Mục tiêu của Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen trong chuyến công du đến Bắc Kinh lần này là để giải thích chính sách về Trung Quốc, vốn đã thay đổi rất nhiều, của Tổng thống Biden.
Trước khi chính phủ nhiệm kỳ này bắt đầu, nhiều người tin rằng ông Biden sẽ bãi bỏ các quan thuế thời ông Trump và có lập trường mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc. Kỳ thực, ông đã bổ nhiệm một số người không có mối giao hảo với nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chẳng hạn như Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR), bà Katherine Tai, là người gốc Đài Loan.
Trong năm đầu tiên cầm quyền, ông Biden đã giữ nguyên hầu hết các quan thuế đối với Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump, điều mà nhiều người cho là do chính phủ của ông Biden chưa ban hành một chính sách nhất quán nào đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi bước sang năm 2022 và 2023, rõ ràng là Tòa Bạch Ốc vẫn giữ nguyên các quan thuế đó và ĐCSTQ sẽ không được một giấy phép nào từ chính phủ mới. Ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương Mại Hoa Kỳ dưới thời ông Trump từ năm 2017 đến năm 2021, nói với NPR rằng: “Họ thực sự không làm gì khác ngoài việc làm theo chính sách của chúng tôi.”
Ngoài việc giữ nguyên hầu hết các quan thuế, chính phủ ông Biden đã liên tục bổ sung các công ty có trụ sở tại hoặc có liên kết với Trung Quốc vào Danh mục các Tổ chức của Bộ Thương mại, hạn chế các công ty Hoa Kỳ giao thương với họ.
Hoa Kỳ cũng đã cấm xuất cảng một số loại vi mạch bán dẫn máy điện toán cho các tổ chức của Trung Quốc. Đây là một hành động tác động bất lợi đến khả năng phát triển công nghệ mới của ĐCSTQ. Không chỉ Hoa Kỳ, mà cả các đồng minh của họ, trong đó có châu Âu và Nhật Bản, đã đồng thuận tuân thủ lệnh cấm vi mạch bán dẫn này. Hơn nữa, chính phủ ông Biden đã đưa ra các lệnh trừng phạt đối với ĐCSTQ vì những vi phạm nhân quyền của chế độ này.
Chuyến công du của Bộ trưởng Yellen tới Bắc Kinh, từ ngày 06 đến 09/07, có ý định nhằm giảm leo thang mối bang giao đang xấu đi giữa hai quốc gia này. Giải thích những lý do cho chuyến đi của mình, bà Yellen lặp lại lời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người vừa từ Bắc Kinh trở về, rằng bà hy vọng “duy trì mối bang giao của chúng ta một cách có trách nhiệm, trao đổi trực tiếp về các lĩnh vực quan tâm, và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.”
Các cuộc gặp của bà Yellen tại Bắc Kinh sẽ tiếp nối các cuộc thảo luận diễn ra giữa ông Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng Mười Một. Cả ông Biden và ông Tập đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc xung đột.
Ngay trước khi lên đường tới Bắc Kinh, bà Yellen đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Tạ Phong (Xie Feng). Cuộc gặp này được coi là một dấu hiệu tốt cho thấy cả hai bên cam kết cải thiện bang giao. Bà Yellen cũng cho biết bà mong muốn mở lại các cuộc đàm phán kinh tế với người đồng cấp Trung Quốc.
Ông Biden đã bày tỏ rằng ông muốn thấy mối bang giao với Trung Quốc được cải thiện. Theo quan điểm của ĐCSTQ, căng thẳng chỉ có thể giảm bớt nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ quan thuế, các hạn chế, và lệnh trừng phạt.
Mặt khác, chính quyền Bắc Kinh đã không làm gì để khắc phục các vấn đề gốc rễ mà Hoa Kỳ lo ngại. Vi phạm nhân quyền ở Tân Cương vẫn tiếp diễn. Chính quyền này đã nhiều lần vi phạm đánh bắt cá và xâm phạm vùng biển của các đồng minh của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Ông Tập đang đe dọa đánh chiếm Đài Loan.
Vụ khinh khí cầu do thám mới đây cũng không phải mới xảy ra một lần. Trong khi đó, ĐCSTQ chịu trách nhiệm xuất cảng tiền chất cho các băng đảng ma túy Mexico để sản xuất fentanyl khiến 100,000 người Mỹ tử vong hồi năm ngoái.
Cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một điểm tranh chấp khác giữa ĐCSTQ và thế giới dân chủ tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Ngày càng có nhiều khả năng cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang bí mật ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Hồi tháng Hai, người ta xác định rằng ĐCSTQ đã gửi hàng ngàn lô hàng, trong đó có các bộ phận của chiến đấu cơ, cũng như các công nghệ quân sự khác đến Nga. Bất chấp những lời cam đoan của ông Tập rằng Trung Quốc không muốn thấy cuộc chiến này leo thang, phía Nga vẫn yêu cầu cung cấp vũ khí và vẫn chưa rõ liệu chính quyền Bắc Kinh có đồng ý hay không.
Hồi tháng Tư, bà Yellen tuyên bố rằng chính phủ ông Biden sẽ ưu tiên an ninh quốc gia hơn kinh tế trong mối bang giao với ĐCSTQ. Tại cuộc họp G7, các nền kinh tế hàng đầu thế giới đã đồng thuận rằng họ muốn “giảm thiểu rủi ro” bằng cách chuyển hướng đầu tư mới sang các quốc gia khác, thay vì mở rộng hoạt động tại Trung Quốc.
Mặc dù không có ai trong số những nhà lãnh đạo thế giới này sử dụng thuật ngữ “đoạn giao,” nhưng chính phủ ông Biden đã khuyến khích chuyển chuỗi sản xuất và cung ứng từ Trung Quốc sang các đồng minh của Hoa Kỳ. Ngoài ra, theo hình mẫu của Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản, và Vương quốc Anh đều đã tăng chi tiêu cho quốc phòng một cách đáng kể.
Đồng thời với việc phương Tây, do Hoa Kỳ đứng đầu, dường như đang rời xa Trung Quốc, thì ĐCSTQ đang đóng cửa Trung Quốc với thế giới. Dưới thời ông Tập, khi sự kiểm soát của chính quyền trung ương đối với nền kinh tế tăng lên, thì Trung Quốc ngày càng rời xa việc cải tổ thị trường. Nền kinh tế đang đi xuống của Trung Quốc, cộng với việc thông qua luật “phản gián” mới của ĐCSTQ, đang đẩy lùi giới đầu tư ngoại quốc và khiến cho số lượng các công ty ngoại quốc phải rời đi ngày một tăng.
Các vấn đề giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc rất nhiều và phức tạp. Và mặc dù bà Yellen là một chính trị gia có năng lực, nhưng có vẻ như chuyến thăm của bà sẽ không khiến ĐCSTQ thay đổi hướng đi, tuân thủ trật tự của luật toàn cầu, hay giảm tình trạng căng thẳng.
Tất nhiên, Hoa Kỳ có thể ngay lập tức làm hài lòng ĐCSTQ bằng việc quên đi tất cả những hành động sai trái của ĐCSTQ, dỡ bỏ quan thuế, cũng như các lệnh trừng phạt. Nhưng có vẻ như điều này sẽ không xảy ra.
Vân Sa biên dịch