Đưa hối lộ đến hơn 34,6 tỷ đồng, Công ty An Bình của bị cáo Hoàng Diệu Mơ và 5 công ty liên kết đã được các cán bộ có thẩm quyền cấp phép 66 chuyến bay.
Tiếp tục phần xét hỏi của phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” trong sáng ngày 12/7, HĐXX xét hỏi bị cáo Hoàng Diệu Mơ – Giám đốc Công ty An Bình.
Theo đó, bị cáo này thừa nhận hành vi đưa hối lộ cho các cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công An) và Bộ Y tế.
Cụ thể, vào tháng 7/2021, bị cáo Mơ gửi hồ sơ xin cấp phép đến Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, phía Cục Lãnh sự có trả lời là không được vì phía Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A08) chưa trả lời.
Để được giải quyết, bị cáo Mơ chủ động sang gặp ông Trần Văn Dự – Phó Cục trưởng A08 thì được ông Dự tiếp và yêu cầu phải chung chi ở mức 150 triệu đồng/chuyến bay hoặc 2 triệu đồng/khách. Sau đó bị cáo Mơ đồng ý với mức chi 150 triệu đồng/chuyến bay. Ông Dự yêu cầu bị cáo Mơ liên hệ với ông Vũ Anh Tuấn – Phó Trưởng phòng, A08 để đưa tiền và thực hiện các thủ tục.
Sau đó, ông Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) chủ động liên hệ với bị cáo Mơ qua điện thoại và cũng yêu cầu Mơ phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay nếu không thì sẽ không được ký duyệt văn bản chấp thuận.
Bị cáo Mơ đã đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền với tổng số 41 lần số tiền 34,6 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo đưa 8 lần số tiền 8,5 tỷ đồng cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, 11 lần số tiền 13,2 tỷ đồng cho Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự), 7 lần số tiền 2,6 tỷ đồng cho Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự), 3 lần số tiền 60 triệu đồng cho Lê Tuấn Anh (Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự), 3 lần số tiền 43 triệu đồng cho Lưu Tuấn Dũng; 4 lần số tiền 5,12 tỷ đồng cho Vũ Anh Tuấn; đưa 4 lần số tiền 5,12 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên.
Khi được HĐXX hỏi lý do lại đưa tiền cho các cán bộ trên, bị cáo Hoàng Diệu Mơ cho biết: “Bị cáo muốn xin tổ chức chuyến bay vì nhu cầu có việc để làm, vì vậy bị cáo tìm anh Tô Anh Dũng để nhờ anh Dũng tạo điều kiện giúp đỡ. Quá trình xin cấp phép bị cáo thấy rất nhiều thủ tục, rất nhiều việc nên sợ rủi ro vì lỗ nếu không bay được nên bị cáo chủ động tìm anh Dũng để mong anh Dũng giúp. Sau đó anh Dũng giới thiệu bị cáo xuống Cục Lãnh sự gặp chị Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng”.
Bị cáo này cũng khẳng định ở Bộ Ngoại Giao không có cá nhân nào yêu cầu bị cáo phải chi tiền, tuy nhiên, bị cáo vẫn chủ động đưa để được chấp thuận và cấp phép đúng thời gian như mong muốn của bị cáo.
Khi được HĐXX hỏi: “Khi bị cáo đưa tiền thì có ai từ chối không?”, bị cáo Mơ cho biết các cán bộ nhận tiền đều không biết trong túi quà có bao nhiêu tiền nên vẫn nhận.
“Trong lần đầu đưa tiền thì anh Tô Anh Dũng bảo: “Lần sau không được đưa tiền cho anh nữa” nhưng vẫn nhận. Và những lần đưa tiếp theo, anh Dũng đều nhận cả”, bị cáo Hoàng Diệu Mơ cho biết.
Bị cáo này cũng cho rằng trong hoàn cảnh buộc phải duy trì hoạt động của doanh nghiệp, bị cáo chấp nhận đưa tiền để việc cấp phép được thuận lợi.
“Nếu không đưa tiền thì khả năng sẽ không được cấp phép hoặc nếu được thì cũng sẽ không được nhiều như vậy”, bị cáo Mơ nói.
Công ty An Bình của Hoàng Diệu Mơ và 5 công ty liên kết đã được các cán bộ có thẩm quyền cấp phép 66 chuyến bay.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Mơ và gia đình đã nộp 2,4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Khánh Vy