WSJ: Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng cơ sở huấn luyện quân sự mới ở Cuba
Tạp chí Phố Wall ngày 20/6 đưa tin, Trung Quốc và Cuba đang thảo luận về việc xây dựng một cơ sở huấn luyện quân sự chung trên đảo. Thông tin này được ra sau khi Tòa Bạch Ốc cho biết Bắc Kinh có các cơ sở do thám trên đảo cách Mỹ khoảng 145 km.
Tạp chí Phố Wall dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán về việc mở cơ sở ở phía bắc Cuba. Điều đó có thể mở đường cho Bắc Kinh đóng quân lâu dài và mở rộng các hoạt động gián điệp.
Theo Tạp chí Phố Wall, các quan chức Mỹ cho biết Washington đã liên lạc với các quan chức Cuba để ngăn chặn kế hoạch.
Đầu tháng này, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Trung Quốc từ lâu đã duy trì các cơ sở gián điệp ở Cuba và chúng đã được mở rộng vào năm 2019.
Ngày 8/6, Tạp chí Phố Wall đưa tin rằng Trung Quốc và Cuba đã đạt được một thỏa thuận bí mật để thiết lập một cơ sở gián điệp trên đảo. Các căn cứ này sẽ cho phép tình báo Trung Quốc nghe lén các thông tin liên lạc điện tử trên khắp vùng đông nam nước Mỹ. Trung Quốc và Cuba bác bỏ thông tin của trang báo Mỹ.
Tạ Linh
81% thành phần trong tên lửa Nga có nguồn gốc từ Mỹ
Theo tiết lộ của Nhóm chuyên gia Yermak-McFaul về các lệnh trừng phạt của Nga, có tới 81% thành phần tìm thấy trong tên lửa Nga có nguồn gốc từ Mỹ.
Thành phần tìm thấy có tỷ lệ phần trăm lớn tiếp theo trong tên lửa của Nga là Thụy Sĩ, Đức và Nhật Bản.
Trang tin LIGA.net ngày 19 tháng 6 dẫn lời nhóm chuyên gia Yermak-McFaul cho biết tên lửa hành trình Kh-101 chứa ít nhất 53 loại thành phần như vi mạch và chip.
Các bộ phận này có nguồn gốc từ các công ty như STMicroelectronics của Thụy Sĩ, và các công ty của Mỹ như Vicor, XILINX, Intel, Texas Instruments, ZILOG, Maxim Integrated và Cypress Semiconductor.
Tên lửa hành trình 3M-14 Kalibr được cho là chứa 45 loại linh kiện điện tử.
Tên lửa đạn đạo 9М723 Iskander được trang bị 15 loại linh kiện, và tên lửa hành trình 9М728/9М729 chứa 32 loại.
Trong tên lửa hành trình phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal có ít nhất 48 thành phần từ nước ngoài.
LIGA.net cũng cho biết, tên lửa Tornado-S chứa chip do Tập đoàn Intel của Mỹ sản xuất.
Theo Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky và Chánh Văn phòng Tổng thống Andrii Yermak, tên lửa của Nga khiến 13 người thiệt mạng ở Kryvyi Rih ngày 13/6 chứa hơn 50 loại linh kiện do nước ngoài sản xuất.
Đại diện của Ukraina đã gặp gỡ các nhà ngoại giao của các quốc gia nơi các bộ phận này được sản xuất. Các đối tác của Ukraina đã cung cấp một danh sách các công ty cung cấp cho Nga các bộ phận vũ khí được sử dụng cho các cuộc tấn công trong cuộc chiến.
Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky kêu gọi hạn chế trừng phạt đối với các công ty này ở cấp độ toàn cầu, và thúc giục tăng cường kiểm soát xuất khẩu đối với các thành phần quan trọng.
Phó Giám đốc Tình báo Quốc phòng Ukraina, ông Vadym Skibitsky, ngày 19/5 cho biết Nga có thể sản xuất tới 67 tên lửa mỗi tháng, bao gồm 35 tên lửa hành trình Kh-101, 25 tên lửa hành trình Kalibr, 5 tên lửa đạn đạo M723 cho hệ thống Iskander-M và 2 tên lửa đạn đạo siêu thanh Kinzhal.
Liên Thành
Mỹ chuẩn bị ra lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào AI của Trung Quốc
Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 16/6 rằng, các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn lo ngại các nhà đầu tư Mỹ có thể chuyển giao công nghệ và chuyên môn có giá trị cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, cho phép họ phát triển các phiên bản công nghệ tiên tiến của riêng mình, bao gồm cả chất bán dẫn.
Các công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ thường cung cấp cho các công ty mà họ đầu tư kiến thức và mối liên hệ về ngành mà có thể không có ở nơi nào khác.
Trong nhiều tháng qua, các quan chức chính quyền Biden đã chuẩn bị một sắc lệnh hành pháp mới nhằm hạn chế đầu tư của Mỹ vào một số đối thủ địa chính trị, bao gồm cả Trung Quốc, với hy vọng tránh các dự án kết hợp quân sự – dân sự, các dự án đầu tư mà cuối cùng sẽ mang lại lợi ích cho quân đội Trung Quốc, bao gồm cả công nghệ AI.
Lệnh cấm xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến trước đây của chính quyền Biden ở một mức độ nào đó sẽ ngăn cản các công ty trí tuệ nhân tạo có được sức mạnh tính toán cần thiết để phát triển các mô hình phức tạp nhất, tương đương với việc hạn chế Trung Quốc phát triển một số công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trước đó Mỹ cũng đã cấm xuất khẩu công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng để tự động hóa hình ảnh không gian địa lý.
Tuy nhiên, vì trí tuệ nhân tạo thường là một dự án tích hợp quân sự – dân sự nên rất khó để xác định ranh giới của đầu tư. Có thông tin nói rằng chính quyền Biden đã thảo luận trong một thời gian dài về phạm vi hạn chế đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.
Nhà nghiên cứu Emily Weinstein tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi, một tổ chức nghiên cứu tư vấn của Mỹ, nói với Wall Street Journal rằng: “Sẽ không bao giờ có bất kỳ khoản đầu tư nào vào Trung Quốc mà không gây ra bất kỳ rủi ro nào. Chính phủ Mỹ cần phải quyết định xem có thể gánh được bao nhiêu rủi ro và vạch ra ranh giới ở đâu”.
Một báo cáo của Đại học Georgetown cho thấy, từ năm 2015-2021, các nhà đầu tư Mỹ đã tham gia vào 401 giao dịch trong các công ty trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, với tổng số tiền đầu tư từ các nhà đầu tư Mỹ là 7,45 tỷ đô la.
Do mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, những hạn chế đối với đầu tư của Mỹ vào các công nghệ tiên tiến của Trung Quốc đã khiến nhiều công ty đầu tư mạo hiểm ngừng bước.
Công ty đầu tư mạo hiểm nổi tiếng Sequoia mới đây đã rút lui khỏi hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc.
Liên Thành
Reuters: NATO lần đầu không thông qua kế hoạch quân sự kể từ Chiến tranh Lạnh
Mặc dù bí mật về chi tiết cụ thể, nhưng kế hoạch này được miêu tả là kế hoạch phòng thủ của NATO trong trường hợp được gọi là nếu Nga tấn công. Reuters báo cáo hôm 16/6 rằng kế hoạch này đã không được thông qua —điều xảy ra lần đầu kể từ Chiến tranh Lạnh— mà lý do là bởi Thổ Nhĩ Kỳ cản trở.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng kế hoạch được đưa ra dựa trên bối cảnh và được thúc đẩy bởi điều mà NATO vẫn miêu tả lâu nay là cuộc xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine, và sau cuộc họp kéo dài hai ngày ở Brussels và vốn dĩ đang tiến gần hơn đến việc đồng ý về kế hoạch này rồi.
Nhưng một nhà ngoại giao kể rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chặn sự chấp thuận, lý do là về từ ngữ của các vị trí địa lý, bao gồm cả liên quan đến Síp. Tuy vậy vẫn còn cơ hội để tìm ra giải pháp trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào giữa tháng 7 tại Vilnius, nhà ngoại giao này nói thêm.
Khi được hỏi về việc này, phái đoàn ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại NATO nói rằng sẽ là sai lầm nếu bình luận về một tài liệu bí mật của NATO, đồng thời chỉ nói thêm rằng “quá trình tham vấn và đánh giá thông thường giữa các đồng minh vẫn đang tiếp tục.”
Nga vẫn gọi hoạt động quân sự của mình ở Ukraine là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và lên án các hoạt động của NATO mở rộng về phía đông là uy hiếp an ninh lãnh thổ của Nga, và gọi chiến tranh ở Ukraine là chiến tranh ủy nhiệm do đồng minh Âu Mỹ đứng sau.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters, “Mặc dù các kế hoạch khu vực chưa được chính thức thông qua ngày hôm nay, nhưng chúng tôi dự đoán các kế hoạch này sẽ là một phần của một loạt các phần trong chương trình nghị sự trong Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7 [sắp tới].”
Nhật Tân