Cả Ukraine và Mỹ đều thừa nhận kết quả phản công không như mong đợi
Chính quyền Kyiv đã tỏ ra thận trọng trước công chúng về kết quả của cuộc phản công quy mô lớn của Ukraine vào tháng 6. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đều thừa nhận rằng cuộc phản công của Ukraine đã không đạt được như mong đợi.
Ukraine phản công không như kỳ vọng
Theo Reuters đưa tin, tuần trước Tổng thống Ukraine Zelensky thừa nhận rằng tiến độ trong một cuộc phản công lớn của quân đội Ukraine chậm hơn dự kiến, nhưng ông không tiết lộ thêm nhiều thông tin chi tiết. Chính quyền Kyiv tuyên bố rằng quân đội Ukraine đã chiếm lại 130 km2 lãnh thổ ở phía nam trong cuộc phản công, chiếm lại một số ngôi làng. Tuy nhiên, những vùng đất này chỉ là một phần nhỏ trong số diện tích quân đội Nga nắm giữ.
Vào ngày 30/6, ông Zelensky tuyên bố rằng quân đội Ukraine đang tích cực phản công trên mọi hướng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, sau khi đánh giá tiến độ của cuộc phản công, quân đội Ukraine cho rằng mọi thứ đang “tiến hành theo kế hoạch”, các hoạt động phản công quân sự cần thông qua “nhiều khía cạnh” để đánh giá các nhiệm vụ quân sự khác nhau.
Hiện tại không thể kiểm chứng tình hình tại chiến trường Ukraine.
Tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia (National Press Club) ở Washington, D.C., Tướng Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuộc phản công của quân đội Ukraine “đang tiến ổn định từng bước, qua các bãi mìn rất khó khăn… 500 mét, 1.000 mét hoặc 2.000 mét mỗi ngày với khoảng cách khác nhau”. Ông Milley không ngạc nhiên khi cuộc phản công của Ukraine không tiến triển như mong đợi.
Ông Milley nói: “Có sự khác biệt giữa một cuộc chiến tranh trên giấy tờ và một cuộc chiến tranh thực sự. Trong một cuộc chiến tranh thực sự, sẽ có người chết. Ở tiền tuyến, trong những xe quân sự đó, tất cả đều là người thật, mọi người có thể bị thuốc nổ mạnh làm nổ nát vụn.”
Ông nói thêm: “Tôi đã nói có thể cần 6 tuần, 8 tuần, 10 tuần, điều này sẽ rất khó khăn và rất lâu, hơn nữa cũng là một cuộc chiến rất, rất đẫm máu. Bất cứ ai đều không nên có bất kỳ ảo tưởng nào về điều này.”
Đài truyền hình quốc gia Tây Ban Nha RTVE trích dẫn bài phát biểu của ông Zelensky với giới truyền thông Tây Ban Nha ở Kyiv, nói rằng trước hội nghị thượng đỉnh NATO ở Litva vào ngày 11/7, Ukraine phải cho thấy kết quả phản công của mình, nhưng mỗi dặm tiến lên đều phải trả giá bằng mạng sống.
Ông Zelensky thừa nhận rằng các kế hoạch phản công của Ukraine đã chậm lại trong những tháng gần đây. Nguyên nhân không phải là không thể tiến công, mà là quân tiến lên đồng nghĩa với tổn thất nhân lực, Ukraine không có đại bác.
RUSI: Quân đội Nga đã thích nghi với chiến trường Ukraine và điều chỉnh chiến thuật
Chuyên gia chiến tranh trên bộ Jack Watling và Nick Reynolds, thuộc Viện Nghiên cứu Quân chủng Liên hợp Hoàng gia (Royal United Services Institute, RUSI), đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Cối xay thịt: Chiến thuật của Nga trong năm thứ 2 của cuộc xâm lược Ukraine” (Meatgrinder: Russian Tactics in the Second Year of Its Invasion of Ukraine). Báo cáo này chủ yếu cung cấp cái nhìn tổng quan và phân tích về cách quân đội Nga điều chỉnh chiến thuật trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và những thách thức mà quân đội Ukraine phải đối mặt.
Sau khi nhận những bài học thất bại trong chiến đấu, quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật, từ nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn là đơn vị hành quân chung sang phân chia thành đơn vị nhiệm vụ tác chiến như bộ binh chiến đấu, biệt kích, đặc công và quân dùng một lần (disposable troops). Bộ binh chiến đấu tham gia chủ yếu vào các hoạt động phòng thủ và kiểm soát mặt đất; quân dùng một lần được sử dụng trong các cuộc giao tranh liên tiếp quy mô nhỏ, để xác định vị trí các địa điểm khai hỏa của Ukraine, sau đó là mục tiêu của bộ binh chuyên nghiệp hoặc tìm điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine để tấn công. Sự phân bố thương vong giữa các đơn vị chiến đấu quân sự khác nhau này rất không đồng đều. Điểm yếu chính của bộ binh Nga là tinh thần xuống thấp, dẫn đến sự gắn kết và phối hợp không tốt giữa các đơn vị.
Dữ liệu hiện tại cho thấy, lực lượng Công binh Nga, một trong những quân chủng lớn mạnh nhất của quân đội Nga, đã và đang xây dựng các chướng ngại vật phức tạp và công trình (công sự) dã chiến trên tiền tuyến, bao gồm các hào bê tông cốt thép, hầm chỉ huy, hệ thống dây điện chằng chịt, hào chống tăng và bãi mìn phức tạp. Các loại mìn của Nga được bố trí phạm vi rộng và phức tạp, trộn lẫn giữa mìn chống tăng, mìn sát thương dây chuyền, v.v. Những công trình phòng ngự này đặt ra thách thức chiến thuật lớn đối với cuộc tiến công của quân đội Ukraine.
Lực lượng thiết giáp Nga chủ yếu hỗ trợ hỏa lực, tấn công các vị trí của Ukraine bằng hỏa lực chính xác. Quân đội Nga đã bắt đầu sử dụng ngụy trang nhiệt trên xe bọc thép, sử dụng một loạt các sửa đổi và quy trình chiến thuật, kỹ thuật, trình tự, giúp giảm đáng kể khả năng bị phát hiện của xe tăng ở tầm xa. Ngoài ra, các biện pháp này cũng làm giảm khả năng bị trúng nhiều loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) với tầm bắn hơn 1400 mét.
Thông qua việc điều chỉnh chiến thuật của mình, quân đội Nga có thể bắn hạ tới 10.000 máy bay không người lái Ukraine mỗi tháng dựa trên tác chiến điện tử (EW) vẫn còn rất mạnh mẽ. Pháo binh Nga đã cải thiện tính cơ động hỏa lực và hiệu quả của hệ thống phòng không chống lại Hệ thống tên lửa dẫn đường phóng hàng loạt (GMLRS) cũng tăng lên đáng kể. Đây là những thách thức đối với cuộc phản công của quân đội Ukraine.
Về vấn đề này, báo cáo viết: “Độ sâu của phòng thủ theo chiều sâu (quân đội Nga) có nghĩa là Ukraine phải có sức mạnh tác chiến đấu cực kỳ mạnh mẽ để xuyên thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Mức độ công sự của Nga ở tiền tuyến khiến cho việc vượt qua chúng gần như là không thể.”
Thiên Thanh, Vision Times
Bạo loạn làm nổi bật mức độ căng thẳng trên bình diện xã hội của Pháp
Tóm tắt: Việc cảnh sát Pháp bắn chết một thiếu niên đã đặt ra cho Emmanuel Macron một thách thức mới.
Ba đêm bạo loạn trên khắp nước Pháp, một lần nữa phơi bày những căng thẳng xã hội gay gắt của đất nước này vào thời điểm phân cực chính trị ngày càng gia tăng.
Các cuộc biểu tình mới nhất chứng minh rằng, các khu dân cư nghèo khó, đa sắc tộc của Pháp vẫn là một thùng thuốc súng, chứa đầy rẫy những cảm giác bất công, bị nhà nước bỏ rơi và phân biệt chủng tộc. Tình trạng hỗn loạn với những hành vi tội phạm, mặc dù gây sốc, nhưng vẫn chưa ở quy mô của năm 2005, khi hơn 10.000 xe hơi bị đốt cháy và hơn 230 tòa nhà công cộng bị hư hại trong một cuộc bạo động kéo dài ba tuần. Nhưng các nhà chức trách Pháp đang lo sợ rằng lịch sử sẽ lặp lại.
Tình trạng bất ổn của tuần này, giống như tình trạng của 18 năm trước, được châm ngòi do cái chết của một thiếu niên không phải da trắng, sau cuộc rượt đuổi của cảnh sát. Lần này có khác, với sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền tình trạng bất ổn. Phe cực hữu cũng mạnh hơn so với năm 2005. Và lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã tìm cách xoa dịu căng thẳng hơn là châm ngòi cho chúng bùng nổ.
Năm 2005, Bộ trưởng Nội vụ khi đó là Nicolas Sarkozy mô tả những thanh niên tham gia gây náo loạn tại các khu nhà ở ngoại ô Paris là “cặn bã” và cần bị “loại bỏ”. Vài ngày sau, hai thiếu niên, một người Mauritanie, một người gốc Tunisia, bị điện giật chết khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp điện ở ngoại ô phía đông bắc thủ đô. Sarkozy và thủ tướng Dominique de Villepin đứng về phía cảnh sát và cho rằng hai thiếu niên này là kẻ trộm.
Ngược lại, Macron mô tả vụ cảnh sát bắn một cậu bé 17 tuổi gốc Bắc Phi khi cậu lái xe ô tô rời đi tại Nanterre, phía tây bắc Paris, là “không thể bào chữa” và “không thể giải thích được”. Các cảnh sát liên quan đã bị đình chỉ nhiệm vụ, bị bắt và bị điều tra về tội giết người.
Macron đã bị các đối thủ cánh hữu và công đoàn cảnh sát tấn công vì vi phạm giả định vô tội – và bị buộc tội phản bội cảnh sát. Nhưng sự cần thiết phải có sự can thiệp của Tổng thống đã trở nên rõ ràng, khi một đoạn video về vụ nổ súng xuất hiện trên mạng xã hội, rõ ràng trái ngược với lời tường thuật ban đầu từ các nguồn cảnh sát, rằng viên cảnh sát đã nổ súng vì tính mạng của anh ta đang gặp nguy hiểm. Không tỏ ra dung thứ cho bạo lực của cảnh sát là bước đầu tiên cần thiết để có thể khôi phục trật tự công cộng.
Một số chuyên gia cho rằng, vụ nổ súng hôm thứ Ba là do một đạo luật được thông qua vào năm 2017, trước khi ông Macron lên nắm quyền. Điều này dường như trao cho cảnh sát nhiều quyền hơn để được bắn vào một chiếc ô tô nếu những người ngồi trong xe không tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát và khiến tính mạng của một sĩ quan gặp nguy hiểm.
Những người chỉ trích Macron muốn lập luận rằng, ông ấy đã nuông chiều một lực lượng cảnh sát làm sai chức năng, cùng với Bộ trưởng Nội vụ theo đường lối cứng rắn là Gérald Darmanin. Họ tính toán rằng, nếu chính phủ làm khác đi sẽ rơi vào bẫy của phe cực hữu. Nhưng có rất nhiều bằng chứng gần đây về những thiếu sót của cảnh sát: Sử dụng vũ lực quá mức trong các cuộc biểu tình chống chính phủ; bạo lực phân biệt chủng tộc, chẳng hạn như vụ đánh đập dã man một nhà sản xuất âm nhạc da đen bị camera ghi lại; trật tự công cộng kém cỏi, như đã thấy ở trận chung kết Champions League năm ngoái; sự suy giảm lòng tin với cư dân bản địa, điều này có thể được đảo ngược khi chuyển sang dùng cảnh sát là người trong cộng đồng. Cảnh sát có nguồn lực kém nhưng cũng được đào tạo kém. Mức độ ủng hộ phe cực hữu cao trong giới sĩ quan cũng đáng lo ngại.
Bạo loạn là một lời nhắc nhở về các vấn đề kinh tế và xã hội, đã ăn sâu vào các quận nghèo hơn của Pháp và di sản lâu dài của sự thờ ơ của chính phủ. Đã có những thành tựu kể từ khi Macron lên nắm quyền vào năm 2017, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp nói chung và thất nghiệp trong tầng lớp thanh niên đã giảm. Nhưng tình trạng nghèo đói, tội phạm, phân biệt chủng tộc và hiệu quả giáo dục kém kéo dài, đòi hỏi sự quan tâm và nguồn lực của chính phủ nhiều hơn, ngay cả khi tài chính công eo hẹp. Kế hoạch Quartiers 2030 mà Macron đã hứa dành cho những khu vực này, còn chậm tiến hành.
Không có vấn đề nào trong số này biện minh cho việc bạo lực tràn lan. Một số thanh niên đánh nhau với cảnh sát trên đường phố sẽ cảm thấy tức giận chính đáng; những người khác sẽ chỉ tận hưởng cảm giác hồi hộp — và thậm chí còn thích chia sẻ nó trên mạng xã hội. Nếu các cuộc bạo loạn tiếp tục kéo dài, chính phủ Pháp sẽ càng khó cưỡng lại việc thực hiện một cách tiếp cận nặng nề hơn. Nếu tình trạng bất ổn lan rộng, nó chỉ có thể giúp ích cho phe cực hữu, phe có động lực chính trị và mọi lợi ích trong việc tạo ra các hỗn loạn dân sự.
Financial Times – Cù Tuấn, dịch
Tổng thống Pháp: Trò chơi điện tử là yếu tố gây bạo loạn
Tổng thống Pháp cho rằng giới trẻ đã bị nghiện bạo lực trên không gian ảo, qua đó dẫn đến cuộc biểu tình như hiện nay, theo hãng tin Reuters.
Cụ thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định rằng các nền tảng truyền thông xã hội và trò chơi điện tử đã góp phần gây ra bạo loạn trên khắp đất nước này. Bất ổn xã hội lan rộng và chưa từng có tại Pháp sau vụ một cảnh sát bắn chết một thanh niên gốc Phi 17 tuổi trong lúc dừng chờ đèn giao thông.
Phát biểu sau cuộc họp an ninh khẩn cấp để giải quyết các cuộc bạo loạn đang diễn ra, ông Macron lưu ý rằng khoảng một phần ba những người bị bắt trong ba đêm đầu tiên đều “trẻ hoặc rất trẻ”. Theo ông, điều này cho thấy rằng Internet đang có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Ông chủ Điện Elysee nói thêm về tình trạng bất ổn hiện nay: “Các nền tảng và mạng đang đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện của những ngày gần đây. Chúng ta đã thấy chúng – Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác – đóng vai trò là nơi tổ chức các cuộc tụ tập bạo lực, và cũng có một hình thức bắt chước bạo lực khiến một số thanh niên lạc lối khỏi thực tế”.
Tổng thống Pháp cho hay thêm rằng giới trẻ đang xuống đường để diễn lại “các trò chơi điện tử khiến họ say sưa”, đồng thời kêu gọi các bậc phụ huynh giữ con em ở nhà.
Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin nói rằng chính phủ đã cảnh báo các trang mạng xã hội không đăng tải những lời kêu gọi bạo lực cùng các nội dung khác ca ngợi bạo loạn. Ông cam kết sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết nếu các mạng xã hội không tôn trọng luật pháp. Bộ trưởng cũng ra lệnh đóng cửa một số phương tiện vận chuyển công cộng, vốn đã trở thành mục tiêu của những kẻ phá hoại.
Bạo loạn nổ ra vào tối 27/6 ở ngoại ô Nanterre của thủ đô Paris sau khi một sĩ quan cảnh sát bắn chết nhân viên giao bánh pizza 17 tuổi Nahel M. khi đang dừng xe. Viên cảnh sát đó đã nhanh chóng bị bắt giam và bị buộc tội giết người, sau lời kêu gọi “báo thù” của mẹ Nahel trên mạng xã hội.
Tình trạng bất ổn và hôi của đã gia tăng trong tuần qua và lan sang các thành phố lớn khác. Một số đồn cảnh sát cũng bị tấn công.
Ngày 30/6, Pháp đã triển khai 45.000 cảnh sát cùng một số xe bọc thép ứng phó với các cuộc biểu tình bạo lực đã bước sang đêm thứ tư liên tiếp. Các đơn vị cảnh sát tinh nhuệ cùng các lực lượng an ninh khác đã được triển khai trên khắp nước Pháp nhằm kiểm soát bạo loạn.
Bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh, các hành động cướp phá vẫn diễn ra ở các thành phố Lyon, Marseille and Grenoble tối 30/6. Những đối tượng quá khích xông vào cướp phá các cửa hàng, đốt các ô tô và thùng rác. Thậm chí, tình trạng cướp phá còn diễn ra ngay cả ban ngày nhằm vào một số cửa hàng ở thành phố Strasbourg, miền Đông nước Pháp.
Tại thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp, cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay trấn áp sau khi các thanh niên ném pháo vào các xe cảnh sát ở quận Vieux-Port – nơi thu hút khách du lịch.
Theo Bộ trưởng Darmanin, tính đến đêm 30/6 theo giờ địa phương đã có tổng cộng 917 người đã bị cảnh sát giam giữ, trong đó độ tuổi trung bình của họ chỉ là 17 tuổi.
Phan Anh
Nhà ngoại giao Đức: Trung tâm xung đột thế kỷ 21 là giữa Mỹ và Trung Quốc
Đại sứ Đức tại Nga sắp được bổ nhiệm, ông Alexander Lambsdorff nói trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Đức Welt am Sonntag gần đây rằng xung đột chính trong thế kỷ 21 sẽ là giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Alexander Lambsdorff nói: “Chúng ta, người Đức, phải rõ ràng rằng chúng ta không phải là nước nhỏ theo thước đo toàn cầu nhưng chúng ta không phải là siêu cường. Xung đột trung tâm của thế kỷ 21 sẽ diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta phải biết chúng ta đứng về phe nào”.
“Những người châu Âu chúng ta sẽ cần phải củng cố và chọn về phía đối tác dân chủ của chúng ta. Bảo vệ tự do là điều hết sức quan trọng đối với người của đảng tự do như tôi. Chúng ta biết trong tình hình quân sự hiện tại này sự hợp tác Xuyên Đại Tây dương là quan trọng thế nào”, ông Lambsdorff lưu ý.
Ông Lambsdorff cũng nói Đức “phần nào quá phụ thuộc” vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực quan trọng nhất định. “Điều này liên quan đến mua nguyên liệu thô, sản phẩm thô và bán sản phẩm [hoàn thiện] của một số công ty nhất định”.
Đại sứ Đức tại Nga tương lai nói thêm rằng không ai sẽ ép các công ty Đức từ bỏ làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng họ nên biết rằng thị trường Trung Quốc có thể đóng lại với họ và sự tồn vong của doanh nghiệp của họ có thể bị nguy hại trong trường hợp xảy ra xung đột chính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hải Đăng (Theo TASS)
Ông lão đơn độc biểu tình nhân ngày kỷ niệm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông 1/7
1/7 là ngày kỷ niệm chủ quyền Hồng Kông được trao trả về cho Trung Quốc Đại Lục, cũng vào ngày này cảnh sát Hồng Kông khẩn trương như ‘lâm đại địch’, cử người canh gác chặt chẽ khu vực Vịnh Đồng La đề phòng người dân biểu tình. Mặc dù các cuộc biểu tình rầm rộ đã biến mất ở Hồng Kông hiện nay, tuy nhiên nhiều người vẫn tìm cách riêng của mình để nói “không’ với chính quyền độc tài. Ông cụ Ngô chọn cách đơn độc thỉnh nguyện và đã nhanh chóng bị cảnh sát đưa đi.
Theo báo cáo của “Truyền thông độc lập” (inmediahk.net), vào khoảng 4h chiều, ông Ngô ( 87 tuổi, người Công giáo) đã giơ một tấm biển viết tay trước cửa hàng bách hóa Sogo ở Vịnh Đồng La (Causeway Bay). Nội dung viết: “Bãi bỏ luật an ninh quốc gia, thực hiện các công ước nhân quyền, trả tự do cho các tù nhân chính trị, cầu xin Chúa nhìn xuống Hồng Kông”. Trên ngực ông đeo tấm ảnh Chúa Giêsu.
Ông Ngô nói rằng tấm bảng tượng trưng cho 4 lời kêu gọi của ông, đồng thời cho biết trước đây mỗi năm ông đều tham gia tuần hành vào ngày 1/7, nhưng 3 năm qua do dịch bệnh ông không có cơ hội ra ngoài. Ông nói rằng chính quyền Hồng Kông thi hành lệnh hạn chế tụ tập, ai vi phạm bị phạt 5.000 đô la Hồng Kông, lấy tiền đâu để cho họ phạt, cộng thêm việc những năm gần đây các đoàn thể dân chủ tại Hồng Kông đang dần dần bị làm cho tan rã, nên khó có thể tiếp tục tham gia tuần hành.
Ông nói thẳng rằng dù biết lời thỉnh nguyện hầu như không có tác dụng gì, nhưng ông phải ra mặt vì lương tâm của mình. Ông nói đã sẵn sàng để bị bắt và bỏ tù. Ông nhấn mạnh rằng nếu không ra mặt thì lương tâm của ông sẽ cảm thấy khó chịu, ông cũng nói rằng bản thân có tín ngưỡng và môi trường ở Hồng Kông đã là như vậy, nếu không can đảm bước ra thì sẽ có lỗi với tín ngưỡng của mình.
Ngay sau đó, cảnh sát thường phục đã tiếp cận và chặn ông Ngô lại, đưa ông ra ngoài Bách hóa Sogo và kéo dây phong tỏa. Vào lúc cao điểm, hơn 50 cảnh sát đã canh gác gần dây phong tỏa. Khoảng 10 phút sau, ông Ngô bị đưa đi khỏi hiện trường. Không rõ liệu cảnh sát có thực hiện bất kỳ hành động bắt giữ nào đối với ông hay không.
Nhiều cư dân mạng Hồng Kông đã để lại lời nhắn như cảm ơn bác Ngô, chúc bác mạnh khỏe và cầu Chúa phù hộ cho con người dũng cảm, chính nghĩa và thiện lương này.
Một số cư dân mạng than thở rằng ông thực sự đã nói lên nguyện vọng của nhiều người dân, bị dũng khí của ông làm cho cảm động!
Có người còn nói, “Dù biết yêu ma lộng quyền, nhưng vẫn không sợ hãi khi đứng ra bảo vệ quyền lợi của nhân dân! Cám ơn vì ông vì điều này. Ông vất vả rồi, hy vọng ông sống lâu trăm tuổi.”
Lý Tùng Nhi, Vision Times