Nga phát động làn sóng không kích vào phía đông và phía nam Ukraina
Liên Thành
Giới chức Ukraina ngày 18/7 cho biết, Nga đã tiến hành các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái vào phía đông và phía nam của Ukraina trong đêm, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng ở cảng Odessa trên Biển Đen, hãng tin Reuters đưa tin.
Các cuộc tấn công diễn ra sau cam kết trả đũa của Nga, sau vụ nổ trên cây cầu nối Nga với Bán đảo Crimea hôm thứ Hai. Mát-xcơ-va cáo buộc Ukraina tấn công cây cầu được sử dụng để vận chuyển vật tư quân sự tới bán đảo Crimea.
Lực lượng phòng không Ukraina cho biết, tất cả 6 tên lửa Kalibr được bắn trong đêm và 31 trong số 36 UAV đã bị bắn hạ. Tên lửa và hầu hết các máy bay không người lái đã bị bắn hạ ở khu vực Odesa và Mykolaiv ở phía nam, trong khi phần còn lại bị phá hủy ở khu vực phía đông Donetsk, Kharkiv và Dnipropetrovsk.
Bộ chỉ huy quân sự tác chiến phía nam của Ukraina cho biết, tất cả 6 tên lửa hành trình Kalibr do Nga phóng trong đêm đã bị bắn hạ ở Odesa, và 21 máy bay không người lái Shahed đã bị bắn hạ ở khu vực xung quanh.
Các mảnh vỡ rơi xuống và sức nổ đã làm hư hại một số ngôi nhà và cơ sở hạ tầng cảng không xác định ở Odesa. Không có thông tin về bất kỳ trường hợp tử vong nào, nhưng một người đàn ông lớn tuổi bị thương tại nhà và đã được đưa đến bệnh viện.
Odesa thường xuyên bị tấn công kể từ khi chiến sự Nga và Ukraina bùng nổ vào tháng 2 năm 2022, mặc dù cảng này là một phần của thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian cho phép xuất khẩu ngũ cốc an toàn ra Biển Đen. Nga đã rút khỏi thỏa thuận này vào hôm thứ Hai.
Mỹ cảnh báo Nga về quyết định rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc
Tạ Linh
Toà Bạch Ốc ngày 17/7 cảnh báo rằng, quyết định của Nga đình chỉ tham gia vào thỏa thuận ngũ cốc với Ukraina “sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực và gây hại cho hàng triệu người dễ bị tổn thương trên khắp thế giới”, đồng thời kêu gọi Nga “ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình”.
“Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đóng vai trò quan trọng trong việc giảm giá lương thực trên toàn thế giới, vốn đã tăng vọt do cuộc xâm lược Ukraina vô cớ và tàn bạo của Nga”, phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Adam Hodge cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Nga hôm 17/7, đã quyết định rút khỏi thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen. Theo một quan chức Điện Kremlin, quyết định này không liên quan đến vụ tấn công cầu Kerch nối bán đảo Crimea với lục địa Nga.
Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen do Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc làm trung gian vào tháng 7 năm 2022, chính thức hết hạn vào chiều 17/7. Thỏa thuận này cho phép Ukraina xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của mình và điều hướng hành trình an toàn qua Biển Đen, tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Hơn một nửa trong số 32 triệu tấn ngũ cốc và thực phẩm được vận chuyển thông qua thoả thuận đã đến các nước đang phát triển, bao gồm một số khu vực mất an ninh lương thực nhất trên toàn cầu. Và mỗi chuyến hàng theo thỏa thuận đã góp phần giảm bớt khó khăn ở các nước nghèo nhất thế giới, vì việc đưa ngũ cốc ra thị trường thế giới sẽ làm giảm giá lương thực cho tất cả mọi người”, theo Adam Hodge.
Tỷ lệ xuất khẩu được thực hiện theo thỏa thuận đã bắt đầu giảm trong những tháng gần đây. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy tháng 5 và tháng 6 là hai tháng xuất khẩu ít tấn nhất kể từ tháng 8/2022.
“Việc ngăn loại ngũ cốc này tiếp cận thị trường sẽ gây hại cho mọi người trên khắp thế giới và thực sự chúng ta đã thấy giá lúa mì toàn cầu tăng đột biến do Nga ngừng tham gia thoả thuận. Chúng tôi kêu gọi Chính phủ Nga ngay lập tức đảo ngược quyết định của mình”, Adam Hodge cho biết.
Nga cáo buộc Anh Quốc liên quan đến vụ tấn công cầu Crimea
Hải Đăng
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Dmitry Polyansky hôm thứ Hai (17/7) nói rằng cơ quan tình báo Anh Quốc có thể đã đóng vai trò đáng kể trong việc sắp đặt cho vụ tấn công bằng drone của Ukraine vào cầu Crimea vào nửa đêm rạng sáng 17/7.
Trước phát biểu của ông Dmitry Polyansky, Ủy ban Chống khủng bố Quốc gia của Nga (NAK) đã cáo buộc Kyiv thực hiện “tấn công khủng bố” vào tuyến kết nối quan trọng giữa Bán đảo Crimea và lục địa Nga. NAK cho biết Kyiv đã sử dụng hai drone hải quân để tấn công cầu Crimea.
Giới chức Nga cho biết mặc dù vụ tấn công không gây hư hại các trụ cầu, nhưng nó đã làm sập một phần mặt cầu và khiến hai người lớn thiệt mạng và một trẻ em bị thương.
Phát biểu tại một phiên họp nhanh của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 17/7 về Ukraine, Phó Đại sứ Nga Polyansky đã chỉ trích vụ tấn công do “chế độ Kyiv” tiến hành, đồng thời cho rằng có thể đã có sự đồng lõa của phương Tây.
“Chúng ta chưa hiểu được mức độ mà phương Tây, đặc biệt là Anh Quốc, cơ quan tình báo nước này đã tham gia vào việc chuẩn bị và thực hiện vụ tấn công: quá nhiều thứ chỉ điểm về họ”, ông Polyansky nói.
Anh Quốc đã bác bỏ cáo buộc nêu trên. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Anh Quốc đã gọi cáo buộc của phía Nga là “lời đồn đoán vô căn cứ” không đáng để phản ứng, theo Reuters.
Phó Đại sứ Nga Polyansky nói thêm rằng ông “chưa nghe thấy bất kỳ lời lẽ lên án nào về hành động khủng bố này” phát ra từ những nước phương Tây hậu thuẫn Kyiv.
Trước đó, khi bình luận về vụ tấn công vào cầu Crimea, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Ukraine chủ động quyết định cách bảo vệ lãnh thổ của mình.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Anatoly Antonov đã diễn giải phát biểu trên của ông Blinken là nỗ lực “biện minh cho những hành động khủng bố của Kyiv chống lại công dân và cơ sở hạ tầng của Nga”.
“Từ việc Washington đang bao che cho những kẻ cực đoan Kyiv cho phép chúng tôi tự tin tuyên bố rằng Mỹ là kẻ tòng phạm với những kẻ tội phạm Kyiv”, ông Antonov nói và cho biết thêm rằng sự ủng hộ của Mỹ có thể khuyến khích Ukraine thực hiện “những hành vi tàn bạo mới”.
Hôm thứ Hai (17/7), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ trả đũa vụ tấn công bằng drone vào cầu Crimea. Ông Putin nói rằng vụ tấn công đó xét từ quan điểm quân sự là “vô nghĩa” bởi vì cây cầu này từ lâu đã không được sử dụng cho hoạt động vận tải quân sự.
Ukraina: ‘Chỉ vài trăm’ quân Wagner đang ở Belarus
Liên Thành
Ukraina cho biết, giao tranh đã gia tăng ở mặt trận phía đông khi có thêm thông tin chi tiết về số lượng binh sĩ Wagner đã chuyển đến Belarus.
Theo The Guardian ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraina Hanna Maliar cho biết: “Tình hình có phần căng thẳng ở phía đông”. Bà nói thêm rằng “các lực lượng Ukraina đang ở thế phòng thủ gần thành phố Kupiansk phía đông nhưng đang tiến gần Bakhmut”.
“Trong hai ngày liên tiếp, kẻ thù đã tích cực tấn công vào khu vực Kupiansk thuộc vùng Kharkiv. Chúng tôi đang ở thế phòng thủ”, bà Maliar viết trên Telegram.
Một quan chức Ukraina cho biết vào ngày 16/7, chỉ có “vài trăm” chiến binh từ nhóm Wagner của Nga đã chuyển đến Belarus, khiến số phận cuối cùng của lực lượng đánh thuê vẫn chưa rõ ràng.
Thủ lĩnh của Wagner, ông Yevgeny Prigozhin, người được toàn quyền xây dựng một đội quân đánh thuê gồm hàng chục nghìn binh sĩ và tù nhân, đã đồng ý chuyển lực lượng của mình đến Belarus như một phần của thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc binh biến của ông ta chống lại Điện Kremlin vào tháng 6 vừa qua.
Tuy nhiên, kể từ đó, đã có những thông điệp mâu thuẫn nhau về số phận của Wagner, những người đã thực hiện một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất cho phía Nga ở Ukraina.
Chính quyền Belarus cho biết. những người huấn luyện Wagner đã đến nước này, và cả chính quyền Ba Lan và Ukraina đều xác nhận điều này, nhưng cho đến nay dường như không có một cuộc di dời hàng loạt nào. Ngay cả, nơi ở của ông Prigozhin vẫn còn là một bí ẩn.
ISW: Sự bất phục tùng của các chỉ huy Nga đang lan sang binh lính
Liên Thành
Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã đưa ra đánh giá trong báo cáo mới nhất rằng, Bộ Quốc phòng Nga đã bắt đầu loại bỏ các chỉ huy khỏi một số đơn vị và đội hình chiến đấu hiệu quả nhất của quân đội Nga.
Việc cách chức Tư lệnh Quân đoàn Vũ trang Liên hợp số 58 gần đây, Đại tướng Ivan Popov và thông tin sa thải Tư lệnh Sư đoàn đổ bộ đường không 106, Thiếu tướng Vladimir Seliverstov, đã thúc đẩy các cuộc thảo luận sâu hơn về các cáo buộc sa thải và bắt giữ khác gần đây.
Các nguồn tin của Nga đã lan truyền một tin nhắn âm thanh được cho là từ binh lính của Sư đoàn đổ bộ đường không số 7 vào ngày 15 tháng 7, trong đó nhân viên này tuyên bố rằng, bộ chỉ huy quân đội Nga đã cách chức Tư lệnh Sư đoàn đổ bộ đường không số 7, Thiếu tướng Alexander Kornev vào đầu tháng Bảy.
Các nguồn tin Nga cũng tuyên bố rằng, chính quyền Nga đã bắt giữ Tư lệnh Sư đoàn xe tăng 90 (thuộc Quân khu phía Đông), Thiếu tướng Ramil Ibatullin cũng như 2 cấp phó không xác định.
Một blogger quân sự nổi tiếng có liên hệ với Điện Kremlin đưa tin rằng, bộ chỉ huy quân sự Nga cũng đang lên kế hoạch cách chức Chỉ huy trưởng Lữ đoàn đổ bộ đường không số 31, được cho là Đại tá Sergei Karasev.
Các nguồn tin của Nga suy đoán, Bộ Quốc phòng Nga có thể đang chuẩn bị bắt giữ Tư lệnh đổ bộ đường không, Đại tướng Mikhail Teplinsky.
Viện Nghiên cứu chiến tranh ISW chưa thể xác nhận về việc sa thải Seliverstov và Kornev cũng như việc bắt giữ Ibatullin, mặc dù những tuyên bố này tuân theo một khuôn mẫu tương tự như những tuyên bố trước đây về việc thay đổi chỉ huy đã được chứng minh là đúng.
Theo ISW, các đội hình và đơn vị này đang tiến hành các hoạt động phòng thủ và tấn công tại các khu vực quan trọng của mặt trận ở Ukraine. Ví dụ như Quân đoàn Vũ trang Liên hợp số 58 đã tiến hành một cuộc phòng thủ tương đối thành công trước các cuộc phản công của Ukraina ở phía tây Zaporizhia, và Sư đoàn 106 cam kết phòng thủ trước các cuộc tấn công của Ukraina vào sườn phía bắc và phía nam của Bakhmut.
ISW đã quan sát thấy các binh sĩ của Sư đoàn đổ bộ đường không số 7 được khai triển ở bờ đông của Kherson, gần Cầu Antonivsky cũng như các khu vực không xác định ở phía tây Zaporizhia. Các blogger Nga đã tuyên bố rằng Lữ đoàn đổ bộ đường không số 31 cũng đang phòng thủ theo hướng Bakhmut và các binh sĩ của Sư đoàn xe tăng 90 đang tham gia vào các cuộc tấn công hạn chế đang diễn ra ở phía tây Kreminna, Tỉnh Luhansk.
Sự bất phục tùng của một số chỉ huy Nga dường như đang lan sang một số binh lính của họ.
Các blogger Nga đã chia sẻ một đoạn ghi âm vào ngày 16/7, trong đó các binh sĩ được cho là thuộc Sư đoàn đổ bộ đường không số 7 đe dọa rằng, họ sẽ rút khỏi vị trí của mình ở Kherson bị chiếm đóng nếu Bộ Quốc phòng Nga bắt giữ ông Teplinsky hoặc đe dọa tính mạng của ông.
Các binh sĩ của Sư đoàn đổ bộ đường không số 7 cũng tuyên bố rằng, họ sẽ bảo vệ ông Teplinsky trước Bộ Quốc phòng Nga và khẳng định, bộ chỉ huy cấp cao đang nhắm mục tiêu vào các chỉ huy chiến đấu hiệu quả nhất của Nga.
Theo ISW, lời kêu gọi được thu âm này nếu hợp pháp, sẽ là mối đe dọa đào ngũ hàng loạt. Các quân nhân lực lượng đổ bộ đường không đang tống tiền Bộ Quốc phòng Nga để bảo đảm rằng, ông Teplinsky tiếp tục chỉ huy quân đội ở Ukraina, bất chấp mối quan hệ trước đây của ông, với ông chủ Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin – người đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy vũ trang vào ngày 24/6 để lật đổ hai nhà lãnh đạo quân sự Nga Shoigu và Gerasimov.