Tin VN sáng thứ Tư: Ngư dân trôi dạt 3 ngày trên vùng biển Cà Mau

Lạm quyền khi thi hành công vụ, nguyên chủ tịch một xã ở Hà Tĩnh bị bắt giữ

Ông Cương tại cơ quan công an. (Ảnh: congan.hatinh.gov.vn)

Thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định trong quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản khi đương chức, gây hậu quả nghiêm trọng, hệ lụy khó khắc phục, nguyên chủ tịch một xã ở Hà Tĩnh bị khởi tố.

Ngày 19/6, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và ra lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Phan Đình Cương (SN 1965, nguyên là bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Bằng, nay là thị trấn Lộc Hà, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Vào tháng 1/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã họp để xem xét, thi hành kỷ luật ông Phan Đình Cương với hình thức khai trừ khỏi Đảng.

Trước đó, Đoàn kiểm tra số 199 (UBKT Tỉnh ủy Hà Tĩnh) phát hiện một số sai phạm trong công tác quản lý đất đai, tài chính, ngân sách tại xã Thạch Bằng như:

Trong thời điểm này, ông Cương với vai trò là huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy xã Thạch Bằng, nguyên chủ tịch UBND xã Thạch Bằng nhiệm kỳ 2011-2016, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy xã Thạch Bằng các nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020; thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định trong quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản.

Vi phạm của ông Cương gây hậu quả rất nghiêm trọng, để lại hệ lụy khó khắc phục, gây ảnh hưởng xấu, bức xúc dư luận, giảm sút uy tín cá nhân ông.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiếp tục điều tra vụ án.

Ngọc Mai

Trưởng phòng Tư pháp huyện Cư Jút (Đắk Nông) lấy trộm cây hoa giấy

Một hội nghị do UBND huyện Cư Jút vừa tổ chức hồi tháng 4/2023. (Ảnh minh họa: cujut.daknong.gov.vn)

Ông Lê Trọng T., Phó bí thư Chi bộ, Trưởng phòng Tư pháp huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) bị tố cáo lấy trộm cây hoa giấy.

Ngày 20/6, một lãnh đạo huyện Cư Jút cho biết ông Lê Trọng T. vừa bị Huyện ủy Cư Jút kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó bí thư Chi bộ Phòng Tư pháp huyện Cư Jút.

Ông T. bị xử lý kỷ luật vì có hành vi trộm cắp cây hoa giấy của một cơ sở trong huyện. Động thái trên diễn ra sau hơn hai tháng kể từ khi Huyện ủy Cư Jút nhận được thông tin tố cáo ông T. lấy trộm cây hoa giấy hồi cuối tháng 4.

Theo lãnh đạo huyện Cư Jút, trong thời gian 30 ngày từ khi có quyết định kỷ luật, ông T. có quyền khiếu nại quyết định xử lý về mặt Đảng.

Hiện UBND huyện Cư Jút đang làm quy trình để kỷ luật ông T. về mặt chính quyền. Ông T. được bổ nhiệm chức vụ Phó trưởng phòng Tư Pháp huyện Cư Jút vào tháng 9/2020.

Vụ ông T. trộm cây bị camera an ninh ghi lại, hình ảnh này sau đó bị lan truyền trên mạng xã hội. Sau khi bị phát giác, ông T. giải thích thấy hoa giấy bị khô héo nên mang về tưới. Ông T. đã trả lại tài sản và xin lỗi công khai cơ sở bị mất cắp.

Ngoài thông tin lấy trộm cây hoa giấy, trước đó Huyện uỷ Cư Jút đã nhận được đơn tố cáo của vợ ông T. tố cáo ông T. có hành vi bạo lực gia đình.

Nguyễn Sơn

Vụ đấu giá 262 lô đất: Cựu Phó Chủ tịch Phú Yên được giảm 3 năm tù

Các bị cáo tại phiên phúc thẩm. (Ảnh: vtc.vn)

Bị cáo Nguyễn Chí Hiến được giảm từ 6 năm tù xuống còn 3 năm tù trong phiên xử phúc thẩm do sai phạm đất đai.

Sáng ngày 20/6, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra trong quá trình bán đấu giá 262 lô đất ở nhà liền kề tại khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa.

Phiên tòa được mở sau khi có 3 trong số 5 bị cáo kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Phú Yên gồm các ông: Nguyễn Chí Hiến (cựu Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên), Mai Hắc Lợi (cựu Phó giám đốc Sở Tư pháp Phú Yên) và Nguyễn Ngọc Duy (cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên).

Tại phiên tòa, các bị cáo lý giải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều thông qua các ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh Phú Yên.

Ngoài ra, các bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, ăn năn hối cải, không vụ lợi cá nhân và các bằng khen do cơ quan Trung ương, địa phương cấp…

Cùng với đó, bị cáo Hiến đã tự nguyện khắc phục 800 triệu đồng, bị cáo Duy khắc phục 500 triệu đồng, bị cáo Lợi khắc phục 400 triệu đồng.

Do đó, TAND cấp cao tại Đà Nẵng quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với 3 bị cáo Nguyễn Chí Hiến, Mai Hắc Lợi và Nguyễn Ngọc Duy.

Cụ thể, HĐXX tuyên bị cáo Nguyễn Chí Hiến 3 năm tù, Nguyễn Ngọc Duy 2 năm 6 tháng tù và Mai Hắc Lợi 2 năm tù.

Theo cáo trạng, từ năm 2016 đến tháng 9/2017, ông Nguyễn Chí Hiến biết rõ việc hỗ trợ 5% trên tổng giá trị khu đất 262 lô của khu đô thị mới Nam Tuy Hòa cho người trúng đấu giá là không có trong quy định pháp luật.

Tuy nhiên, ông vẫn áp đặt ý chí cho những người tham mưu cấp dưới xây dựng phương án hỗ trợ 5% này, chỉ đạo lập lại phương án chia khu đất ban đầu thành 4 khu nhỏ để bán đấu giá từng khu, bỏ yêu cầu chứng minh năng lực tài chính của người đấu giá, bổ sung chính sách hỗ trợ 5% cho người trúng đấu giá.

Hành vi của ông Hiến đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 8 tỷ đồng vì người trúng đấu giá 262 lô đất là hơn 162 tỷ đồng, nhưng sau khi được hỗ trợ 5% thì chỉ còn nộp ngân sách hơn 154 tỷ đồng.

Các ông Lợi, Duy, Ngô Quang Phú (cựu Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên), bà Nguyễn Thị Nở (cựu Phó giám đốc phụ trách Sở Tài chính Phú Yên) là những người có vai trò đồng phạm, giúp sức cho ông Hiến.

Tại phiên sơ thẩm vào tháng 10/2022, TAND tỉnh Phú Yên tuyên bị cáo Nguyễn Chí Hiến 6 năm tù, bị cáo Mai Hắc Lợi 5 năm tù, bị cáo Nguyễn Ngọc Duy 4 năm tù.

Phạm Toàn

Liên quan vụ lộ đề thi THPT năm 2021, hai cựu giảng viên ở Hà Nội hầu tòa

Một trong những minh chứng đối chiếu của thầy Đinh Đức Hiền. (Ảnh: congan.com.vn)

Vi phạm về xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, 2 cựu giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ bị đưa ra xét xử vào cuối tháng 6 này.

Ngày 29/6 tới đây, TAND Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án liên quan đến việc lộ đề thi THPT hồi năm 2021 đối với các bị can Phạm Thị My (SN 1963, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bùi Văn Sâm (SN 1949, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội), cùng là cựu Giảng viên Khoa Sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 1, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Bị can My hiện đang bị tạm giam, sẽ có 3 luật sư từ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội bào chữa tại phiên tòa sắp tới; còn bị can Sâm bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trước đó, vào tháng 6/2022, cả 2 bị can My và Sâm bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố để điều tra vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Theo cáo trạng, báo chí, dư luận phản ánh đề ôn tập ngay trước ngày thi môn Sinh học ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giống đề ôn tập trên mạng của ông Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Hà Tĩnh), được thầy Đinh Đức Hiền chỉ ra giống đề thi chính thức đến 80%.

Thầy Hiền cho biết đã nhận được rất nhiều ý kiến của học sinh và đồng nghiệp về sự giống nhau giữa đề thi chính thức môn Sinh học và nội dung ôn tập online trước ngày thi của thầy Nghệ.

Xuất phát từ 2 video của buổi ôn tập trực tuyến cuối cùng ngay trước ngày thi chính thức 8/7/2021 của bài thi Khoa học tự nhiên (bao gồm 1 video củng cố lý thuyết trọng tâm phát ngày 5/7/2021 và 1 video chữa đề số 40 trong khóa luyện thi ngày 7/7/2021) làm dấy lên những băn khoăn, nghi vấn.

Khi so sánh thấy tỉ lệ tương đồng/tương tự tới 80% (32/40 câu), thầy Hiền cho rằng nếu đây là sự đoán trước đề của thầy Nghệ thì thực sự là một sự trùng hợp đến kỳ lạ.Trong đó, một số câu có sự trùng lặp từng câu chữ một cách chính xác, nguyên vẹn như trong đề thi.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định 2 bị can Sâm, My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, bà My làm tổ trưởng Tổ ra đề thi, còn ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định. Cả 2 người này biết cách phần mềm rút câu hỏi ngẫu nhiên vì các năm trước đó đã làm việc này.

Sau đó, bị can Sâm và My thống nhất sắp xếp các câu hỏi do mình biên soạn để biên tập vị trí từ 10-13 trong số 40 câu của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa để khi các câu này được chọn sẽ cùng một tổ hợp đề thi. Cùng với đó, các bị can này dùng chính những câu hỏi trên để dạy, ôn thi cho 8 học sinh là họ hàng, quen biết; trong đó mỗi người dạy 4 học sinh. Các học sinh này đến từ các trường chuyên ở Hà Nội, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Theo kết luận giám định, đề thi chính thức giống từ 70-95% với các câu hỏi do nhóm 2 bị can Sâm, My soạn thảo, biên tập. Về đề ôn tập trên mạng của ông Phan Khắc Nghệ giống từ 70-100% với các câu hỏi do 2 bị can Sâm và My soạn thảo; có một số câu trùng cả về nội dung, kiến thức và đáp án.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ căn cứ xác định bị can My bắn đề cho ông Nghệ và ông này giảng dạy trên mạng. Do vậy, cơ quan tố tụng không xử lý hình sự ông nghệ.

Vào tháng 7/2021, khi kì thi kết thúc, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết đã biết được thông tin và phối hợp các cơ quan liên quan xác minh.

Đến cuối tháng 12/2021, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ Bộ Công an cho biết phối hợp với Bộ GD&ĐT xác minh dấu hiệu lộ, lọt đề thi THPT qua hoạt động ôn thi ở Hà Tĩnh, và bước đầu đã phát hiện vi phạm.

Thạch Lam

Ngư dân trôi dạt 3 ngày trên vùng biển Cà Mau

Nạn nhân Minh (người ngồi giữa) trôi dạt trên biển 3 ngày. (Ảnh: Bộ đội biên phòng cung cấp/dẫn qua bienphong.com.vn)

Bị lừa đưa xuống tàu cá lao động, bị đe dọa, đánh đập, một ngư dân ở Hậu Giang đã liều mình ôm can nhựa nhảy xuống biển nhằm thoát khỏi sự hành hạ trên tàu. Ba ngày trôi dạt lênh đênh, ngư dân này đói khát phải uống nước biển cầm chừng.

Chiều ngày 19/6, thông tin từ lãnh đạo Đồn Biên phòng Sông Đốc (thuộc Bộ đội Biên phòng Cà Mau) đóng tại huyện Trần Văn Thời cho hay đơn vị vừa đưa lực lượng, phương tiện ra biển cứu vớt một ngư dân trôi dạt đã 3 ngày trên biển và đưa vào bờ.

Theo đó, khoảng 10h40 cùng ngày, Đồn Biên phòng Sông Đốc nhận tin báo của ngư dân Nguyễn Hoàng Sanh (ngụ xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) phát hiện có một người đang trôi dạt trên biển ở khu vực cách cửa biển Đá Bạc (huyện Trần Văn Thời) khoảng 3 hải lý.

Đồn biên phòng Sông Đốc phân công 5 cán bộ, chiến sĩ và trưng dụng tàu đánh cá CM 02766 TS của ngư dân địa phương ra biển tìm kiếm cứu nạn. Hơn 20 phút tìm kiếm, cứu nạn, lực lượng đã phát hiện và triển khai cứu vớt nạn nhân trong tình trạng sức khỏe rất yếu, đưa về đơn vị để chăm sóc.

Nạn nhân là ngư dân Nguyễn Hoàng Minh (SN 2000, ngụ ấp Trường Bình, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang).

Sau khi được ăn uống, ổn định sức khỏe, ổn định tinh thần, anh Minh cho biết anh bị lừa đưa xuống một tàu đánh cá của Kiên Giang để lao động, mặc dù bản thân anh chưa hề đi biển và không biết làm nghề biển.

Trong thời gian làm việc trên tàu, anh Minh thường xuyên bị chửi mắng, đe dọa đánh đập nên anh đã chuẩn bị một can nhựa, túi đựng quần áo chờ cơ hội bỏ trốn.

Cách 3 ngày trước, anh Minh đã liều mình ôm can nhựa và túi quần áo nhảy xuống biển, mong cơ hội thoát khỏi sự hành hạ trên tàu. Trôi lênh đênh trên biển, anh bị đói, khát, phải uống nước biển cho đến khi được cứu vớt.

Lực lượng Biên phòng Cà Mau đã liên hệ được với gia đình để anh Minh sớm gặp lại người thân. Đồng thời, lực lượng chuyên trách cũng đang điều tra, xác minh nguyên nhân vụ việc anh Minh nhảy xuống biển.

Thạch Lam

Related posts