‘Bikini Airlines’ và tỷ phú sở hữu nó đang chiến đấu với một quỹ mua lại chuyên cho thuê máy bay

Bloomberg

Tác giả: Nabila Ahmed Benjamin Stupples

Cù Tuấn, biên dịch

Gần một năm kể từ khi nữ tỷ phú được mệnh danh là Madam Thảo để mặc bốn chiếc Airbus A321 nằm không trong các sân bay tại Việt Nam.

Và trong toàn bộ thời gian này, các máy bay trên đã bị bỏ mặc, không sử dụng. Chúng là một phần trong bối cảnh của một trong những sự cố quốc tế kỳ lạ nhất kể từ khi Việt Nam chuyển từ chủ nghĩa cộng sản sang một hình thức của chủ nghĩa tư bản.

Câu chuyện trải dài từ Tòa án Nhân dân Hà Nội đến khu Mayfair sang trọng của London, và từ đó đến Oxford hoành tráng, nơi bà Thảo – tên đầy đủ là Nguyễn Thị Phương Thảo – đã lên kế hoạch khắc tên mình vào lịch sử trường đại học này, cùng với những cái tên từ thời trung cổ như Balliol và Merton.

Tâm điểm của mọi chuyện là tranh chấp giữa Công ty Cổ phần Hàng không VietJet – hãng hàng không non trẻ của bà Thảo, và một quỹ mua lại ở London chuyên cho thuê máy bay, trong đó có 4 chiếc A321 đó.

Từ địa chỉ Mayfair của mình, FitzWalter Capital Ltd., đồng sáng lập bởi cựu doanh nhân của Macquarie Group Ltd Ben Brazil và được hỗ trợ từ các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh và Úc, cho biết, VietJet đã chậm trả tiền thuê bốn chiếc máy bay và đã vi phạm hợp đồng. Công ty này đã kiện hãng hàng không giá rẻ Việt Nam – thường được gọi là “Hãng hàng không bikini” vì các màn quảng cáo trước đây dùng người mẫu mặc đồ bơi hai mảnh, đóng vai phi hành đoàn – và yêu cầu thanh toán cũng như trả lại các máy bay phản lực đã thuê. Số tiền công ty này đòi VietJet bồi thường lên tới 191 triệu đô la Mỹ.

Phản ứng của VietJet là chơi tới cùng. Trong đơn bào chữa được đệ trình lên Tòa án Công lý Tối cao ở London, hãng hàng không 12 tuổi này có được vận may tự thân của bà Thảo, đã thừa nhận họ đã bỏ lỡ một số hóa đơn thanh toán sau khi việc sử dụng các máy bay này bị đình trệ do Covid-19. Nhưng VietJet nói thêm rằng, công ty cho thuê ban đầu FitzWalter tiếp quản các máy bay đã đồng ý giảm nhẹ các điều khoản trong hợp đồng thuê. Bên cạnh đó, công ty đầu tư ở London này đã không phải chịu bất kỳ thiệt hại kinh tế thực sự nào.

Vụ tranh chấp lên đến tòa án cấp cao nhất của Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trong giới hàng không.

Tình tiết này có vẻ như là một chuyện nhỏ, trong bối cảnh nhiều hãng hàng không vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn sau đại d,ịch đã gây ra các tranh chấp kéo dài giữa bên cho thuê máy bay và các hãng hàng không quốc tế. Nhưng vụ kiện có thể gây rủi ro cho một quốc gia đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư rằng đây là một nơi tốt để đầu tư, khi nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của họ chậm lại trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm.

Alan Polivnick, một chuyên gia luật hàng không tại công ty luật quốc tế Watson Farley & Williams cho biết: “Điều này nhấn mạnh, thực tế là luôn có một số khó khăn khi đầu tư vào một nơi như Việt Nam. Ở một số thị trường mới nổi này, pháp quyền là một khái niệm hoàn toàn khác so với những gì xảy ra ở Mỹ, chẳng hạn”.

VietJet “đã và đang bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong vụ tranh chấp bốn chiếc máy bay xảy ra trong thời điểm căng thẳng nhất của đại dịch Covid-19”, công ty này cho biết hôm thứ Tư 21/6, khi trả lời các câu hỏi của Bloomberg News.

Vì vụ kiện đang diễn ra ở Anh và sẽ được xét xử vào năm sau, VietJet cho biết, không thể đi vào chi tiết nhưng “chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tự bào chữa để bảo vệ tính chân thực, quyền lợi chính đáng của mình và chúng tôi tin rằng công lý sẽ thắng“.

Trong một tuyên bố với Bloomberg News, Jonty Nel, giám đốc điều hành bộ phận kinh doanh hàng không của FitzWalter Capital, cho biết, VietJet dường như có đủ tiền để trả các khoản thanh toán của mình và đơn giản là đã chọn không làm như vậy.

VietJet chỉ đơn giản là không trả tiền thuê từ lâu”, Nel nói trong một tuyên bố. “Công ty này dường như có khả năng thanh toán nhưng hoạt động như thể nó có thể không trả tiền mà không bị trừng phạt”.

Đó là một bước ngoặt đáng chú ý nữa đối với bà Thảo, người đã nắm bắt được cơ hội trong bối cảnh Việt Nam áp dụng chính sách kinh tế gần như tư bản chủ nghĩa từ rất lâu trước khi nền kinh tế Việt Nam cất cánh, và bắt đầu vượt qua một số nước láng giềng.

Khi còn đang theo học tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov ở Mátxcơva trong Chiến tranh Lạnh, cô gái trẻ Phương Thảo đã nhập khẩu quần áo, máy fax và các mặt hàng khác từ Đông Á để bán cho những người Matxcơva đang thèm khát hàng hóa nước ngoài. Năm 21 tuổi, cô đã là một triệu phú đô la Mỹ.

Bà Thảo thành lập VietJet vào năm 2011 và niêm yết cổ phiếu công ty này tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 5 năm sau đó. Tại bữa ăn tối ăn mừng hôm đó, bà Thảo rạng rỡ trong chiếc váy cắt may màu xanh lá cây sáng kiểu người cá, đã hát một bài hát trước mặt toàn bộ khách mời.

Bà Thảo, hiện 53 tuổi, cho biết bà không theo dõi chính xác tổng tài sản của mình, theo Bloomberg Billionaires Index ước tính hơn 1,5 tỷ USD. Nhưng bà không thiếu tham vọng: Bà muốn xây dựng VietJet thành một hãng hàng không giống như Emirates trụ sở tại Dubai, một hãng hàng không toàn cầu thành công từ một quốc gia nhỏ. Là hãng hàng không lớn nhất theo thị phần tại Việt Nam, VietJet có đội bay 99 chiếc và có thêm 264 chiếc đang được đặt hàng, theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence.

Tình hình đang khó khăn trong thời gian gần đây. Trong 5 năm qua, giá cổ phiếu của VietJet đã giảm khoảng 35%, khiến tổng giá trị cổ phần của bà Thảo chỉ còn gần 900 triệu USD, tính đến thứ Năm 22/6. VietJet đã đạt được thỏa thuận với Boeing Co. và Airbus SE để cơ cấu lại các hợp đồng đặt hàng máy bay lần lượt vào năm 2022 và 2021, sau khi chính phủ Việt Nam cấm hầu hết các chuyến bay trong đại dịch, khiến các hãng hàng không Việt Nam có nguy cơ phá sản.

Giống như nhiều tỷ phú và triệu phú đô la khác, bà Thảo đã tìm cách quảng bá sự giàu có của mình theo những cách có thể mua được uy tín quốc tế. Vào tháng 10 năm 2021, bà cam kết tài trợ 155 triệu bảng Anh (198 triệu USD) cho Đại học Linacre của Oxford, được thành lập năm 1962 và được đặt theo tên của Thomas Linacre, bác sĩ và học giả thời Phục Hưng.

Cam kết đó được ký trước mặt Thủ tướng Việt Nam, bao gồm đề xuất đổi tên trường là Thao College. Việc bà đến Oxford trùng hợp với nỗ lực lớn hơn của chính phủ Việt Nam nhằm quảng bá đất nước này như một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư.

Nhưng sau đó, bên cạnh việc tranh chấp giữa VietJet và FitzWalter, việc chuyển tiền tài trợ đã bị chậm trễ. Trường đại học tại Oxford vẫn đang chờ số tiền tài trợ đầu tiên hơn một năm rưỡi sau đó. Đại diện của Linacre College, Amjad Parkar, cho biết, Vương quốc Anh và Việt Nam đang thảo luận về thỏa thuận này và đang hợp tác làm minh bạch các chi tiết của khoản đóng góp.

“Sau các cuộc gặp trực tiếp hiệu quả tại Việt Nam, chúng tôi hiện đang chuẩn bị tất cả các quy trình và thủ tục giấy tờ liên quan”, Parkar cho biết trong một tuyên bố.

Đấu tranh tại tòa án

Trong khi đó, cuộc chiến tầm quốc tế về bốn chiếc A321 vẫn tiếp tục.

Tháng 12 năm ngoái, theo lệnh của Tòa án tối cao London, VietJet đã trao quyền sở hữu những chiếc A321 cho FitzWalter. Công ty đã thay đổi đăng ký máy bay từ Việt Nam sang đảo Guernsey, vùng hải ngoại của nước Pháp.

Hai tháng sau, một cổ đông của VietJet giành được lệnh của Tòa án Nhân dân Hà Nội để ngăn chặn động thái đó và giữ các máy bay này ở lại Việt Nam. Trong giới công nghiệp hàng không, bước ngoặt này được so sánh với quyết định đăng ký lại hàng trăm máy bay của Điện Kremlin sau khi Mỹ và các nước khác áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì xâm lược Ukraine.

FitzWalter sau đó đã đâm đơn kiện ở Singapore, cho rằng VietJet của bà Thảo đã đứng sau động thái này. Trong các hồ sơ liên quan đến vụ kiện này, hãng đã trích dẫn các cuộc trò chuyện giữa FitzWalter và Donal Boylan, giám đốc VietJet và đối tác có trụ sở tại Hồng Kông, tại công ty tư vấn và đầu tư BCAP Holdings.

Theo hồ sơ, Boylan đưa ra “một lời đe dọa gần như không che đậy” rằng chính phủ Việt Nam có thể can thiệp thay cho VietJet.

Tôi không thể nói giùm cho chính phủ Việt Nam, nhưng cảm giác của tôi là họ sẽ không hợp tác với bất kỳ ai từ Vương quốc Anh hay Singapore hay bất kỳ nơi nào khác, và điều này có thể tiếp diễn trong nhiều năm,” Boylan được cho là đã nói với một trong những đối tác tại FitzWalter trong các cuộc đàm phán, trước khi công ty này đưa ra chi tiết về các đòi hỏi của mình ra trước tòa án Singapore vào tháng 10 năm ngoái.

Nhưng đó không phải là một lời đe dọa, đó chỉ là một quan sát, một quan sát của Donal Boylan”.

Năm ngày sau khi công ty FitzWalter nộp đơn lên tòa án Singapore, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã rút lại lệnh cấm của mình.

FitzWalter hiện đang làm việc để chuyển trạng thái của các máy bay này sang trạng thái có thể bay được và được sự chấp thuận của chính phủ Việt Nam. Với không gian kho chứa máy bay không đủ rộng để làm bảo trì, việc bảo trì các máy bay này phải được thực hiện trên từng chiếc một.

Chúng tôi đã làm việc với họ và phần lớn vấn đề đã được giải quyết”, ông Hồ Minh Tân, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết. “Các máy bay trên sẽ có thể rời khỏi Việt Nam sau khi tất cả các thủ tục hải quan được hoàn tất”, ông nói mà không giải thích chi tiết.

Những người quen thuộc với vấn đề này cho biết, những chiếc A321 này có thể rời khỏi Việt Nam vào cuối năm nay, miễn là tranh chấp không có bước ngoặt mới nào khác. Cho đến lúc đó, một trong số bốn chiếc máy bay này đang nằm tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi ba máy bay còn lại ở Hà Nội. Trên đường băng, gần một kho chứa máy bay, logo màu đỏ VietJet trên một trong chiếc máy bay này đã được sơn màu trắng đè lên.

Related posts