Gian lận cước taxi ở Tân Sơn Nhất: Dừng 2 hãng “thổi” giá gấp vài lần
Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất vừa cho ngừng hoạt động tại khu đón khách sân bay của hai hãng taxi có nhiều tài xế bị phanh phui việc gắn các thiết bị gian lận cước, “thổi” giá lừa gạt khách hàng gấp vài lần giá niêm yết.
Chiều 21/6, sau khi thông tin nhiều tài xế của hai hãng taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất (Cheap Taxi, Saigontourist Taxi – đơn vị mạo danh thương hiệu) bị báo chí trong nước phanh phui chiêu trò gian lận cước, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đã ra quyết định tạm ngừng cho phép hai hãng này vào sân bay đón khách.
Cụ thể, sau hơn 1 tháng phóng viên thâm nhập vào giới tài xế taxi sân bay Tân Sơn Nhất, đã phát hiện nhiều tài xế gắn các thiết bị gian lận cước lên xe, cố tình đẩy giá cước lên gấp nhiều lần so với giá niêm yết thông thường, Tuổi Trẻ đưa tin.
Ví dụ như sáng hôm 29/5, khách từ ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đón taxi về đường Phạm Văn Nghị (Quận 7). Dù xe chưa ra khỏi trạm thu phí sân bay nhưng đồng hồ đã hiện số tiền 150.000 đồng. Điều bất thường là đồng hồ trên chỉ hiển thị số tiền, không có số km, thời gian chờ và đơn giá.
Vừa qua trạm, đồng hồ tiền cước đã nhảy lên 180.000 đồng cho khoảng 600m.
Đến cầu Công Lý, quãng đường mới khoảng 4km nhưng đồng hồ nhảy đến 360.000 đồng, tương đương 90.000 đồng/km.
Tới điểm đến trên đường Phạm Văn Nghị, tài xế chỉ tay vào đồng hồ hiển thị giá 1.350.000 đồng, do không có tiền thừa trả khách nên tài xế tính “bớt” xuống còn 1,2 triệu đồng cho cuốc xe nói trên.
Quãng đường cuốc xe chưa đến 15,5km, tính theo giá hãng và thêm phí trạm sân bay (10.000 đồng) thì khách chỉ trả khoảng 267.000 đồng, nhưng tài xế đã “chặt chém” đến 933.000 đồng. Số tiền khách trả là 1,2 triệu đồng, cao hơn khoảng 4,4 lần giá hãng.
Theo đại diện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, hiện nay có nhiều hãng taxi cùng hoạt động tại khu vực nội Cảng. Trong đó có 7 hãng taxi truyền thống có thuê vị trí đỗ xe, gồm: Mai Linh Taxi, VinaTaxi, Saigon Tourist Taxi, VinaSun Taxi, Sài Gòn Taxi, G7 Taxi và ASV Taxi.
Ngoài các hãng taxi truyền thống trên, còn một số hãng taxi công nghệ cùng tham gia hoạt động đón trả khách tại khu vực sân bay.
Tòa án TP.HCM cũng vừa nhận đơn khởi kiện của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV kiện Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist sử dụng trái phép nhãn hiệu độc quyền Saigontourist.
Đức Minh
Khoảng 1.5 triệu đàn ông Việt có nguy cơ không có vợ vào năm 2034
Việt Nam có 2 nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính, đó là việc nhiều người vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ và việc nhiều gia đình lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.
Thông tin trên do TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nói tại Hội thảo mất cân bằng giới tính khi sinh và khuyến nghị quản lý Nhà nước, hôm 20/6.
Ông Hoàng đánh giá tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang trở nên nghiêm trọng.
“Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Hiện 6 trên 6 vùng kinh tế – xã hội trong cả nước đều có tình trạng này, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc”, ông Hoàng nói.
Theo báo cáo, cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi cao hơn mức trung bình cả nước (112 bé trai/100 bé gái). Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117 bé trai/100 bé gái), Nghệ An (116,6 bé trai/100 bé gái), Hà Nội (112,7 bé trai/100 bé gái)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ có tỷ số dưới 108 bé trai/100 bé gái.
Ông Hoàng cho hay mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào. Đáng lưu ý, mức độ mất cân bằng cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả.
Việt Nam có 2 nguyên nhân chính gây ra mất cân bằng giới tính. Bên cạnh việc nhiều người vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, một nguyên nhân khác nổi lên gần đây là nhiều gia đình lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi.
Theo ông Hoàng, “việc mất cân bằng giới tính nghiêm trọng gây ra nhiều hệ lụy xã hội. Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới, khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân”.
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ “dư thừa” 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.
Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ bị dư thừa, có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.
Hiện Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109 bé trai/100 bé gái. Tổng cục Dân số nhận định mục tiêu này rất khó khăn, khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.
Hoàng Minh
‘Khoảng 52% trẻ em Việt Nam chưa được dùng nước sạch’
Theo các thống kê, tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%, trong đó số trẻ em thiếu nước sạch lên tới 17 triệu. Trong khi đó, có nguyên nhân khiến người dân không có nước dùng lại không phải do thiếu nước.
’37 làng ung thư thì 10 làng nguồn nước ô nhiễm nặng’
Tại buổi thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước sửa đổi chiều 20/6, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân.
Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%; đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%.
Khoảng 52% trẻ em Việt Nam, tương đương với 17 triệu trẻ em, chưa được sử dụng nước sạch, theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 37 làng ung thư, trong đó có đến 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng (*). “Người dân có quyền được tiếp cận nước sạch và Chính phủ có trách nhiệm đối với nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”, bà Xuân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có trường hợp nước thì có nhưng người dân lại không có nước dùng, khi việc quản lý cấp nước đô thị và khu công nghiệp tại địa phương được giao cho Sở Xây dựng, còn khu vực nông thôn được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này dẫn đến tình trạng đơn vị cấp nước đô thị không được cấp nước cho khu vực nông thôn và ngược lại, mặc dù đơn vị có đủ năng lực cấp nước và rất gần nơi người dân sinh sống, làm cho người dân không có nước sạch để dùng.
Bà Xuân cho biết cử tri kiến nghị Chính phủ giao thống nhất một đầu mối quản lý công tác cấp nước sạch cho người dân tại khoản 5 Điều 76 như sau: “Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp quản lý nhà nước về xây dựng, vận hành các công trình cấp nước, thoát nước đô thị và nông thôn bảo đảm các quy định về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước”.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho người dân tại Điều 28 và khoản 2 Điều 45 dự thảo luật. Bà Xuân dẫn chứng tại Phần Lan, việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và quản lý rủi ro về nước được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngừng cấp nước trong một năm. Nếu số thời gian ngừng cấp nước vượt quá 12 giờ trong năm, người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2%.
“Tôi cũng kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ giá nước sạch cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 23 mới quy định 6 chức năng của nguồn nước nhưng chủ yếu là chức năng cấp nước, vì vậy kiến nghị bổ sung 2 chức năng lớn của nguồn nước là trữ nước và thoát nước. Đồng thời, cần cụ thể hóa nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các chức năng này”, bà Xuân nói.
Để bảo vệ nước cần bảo vệ rừng, ngăn chặn nguồn gây suy thoái
Về giải thích thuật ngữ tại Điều 5, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” vì để phát triển tài nguyên nước cần bảo vệ phát triển tài nguyên rừng (nguồn sinh thủy), bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, cần xây dựng các công trình chứa nước đa mục tiêu… ngoài ra, phải có giải pháp gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, theo ông Dương, để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, chú trọng phòng ngừa, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm, dự thảo luật đã có quy định từ Điều 23 đến Điều 35, quy định trách nhiệm của một số Bộ ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên nước là quản lý đa ngành, tổng hợp, có nhiều yếu tố, nguyên nhân dân tới việc suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước như: đô thị hóa, nước thải công nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, ông Dương đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong liên quan tới việc bảo vệ phòng ngừa phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho biết so với luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo luật lần này có bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm để quản lý nguồn nước được hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong khoản 4 có quy định hành vi bị cấm là “lấp sông suối, kênh rạch” chưa rõ các hành vi bị cấm. Trên thực tế hiện nay, rất nhiều dòng song tuy chưa bị lấp nhưng bị người dân lấn chiếm phần diện tích ven sông rất nhiều bằng cách đổ vật liệu bồi đắp biến phần mặt nước sông thành diện tích đất để sử dụng.
“Hầu như những con sông có các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông đều rơi vào tình trạng bị lấn chiếm, nên tôi đề nghị cần quy định rõ hành vi bị cấm là: lấn chiếm, lấp sông suối, kênh rạch…”, bà Nga đề nghị.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước sửa đổi gồm 83 điều, phân thành 10 chương. So với Luật Tài nguyên nước năm 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 59 điều; bổ sung mới 15 điều) và bãi bỏ 13 điều.
Về phạm vi điều chỉnh, quy định tại dự thảo luật về cơ bản giữ nguyên như Luật 2012.
Theo đó, luật này quy định về quản lý, bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Nước dưới đất và nước biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và nước khoáng, nước nóng thiên nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Sau phiên thảo luận, các ý kiến góp ý được gửi tới cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan để hoàn thiện Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Nguyễn Quân