Tin VN sáng thứ Tư: Đại án Việt Á vẫn chưa chấm dứt

Nắng nóng, Hà Nội cấy đêm

Nông dân ngoại ô Hà Nội cấy đêm (nguồn ảnh: phys.org)

Miền Bắc đang hứng chịu một đợt nắng nóng có vẻ sẽ còn kéo dài. Từ Thanh Hóa đến Phú Yên, nhiệt độ trung bình 35-37 độ C, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh có khi trên 37 độ C, lúc cao điểm lên đến 38 độ C. Hà Nội cũng không mát mẻ gì hơn, cộng với nạn cúp điện khiến càng thêm oi bức. Và đợt nóng vẫn chưa có dấu hiệu còn lại.

Những nông dân ngoại ô Hà Nội đã phải chọn lúc 3 giờ sáng, trời còn tối đen như mực để cấy lúa, trước khi mặt trời ló dạng. Bóng tối lúc này trở thành vị cứu tinh cho nông dân và mùa màng xứ Bắc và Trung Việt Nam. Nhiệt độ sẽ vượt quá 37 độ C vào ban ngày.

Một thợ cấy cho biết, do sử dụng đèn đội hoặc đèn soi nên cấy sẽ không thẳng hàng ngay lối như mọi khi, nhưng ít ra mạ cũng được có dịp sống sót vì cây lúa rất nhạy cảm với nhiệt độ khắc nghiệt.. Nhiều người thợ cấy mướn, chọn giờ từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối hoặc từ 3 giờ sáng đến 9 giờ sáng.

Một người nói, khi nắng lên, sẽ rất mau mệt dù thấy rõ hơn, nhưng tính ra thì không hiệu quả. Thực ra, cấy đêm không phải mới mẻ lắm, nó đã có từ vài năm trước. Tuy nhiên, lúc đó là chạy đua với thời vụ chứ không phải hoàn toàn do trốn nắng như hiện nay.

Dầu vất vả nhưng những người làm công có thể kiếm khấm khá hơn mọi khi, trung bình một ngày được khoảng gần 1 triệu tiền VN, trong khi mỗi tháng bình thường, chỉ thu nhập khoảng 200 – 250 Mỹ Kim.

Cô Lan, một thợ cấy cho biết, đây là một công việc cực nhọc, khó khăn và thu nhập không đáng kể, chắc vài năm nữa không còn ai làm hoặc kiếm ra người thợ cũng sẽ trầy vi tróc vảy.

Đó cũng là điển hình của Trung Quốc trước đây, thanh niên bỏ làng mạc lên thành phố làm hãng xưởng. Nhưng thời gian gần đây, hãng xưởng nước ngoài ào ạt rời khỏi Trung Quốc và hàng triệu công nhân thất nghiệp, lơi bơi, hàng trăm ngàn công xưởng nhỏ lẻ không có đơn đặt hàng phải giải tán hàng loạt.

Công nhân lũ lượt xách gói về quê. Với ruộng vườn bỏ phế lâu năm hoang tàn, không rõ tương lai họ ra sao?

Vụ Việt Á: Khởi tố cựu Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế Đồng Tháp

Trụ sở Sở Y tế Đồng Tháp. (Ảnh: syt.dongthap.gov.vn)

Ông Huỳnh Văn Thêm bị điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ngày 4/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết vừa có quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Văn Thêm, cựu Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở Y tế Đồng Tháp.

Ông Thêm bị điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sai phạm của ông Thêm có liên quan đến việc đấu thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 của Công ty Việt Á.

Hiện Sở Y tế Đồng Tháp đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với ông Thêm.

Trước đó, ngày 17/5/2022, Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Tháp và các đơn vị, cơ sở y tế khác.

Kết luận thanh tra tỉnh Đồng Tháp về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng chống COVID-19 cho thấy có 30 gói thầu về hồ sơ, trình tự, thủ tục cơ bản các chủ đầu tư tuân thủ quy định về mua sắm.

Tuy nhiên, một số chủ đầu tư vẫn ứng hàng trước khi ký hợp đồng; việc theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý.

Một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu Tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ) đối với các hàng hóa nhập khẩu. Biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật. Hồ sơ chứng minh xuất xứ, mã ký hiệu, nhãn mác, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa còn thiếu.

Trong các gói thầu nói trên, các đơn vị tại tỉnh đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng là hơn 233 tỷ đồng với Công ty Việt Á. Giá trị thực tế mua sắm là hơn 197 tỷ đồng, đã thanh toán hơn 156 tỷ đồng.

Quá trình điều, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Trần Văn Hai, Giám đốc CDC và Nguyễn Thị Lệ Ngọc, Phó trưởng khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Phạm Toàn

Quảng Ngãi: Phát hiện ma túy mới dưới dạng trà thảo mộc, nước trái cây

Ma túy mới “núp bóng” trà thảo mộc. (Ảnh: Công an cung cấp/dẫn qua vietnamnet.vn)

Loại ma túy mới dưới dạng đồ uống như trà thảo mộc, nước xoài, nước táo vừa bị công an tỉnh Quảng Ngãi phát hiện.

Ngày 3/7, tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với T.T.Y.N. (SN 1980, ngụ tổ 1 phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) để điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”.

Trước đó, ngày 26/6, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt quả tang nghi phạm N. đang mua bán trái phép chất ma túy. Tang vật thu giữ gồm: 257 viên nén (102,37g ma túy MDMA), 22 túi chất rắn màu trắng (60,41g) nghi là chất ma túy ketamin.

Đặc biệt hơn, ngoài các loại ma túy trên, lực lượng chức năng còn thu giữ nhiều túi ma túy loại mới, dưới dạng nước uống gồm: 3 túi ni lông dạng trà thảo mộc, nhãn hiệu Chali; 2 túi dạng nước xoài có chữ Crispy Fruit Mango; 1 túi dạng nước táo có chữ Guava Red.

Được biết, các loại ma túy dạng đồ uống này khi sử dụng gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng nhiều.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi phát hiện các gói trà hoặc nước trái cây có đặc điểm như trên thì nên trình báo ngay với cơ quan công an.

Vụ án đang được Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục điều tra.

Ngọc Mai

Hà Tĩnh: Nam công nhân điện lực đánh nữ đồng nghiệp thương tích phải nhập viện

Chị H. bị đồng nghiệp hành hung dẫn đến thâm mắt. (Ảnh: vtc.vn)

Xảy ra xô xát giữa hai công nhân ở Điện lực Lộc Hà, nam công nhân đã ném dép và dùng tay đấm vào mặt nữ công nhân khiến mắt chị này bầm tím, sưng tấy, phải nhập viện.

Chiều ngày 3/7, thông tin từ Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho hay cơ quan này vừa ra quyết định tạm đình chỉ công việc đối với 2 công nhân tại chi nhánh Điện lực huyện Lộc Hà để xác minh vụ việc xảy ra xô xát vào ngày 1/7 vừa qua.

Hai người bị đình chỉ công việc đều thuộc Đội Kinh doanh dịch vụ, Điện lực Lộc Hà, gồm: Nguyễn Thanh H. (SN 1988, quê tỉnh Nghệ An; tạm trú tại xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) là công nhân quản lý thiết bị đo đếm và Nguyễn Thị H. (SN 1980, trú tại phường Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh) là công nhân quản lý khách hàng.

Thời gian tạm đình chỉ là 7 ngày làm việc, bắt đầu từ 14h ngày 3/7/2023.

Được biết, chị Nguyễn Thị H. vào làm việc tại phòng hành chính, Công ty Điện lực Hà Tĩnh từ năm 2001. Sau đó, chị được cử đi đào tạo rồi chuyển về công tác tại Điện lực Lộc Hà từ 2013 đến nay.

Còn anh Nguyễn Thanh H. vào làm việc tại Điện lực Lộc Hà năm 2012, đến năm 2014 được cử biệt phái vào làm việc tại Điện lực Kỳ Anh. Từ 2016, anh này quay lại Điện lực Lộc Hà làm việc cho đến nay.

Trước đó, vào sáng ngày 1/7, giữa anh Nguyễn Thanh H. và chị Nguyễn Thị H. xảy ra mâu thuẫn tại phòng làm việc. Nguyên nhân từ việc khi chị H. chuẩn bị đi thu tiền điện, nhóm của chị có 4 người nhưng đều bận và vì chưa quen thuộc địa bàn, hơn nữa do đi thu ở nhiều hộ dân nên chị H. gọi thêm một người làm hợp đồng đi cùng.

Việc kêu người đi cùng không liên quan gì đến chức trách của anh H. nhưng anh này lại phản đối dẫn đến mâu thuẫn, xô xát. Trong lúc nóng giận, anh H. đã cầm dép ném vào mặt chị H. và dùng tay đấm vào vùng mắt phải khiến vùng mắt chị bị bầm tím

Chị H. được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng chấn thương phần mềm, vùng mặt sưng tấy, mắt bầm tím.

Lãnh đạo Điện lực huyện Lộc Hà đã yêu cầu anh Nguyễn Thanh H. và chị Nguyễn Thị H. viết kiểm điểm, tường trình sự việc để cơ quan xem xét, xử lý.

Thạch Lam

Nhật Bản – Việt Nam ký thỏa thuận ODA gần 11.000 tỷ đồng

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa cung cấp khoản vay cho Việt Nam trị giá hơn 10.670 tỷ đồng cho 3 dự án.

JICA cho biết 3 dự án trong khoản vay ODA lần này liên quan đến phục hồi kinh tế sau đại dịch, cải tạo hạ tầng giao thông và phát triển nông nghiệp.

Trong đó, thỏa thuận vay hỗ trợ ngân sách cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam hậu Covid-19 có giá trị lớn nhất, trị giá 50 tỷ yen, tương đương 8.750 tỷ đồng. Đây là khoản vay có lãi suất ưu đãi nhất từ trước đến nay, theo cơ chế giải ngân nhanh, hòa trực tiếp vào ngân sách nhà nước.

Theo JICA, việc kết quả tăng trưởng Việt Nam nửa đầu năm thấp cho thấy tầm quan trọng, tính cấp thiết của các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy chi tiêu công của Chính phủ để kích thích nền kinh tế. Khoản ODA này sẽ cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn để thực hiện các chương trình này.

Khoản vay tiếp theo là cho dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại Bình Dương, trị giá 6,3 tỷ yen (khoảng gần 1.100 tỷ đồng). Dự án này sẽ phát triển hệ thống xe buýt nhanh kết nối giao thông Bình Dương – TP HCM – Đồng Nai, tạo tiền đề để phát triển hệ thống giao thông định hướng dọc tuyến Metro.

Cuối cùng là khoản vay 4,7 tỷ yen (khoảng 829 tỷ đồng) hỗ trợ cơ sở hạ tầng nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng với các tiểu dự án trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi và trung tâm giao dịch hoa.

Việc ký kết ba thỏa thuận vay ODA đánh dấu một cột mốc quan trọng hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt – Nhật.

Đức Minh

Related posts