Aspartame hiện là chất làm ngọt phổ biến hàng đầu. Nó có trong Diet Coke (nước ngọt cho người muốn kiêng đường), một số đồ uống của Snapple, một số kẹo cao su Mars’ Extra, v.v. Theo Reuters đưa tin hôm 29/6, chất này dự kiến sẽ bị đưa vào danh sách các chất “có thể gây ung thư cho con người” vào tháng 7 tới bởi IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế, một nhánh của WHO – Tổ chức Y tế thế giới).
Reuters cho biết họ có được tin tức này theo hai nguồn tin có kiến thức về quy trình và quản lý thực phẩm. Phán quyết đưa đường hóa học aspartame vào danh sách các chất có thể gây ung thư đã được IARC hoàn thiện vào đầu tháng 6 này sau cuộc họp của các chuyên gia. Các số liệu và bằng chứng đã được phân tích và đánh giá trước khi đưa ra kết luận.
IARC có thể sẽ không quy định ra mức an toàn. Tức là lượng sản phẩm mà một người có thể sử dụng một cách an toàn.
Lời khuyên về mức an toàn này thông thường là đến từ một cơ cấu khác của WHO —JECFA (Ủy ban Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp)— cũng như nằm trong các quyết định hay hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan quản lý của các quốc gia khác nhau.
Reuters chỉ ra rằng do cách làm này mà các phán quyết tương tự của IARC trước đây đối với các chất khác nhau đã khiến người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng chúng, từ đó dẫn đến các vụ kiện và gây áp lực buộc các nhà sản xuất phải điều chỉnh lại công thức chế tạo, như chuyển sang dùng các chất khác.
Điều đó đã dẫn đến có những lời chỉ trích rằng các đánh giá của IARC có thể gây hiểu lầm cho công chúng.
JECFA cũng đang xem xét việc sử dụng aspartame trong năm nay. Cuộc họp của họ đã bắt đầu vào cuối tháng 6 và dự kiến sẽ công bố những phát hiện vào cùng ngày mà IARC công bố quyết định của mình — vào ngày 14/7.
Kể từ năm 1981, JECFA tuyên bố aspartame an toàn trong thực phẩm, tức là thông thường người ta sẽ không sử dụng vượt khỏi giới hạn an toàn. Ví dụ theo JECFA, một người trưởng thành nặng 60 kg sẽ không gặp nguy cơ gì nếu uống Diet Coke, trừ phi người đó uống nhiều đến mức 12–36 lon mỗi ngày. Quan điểm này lâu nay vẫn được thừa nhận và được chia sẻ rộng rãi bởi các cơ quan quản lý quốc gia, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Châu Âu.
Người phát ngôn của IARC cho biết các phát hiện mới nhất lần này của IARC và JECFA sẽ đều được giữ bí mật cho đến tháng 7, nhưng nói thêm rằng chúng là “bổ sung”, với kết luận của IARC đại diện cho các “bước cơ bản đầu tiên để hiểu về khả năng gây ung thư”. JECFA là “tiến hành đánh giá rủi ro, xác định khả năng xảy ra một loại tác hại cụ thể (ví dụ: ung thư) trong các điều kiện và mức độ nhiễm nhất định.”
Trong bối cảnh này, như Reuters có báo cáo cụ thể (Trí Thức VN không dẫn chi tiết ở đây), hiện đã dấy lên nhiều quan ngại và tranh cãi từ các hãng sản xuất về vấn đề này.
Tháng trước, WHO đã công bố hướng dẫn khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng chất tạo ngọt không đường để kiểm soát cân nặng. Các hướng dẫn đã gây ra một làn sóng tranh cãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, khi họ cho rằng các chất đó vẫn hữu ích cho những người tiêu dùng muốn giảm lượng đường trong chế độ ăn uống của mình.
Nhật Tân