Tin thế giới trưa thứ Sáu

OpenAI lần đầu bị kiện liên quan đến vấn đề bản quyền

(Nguồn: rafapress/Shutterstock)

Hai tác giả đã đệ đơn kiện tập đoàn OpenAI với cáo buộc rằng các cuốn sách có bản quyền của họ đã được sử dụng để đào tạo ứng dụng ChatGPT, công cụ trò chuyện được hỗ trợ bởi công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vốn gây nhiều chú ý trước nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua, theo tờ CNBC.

Nguyên đơn là Paul Tremblay, tác giả cuốn “The Cabin at the End of the World” và Mona Awad, tác giả cuốn “Bunny” và “13 Ways of Looking at a Fat Girl”. Đơn kiện có nội dung nói rằng ChatGPT đã tạo ra “những bản tóm tắt rất chính xác” về tác phẩm của họ mà không có sự cho phép của tác giả và đó là hành vi vi phạm bản quyền.

Vụ kiện được gửi lên tòa án liên bang San Francisco vào tuần trước. Trong đó, hai tác giả cáo buộc rằng dữ liệu đào tạo của OpenAI sử dụng “nhiều” tài liệu có bản quyển, bao gồm các tác phẩm của Tremblay và Awad. Tuy nhiên, khó có thể chứng minh được một cách chính xác liệu các tác giả chịu thiệt hại tài chính như thế nào từ hoạt động như vậy của ChatGPT.

ChatGPT là ứng dụng AI tạo sinh có khả năng vượt trội hơn các ứng dụng chatbot được tạo ra trước đây. Được phát triển bởi tập đoàn OpenAI có trụ sở ở San Francisco, ứng dụng này có thể tự động tạo ra văn bản dựa trên những yêu cầu của người dùng. Tuy nhiên, OpenAI không cho biết những dữ liệu chính xác nào được sử dụng để đào tạo ChatGPT. Tập đoàn này nói rằng họ thường thu thập thông tin từ các trang web, bao gồm sử dụng các cuốn sách được lưu trữ và bách khoa toàn thư mở trực tuyến đa ngôn ngữ Wikipedia.

Andres Guadamuz, người nghiên cứu mảng luật sở hữu trí tuệ tại Đại học Sussex, cho biết đây là vụ kiện đầu tiên đối với ChatGPT liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Ông Guadamuz nhận định rằng vụ kiện này sẽ làm bộc lộ những ranh giới pháp lý không rõ ràng trong quá trình sử dụng các ứng dụng AI tạo sinh hiện nay trên thế giới.

Phan Anh

Ông Zelensky muốn NATO nêu rõ ý định kết nạp Ukraine

Tổng thống Zelensky kêu gọi NATO có động thái rõ ràng hướng đến việc kết nạp Ukraine khi liên minh họp thượng đỉnh ở Litva tuần sau.

“Chúng tôi đang nói về một tín hiệu rõ ràng, điều gì đó chắc chắn theo hướng sẽ có lời mời”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Czech Petr Pavel ở Prague ngày 6/7. “Chúng tôi cần có động lực. Chúng tôi cần có sự trung thực trong các mối quan hệ của mình”.

Theo ông Zelensky, công thức kết nạp thành viên được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2008, rằng cánh cửa liên minh “vẫn để mở” và Ukraine cuối cùng cũng sẽ trở thành thành viên, là chưa đủ.

“Chúng tôi cần một tín hiệu rõ ràng. Ukraine sẽ vào liên minh, không phải cánh cửa vẫn để mở – như vậy là chưa đủ”, ông Zelensky cho biết thêm.

Ông Pavel, cựu lãnh đạo Ủy ban Quân sự NATO, nói đàm phán về việc Ukraine gia nhập liên minh nên bắt đầu ngay khi xung đột ở nước này kết thúc.

“Ukraine sẽ ngồi cùng các nước NATO một cách bình đẳng, tương tác giữa NATO và Ukraine sẽ đạt cấp độ mới”, theo Tổng thống Pavel. Ông cho biết Ukraine “không chỉ phản công mà còn cho thấy Nga không mạnh mẽ như những gì họ đang cố thể hiện”. Advertisement

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Prague, Cộng hòa Czech ngày 6/7. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky tới Czech tối ngày 6/7, sau chuyến thăm Bulgaria cùng ngày để bàn về vấn đề an ninh và hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến diễn ra ở Litva tuần sau. Cố vấn ngoại giao của tổng thống Ukraine nói Kiev đã được Sofia ủng hộ gia nhập NATO “ngay khi điều kiện cho phép”.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc ông Zelensky đang làm mọi cách để có thể lôi kéo nhiều quốc gia nhất vào xung đột. Ông Peskov cho biết những cuộc thảo luận mà ông Zelensky thực hiện như ở Bulgaria sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chiến dịch của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Zelensky ngày 30/9/2022 ký đơn xin gia nhập NATO, yêu cầu liên minh nhanh chóng kết nạp Ukraine. Tuy nhiên, các thành viên NATO vẫn chia rẽ về việc kết nạp nên diễn ra nhanh thế nào, với một số nước lo ngại động thái có thể đẩy liên minh đến gần một cuộc xung đột với Nga.

Ukraine tháng 5 “thừa nhận thực tế” họ sẽ không thể gia nhập NATO khi chưa chấm dứt xung đột với Nga. Tổng thư ký NATO cuối tháng 6 nói điều quan trọng là phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine chống lại Nga, đồng thời các đồng minh NATO sẽ vạch lộ trình để Kiev trở thành thành viên liên minh.

Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố ngăn Ukraine gia nhập NATO là một trong những mục tiêu chính của Nga. Moskva coi đà hướng đông của NATO là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch ở Ukraine.

Các nghị sĩ Pháp kêu gọi cấm ứng dụng TikTok

(Ảnh minh họa: Henrik A. Jonsson/Shutterstock)

Hôm 6/7 vừa qua, các nghị sĩ Pháp kêu gọi chính phủ cấm TikTok nếu ứng dụng chia sẻ video này không làm rõ cơ cấu quản lý hiện nay, theo tờ Politico.

Động thái này diễn ra sau khi chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng mạng xã hội là nơi “tiếp tay” cho các vụ bạo loạn trong gần một tuần qua.

Một ủy ban điều tra của Thượng viện Pháp được thành lập nhằm xem xét cách thức xử lý dữ liệu và “chiến lược gây ảnh hưởng” của ứng dụng TikTok. Trong bản khuyến nghị mới nhất, ủy ban trên nhấn mạnh cho TikTok thời hạn đến tháng 1/1/2024 để làm rõ các mối liên hệ của nền tảng mạng xã hội này, nếu không sẽ cấm cửa tại Pháp và có thể cả ở châu Âu.

Ủy ban trên đã tổ chức các cuộc điều trần trong 4 tháng qua, đề nghị các nhà điều hành TikTok nêu rõ cơ cấu quản lý nền tảng này, đồng thời yêu cầu cải thiện việc kiểm duyệt nội dung và đưa ra giới hạn độ tuổi người dùng phù hợp nếu không sẽ đình chỉ việc hoạt động của TikTok tại Pháp.

Những phát hiện của ủy ban điều tra trên hoàn toàn độc lập với các cơ quan chuyên môn của chính phủ. Tuy nhiên, quan điểm đối với các nền tảng truyền thông xã hội đã trở nên cứng rắn hơn sau khi Tổng thống Macron tuyên bố có thể cấm các nền tảng này nếu nước Pháp lại đối mặt với bạo loạn lan rộng như gần đây.

Theo Tổng thống Macron và các bộ trưởng trong Chính phủ Pháp, các mạng xã hội bao gồm cả TikTok đã lan truyền hình ảnh về những đêm bạo lực sau vụ cảnh sát bắn chết một thanh niên 17 tuổi không tuân thủ hiệu lệnh ở ngoại ô Paris vào cuối tháng 6 vừa qua.

Các thượng nghị sĩ cũng ủng hộ ý tưởng chặn mạng xã hội trong thời điểm khủng hoảng và đề xuất TikTok buộc phải tăng cường kiểm duyệt trong trường hợp bạo lực bùng phát trong tương lai. Các khuyến nghị này có thể được xem xét bổ sung thành các điều luật trong mùa thu năm nay, từ đó có thể áp dụng đối với các nền tảng truyền thông xã hội khác.

Trước đó, TikTok đã bị cấm tại tiểu bang Montana của Mỹ cũng như phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ tại nhiều nước.

Phan Anh

Related posts