Giám đốc Công ty Angel Lina lừa bán 18 dự án ‘ma’, chiếm đoạt 815 tỷ đồng
Cơ quan điều tra đã tiếp nhận 584 đơn tố giác tội phạm từ những nạn nhân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Mỹ Hiền cùng các đồng phạm tại Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land với số tiền 815 tỷ đồng.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND TP.HCM truy tố Phạm Thị Tuyết Nhung – Giám đốc Công ty Angel Lina, Đất Vàng Hoàng Gia) cùng 7 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, năm 2018, sau khi thành lập Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và nhận chuyển giao các hợp đồng, vi bằng từ Trần Thị Mỹ Hiền, Phạm Thị Tuyết Nhung dùng tư cách cá nhân để ký kết hợp đồng đặt cọc, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất với mục đích nhận chuyển nhượng một lượng lớn đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất công ích… tại các quận Bình Tân, Bình Chánh… từ nguồn tiền cá nhân và tiền chiếm đoạt được từ khách hàng.
Khi đã đạt được thỏa thuận nhận chuyển nhượng đất (hầu hết chỉ mới hoàn tất đặt cọc), Nhung trực tiếp ký kết hoặc yêu cầu chủ đất ký kết hợp đồng góp vốn là quyền sử dụng đất với hai pháp nhân do Nhung tạo lập là Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, để tổ chức vẽ lập sơ đồ dự án dân cư không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô dưới dạng thổ cư mà không thực hiện các quy định của pháp luật về việc lập dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhung đưa ra các chính sách, khuyến mãi như quy định giá bán đối với các nền đất thổ cư không có thật rẻ hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch; chiết khấu 5 – 10% đối với khách hàng đóng ngay 90% giá trị nền đất sau khi ký hợp đồng; cam kết bồi thường 50% và hoàn lại toàn bộ vốn đầu tư khi không thực hiện giao đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng thời hạn, nhằm để tạo niềm tin và thu hút sự đầu tư từ khách hàng.
Về việc trong thời gian hoạt động, một số khách hàng của Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia được hoàn trả tiền theo cam kết trong hợp đồng, công an xác định các trường hợp này có dấu hiệu của hành vi lừa đảo nhưng không có yếu tố chiếm đoạt, việc bồi thường trên được xem là phương thức tạo lòng tin của Nhung đối với khách hàng, nhằm tránh việc tố giác hành vi lừa đảo với cơ quan chức năng.
Với phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi lừa đảo nêu trên, Phạm Thị Tuyết Nhung cùng các đồng phạm đã vẽ, lập 9 dự án dân cư không có thật tại quận Bình Tân, huyện Bình Chánh…, tự phân lô tách thửa trái pháp luật, quảng cáo gian dối, ký kết hợp đồng góp vốn để bán cho nhiều nạn nhân.
Tính đến ngày 14/6, qua quá trình ghi lời khai, thu thập hồ sơ tài liệu liên quan, công an đã tiếp nhận 584 đơn trình báo tố giác tội phạm từ các nạn nhân hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Phạm Thị Tuyết Nhung, Trần Thị Mỹ Hiền cùng các đồng phạm tại Công ty Angel Lina, Công ty Đất Vàng Hoàng Gia và Công ty Hoàng Kim Land với số tiền 815 tỷ đồng.
Thạch Lam
Vụ tham ô 50 tỷ đồng: Cựu Tư lệnh Cảnh sát biển bị đề nghị 16-16 năm 6 tháng tù
Đại diện VKS cho rằng trong 7 bị cáo tham ô, có 5 người mang quân hàm cấp tướng, là những người lãnh đạo lực lượng cảnh sát biển nhưng lại vì tiền (tham ô 50 tỷ đồng) mà đánh mất mình. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm.
Ngày 28/6, Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội tiếp tục phiên tòa xét xử cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn và 6 đồng phạm về tội Tham ô tài sản. Phiên tòa tiếp tục với phần luận tội của đại diện VKS.
Theo đại diện VKS, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, rút tiền ngân sách quốc phòng để tiêu xài cá nhân; làm ảnh hưởng uy tín của Nhà nước cũng như của Cảnh sát biển – lực lượng đảm bảo chủ quyền, an ninh, quyền tài phán của Việt Nam… nên cần xử lý nghiêm.
Trong 7 bị cáo, có 5 người từng mang quân hàm cấp tướng, đều phục vụ nhiều năm trong quân đội, Cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền nhưng “vì lợi ích vật chất mà đánh mất mình, chiếm đoạt tiền đầu tư cho cảnh sát biển”.
Theo đó, VSK đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh) 16 – 16 năm 6 tháng tù, Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Cảnh sát biển) từ 15 năm 6 tháng – 16 năm tù.
Các bị cáo Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh) cùng bị đề nghị mức án 15 năm – 15 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Phó tư lệnh) bị đề nghị 10 năm – 10 năm 6 tháng tù, Bùi Văn Hòe (cựu Thượng tá, cựu Phó phòng tài chính) từ 12 năm – 12 năm 6 tháng tù.
Về hình phạt bổ sung, VKS đề nghị cấm các bị cáo đảm nhiệm chức vụ trong 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
Theo cáo trạng, tháng 2/2019, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển dự toán ngân sách Nhà nước chi cho quản lý hành chính năm 2019 tổng số tiền là 450 tỷ đồng. Sau đó, tại phiên họp của Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển mở rộng đã quyết nghị phân bổ cho Cục Kỹ thuật hơn 150 tỷ đồng để tổ chức mua sắm vật tư, thiết bị cung cấp cho các đơn vị.
Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Văn Sơn gặp và yêu cầu Nguyễn Văn Hưng khi thực hiện mua sắm vật tư thì phải rút ra 50 tỷ đồng để chuyển lại cho Bộ Tư lệnh sử dụng.
Đầu tháng 4/2019, ông Sơn đã chủ động trao đổi với Hoàng Văn Đồng, Doãn Bảo Quyết, Phạm Kim Hậu và Bùi Trung Dũng về việc chỉ đạo rút 50 tỷ đồng để chi cho các thủ trưởng Bộ Tư lệnh. Tất cả đều đồng ý, không có ý kiến gì khác.
Ngày 4/5/2019, ông Sơn ký quyết định giao dự toán ngân sách cho Cục Kỹ thuật hơn 179 tỷ đồng và tiếp tục yêu cầu Nguyễn Văn Hưng rút lại 50 tỷ đồng để chuyển về cho Bộ Tư lệnh. Nhận chỉ đạo từ Sơn, bị cáo Hưng yêu cầu 6 Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Kỹ thuật phải rút đủ 50 tỷ đồng. Khi bị họ phản ứng, nói là việc này rất khó, bị cáo Hưng cho rằng “phải xác định việc rút lại 50 tỷ đồng là nhiệm vụ thủ trưởng giao và phải hoàn thành”.
Khi có được số tiền này, bị cáo Sơn chia cho mình và 4 bị cáo khác, mỗi người 10 tỷ đồng. Sau khi vụ án được phát giác, nhóm bị cáo này đã nộp lại tiền.
Với 6 Trưởng phòng thuộc Cục Kỹ thuật, Viện kiểm sát Quân sự Trung ương xác định họ có mối quan hệ lệ thuộc, thực hiện mệnh lệnh cấp trên, không có động cơ vụ lợi và không biết số tiền 50 tỷ đồng sau đó bị chia cá nhân nên không xử lý hình sự.
Phạm Toàn
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Lại nghi lộ đề môn Toán
Buổi thi môn Toán diễn ra từ 14h30 đến 16h vào chiều ngày 28/6 nghị bị lộ đề.
Theo báo chí nhà nước, đề thi môn Toán trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, từ câu 41 đến câu 45 của mã đề 113 được gửi ra bên ngoài trong thời gian thí sinh đang làm bài.
Kết quả đối chiếu với đề chính thức thí sinh mang ra sau khi hết giờ làm bài cho thấy hình ảnh đề lọt ra trùng khớp với nửa sau trang 4 của mã đề 113.
Bộ GD&ĐT cho biết phía Bộ đã biết vụ việc và đã chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) xác minh làm rõ.
Báo chí nhà nước loan tải thông tin đề thi Toán nghi bị lộ. (Ảnh chụp màn hình)
Buổi thi môn Toán diễn ra từ 14h30 đến 16h. Trong số hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi, 3.700 thí sinh không đến làm bài; có 2 thí sinh vi phạm quy chế thi.
Sáng nay, đề thi môn Ngữ văn cũng bị nghi lộ đề sau 25 phút thi.
Minh Long
Thi tốt nghiệp THPT 2023: Thí sinh tại Cao Bằng, Yên Bái chụp đề thi rồi gửi ra ngoài
Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vừa cung cấp một số thông tin ban đầu liên quan đến vụ lộ đề thi Văn, Toán vào ngày thi đầu tiên của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (ngày 28/6).
Chiều ngày 28/6, báo chí nhà nước dẫn nguồn tin từ Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cho biết một thí sinh thuộc Hội đồng thi của tỉnh Cao Bằng đã dùng điện thoại iPhone 11 chụp ảnh đề thi môn Ngữ Văn sau khi phát đề khoảng 15 phút và gửi cho người thân để nhờ giải bài giúp.
Sau đó, hình ảnh đề thi môn Ngữ Văn được đăng tải và bị lan truyền trên các trang mạng xã hội.
Đối với đề thi Toán, theo Cục An ninh chính trị nội bộ, thí sinh thuộc Hội đồng thi Yên Bái đã chụp ảnh đề thi gửi ra ngoài. Lực lượng chức năng đang tiếp tục làm rõ trường hợp này.
Trước đó, khoảng 8h ngày 28/6, sau khi thí sinh bắt đầu làm bài thi môn văn khoảng 25 phút, trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh chụp đề thi chính thức môn Ngữ Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đến chiều cùng ngày, đề thi môn Toán, từ câu 41 đến câu 45 của mã đề 113 được gửi ra bên ngoài trong thời gian thí sinh đang làm bài.
Kết quả đối chiếu với đề chính thức thí sinh mang ra sau khi hết giờ làm bài cho thấy hình ảnh đề lọt ra trùng khớp với nửa sau trang 4 của mã đề 113.
Vụ việc tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Minh Long
Khởi tố 3 công an “bắn nhầm” dê với tội danh “trộm cắp tài sản”
Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản”, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại nghĩa bắn chết dê của người dân.
3 công an ‘bắn nhầm’ dê bị người dân bắt được
Bước đầu, 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) thừa nhận vào giờ nghỉ trưa mang súng tự chế đi bắn chim nhưng “bắn nhầm” dê của người dân.
Các video được chia sẻ trên mạng ghi lại vụ người dân bắt kẻ trộm dê ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Trong clip, người dân địa phương bắt quả tang xe ô tô 4 chỗ màu đỏ, trong xe có bao đựng 2 con dê đã chết.
Hình ảnh từ video cho thấy trong xe ngoài quân phục của lực lượng công an, còn có vật dụng như súng có ống ngắm. Người dân đã giữ ba người này lại, sau đó dân báo Công an xã An Phú.
Ba người bắn chết dê của người dân ở xã An Phú là cán bộ công an đang công tác tại Công an thị trấn Đại Nghĩa. Được biết, khẩu súng mà ba người này dùng để bắn dê là khẩu súng tự chế.
Chiều ngày 27/6, đoàn công tác gồm đại diện chỉ huy Công an huyện Mỹ Đức, Công an thị trấn Đại Nghĩa và Công an xã An Phú, cùng đại diện chính quyền địa phương, đã đến nhà người dân có dê bị ba cán bộ công an bắn chết để gửi lời xin lỗi.
Khởi tố 3 công an với tội danh “Trộm cắp tài sản”
Cùng ngày 27/6, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Trộm cắp tài sản”, xảy ra ngày 26.6, tại xã An Phú, huyện Mỹ Đức; Quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng, đồng thời ra Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) trao đổi với PV Dân Việt, cho biết, đây là vụ việc nghiêm trọng, xâm phạm đến tài sản của người dân, làm xấu đi hình ảnh của người lực lượng Công an nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm.
Bà Thơ cho biết, theo quy định pháp luật, hành vi lén lút để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự. Tài sản trộm cắp cắp càng lớn mức phạt càng cao.
“Nếu bị chứng minh có tội và giá trị tài sản trộm cắp không lớn, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, có nhiều thành tích trong công tác, các đối tượng có thể đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định tại khoản 1 Điều 173.”
Bà Thơ phân tích thêm, trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của người khác với mục đích chiếm đoạt.
Hành vi lén lút được xem là đặc điểm mang tính riêng biệt của tội trộm cắp tài sản, và đặc điểm nổi bật của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội có hành vi lén lút, bí mật di chuyển bất hợp pháp tài sản của người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Và đây là tội có cấu thành tội phạm vật chất nên dấu hiệu hậu quả nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm.
Vì vậy, trong vụ việc 3 công an “bắn nhầm” dê của người dân, cơ quan điều tra sẽ lấy lời khai 3 đối tượng, thu thập chứng cứ, xác định giá trị tài sản mà các đối tượng đã thực hiện để làm căn cứ xử lý, định khung hình phạt.
Lý Ngọc tổng hợp