Liên Thành
Theo đài RFI, Sri Lanka đang buộc phải áp dụng chính sách khắc khổ sau khi dính bẫy nợ của Trung Quốc.
Một năm sau khi vỡ nợ và người dân nổi dậy, Sri Lanka vẫn trong tình trạng khủng hoảng vì gánh những món nợ khổng lồ của Bắc Kinh từ những công trình chẳng đem lại lợi lộc gì.
Đảo nhân tạo “Port City Colombo” rộng 269 hecta, cảng dành cho du thuyền sang trọng được công ty China Harbour Engineering Company xây dựng với hơn 1,3 tỷ đô la, gồm các trung tâm thương mại, khách sạn, nhà ở có thể nối dài danh sách những công trình dang dở của cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa.
Do tham nhũng và quản lý yếu kém, tháng 4/2022 Sri Lanka không trả được khoản nợ gần 50 tỷ đô la. Cộng thêm thất bại về cải cách nông nghiệp và giảm thuế sau đại dịch, nước này bị thiếu tiền, dẫn đến thiếu thực phẩm, thuốc men, điện, xăng dầu.
Dân chúng Sri Lanka phẫn nộ xuống đường biểu tình, khiến ông Rajapaksa phải từ chức, rồi người em là Tổng thống Gotabaya Rajapaksa chạy trốn khỏi đất nước vào tháng 7/2022.
Một chính khách giàu kinh nghiệm là Ranil Wickremesinghe lên thay. Việc thương lượng với các chủ nợ mang lại hy vọng từ khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng ý cho vay khẩn cấp 2,9 tỷ đô la.
Muốn có được món tín dụng này, Sri Lanka phải thỏa thuận với Ấn Độ, Nhật Bản và nhất là Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thái độ lừng khừng. Bởi vì Sri Lanka là quốc gia đầu tiên của dự án Vành đai và Con đường bị phá sản – một trường hợp điển hình được tất cả các nước đang gặp khó khăn theo dõi sát sao.
Sri Lanka phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng: tăng thuế, giảm chi, hủy trợ cấp. Ông Wickremesinghe đã phải dùng biện pháp hà khắc với 22 triệu dân, đàn áp phe đối lập, hoãn lại bầu cử. Nhưng kinh tế đất nước tiếp tục suy sụp, vật giá tăng, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nghèo đói tăng lên.
Sri Lanka đang rao bán 7 công ty nhà nước, trong đó có hãng Sri Lanka Telecom.