Phía công an tỉnh Long An cho rằng vẫn đang truy tìm 3 luật sư bào chữa cho vụ Tịnh Thất Bồng Lai, và sẽ cung cấp thông tin sau.
Trả lời báo chí nhà nước tại buổi họp báo 6 tháng đầu năm 2023 liên quan đến việc 3 luật sư bào chữa vụ Tịnh Thất Bồng Lai đang ở Mỹ, đại diện công an tỉnh Long An cho rằng thông tin trên “vẫn chưa biết chính xác hay không, chủ yếu thông tin lan truyền trên mạng”.
“Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vẫn đang truy tìm ba vị luật sư này, khi có thông tin cụ thể sẽ cung cấp cụ thể cho báo chí”, người này nói.
3 luật sư được đề cập đến là Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Luật sư Đào Kim Lân và Luật sư Đặng Đình Mạnh – từng tham gia bào chữa vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra ở Tịnh Thất Bồng Lai thuộc ấp Lập Thành (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do (RFA Tiếng Việt) trong một bài đăng vào hôm Thứ Hai, ngày 19/6, cho biết Luật sư Nguyễn Văn Miếng đã tới Mỹ vào trưa ngày 16/6.
Còn Luật sư Đặng Đình Mạnh không cho biết đã tới Mỹ vào ngày nào.
VOA Tiếng Việt hôm 20/6 cho biết Luật sư Đào Kim Lân đã đến Mỹ và ở một nơi an toàn. “Tôi đã ở một nơi rất an toàn nhưng còn sắp xếp một vài công việc trước khi chính thức bước vào cuộc sống mới”, Luật sư Lân nói.
Theo quan sát của Trí Thức VN, cách đây vài giờ, trên trang Facebook cá nhân của Luật sư Đặng Đình Mạnh xuất hiện hình ảnh vị luật sư này chụp ảnh cùng bằng hữu tại Seattle, Washington, vào hôm 25/6/2023.
Trước đó, ngày 12/6, báo nhà nước đồng loạt dẫn thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết đã ban hành 3 quyết định truy tìm người đối với 3 luật sư trên để phục vụ công tác giải quyết tin báo về tội phạm.
Bản tin cho biết đầu tháng 3, Công an tỉnh Long An đã tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an, cho thấy “các luật sư này đã có những hành vi phát tán trên không gian mạng xã hội những đoạn video clip, những hình ảnh, lời nói, bài viết có dấu hiệu tội phạm ‘Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự”.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã thụ lý kiểm tra, xác minh tin báo trên và đã gửi giấy triệu tập nhiều lần cho 3 người này nhưng cả 3 không đến để làm việc và không có lý do vắng mặt.
Xác minh thêm, công an phường nơi những người này cư trú và thân nhân của họ đã xác nhận hiện họ không có mặt tại địa phương, đi đâu, làm gì không rõ và không liên lạc được.
Do đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định truy tìm những người trên.
Liên quan đến vụ việc, các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc trước đó đã gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Công an tỉnh Long An khởi xướng đối với một trong những luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh.
Các chuyên gia nhận được thông tin cho rằng “đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Tịnh Thất Bồng Lai”.
Văn thư của Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền đề ngày 31/3/2023 và vừa được công bố hôm 30/5 có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi khi đang diễn ra một cuộc điều tra hình sự cáo buộc ông Mạnh, điều này dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam”.
Cáo báo cáo viên đặc biệt nói rằng nếu những thông tin mà họ nhận từ các nguồn khác nhau mà được xác nhận, thì vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập”.
Theo các tiêu chuẩn này, các quốc gia phải đưa ra tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng các luật sư có thể thực hiện tất cả các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rối hoặc can thiệp không phù hợp.
Phạm Toàn