Tin VN trưa thứ Hai: Lãnh đạo đăng kiểm tỉnh Quảng Ninh chết nghi do nhảy lầu

Quảng Ninh: Lãnh đạo đăng kiểm chết nghi do nhảy từ tầng 7

Thi thể ông H.A.D được phát hiện tại trụ sở liên cơ quan số 3. (Ảnh: Công an TP. Hạ Long)

Thi thể ông H.A.D được phát hiện tại trụ sở Liên cơ quan số 3 của tỉnh Quảng Ninh.

Ngày 2/7, Công an TP. Hạ Long cho biết đang điều tra nguyên nhân tử vong của một người đàn ông tại khu vực liên cơ quan số 3 (thuộc phường Hồng Hà).

Nạn nhân được xác định là ông H.A.D (SN 1979, trú phường Giếng Đáy, TP. Hạ Long, Quảng Ninh), lãnh đạo một công ty đăng kiểm xe cơ giới ở tỉnh Quảng Ninh.

Theo thông tin ban đầu, ngày 1/7, ông D. lái xe ra khỏi nhà. Sau 1 ngày không thấy chồng về, vợ ông D. đi tìm và nhờ Ban quản lý trụ sở liên cơ quan số 3 hỗ trợ tìm kiếm.

Thông qua trích xuất camera an ninh của tòa nhà, cơ quan chức năng xác định ông D. đã vào tòa nhà Trụ sở liên cơ quan số 3, rồi đi lên trên tầng 7 từ ngày 1/7.

Đến khoảng 8h50 sáng nay, thi thể của ông D. được người thân và Ban quản lý trụ sở liên cơ quan số 3 phát hiện trong khuôn viên tòa nhà, nghi nhảy lầu từ tầng 7. Ông D. có để lại thư tuyệt mệnh.

Minh Long

Vĩnh Phúc: Bờ kè vừa thi công xong đã sạt lở, một ngôi đền nguy cơ bị ‘nuốt chửng’

Đền Mẫu có nguy cơ bị ‘nuốt chửng. (Ảnh: Chụp màn hình/video/tuoitre.vn)

Vừa thi công xong, công trình kè chống sạt lở sông Phó Đáy ở khu vực đền Mẫu (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng.

Ngày 2/7, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết đã có công văn gửi Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc xử lý sự cố sạt trượt bờ hữu sông Phó Đáy, tại khu vực đền Mẫu, xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc).

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 28/6 đã xảy ra sự cố sạt lở bờ hữu sông Phó Đáy làm sụt lún, hư hỏng nghiêm trọng đoạn kè bờ tại khu vực đền Mẫu với chiều dài 100m và sụt lún, sạt lở toàn bộ phần diện tích sân đền Mẫu, móng nhà bếp với diện tích khoảng 250m2.

Đền Mẫu được xây dựng bằng bê tông, cốt thép bị rạn nứt và có nguy cơ sạt lở toàn bộ cùng với cây đề – được công nhận là di sản và một số hạng mục khác.

“Vị trí này, ngày 8/10/2022 đã bị sạt lở, sụt lún. Sau đó UBND huyện báo cáo và đã được UBND tỉnh cho thực hiện dự án cấp bách kè chống sạt lở do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Đến nay công trình đã được thi công xong.

Ngày 28/6, toàn bộ các hạng mục của dự án bị sụt, lún, sạt lở và đổ gãy. Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân sạt lở, sụt lún” , đại điện UBND huyện Lập Thạch nói với báo Tuổi trẻ.

Sau khi sự cố xảy ra, cơ quan chức năng đã triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người, tài sản; đồng thời hoàn thiện các thủ tục để xử lý sự cố sạt lở.

Công trình xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II xã Sơn Đông (huyện Lập Thạch) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thực hiện với mức đầu tư là 19,5 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà thầu là chỉ định thầu trong nước.

Công trình gồm 2 hạng mục chính gồm xử lý sạt trượt khu vực đền Mẫu và xử lý sạt trượt trạm bơm Phú Bình II với tổng chiều dài khoảng 350m. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị thi công xây lắp là liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển Phú Thành An và Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và đầu tư xây dựng Long Khánh.

Khánh Vy

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm 1.400 tỷ đồng sau kiểm toán

Thị trường bất động sản trầm lắng, thanh khoản suy giảm khiến các doanh nghiệp xây dựng cũng bị vạ lây. (Ảnh minh họa: xaydung.gov.vn)

Sau khi báo cáo kiểm toán bởi E&Y được công bố, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lỗ hơn 2.570 tỷ đồng. Nguyên nhân trong đó do trích lập dự phòng phải thu khó đòi trong năm 2022 thêm gần 1.700 tỷ đồng.

Theo báo cáo này, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lỗ hợp nhất cả năm 2022 hơn 2.570 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động hơn 35 năm của doanh nghiệp này. Trước đó, theo báo cáo công ty tự lập, khoản lỗ ở mức hơn 1.140 tỷ đồng.

Một trong những nguyên nhân lỗ là Hòa Bình trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 1.690 tỷ đồng.

Ngoài ra, các chi phí của tập đoàn trong năm đều tăng mạnh so với năm trước đó.

Chi phí quản lý doanh nghiệp bị tăng lên hơn 2.240 tỷ đồng, gấp 5,4 lần năm 2021, chủ yếu là do dự phòng khoản phải thu khó đòi lên tới 1.689 tỷ đồng.

Cùng với đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng âm 883 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động đầu tư âm 553 tỷ đồng, trong khi dòng tiền cho hoạt động tài chính dương 1.198 tỷ đồng.

Kiểm toán viên lưu ý tại ngày phát hành báo cáo, tập đoàn có các khoản nợ vay đã quá hạn.

Trong đó, một số khoản vay đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn. Đối với các khoản vay còn lại đã quá hạn hoặc sắp đến hạn, tập đoàn đang trong quá trình thương thảo với các ngân hàng để xin gia hạn nợ.

Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đã có những kế hoạch để khắc phục về dòng tiền trong thời gian tới, gồm việc phát hành thêm 274 triệu cổ phiếu, tái cấu trúc các khoản vay.

Doanh nghiệp này cũng dự kiến thu được hơn 1.064 tỷ đồng từ việc thanh lý các tài sản máy móc thiết bị theo các hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã ký vào 28/6/2023.

Dựa vào đó, lãnh đạo Tập đoàn Hòa Bình tin rằng tập đoàn sẽ có đủ nguồn vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh và có dòng tiền đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ của tập đoàn trong vòng 12 tháng tới.

Trong năm nay, Tập đoàn Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu trúng thầu cũng được đặt ra là 17.000 tỷ đồng.
Tuấn Minh

Tuấn Minh

UBND TP Hà Nội: Đề xuất phương án xây dựng sân bay thứ hai

UBND TP Hà Nội vừa đưa ra đề xuất phương án để xây sân bay thứ hai, công suất dự kiến 30 – 50 triệu khách mỗi năm, diện tích đất sử dụng từ 1.300 – 1.500 ha.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề xuất phương án thứ nhất, sân bay nằm ở 4 xã thuộc huyện Thường Tín và Thanh Oai. Còn phương án thứ hai, sân bay nằm trên địa bàn 5 xã của huyện Ứng Hoà.

Tờ trình của UBND Hà Nội cho biết sân bay thứ 2 nằm ở phía Nam, Đông Nam, là cảng nội địa đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang phục vụ cảng hàng không quốc tế khi cần thiết.

Sân bay thứ 2 này có công suất dự kiến 30 – 50 triệu khách/năm, diện tích sử dụng đất từ 1.300 – 1.500 ha và sẽ triển khai sau năm 2030.

Với phương án 1, khi xây dựng sẽ giải phóng mặt bằng 2 khu dân cư xã Thanh Vân với hơn 52 ha và khoảng 5.000 người ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, đường điện 500 kV cũng phải di chuyển khỏi ranh giới sân bay.

Ưu điểm của phương án 1 là khoảng cách vào trung tâm thành phố 20 – 30km; gần đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, quốc lộ 21B.

Đối với phương án 2, khu vực xây dựng sân bay thuộc địa bàn 5 xã: Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Dường và Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa).

Diện tích xây dựng sân bay 1.700ha, dân số bị ảnh hưởng khoảng 10.000 người.

Tuy nhiên, nếu chọn vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kv ra khỏi ranh giới sân bay.

Đồng thời, quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn sẽ chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn.

Theo kế hoạch, tờ trình sẽ được HĐND TP Hà Nội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 7 vào ngày 3/7 tới.

Đức Minh

Related posts