Tin thế giới trưa thứ Ba: Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO

Cho phép 5 cựu chỉ huy Tiểu đoàn Azov trở về Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ mạo hiểm chọc giận Nga? 

Tổng thống Ukraina Zelensky cùng 5 chỉ huy bảo vệ nhà máy luyện thép Azovstal, trên chuyến bay từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về nước hôm 08/7 (ảnh: AP/ Văn phòng Báo chí Tổng thống Ukraina).

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã đến Thổ Nhĩ Kỳ chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh NATO, và cũng là lần đầu tiên ông đến Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc xâm lược của Nga nổ ra. Ông rời Istanbul với sự ủng hộ rất rõ ràng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc Ukraina gia nhập NATO, đặc biệt là với việc 5 chỉ huy của lực lượng Azov được trả tự do.

Việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan phá vỡ thỏa thuận trước đó với Nga khiến Matxcơva giận dữ, có thể khiến quan hệ song phương sứt mẻ. Vì sao chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại chọn hành động mạo hiểm này?

Đài RFI của Pháp nhận định rằng, cái gọi là vị trí cân bằng giữa Kyiv và Matxcơva giúp mang lại cho tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ những lợi thế nhất định, trước hết với vai trò là một tác nhân không thể thay thế trên trường quốc tế. Nhưng khi từ chối lựa chọn giữa Ukraina và Nga, cũng như giữa NATO và Nga, Tổng thống Erdogan nhận thấy ông thường xuyên chịu áp lực từ mỗi phe, và đồng thời phải tùy thuộc vào từng bối cảnh để đưa ra cam kết với bên này hoặc bên kia.

Tổng thống Erdogan đang cố gắng giảm bớt áp lực từ phía các đồng minh NATO trước Hội nghị thượng đỉnh Vilnius tại Litva. Điều mà ông Erdogan vừa làm có nguy cơ chọc giận nước Nga. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ rằng ông Erdogan có một số ảnh hưởng nhất định đối với chính quyền Matxcơva.

Sáng kiến ​​này không có nghĩa cho thấy là tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang trở lại “tái liên kết” với phương Tây. Thay vào đó, nó cho thấy ông Erdogan vẫn tự tin giữ vị trí cân bằng giữa các bên của mình, và từ đó hy vọng thu lợi về dài hạn.

Liên Thành

Phản ứng của các bên khi Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson chụp ảnh trong buổi họp trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11/7/2023 ở Vilnius, Litva. (Ảnh: Filip Singer – Pool/Getty Images)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm thứ Hai (10/7) đã đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dưới đây là phản ứng của các bên liên quan sau động thái quan trọng này:

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Ông Jens Stoltenberg nói trong buổi họp báo hôm 10/7: “Tôi vui mừng loan báo… rằng Tổng thống Erdogan đã đồng ý chuyển thủ tục gia nhập NATO của Thụy Điển tới quốc hội sớm nhất có thể, và ông sẽ làm việc chặt chẽ với cơ quan lập pháp này để đảm bảo phê chuẩn”.

Tuyên bố sau cuộc họp Thổ Nhĩ Kỳ – Thụy Điển – NATO

Sau cuộc họp hôm 10/7, các bên đã phát đi tuyên bố chung cho hay: “Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển sẽ hướng tới tối đa hóa các cơ hội để gia tăng thương mại và đầu tư song phương. Thụy Điển sẽ tích cực ủng hộ các nỗ lực nhằm tạo luồng sinh khí mới cho tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU – Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực“.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson phát biểu trong buổi họp báo hôm 10/7: “Thật là rất tốt, đây là mục tiêu của tôi từ lâu rồi và tôi tin chúng tôi hôm nay đã có một phản ứng rất tốt và đã thực hiện được một bước rất lớn hướng tới trở thành thành viên [NATO]”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Ông Biden phát đi tuyên bố cho hay: “Tôi hoan nghênh tuyên bố do Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Tổng thư ký NATO công bố vào tối nay. Tôi sẵn sàng làm việc với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ về việc tăng cường phòng thủ và răn đe trong khu vực châu Âu – Đại Tây Dương”.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock

Bà Annalena Baerbock viết trên Twitter: “Tin tức tốt lành từ Vilnius: Con đường để Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển trở thành thành viên NATO cuối cùng đã rõ ràng. Những nỗ lực chung của chúng ta đã có kết quả. Với 32 thành viên, tất cả chúng ta an toàn hơn. Xin chúc mừng Thụy Điển!”

Lãnh đạo chính sách ngoại giao EU Josep Borrell

Ông Josep Borrell viết trên Twitter: “Một bước tiến mang tính lịch sử đã được thực hiện vào hôm nay tại Vilnius. Con đường Thụy Điển tới NATO đã mở! Đây là tin tức tốt lành cho người dân Thụy Điển và cho chính sách an ninh & phòng thủ chung của chúng ta. Một NATO mạnh mẽ hơn sẽ làm cho châu Âu an toàn hơn”.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak

Ông Rishi Sunak viết trên Twitter: “Đây là thời khắc lịch sử đối với NATO và làm cho tất cả chúng ta an toàn hơn. Thụy Điển, chúng tôi mong chờ để chào đón các bạn gia nhập Liên minh”.

Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna

Bà Catherine Colonna viết trên Twitter: “Tôi hoan nghênh loan báo của Thổ Nhĩ Kỳ về việc họ có ý định phê chuẩn thủ tục thành viên NATO cho Thụy Điển và tôi hy vọng rằng điều đó sẽ diễn ra nhanh chóng. Thụy Điển sẽ làm cho Liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn”.

Hải Đăng (Theo Reuter)

Quân đoàn Tự do Nga ‘kế hoạch đầy tham vọng’ cho nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga

Quân đoàn Tự do Nga chống Putin cho biết họ có ‘kế hoạch đầy tham vọng’ cho nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới vào Nga (ảnh: Sergey Bobok/Getty).

Một nhóm bán quân sự bao gồm các công dân Nga chống lại Vladimir Putin, đang lên kế hoạch tấn công nhiều hơn vào Nga, chỉ huy của họ nói với The Observer .

Người phát ngôn và chỉ huy của Quân đoàn Tự do Nga, Caesar nói rằng: “Sẽ có một bất ngờ nữa trong tháng tới hoặc lâu hơn”. “Đây sẽ là cuộc hành quân thứ ba của chúng ta. Sau đó sẽ là cuộc thứ tư và thứ năm”.

“Chúng tôi có những kế hoạch đầy tham vọng”. “Chúng tôi muốn giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình”, ông nói thêm.

Quân đoàn Tự do của Nga có trụ sở tại Ukraina và bao gồm vài trăm binh sĩ, là những người đào thoát khỏi quân đội Nga và những người tình nguyện khác chiến đấu chống lại Vladimir Putin ở quê hương của họ. 

Reuters báo cáo: nhóm nói rằng họ hoạt động dưới sự chỉ huy của Ukraina, mặc dù Ukraina đã phủ nhận mối liên hệ và nói rằng họ hoạt động độc lập.

Caesar – một cựu thành viên của Phong trào Đế quốc Nga theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan nói với The Observer rằng, tương lai của Ukraina và Nga là “một cuộc đấu tranh chung, một bi kịch chung”.

Cuộc đột kích xuyên biên giới đầu tiên của họ diễn ra vào tháng 5, khi quân nổi dậy cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát các ngôi làng ở vùng Belgorod. Vào đầu tháng 6, họ lại tiến vào vùng Belgorod bằng xe bọc thép và bắn phá thị trấn Shebekino.

Liên Thành

Chuyên gia: Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đúng khi cứng rắn với Trung Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. (Ảnh: Paul Froggatt/shutterstock)

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã thể hiện rõ thái độ cứng rắn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chuyên gia Derek Grossman về quốc phòng tại tổ chức Rand (Mỹ), từng là cố vấn tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, gần đây đã có bài trên Nikkei cho hay chính sách chống ĐCSTQ của ông Yoon Suk-yeol là đúng đắn.

Chuyên gia: Ông Yoon Suk-yeol đang đi đúng hướng trong việc chống lại Trung Quốc

Sau khi nhậm chức, ông Yoon Suk-yeol đã thay đổi quan điểm thân Trung Quốc của chính quyền ông Moon Jae-in trước đây, theo đó dám đối đầu với Trung Quốc và không nhượng bộ trong các tranh chấp giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.

Liên quan vấn đề này, chuyên gia Derek Grossman, cựu cố vấn tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ, đã có bài bình luận trên tờ Nikkei nói rằng cuộc khẩu chiến leo thang giữa Bắc Kinh và Seoul cũng như nguy cơ hàng xuất khẩu của Hàn Quốc và các công ty Hàn Quốc có thể bị nhà cầm quyền Trung Quốc trả đũa đang gây thêm áp lực lên Chính phủ của ông Yoon Suk-yeol. Nhưng sẽ là sai lầm nếu vì điều này mà chính quyền ông Yoon mềm mỏng lập trường. Thay vào đó, Chính phủ Yoon Suk-yeol nên xem động thái răn đe của phía Trung Quốc như lý do để gia tăng liên minh Hàn Quốc-Mỹ mạnh mẽ hơn cũng như củng cố mối quan hệ đối tác mới được hồi sinh giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.

Căng thẳng ngoại giao giữa Hàn Quốc và Trung Quốc bắt đầu vào tháng 4 năm nay. Khi đó Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công khai tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào ngày 18/4, “Vấn đề Đài Loan không chỉ là vấn đề giữa hai bên eo biển Đài Loan mà nó sẽ liên quan đến toàn thế giới giống như vấn đề Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế kiên quyết phản đối nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”, phát biểu này đã khiến ĐCSTQ tức giận.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cáo buộc ông Yoon Suk-yeol can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thời cho rằng ông hy sinh phẩm giá của Hàn Quốc khi “cúi đầu” trước Nhật Bản, cho thấy phớt lờ những hành vi ngược đãi mà Nhật Bản đã gây ra trong thời kỳ thống trị bán đảo Triều Tiên.

Chính phủ Yoon sau đó đã khẩu chiến với các phương tiện truyền của ĐCSTQ. Tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của ĐCSTQ đe dọa rằng nếu ông Yoon tiếp tục con đường ngoại giao như vậy thì tình hình đối với Hàn Quốc có thể trở nên “không thể chịu đựng được”.

Mâu thuẫn leo thang vì phát ngôn của Đại sứ ĐCSTQ

Vào tháng 6 khi Đại sứ ĐCSTQ Hình Hải Minh tại Hàn Quốc gặp lãnh đạo phe đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung, đã cáo buộc Seoul chịu ảnh hưởng của Mỹ và không tôn trọng các lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh, bao gồm cả vấn đề Đài Loan. Ông Hình cho rằng những khó khăn hiện tại trong quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc không phải do Trung Quốc gây ra, còn cảnh báo Hàn Quốc không nên “đánh giá sai” đối với Trung Quốc vì “can thiệp từ các yếu tố bên ngoài” như áp lực của Mỹ. Những ai đánh cược với Trung Quốc sẽ hối hận trong tương lai…

Vào ngày 13/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có phản hồi chỉ trích ông Hình Hải Minh vì những phát ngôn vô lối trong các chính sách liên quan đến Hàn Quốc. Theo thông tin, vào sáng ngày 13/6 ông Yoon Suk-yeol đã nói trong một cuộc họp kín tại Phủ Tổng thống Yongsan, rằng Đại sứ Hình Hải Minh với tư cách là một nhà ngoại giao tại Hàn Quốc nhưng những lời nói và hành động lại làm mất lòng người dân Hàn Quốc. Các nguồn tin cấp cao trong Văn phòng Tổng thống tiết lộ rằng Văn phòng Tổng thống “rất chú ý” đến nội dung phát biểu này.

Đảng cầm quyền của Hàn Quốc cũng bày tỏ phẫn nộ đối với nhận xét của ông Hình Hải Minh. Có thành viên của Đảng Quyền lực Quốc dân (People Power Party) cầm quyền cho biết Chính phủ Hàn Quốc nên tích cực xem xét thực hiện các biện pháp cứng rắn để liệt Hình Hải Minh vào danh sách “người không được hoan nghênh” (persona non grata). Ông Kim Gi-hyeon, lãnh đạo Đảng Quyền lực Quốc dân cho biết tại một cuộc họp ủy ban cấp cao nhất của đảng rằng, phát ngôn của Đại sứ Hình Hải Minh cho thấy quan chức ngoại giao ĐCSTQ này không hiểu lễ nghĩa là gì.

Thủ tướng Hàn Quốc Han Deok-soo đã chỉ trích ông Hình Hải Minh, “Đại sứ của một nước lại không nhằm mục đích thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước mà lại [vượt quyền hạn] chỉ trích chính sách của chính phủ nước sở tại, thái độ này rất không phù hợp với tư cách nhà ngoại giao”.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin cũng gọi những lời nói và hành động của ông Hình Hải Minh là “rất không phù hợp”. Về quan điểm của một số người cho rằng ông Hình Hải Minh nên bị liệt vào danh sách “người không được hoan nghênh” nên trục xuất khỏi đất nước Hàn Quốc, ông Park Jin chỉ cho biết Bộ Ngoại giao đã cảnh báo rõ ràng rằng mọi hậu quả phải do chính Đại sứ gánh chịu.

Người dân Hàn Quốc đã sẵn sàng đối với việc ĐCSTQ trả đũa

Phía Trung Quốc cũng tìm cách chia rẽ Hàn Quốc và Triều Tiên. Một bài báo gần đây trên phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc lưu ý rằng, “Đồng bào Triều Tiên đã trong một thời gian dài không có bất kỳ liên lạc nào qua đường dây nóng liên Triều”, ngụ ý việc ông Yoon quá tập trung vào việc tăng cường quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Vào tháng 5, ông Yoon đã đồng ý chia sẻ dữ liệu phòng thủ tên lửa với Nhật Bản thông qua mạng do Mỹ lãnh đạo, cử cố vấn an ninh quốc gia đến các cuộc họp với các đối tác Nhật Bản và Mỹ, đồng thời tăng cường liên kết với Mỹ và Nhật Bản hơn, chẳng hạn như phát biểu về “Đảm bảo một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được cho là ám chỉ Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về vấn đề này, ông Derek Grossman nói rằng ông Yoon Suk-yeol đang hướng theo những điều lớn lao hơn thương mại Hàn Quốc-Trung Quốc, vì các nước nên đứng lên bảo vệ các nguyên tắc đạo đức và công lý trong hệ thống quốc tế.

Quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc tan băng

Ngoài ra, có nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang tan băng. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến công du Hàn Quốc 2 ngày 1 đêm từ ngày 7/5. Đây là lần đầu tiên sau 12 năm, một Thủ tướng Nhật Bản có chuyến thăm đặc biệt tới Hàn Quốc. Hai bên tập trung vào các hành động khiêu khích của Triều Tiên, vấn đề eo biển Đài Loan, an ninh quốc gia và các dự án hợp tác kinh tế. Các học giả giải thích rằng Nhật Bản và Hàn Quốc mong muốn gác lại những bất đồng lịch sử và đẩy nhanh tốc độ hợp tác để đối phó với ĐCSTQ và Triều Tiên, như vậy đã dần hình thành một liên minh chặt chẽ giữa Mỹ – Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 16/3 năm nay, ông Yoon Suk-yeol đã đến thăm Nhật Bản và cho biết rằng Hàn Quốc và Nhật Bản đã vượt qua lịch sử không may trong quá khứ giữa hai nước, chuyển sang một kỷ nguyên hợp tác mới. Đây là bước đi đầu tiên để trong tương lai, bất cứ lúc nào các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể chủ động liên lạc và hợp tác với nhau thông qua “ngoại giao con thoi”.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã chào đón Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bằng nghi thức chào quân sự cao cấp tại dinh thự chính thức của ông, phá vỡ lớp băng từ sau Thế chiến II tồi tệ nhất trong mối quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc.

Sau chuyến thăm Nhật Bản của ông Yoon Suk-yeol, quan hệ Nhật-Hàn nhanh chóng phục hồi. Vào ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đến thăm Hàn Quốc, đây cũng là lần đầu tiên sau 12 năm có một thủ tướng Nhật Bản thăm Hàn Quốc, ông Kishida cũng đã mời ông Yoon Suk-yeol tham gia hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại Hiroshima Nhật Bản vào 19/5. Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng họ đã gặp nhau 3 lần, cho thấy họ muốn tích cực hàn gắn quan hệ và đảm bảo an ninh trong bối cảnh các mối đe dọa địa chính trị từ ĐCSTQ ngày càng nghiêm trọng.

Thiên Tư, Vision Times

6 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng dao tại trường mẫu giáo ở Trung Quốc

Cảnh sát đến trường mẫu giáo ở TP. Liên Giang, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc. (Ảnh cắt từ video)

6 người đã thiệt mạng và 1 người bị thương trong một vụ tấn công bằng dao vào sáng sớm Thứ Hai (10/7) tại một trường mẫu giáo ở TP. Liên Giang (tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc), và 1 người đàn ông 25 tuổi đã bị bắt giữ, theo các báo đưa tin dẫn nguồn Trung Quốc.

The Guardian đưa tin rằng người đàn ông bắt đầu cơn thịnh nộ của mình lúc 7h40 sáng. Các nạn nhân bao gồm 1 giáo viên, 2 phụ huynh, và 3 trẻ em, theo AFP đưa tin, dẫn lời một phát ngôn viên của chính quyền địa phương.

Reuters đưa tin người đàn ông này họ Wu (Võ), và vụ việc đã trở thành chủ đề tìm kiếm nóng trên mạng xã hội với 290 triệu lượt xem trên Weibo vào lúc 1h50 chiều (giờ địa phương).

Khác với Mỹ, do chính sách kiểm soát súng, nên tội phạm Trung Quốc có một phần lớn là dùng các loại vũ khí lạnh.

Có cư dân mạng xã hội Trung Quốc kêu gọi nghi phạm phải đối mặt với án tử hình.

“Thật quá đáng khi làm điều này với những đứa trẻ không có sức mạnh nào. Biết bao gia đình sẽ tan nát vì điều này… Tôi ủng hộ án tử hình,” một cư dân mạng nói trên Weibo.

Cũng có các câu hỏi về an ninh tại các trường học, đặc biệt là sau các cuộc tấn công tương tự trước đó.

“Tại sao những trường hợp như vậy vẫn tiếp tục xuất hiện?”

Tháng 8 năm ngoái, 3 người thiệt mạng và 6 người bị thương trong vụ đâm dao tại một trường mẫu giáo ở tỉnh Giang Tây, miền nam Trung Quốc.

Năm 2021, một người đàn ông đã giết 2 trẻ em và làm bị thương 16 trẻ tại một trường mẫu giáo ở khu vực tây nam Quảng Tây.

Các cuộc tấn công vào trẻ em cũng làm chú ý đến sức khỏe tâm thần.

Năm 2017, một thanh niên 22 tuổi đã kích hoạt thiết bị nổ bên ngoài một trường mẫu giáo ở tỉnh Giang Tô, khiến chính anh ta và một số người khác thiệt mạng, đồng thời làm hàng chục người khác bị thương.

Theo truyền thông nhà nước, người đàn ông này mắc chứng rối loạn tâm thần và đã viết nguệch ngoạc những dòng chữ về cái chết trên tường nhà mình.

Tháng trước, hàng loạt vụ tấn công bạo lực ở Hồng Kông cũng làm dấy lên vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần chỉ ra rằng đại dịch Vũ Hán (COVID-19) có thể là một yếu tố chính đằng sau sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Nhật Tân

Related posts