Một nghiên cứu mới đây đã ước tính rằng đến năm 2050 sẽ có khoảng 1,3 tỷ người trưởng thành trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí The Lancet và The Lancet Diabetes & Endocrinology. Theo đó, số người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng từ 529 triệu người năm 2021 lên hơn 1,3 tỷ người năm 2050. Tờ The Guardian cho biết rằng theo nghiên cứu này, sẽ không có quốc gia nào ghi nhận tỷ lệ tiểu đường giảm trong 30 năm tới.
Các chuyên gia mô tả dữ liệu này là đáng báo động và cho rằng bệnh tiểu đường đang vượt xa hầu hết các bệnh khác trên toàn cầu, là mối đe dọa đáng chú ý đối với con người và hệ thống y tế.
“Bệnh tiểu đường vẫn là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất của thời đại chúng ta và dự kiến tăng mạnh mẽ trong 3 thập niên tới ở mọi quốc gia, nhóm tuổi, giới tính, đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu”, Tiến sĩ Shivani Agarwal tại Đại học Y khoa Albert Einstein ở New York (Mỹ) nhận định.
Trong một diễn biến khác, Liên Hợp Quốc dự đoán rằng vào năm 2050, dân số thế giới sẽ vào khoảng 9,8 tỷ người. Kết hợp với dự đoán trên, có thể thấy rằng, đến lúc đó, khoảng 1/7 hoặc 1/8 dân số toàn thế giới sẽ phải sống chung với bệnh tiểu đường.
Các tác giả nghiên cứu cũng nêu rõ: “Bệnh tiểu đường tuýp 2, chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh tiểu đường, có thể phòng ngừa được và trong một số trường hợp, có khả năng hồi phục nếu được chẩn đoán và xử lý sớm trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, tất cả các bằng chứng chỉ ra rằng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường đang tăng trên toàn thế giới, chủ yếu là do tăng tình trạng béo phì bắt nguồn từ nhiều yếu tố”.
Tiến sĩ Alisha Wade, đồng tác giả và là giáo sư dự bị tại Đại học Witwatersrand (Nam Phi), cho biết: “Điều quan trọng là tác động của các yếu tố kinh tế và xã hội đối với bệnh tiểu đường được thừa nhận, hiểu rõ và đưa vào các nỗ lực nhằm hạn chế khủng hoảng bệnh tiểu đường trên toàn cầu”.