Kane Zhang • Lynn Xu
Cư dân mạng đang xôn xao về việc thành phố Nhữ Châu đã không trả lương cho công chức trong hơn 6 tháng, hay thậm chí tới hơn một năm.
Thông tin về một thành phố từng được biết đến là một trong những thành phố sôi động nhất của Trung Quốc đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng. Tại đây đang diễn ra một cuộc khủng hoảng tài chính, thứ khiến những người lao động thiết yếu của thành phố không nhận được tiền lương. Cư dân mạng đang xôn xao về việc thành phố này không trả lương cho công chức – trong hơn 6 tháng, và trong một số trường hợp là hơn một năm.
Trong khi đó, người dân ở đây nói rằng thành phố của họ chỉ là một trong số nhiều thành phố ở Trung Quốc đang phải vật lộn để kiếm sống sau COVID.
Nhữ Châu, một thành phố cấp huyện của tỉnh Hà Nam miền trung Trung Quốc, từng được vinh danh là “Thành phố kiểu mẫu cho nền kinh tế tuần hoàn của Trung Quốc”. Nền kinh tế của Nhữ Châu xếp thứ 15 trong số 140 huyện ở miền trung Trung Quốc. Giờ đây, thành phố này không thể trả lương cho các giáo viên, nhân viên cứu hỏa, cảnh sát và nhân viên y tế, những người hỗ trợ cho cuộc sống của gần một triệu cư dân trong thành phố.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng cho biết tình hình ở Nhữ Châu “không phải là trường hợp cá biệt và cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính địa phương đang lan rộng hơn nữa”.
‘Chén cơm vững chắc nhất’ đã rỗng
The Epoch Times đã liên hệ với chính quyền thành phố Nhữ Châu vào ngày 23/06 để xin bình luận. Nhân viên trực điện thoại đã cúp máy ngay khi nghe phóng viên gọi điện hỏi về việc nợ lương. Các cuộc điện thoại sau đó không được trả lời.
Tuy nhiên, The Epoch Times đã có thể nói chuyện với một số nhân viên khu vực công. Họ yêu cầu được giấu tên vì lý do an toàn.
Fu Xia (hóa danh) là một công chức; bà ấy nói với The Epoch Times rằng bà ấy và các đồng nghiệp của mình đã được cho nghỉ phép. “Thật khó để sống mà không có thu nhập trong hơn nửa năm”, bà ấy nói. Bà cho biết họ đang đếm từng ngày cho đến khi chính phủ có tiền để trả cho họ và họ có thể trở lại làm việc.
Bà Fu cho biết mặc dù một số nhân viên ở các cơ quan khác của thành phố đã không nhận được tiền lương trong gần một năm, nhưng không ai từ chức, do niềm tin lâu nay rằng công chức là “chén cơm vững chắc nhất” ở Trung Quốc.
“Ngày nào tôi cũng kiểm tra điện thoại để xem khi nào sếp gọi tôi đi làm trở lại”, bà Fu nói và phàn nàn rằng, bà ở nhà không có việc gì làm. “Thế là đã đủ!”
Bà Fu cho biết các nhân viên của thành phố được khuyên nên tìm những công việc tạm thời để trang trải chi phí sinh hoạt, điều này khiến họ cảm thấy thiếu sự quan tâm. “Thế còn các khoản vay mua ô tô và vay mua nhà thì sao? Nuôi con cũng rất tốn kém; kiếm sống thật gian nan!” bà ấy nói. Cảnh sát đường sắt làm nhiệm vụ tại Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 07/04/2020. (Ảnh: Getty Images)
Cai Pengfei (hóa danh), một nhân viên chăm sóc sức khỏe đã nghỉ hưu, lưu ý rằng, một phần của vấn đề là do quy mô quá lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Để duy trì chế độ tập trung của một tổ chức khổng lồ như vậy, cần có một số lượng lớn các trợ lý chính trị và công chức. Ngoài quân đội, cảnh sát và quan chức chính quyền các cấp, còn có các trường công lập và bệnh viện công cần được tài trợ.
Nguồn tài chính dành cho nhiều cấp nhân viên chính phủ đến từ tiền thuế nộp cho kho bạc nhà nước, Cai cho biết thêm: “Khi người dân nghèo, họ đóng thuế ít hơn và [ĐCSTQ] không có đủ tiền để chi tiêu.” Hơn nữa, do quản lý yếu kém và tham nhũng, chính quyền không có sự phòng bị cho thời kỳ khó khăn. “Khi [chế độ ĐCSTQ] có tiền, nó đã mở rộng một cách xa hoa và ngấu nghiến các khoản trợ cấp từ ngân khố. Nay ngân khố cạn kiệt, không còn tiền để trả lương”.
Biểu tình đòi lương
Theo một bản tin video được đăng trên công cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc vào cuối tháng 12, các nhân viên của Ủy ban Y tế Nhữ Châu đã không được trả lương trong mười ba tháng. Đoạn video cho thấy các nhân viên biểu tình ở lối vào của Ủy ban thành phố Nhữ Châu để yêu cầu được trả lương.
Họ nói rằng việc từ chối trả lương cho nhân viên y tế là đặc biệt bất công vì các nhân viên đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch của thành phố.
Bài đăng cho biết trước cuộc biểu tình của nhân viên y tế, nhân viên giao thông thành phố cũng đã biểu tình phản đối chính quyền thành phố Nhữ Châu về việc không được trả lương.
Mặc dù các vấn đề của Nhữ Châu bùng phát với COVID-19, nhưng chúng đã có từ vài năm trước. Quỹ tiết kiệm của hệ thống giáo dục thành phố và quỹ bảo hiểm y tế cũng đang vướng phải nợ quá hạn.
Vào năm 2019, thành phố đã gây chú ý khi yêu cầu các nhân viên chăm sóc sức khỏe của mình tài trợ cho một bệnh viện mới rất cần được xây dựng bằng cách thực hiện các khoản vay cá nhân và giao tiền cho bệnh viện.
Triển vọng ảm đạm
Thuế và quyền sử dụng đất là nguồn thu chính của chính quyền địa phương ở Trung Quốc. Với các chính sách zero-COVID khắc nghiệt của ĐCSTQ, chính quyền Nhữ Châu đã bị thất thu nặng nề. Dân làng tập trung nộp thuế tại văn phòng thuế Xibu, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, vào ngày 21/06/2002. (Ảnh: Peter Harmsen/AFP qua Getty Images)
Theo các con số chính thức, doanh thu của thành phố đã giảm trên diện rộng vào năm 2022, với tổng doanh thu hàng năm là 6 tỷ CNY (nhân dân tệ) (khoảng 864 triệu USD), giảm 8,3% và doanh thu từ thuế giảm 3,3% xuống còn 3 tỷ CNY (khoảng 376 triệu USD).
Từ góc độ thuế, các tin tức là đặc biệt tồi tệ: đầu tư phát triển bất động sản đã giảm 17,8% so với năm trước. Trong đó, đầu tư nhà ở giảm 17,1% và doanh số bán bất động sản thương mại giảm hơn 15%.
Cùng với sự sụt giảm trong hoạt động phát triển bất động sản, sản lượng xi măng và sản lượng thép đúc đã giảm đáng kinh ngạc lần lượt là 28% và 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Các hạn chế chống dịch bệnh kéo dài 3 năm cùng với ngành bất động sản trì trệ đã hủy hoại hoàn toàn nền kinh tế Trung Quốc, với nhiều doanh nghiệp không thể hoạt động thường xuyên”, Zheng Qiang (hóa danh), chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Nhữ Châu, nói với The Epoch Times.
Khách hàng không đặt hàng và công nhân đang bị cắt giảm. Điều đó có ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của cán bộ công chức.
“Triển vọng rất ảm đạm”, Zheng nói.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch