Tin thế giới sáng thứ Bảy: Giá lúa mì tăng đến 8% sau cuộc tấn công cảng Odessa

Giá lúa mì tăng đến 8% sau cuộc tấn công cảng Odessa

Tạ Linh

Giá lúa mì tăng đến 8% sau cuộc tấn công cảng Odessa, Ngoại trưởng Đức chỉ trích tổng thống Nga (ảnh: Twitter).

Giá lúa mì tăng hơn 2,5% vào hôm 18/7 và lên đến gần 8% vào hôm 19/7, trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga vào Odesa, một trung tâm xuất khẩu ngũ cốc quan trọng, cho thấy sự hốt hoảng xuất hiện trên thị trường toàn cầu.

Giá giao dịch hôm 19/7 là 7,23 đô la Mỹ một giạ, vẫn thấp hơn gần 80% so với mức đỉnh của năm ngoái.

“Ông Putin không chỉ cho nổ tung Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen; bây giờ ông ấy đã bao phủ thành phố cảng Odesa bằng một trận mưa bom trong đêm thứ hai liên tiếp”, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock vào ngày 19/7 trên Twitter cho biết.

“Khi làm như vậy, ông ấy đã cướp đi mọi hy vọng về ngũ cốc của Ukraina trên thế giới. Mỗi quả bom của ông ấy cũng đánh trúng những người nghèo nhất thế giới”, Ngoại trưởng Đức chỉ trích tổng thống Nga.

Thống đốc vùng Odessa, ông Oleh Kiper cho biết tên lửa Oniks và Kh-22 đã được sử dụng để tấn công các kho ngũ cốc và dầu mỏ. Mảnh vỡ từ những chiếc bị bắn rơi đã trúng các tòa nhà chung cư, khu nghỉ dưỡng bên bờ biển và nhà kho, gây ra hỏa hoạn và làm bị thương một số người.

Video từ các nhà kho ở những nơi khác ở Odesa cho thấy lính cứu hỏa đang dập lửa trong khi khói đen dày đặc bốc lên từ vụ nổ.

Cuộc tấn công kể trên là một phần của những gì Bộ Quốc phòng Nga mô tả là “cuộc tấn công trả thù” sau vụ tấn công cầu Kerch trong hôm 17/7.

Cơ quan an ninh hàng đầu của Ukraina dường như ngầm thừa nhận vai trò trong vụ tấn công nhưng không trực tiếp nhận trách nhiệm, tương tự phản ứng sau một cuộc tấn công vào cây cầu vào tháng 10 năm 2022 và phải mất nhiều tháng để sửa chữa.

Trong khi đó, các quan chức khẩn cấp của Nga tại Crimea cho biết hơn 2.200 người đã được sơ tán khỏi 4 ngôi làng vì hỏa hoạn tại một cơ sở quân sự.

Theo ông Sergey Aksyonov, quan chức đứng đầu bán đảo Crimea, hỏa hoạn đã khiến một tuyến đường cao tốc quan trọng phải đóng cửa. Ông không nêu rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn tại cơ sở ở quận Kirovsky. Ở những nơi khác trên khắp Ukraina, giới chức nước này báo cáo máy bay không người lái và tên lửa đã được phóng tới nhiều khu vực hơn so với những ngày gần đây.

Mỹ phạt ngân hàng lớn nhất Đức 186 triệu USD

Liên Thành

Một chi nhánh của Deutsche Bank ở Frankfurt, Đức (ảnh: Armando Babani/AFP/Getty).

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hôm 19/7 thông báo phạt ngân hàng Deutsche Bank của Đức 186 triệu USD, vì vi phạm các lệnh trừng phạt, và do các hoạt động “không an toàn và không chính đáng” tại các chi nhánh ở Mỹ.

Đây là quyết định mới nhất trong một loạt các thông báo phạt nhằm vào ngân hàng của Đức tại cả Mỹ và châu Âu, do vi phạm quy định về chống rửa tiền trong vài năm qua.

Fed công bố quyết định phạt sau khi kết luận chi nhánh tại New York của ngân hàng Đức đã không đạt đủ tiến triển trong việc khắc phục các vi phạm lệnh trừng phạt và quy định về chống rửa tiền lệnh theo các phán quyết của tòa án vào năm 2015 và 2017.

Ngân hàng Đức Deutsche Bank bị phạt do các hoạt động “không an toàn và không chính đáng” liên quan đến chi nhánh tại Estonia của ngân hàng Đan Mạch Danske Bank.

Thông báo phạt được đưa ra sau khi ngân hàng Đức đã chịu phạt gần 630 triệu USD vào năm 2017, để chấm dứt điều tra của Mỹ và Anh về các giao dịch chứng khoán tại Nga.

Deutsche Bank đã bị Fed phạt thêm 41 triệu USD trong cùng năm đó do không tuân thủ các quy định về chống rửa tiền. Ngân hàng này cũng bị phạt do nhiều hoạt động khác trong vài năm qua.

Quân đội Ukraina ‘phá hủy’ xe tăng Bradley để lấy phụ tùng

Liên Thành

Xe tăng chiến đấu Bradley. (Ảnh: Getty).

Quân đội Ukraina đang phải đối mặt với tình trạng thiếu phụ tùng thay thế cho xe tăng chiến đấu Bradley do Mỹ cung cấp.

Washington Post hôm 20/7 dẫn lời một quan chức giấu tên của Ngũ Giác Đài cho biết, khoảng một chục phương tiện được cung cấp cho Kyiv đã bị hư hỏng nặng đến mức không thể sửa chữa.

Tờ báo Mỹ cũng cho hay, nhiều chiếc Bradley hư hỏng được nhìn thấy ở gần tiền tuyến vùng Zaporizhzhie.

Một số thành viên thuộc lực lượng Ukraina nói rằng, các bãi mìn rộng lớn của Nga là mối đe dọa lớn nhất đối với phương tiện chiến đấu của họ. Quân đội Ukraina đã đặt ra yêu cầu về phụ tùng thay thế đối với các chỉ huy của họ, tuy nhiên nguồn dự trữ phụ tùng này là vô cùng hạn chế.

Theo Washington Post, các binh sĩ Ukraina thường buộc phải tháo dỡ những chiếc Bradley hư hỏng nặng, tận dụng các phụ tùng còn hoạt động được để sửa chữa các phương tiện ít bị hư hại hơn.

Các phương tiện này sau đó đã được gửi đến Ba Lan để sửa chữa phức tạp hơn. Tuy nhiên, quân đội Ukraina đang cố gắng giảm thiểu việc phải loại bỏ phần cứng vì thường quá trình gửi phương tiện đi sửa chữa và đưa trở lại tiền tuyến sẽ mất vài tuần.

Quan chức quân sự Mỹ giấu tên nói với Washington Post rằng, ông không biết về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến việc cung cấp phụ tùng thay thế từ các kho dự trữ của Mỹ. Tuy nhiên, ông phỏng đoán chuỗi cung ứng của Ukraina có thể tồn tại nhiều điểm tắc nghẽn.

Quan chức này cũng xác nhận việc Ukraina đã phải phá hủy khoảng một chục chiếc Bradley cho đến nay. 

Mưa đá to bằng quả bóng tennis khiến ít nhất 110 người Ý bị thương

Liên Thành

Mưa đá to bằng quả bóng tennis khiến ít nhất 110 người Ý bị thương (Ảnh: Luca Zaia/Twitter).

Ít nhất 110 người đã bị thương sau trận mưa đá ở phía bắc nước Ý vào đêm 19/7 vừa rồi, với nhiều viên đá được ghi nhận to bằng quả bóng tennis, theo CNN cho biết.

Theo người đứng đầu khu vực Luca Zaia, một cơn bão bất ngờ đã gây nên mưa đá ở Veneto, với một số viên có đường kính thậm chí lên tới 10 cm.

Cơ quan bảo vệ dân sự khu vực Veneto cho biết, các dịch vụ khẩn cấp đã trả lời hơn 500 cuộc gọi cầu cứu do thiệt hại về tài sản và thương tích cá nhân.

Các công nhân đang tháo kính khỏi các cửa sổ bị vỡ và chặt những cây bị đổ trong cơn bão. Ông Zaia cho biết “Làn sóng thời tiết xấu đang ảnh hưởng đến các vùng đồng bằng, gây thương tích cho một số người”.

Châu Âu đã chứng kiến những thay đổi đáng kể về thời tiết trong năm nay. Ý, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã phải đối mặt với nắng nóng không ngớt trong nhiều ngày. Thủ đô Rome của Ý đã đạt mức nhiệt kỷ lục mới là 41 độ C vào ngày 18/7.

Hiệp hội Khí tượng Ý đã đặt tên cho đợt nắng nóng mới nhất là Cerberus – theo tên con vật hung dữ canh cửa địa ngục. Luca Mercalli, người đứng đầu Hiệp hội Khí tượng Ý, nói với CNN: “Trái đất đang lên cơn sốt cao và nước Ý đang trực tiếp cảm nhận điều đó”.

Vào tháng 5, một số khu vực của vùng Emilia Romagna, miền bắc nước Ý, đã phải hứng chịu trận lũ lụt chết người lịch sử, với hơn 20 con sông trong khu vực vỡ bờ và gây ra một làn sóng lở đất.

Các nhà khoa học cho biết, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn trên toàn cầu.

Related posts