lộ khao khát chính trị và quân sự cao. Khả năng của Nga trong việc tiến hành các hoạt động quân sự bằng không quân, hải quân, các vũ khí tầm xa hoặc vũ khí hạt nhân nhắm vào Thụy Điển vẫn còn nguyên”, Truyền hình SVT nói dẫn theo báo cáo của quốc hội.
Truyền hình SVT cho biết báo cáo nêu trên đã vạch ra một học thuyết quốc phòng mới cho Thụy Điển căn cứ vào tiêu chuẩn của thành viên NATO thay vì dựa vào học thuyết trước đây của Thụy Điển vốn dựa theo mối quan hệ hợp tác với các quốc gia Bắc Âu láng giềng và Liên minh châu Âu (EU).
Cũng giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, Thụy Điển đã từng cắt giảm quy mô quân sự sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, nhưng gần đây đã đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và cũng sẽ đáp ứng tiêu chuẩn của NATO về ngưỡng chi tiêu quốc phòng 2% GDP vào năm 2026.
Hải Đăng (Theo Reuters)
Tình báo Anh: Tổn thất của Nga cao nhất từ đỉnh điểm trận chiến Bakhmut
Bộ Quốc phòng Anh hôm Chủ nhật cho biết cả quân đội Nga và Ukraine đang “chịu thương vong cao” khi Kyiv giành lại lãnh thổ do Moscow kiểm soát dọc theo chiến tuyến.
Trong một cập nhật mới nhất, Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Mặc dù các lực lượng Nga đã duy trì hệ thống phòng thủ “tương đối hiệu quả” ở phía nam đất nước, nhưng tổn thất của Điện Kremlin “có thể là cao nhất kể từ đỉnh điểm của trận chiến giành Bakhmut hồi tháng 3”.
Cả Nga và Ukraine đều thường xuyên cập nhật con số thương vong của đối thủ. Song những báo cáo này hầu như không được kiểm chứng bởi bên thứ ba.
Hôm thứ Bảy (17/6), Bộ Quốc phòng Nga cho biết có tới 735 lính Ukraine bị tiêu diệt. Trong một thống kê được công bố vào sáng Chủ nhật (18/6), Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết 650 binh sĩ Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong 24 giờ trước đó. Một ngày trước đó, quân đội Ukraine cho biết Nga đã mất 670 binh sĩ.
“Rất khó xác định thương vong trong một cuộc xung đột đang diễn ra vì cả hai bên sẽ cố gắng giữ bí mật dữ liệu và thổi phồng con số thương vong của đối phương”, Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London, cho biết.
Trong một diễn biến liên quan, một quan chức Nga cho biết quân đội Ukraine đã giành lại được làng Piatykhatky thuộc vùng Zaporizhzhia, hơn một tuần sau khi phát động chiến dịch phản công.
“Các cuộc tấn công ‘như sóng’ của đối phương đã mang lại kết quả, bất chấp tổn thất to lớn”, Vladimir Rogov, quan chức do Nga bổ nhiệm ở thành phố Zaporizhzhia, đông nam Ukraine, hôm nay thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Theo ông Rogov, sau khi giành kiểm soát làng Piatykhatky, lực lượng Ukraine đang cố thủ tại đây và hứng chịu hỏa lực từ pháo binh Nga. Giao tranh ác liệt vẫn tiếp diễn trong khu vực, ông cho biết thêm.
Bộ Quốc phòng Nga cùng ngày cho hay lực lượng nước này đã đẩy lùi một loạt cuộc tấn công của Ukraine trên ba khu vực tiền tuyến, trong đó, Kyiv đang gây sức ép mạnh mẽ nhất ở Zaporizhzhia. Tuyên bố không đề cập đến làng Piatykhatky.
Viên Minh (Tổng hợp)
LHQ cáo buộc Nga từ chối sự trợ giúp khi số người chết vì vỡ đập Kakhovka gia tăng
Moscow đã từ chối đề nghị của Liên Hợp Quốc về việc giúp đỡ những cư dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do đập Kakhovka bị vỡ, cơ quan thế giới cho biết hôm 18/6. Hiện tại số người chết do ảnh hưởng của lũ lụt vẫn gia tăng và các bãi biển ở miền Nam Ukraine buộc phải đóng cửa do tình trạng nước bẩn.
Sự cố vỡ đập do Moscow kiểm soát vào ngày 6/6 đã gây ra lũ lụt khắp miền Nam Ukraine và các khu vực do Nga chiếm đóng ở vùng Kherson, phá hủy nhà cửa và đất nông nghiệp, đồng thời cắt đứt nguồn cung cấp cho cư dân.
Số người chết hiện đã tăng lên 52, trong đó các quan chức Nga cho hay có 35 người chết ở các khu vực do Moscow kiểm soát, và Bộ Nội vụ Ukraine cũng thống kê có 17 người thiệt mạng và 31 người mất tích. Hơn 11.000 người đã được sơ tán ở vùng lãnh thổ hai bên kiểm soát.
Liên Hợp Quốc kêu gọi Nga hành động phù hợp với nghĩa vụ của họ theo luật nhân đạo quốc tế.
Bà Denise Brown, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Ukraine nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Không thể từ chối viện trợ cho những người cần nó.”
Phía Ukraine cáo buộc Nga cho nổ tung con đập thời Liên Xô, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ những ngày đầu xâm lược vào năm 2022. Một nhóm các chuyên gia pháp lý quốc tế đã hỗ trợ các công tố viên Ukraine trong cuộc điều tra của họ cho rằng, “rất có khả năng” vụ sập đập là do người Nga gài chất nổ gây ra.
Trong khi đó, Điện Kremlin cáo buộc Kyiv phá hoại đập thủy điện, nhưng cũng chưa đưa ra được bằng chứng xác thực.
Các nhà chức trách ở Odesa đã đóng cửa các bãi biển ở Biển Đen, cấm bơi lội cũng như tiêu thụ cá và hải sản từ các nguồn không xác định.
“Các bãi biển của Odesa đã được tuyên bố là không thích hợp để bơi lội do nước đang xuống cấp đáng kể… và thực sự gây nguy hiểm cho sức khỏe,” chính quyền của Odesa thông báo trên ứng dụng nhắn tin Telegram.
Các cuộc kiểm tra chất lượng nước vào tuần trước cho thấy mức độ nguy hiểm của vi khuẩn salmonella và các “tác nhân truyền nhiễm” khác, theo các quan chức Ukraine. Hiện việc giám sát bệnh tả cũng được tiến hành.
Mặc dù nước lũ đã rút nhưng sông Dnipro nơi xây dựng đập Kakhovka đã mang hàng tấn rác thải vào Biển Đen và bờ biển Odesa, dẫn đến tình trạng mà Ukraine gọi là “sự diệt vong sinh thái”.
Mức độ các chất độc hại trong các sinh vật biển và dưới đáy biển dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm tăng nguy cơ từ các mỏ đất đang dạt vào bờ biển.
Nhật Minh (Theo Reuters)
Thủ tướng Israel phản đối bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào giữa Mỹ và Iran về hạt nhân
Ngày 18/6, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh, ông phản đối bất kỳ thỏa thuận tạm thời nào mà Hoa Kỳ và Iran đang đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran.
Phát biểu của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra sau khi các hãng truyền thông Israel đưa tin, Washington và Tehran sắp đạt được thỏa thuận nhằm tìm cách kiềm chế phần nào chương trình hạt nhân của Iran đổi lấy việc Hoa Kỳ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này. Các bài báo không thể được xác nhận một cách độc lập và Hoa Kỳ đã công khai bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào như vậy.
Thủ tướng Netanyahu lưu ý, Israel đã thông báo cho Hoa Kỳ rằng “theo quan điểm của chúng tôi, những thỏa thuận hạn chế nhất, được gọi là ‘những thỏa thuận nhỏ’, không phục vụ mục tiêu và chúng tôi cũng phản đối chúng.”
Các quan chức Israel tin rằng Hoa Kỳ và Iran đã đạt được một số thỏa thuận liên quan đến việc Tehran hạn chế làm giàu uranium và Washington dỡ bỏ phong tỏa một số khoản tiền của Iran. Các quan chức Israel phát biểu với điều kiện giấu tên bởi vì họ đang thảo luận về một đánh giá ngoại giao bí mật.
Tuần trước, trang tin tức Walla của Israel đưa tin, theo những thỏa thuận mới, Iran sẽ hạn chế làm giàu uranium ở mức tối đa 60% để đổi lấy việc Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Trang tin tức này cũng cho biết, Washington và Tehran đang thảo luận việc trả tự do cho tù nhân của hai bên.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller tuần trước khẳng định, “không có thỏa thuận nào” và cáo buộc các bài báo đưa tin không đúng sự thật.
Trong bài báo của mình, hãng tin Walla cho biết, Thủ tướng Netanyahu đã tiết lộ các chi tiết của thỏa thuận này cho một ủy ban quốc hội Israel trong một cuộc họp gần đây. Hoa Kỳ và Israel chia sẻ thông tin tình báo với nhau. Trọng tâm chính trong các tương tác giữa hai nước đồng minh lâu đời này là Iran và chương trình hạt nhân của nước này
Thủ tướng Netanyahu đã phản đối kịch liệt thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới do chính quyền Obama làm trung gian nhằm tìm cách kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran. Ông là người ủng hộ nhiệt thành đối với quyết định rút khỏi thỏa thuận này của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2018, khiến cho thỏa thuận này đi vào bế tắc.
Iran biện minh rằng chương trình hạt nhân của họ là dành cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, Israel coi việc Iran có vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa lớn bởi vì Tehran luôn kêu gọi hủy diệt Israel, đồng thời ủng hộ các nhóm chiến binh chống Israel trên khắp khu vực Trung Đông.
Israel tuyên bố họ không loại trừ hành động quân sự để ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân.
Gia Huy (Theo Newsmax)