Các phương tiện truyền thông lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo… gần đây đã đăng các bài phóng đại suy thoái kinh tế ở các nước phương Tây gây nghèo đói trở lại cùng những khó khăn về lương thực, quần áo, dòng người tị nạn… Động thái này đã làm dậy sóng chế giễu của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Dữ liệu kinh tế được ĐCSTQ công bố vào cuối tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất tới tháng 6 đã sụt giảm tháng thứ ba liên tiếp, chỉ số PMI cho các hoạt động phi sản xuất mà đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ đã giảm từ 54,5% trong tháng 5 xuống 53,2% trong tháng 6; trong khi tháng trước tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 20%. Trước tình cảnh này, các phương tiện truyền thông hàng đầu của ĐCSTQ như Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo… gần đây đã tuyên truyền mạnh mẽ trên internet về tình trạng nghèo đói ở các nước phát triển phương Tây.
Ngày 29/6 Tân Hoa Xã có bài “Nước Anh vào năm ngoái có 1/7 dân số không đủ ăn”; ngày 30/6 báo mạng Thanh niên Trung Quốc (youth.cn) có bài “Lều trại trên đường phố cho người vô gia cư ở Los Angeles”… Những bài viết như trên ngay lập tức làm dấy lên làn sóng chế giễu từ cư dân mạng. Có người hỏi: “Liệu ngày mai có đến lượt Canada và Úc chết đói không?”
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Ba (4/7), nhà bình luận Zheng Xuguang cho biết họ đang cố tình hạ thấp các nước phát triển chỉ với một mục đích trấn an: Người phương Tây còn vậy thì tình cảnh của Trung Quốc cũng không có gì lạ. Theo các chuyên gia như Liu Yuanchun từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã vượt quá 20% và sẽ còn tiếp tục xấu đi, trong hoàn cảnh như vậy thì việc các phương tiện truyền thông ĐCSTQ cảm thấy phải thúc đẩy cuộc chiến tuyên truyền và tẩy não trong dân chúng.
Thi nhau đăng lại tin tức về nghèo đói của phương Tây
Truyền thông Trung Quốc bao gồm từ trung ương đến địa phương và những kênh tự truyền thông đã tập trung vào vấn đề suy thoái kinh tế ở các nước phát triển, đồng thời lưu ý lo ngại nổ ra làn sóng người tị nạn phương Tây tràn vào Trung Quốc. Các chủ đề tiêu biểu như: “Giới trẻ Nhật Bản không đủ ăn, không có tiền tiết kiệm”, “Lãi suất tăng cao, người Úc nuốt không nổi”, “30 triệu người ở Mỹ đang đói và 43 triệu người vô gia cư”; “2 triệu người ở Đức không đủ tiền mua thức ăn”; “Bị ảnh hưởng bởi lạm phát, một nửa của người Pháp bị đói”…
Vì đâu mà ĐCSTQ lại đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền đó? Hãy xem trong “Báo cáo dự báo và phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2023”, nhà kinh tế Trung Quốc Liu Yuanchun là hiệu trưởng Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải gần đây đã cảnh báo rằng vấn đề thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian ngắn và có thể kéo dài trong 10 năm. Nếu vấn đề này không được xử lý tốt, sẽ không chỉ gây ra các vấn đề xã hội mà thậm chí là các vấn đề chính trị.
Từ trái qua: Cư dân mạng chế nhạo Zhang Weiwei – giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Phúc Đán. Cư dân mạng dùng mức lương tối thiểu của Anh để so sánh với lương của người Trung Quốc. Cư dân mạng chế giễu truyền thông nhà nước vì đã bóp méo mức sống của người dân ở các nước phát triển. Cư dân mạng đã chế giễu Tân Hoa Xã như nhóm tấu hài Đức Vân Xã của Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình trang web)
Về vấn đề này, học giả Jiang Yi tại Chiết Giang cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng nhiều chuyên gia như ông Liu Yuanchun đã dự đoán một cách khách quan về phát triển kinh tế hiện tại của Trung Quốc và 10 năm tới sẽ rất nghiêm trọng, vì thế chính quyền đang đối mặt với rủi ro an ninh chính trị rất lớn. Ông nói: “Đây là một mối đe dọa lớn đối với cái gọi là duy trì sự ổn định. Bởi vì vấn nạn thất nghiệp của những người trẻ tuổi này, họ sẽ cảm thấy bất mãn với chính quyền và xu thế đó sẽ tăng lên. Trước thách thức từ tỷ lệ thất nghiệp cao này đối với duy trì ổn định xã hội, nhà chức trách muốn trấn an bằng cách nhắm vào thực trạng tồi tệ của chủ nghĩa tư bản để cho thấy chủ nghĩa xã hội vẫn là con đường đúng đắn. Cách tiếp cận này đã nhiều lần được ĐCSTQ sử dụng”.
Trấn an để duy trì ổn định chính trị
Theo Bloomberg, sau khi được đăng trên Weibo vào cuối tuần trước, “Báo cáo phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô Trung Quốc đến giữa năm 2023” dài 110 trang được ĐCSTQ công bố vào cuối tháng 6 đã thu hút sự chú ý, đặc biệt là có vấn đề cảnh báo “nguy cơ chính trị”. Tác giả của báo cáo ngoài chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc Liu Yuanchun còn có giáo sư Liu Xiaoguang tại Học viện Chiến lược và Phát triển Quốc gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, và chủ tịch Yan Yan của Tập đoàn xếp hạng tín dụng Chengxin cũng là Viện phó Viện Kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc.
Báo cáo chỉ ra chìa khóa để giải quyết vấn đề nằm ở việc “hoàn thiện xây dựng pháp quyền” và “kiện toàn việc bảo vệ quyền sở hữu tư nhân” để bù đắp cho sự mất niềm tin của người dân Trung Quốc vào việc xây dựng pháp luật của ĐCSTQ kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Học giả Jiang Yi nói rằng điều mà chính quyền ĐCSTQ lo lắng nhất hiện nay là thế hệ trẻ Trung Quốc hiện không còn bị bịt mắt giống như thời Cách mạng Văn hóa, hãy xem “Phong trào Giấy trắng” được phát động vào tháng 11 năm ngoái đã buộc nhà chức trách phải từ bỏ ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh.
Trước việc Tân Hoa xã hạ thấp mức sống ở các nước phát triển, một số cư dân mạng giễu cợt: “Này, tất cả cư dân mạng hiện nay đều có chỉ số IQ cao và đã từng ra nước ngoài, Tân Hoa Xã hãy ứng xử chín chắn hơn nhé!”.
Theo RFA