Bị cáo Phạm Trung Kiên khai biết tội nhận hối lộ có thể bị tử hình nên rất ám ảnh, muốn chết để thoát khỏi áp lực, phải điều trị dấu hiệu tâm thần.
Sáng 14/7, trong ngày thứ 4 xét xử 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, các luật sư bắt đầu xét hỏi.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên đã công bố hồ sơ bệnh án, liên quan đến chẩn đoán hành vi tự sát rối loạn tâm thần đa dạng không có triệu chứng, sau khi nhiễm COVID-19 của thân chủ.
Trả lời vấn đề này, ông Kiên cho biết sau ngày 24/1, bản thân mắc COVID-19 và diễn biến rất nặng, phải vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu, nằm viện một thời gian.
“Sau khi ra viện, cộng thêm thông tin cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra các sai phạm liên quan tổ chức, cấp phép các chuyến bay thì tâm lý của bản thân chịu sức ép rất nặng”, bị cáo Kiên nói.
Ngoài ra, bản thân cũng thường xuyên phải làm việc với điều tra; tự tìm hiểu các quy định về pháp luật liên quan đến tội nhận hối lộ, khung rất nặng, từ 20 năm, chung thân tới tử hình.
“Bị cáo đã bị ám ảnh mức án tử hình nên rất hoảng sợ và có triệu chứng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực đó. Do vậy, bị cáo có một thời gian phải điều trị tâm thần tại Bệnh viện Bạch Mai”, ông Kiên khóc và nói.
Chủ tịch công ty nói bị cáo Kiên quát tháo và hay đòi tiền
Cũng tại phiên tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun, khai bị cáo Kiên ép buộc mình và nhiều người khác đưa tiền. Bị cáo Dương cho biết lần đầu gặp Kiên là khi được Samsung và LG nhờ lên Bộ Y tế xin tiêm vắc-xin.
“Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn, nói to gấp rưỡi trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Sơn nói số tiền như vậy là cao, xin 100 triệu đồng/chuyến và Kiên đòi 150 triệu đồng/chuyến, đưa cho Kiên ở Cục Xuất nhập cảnh cũng được”, bị cáo Dương khai.
Bị cáo này nói thêm thấy bị cáo Kiên như vậy nên không báo lại việc tiêm vắc-xin với 2 doanh nghiệp trên, bởi “không thể làm việc với một con người như vậy”.
Về chuyến bay, công ty của Dương được cấp phép 17 chuyến và bị bị cáo Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước mỗi khi cấp phép. Bị cáo Dương khẳng định: “Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa”.
“Cứ 8h30, tôi đến thang máy tòa nhà Lotte là Kiên gọi điện. Đang dịch COVID-19, cấm nghe điện thoại trong thang máy nhưng Kiên gọi liên tục, tôi phải cho nhân viên nghe. Nhân viên báo lại rằng anh Kiên muốn gặp anh và Kiên lại đòi tiền. Anh ta gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói Thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền thì có dấu”, bị cáo Dương khai.
Về phần mình, bị cáo Kiên nhiều lần bác bỏ việc ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Bị cáo giải thích việc nhận hối lộ do “các doanh nghiệp chủ động tìm đến, tự đưa ra mức chi thì bị cáo nhận”.
Cáo trạng xác định bị cáo Kiên là người đã nhận hối lộ nhiều nhất, với 235 lần và tổng số tiền 42,6 tỷ đồng.
Ông Kiên thừa nhận toàn bộ số tiền nhận hối lộ được chuyển qua tài khoản của mẹ vợ. Ngoài dùng 12 tỷ đồng để trả lại cho một số doanh nghiệp, ông Kiên khai đã chi 2 tỷ đồng cho mục đích cá nhân, cho một người chú vay 1 tỷ đồng, số còn lại đầu tư đất và sửa chữa nhà cửa.
Phạm Toàn