Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm thứ Tư (12/7) đã chủ trì một cuộc họp của các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO bên lề hội nghị thượng đỉnh thường niên của liên minh quân sự này tại Vilnius, Litva. Chủ đề của cuộc họp đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO tập trung vào đấu tranh với mối đe dọa từ Triều Tiên cộng sản, khác với ưu tiên cơ bản của các thành viên NATO là bàn về vấn đề Ukraine. Thông qua cuộc họp, Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo NATO rằng: Triều Tiên có thể tấn công hạt nhân Paris, Berlin và London.
Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand không phải là các thành viên chính thức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhưng bốn nước này được hưởng đặc quyền là “các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Đây là năm thứ hai liên tiếp, bốn quốc gia kể trên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO để thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác quân sự và thảo luận về việc tăng cường an ninh toàn cầu. Đặc biệt, Hàn Quốc hôm thứ Ba (11/7) đã ký một thỏa thuận riêng rẽ với NATO để mở rộng hợp tác trong 11 lĩnh vực khác nhau. Thỏa thuận được gắn nhãn Chương trình Đối tác Phù hợp Cá thể (ITPP) này cho phép thông tin liên lạc và các hoạt động quân sự chung lớn hơn để đấu tranh với khủng bố trên mạng và các mối đe dọa hiện đại khác.
Hai vấn đề chính mà các thành viên NATO thảo luận tại hội nghị năm nay tại Vilnius, Litva là Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này và con đường tiềm tàng cho Ukraine trở thành thành viên chính thức. Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển ít gây tranh cãi hơn, chỉ đối mặt với sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và khúc mắc này cũng đã được tháo gỡ khi ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh năm nay Tổng thống Erdogan đã bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi, Ukraine đã tìm cách trở thành thành viên NATO nhiều năm qua nhưng không có kết quả. Tuyên bố chung NATO 2023 khẳng định tương lai của Ukraine là trong NATO, nhưng không đưa ra lịch trình thời gian để Kyiv gia nhập liên minh.
Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đã nói rõ trước khi khai mạc hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay là những quan ngại an ninh chính của họ là về Triều Tiên cộng sản và đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, Trung Quốc. Hai nước này cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 12/2022 đã kêu gọi “tăng theo cấp số nhân kho vũ khí hạt nhân”, trong khi Trung Quốc cũng đã đang gia tăng các hoạt động hiếu chiến chống lại các quốc gia láng giềng trong suốt thập kỷ qua. Sự có mặt của ông Yoon cùng Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, cả hai đều là những chính trị gia cánh hữu bảo thủ, tại thượng đỉnh NATO đã thúc đẩy sự giận dữ và phẫn nộ tại Bắc Kinh.
“Một động thái thiển cận như vậy chắc chắn sẽ kích hoạt sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc và dẫn tới sự cảnh giác cao của các quốc gia trong khu vực!” Hoàn cầu Thời báo – cơ quan tuyên truyền của nhà nước Trung Quốc cộng sản tuyên bố tuần trước về sự xuất hiện của ông Yoon và ông Kishida tại thượng đỉnh NATO.
Không nao núng vì Triều Tiên không phải là chủ đề chính tại NATO, ông Yoon đã hướng sự tập trung của cuộc gặp bên lề giữa ông và ông Kishida, cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins vào Triều Tiên, chứ không phải Ukraine. Ông Yoon tuyên bố rằng Triều Tiên có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và vũ khí hạt nhân là mối đe dọa với châu Âu như với Đông Á. Triều Tiên đã phóng thử tên lửa ICBM ra vùng biển ngoài khơi đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản vào sáng thứ Tư (12/7), một động thái được cho là để bày tỏ phản đối cuộc thảo luận về Bình Nhưỡng tại thượng đỉnh NATO.
“Tên lửa hạt nhân của Triều Tiên là mối đe dọa thực sự và có thể phóng tới không chỉ Vilnius mà tới cả Paris, Berlin và London”, ông Yoon nói trong cuộc họp hôm 12/7. “Chúng ta phải đoàn kết mạnh mẽ hơn và lên án, đáp trả bằng cùng một tiếng nói”.
“Trong kỷ nguyên siêu kết nối ngày nay, chúng ta không thể tách rời an ninh châu Âu khỏi an ninh châu Á”, ông Yoon khẳng định. “Chúng tôi cũng sẽ mở rộng thông tin quân sự chia sẽ với NATO”.
Ông Yoon cũng đề cập qua tới Ukraine khi nói “Hàn Quốc và tôi hứa sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine cho đến ngày họ giành lại được tự do hoàn toàn”. Tuy nhiên, tuyên bố chung của bốn quốc gia đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO chỉ tập trung chủ yếu vào Triều Tiên.
“Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và New Zealand mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên hôm nay. Đây là một ví dụ khác về cách Triều Tiên tiếp tục vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và ổn định của Bán đảo Triều Tiên, khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cũng như cộng đồng quốc tế”, tuyên bố chung của bốn quốc gia đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương của NATO nêu rõ.
“Bốn quốc gia cực lực phản đối hành vi khiêu khích vô luật của Triều Tiên và kêu gọi nước này hãy tuân thủ hoàn toàn tất cả nghĩa vụ theo các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi sẽ cùng làm việc với Liên Hiệp Quốc và các thành viên của cộng đồng quốc tế này để đảm bảo chắc chắn rằng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong đó áp đặt các chế tài lên Triều Tiên phải được thực thi hiệu quả”, tuyên bố chung tiếp tục.
Ông Yoon lên cầm quyền tại Hàn Quốc từ năm ngoái đã đang ưu tiên củng cố lập trường chống Triều Tiên sau khi người tiền nhiệm Moon Jae-in tập trung vào đối thoại và hợp tác với Bình Nhưỡng. Ông Moon, chính trị gia cánh tả cấp tiến, đã thăm Triều Tiên nhiều lần và đã thiết lập một “văn phòng liên lạc” cho đối thoại song phương vào năm 2018. Triều Tiên đã cho nổ văn phòng này vào năm 2020.
Hành động hung hăng của Bình Nhưỡng gia tăng trong suốt nhiệm kỳ của ông Moon đã đang làm gia tăng mong muốn của công chúng Hàn Quốc về việc nước này cần có một chương trình vũ khí hạt nhân độc lập. Nhiều cuộc thăm dò dân ý được thực hiện năm nay cho thấy rằng khoảng 70% người dân Hàn Quốc ủng hộ đất nước tự phát triển vũ khí hạt nhân thay vì phụ thuộc vào ô hạt nhân của Mỹ.
“Hàn Quốc có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc tự sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Yoon nói hồi tháng Một, cảnh báo Washington. “Với khả năng công nghệ và khoa học của mình, chúng tôi sẽ không mất nhiều thời gian để có vũ khí hạt nhân”, ông Yoon khẳng định.
Thị trưởng Seoul, Oh Se-hoon viện dẫn cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine là chất xúc tác thêm vào tâm lý chung tại Hàn Quốc rằng không có vũ khí hạt nhân sẽ đặt một đất nước vào thế mở cho tấn công.
“Triều Tiên đã đang gần thành công trong việc tối thiểu hóa và làm nhẹ vũ khí hạt nhân và đảm bảo có được ít nhất hơn 10 đầu đạn hạt nhân”, ông Oh nói với Reuters hồi tháng Ba. “Chúng ta đã đang đi đến một điểm mà khó thuyết phục mọi người với logic rằng chúng ta nên kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân và bám cứng vào tiến trình phi hạt nhân hóa”.
“Có thể sẽ có một số phản đối ban đầu từ cộng đồng quốc tế, nhưng tôi tin rằng sau cùng [chủ trương tự phát triển vũ khí hạt nhân của chúng tôi] sẽ giành được nhiều sự ủng hộ hơn”, ông Oh nói thêm.
Tổng thống Yoon đã thăm Mỹ vào tháng Tư. Trong bối cảnh đối thoại tăng cao về khả năng hạt nhân của Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng ý đồn trú một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ tại Hàn Quốc, tăng thêm tính răn đe hạt nhân, đồng thời làm tức giận Triều Tiên. Tàu ngầm USS Michigan đã cập cảng Busan, miền nam Hàn Quốc vào tháng Sáu.
Hôm thứ Hai (9/7), Bộ Quốc phòng Triều Tiên đã đe dọa sẽ bắn rụng các máy bay của Không lực Mỹ để đáp trả “những hành vi khiêu khích” của Mỹ và Hàn Quốc.
Một tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Triều Tiên khẳng định: “Không có gì đảm bảo rằng một sự kiện gây sốc như bắn rơi máy bay do thám chiến lược của Không lực Mỹ sẽ không xảy ra tại vùng biển phía đông của Triều Tiên”.
Hải Đăng (Theo Breitbart News)