Mạc Văn Trang
22-7-2023
Tôi chưa có điều kiện đi “du khảo” miền Tây Nam Bộ để tìm hiểu về những vấn đề thực tế xã hội ra sao. Lâu nay chỉ đi lướt qua vài nơi và đọc báo, thông tin trên mạng cũng thấy trăn trở nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội ở miền Tây Nam Bộ.
Nay về thăm gia đình cô Út Nguyễn Ngọc Diệp, em anh Hồng Sến ở Long An, quan sát, trò chuyện với gia đình, tôi cứ thấy băn khoăn suy nghĩ đôi điều.
Chuyện với chú Châu, chồng cô Út, thấy chú vui lắm. Chú năm nay 72 tuổi, tóc vẫn đen, người săn chắc, nhanh nhẹn, phóng xe máy ngon lành, chuyện trò tự nhiên. Chú bảo Long An, vùng Đồng Tháp Mười, xưa kia là vùng cách mạng. Quân địch chỉ đi càn quét, trực thăng bắn phá, chứ không kiểm soát được. Long An cách mạng lắm. Tên ấp Võ Văn Ba, là lấy tên ông Ba cán bộ cách mạng hy sinh đó.
Chú bảo, xưa kia khổ lắm, giao thông chỉ bằng ghe thuyền, điện, nước sạch đâu có. Nay có điện, đường, nước sạch, so với trước kia tốt quá rồi…
Hỏi chú Châu, đi tiểu ở đâu? Chú chỉ, ra vườn thoải mái!
Cô chú sinh 10 con, một cháu mất lúc 5 tuổi, còn 9, nay lớn cả rồi; 5 đi làm xa, còn 4 cậu con trai ở nhà. Cậu lớn tên Lang ngoài 40 tuổi, 3 cậu sau: Hồng, Thanh, Hùng, đều trên 30 tuổi mà chưa cậu nào lấy vợ. Bốn cậu khoẻ mạnh, nhanh nhẹ, hiền lành, cứ quanh quẩn ở nhà, cũng đủ tivi, máy tính, wifi, điện thoại thông minh, xe máy… Nhà cũng xây tường chắc chắn, lợp mái tôn, rộng rãi, thoáng mát… Vườn rộng, cây cối um tùm, cây gì cũng xanh tươi. Rau quả đủ xài. Cá dưới ao, muốn ăn thì bắt…
Hỏi cậu Lang: Sao mấy thằng chưa lấy vợ?
Cậu cười bẽn lẽn: Dạ cũng khó… Con gái đi lên thành phố làm, chân dài thì lấy chồng nước ngoài… Ở ấp bây giờ không còn con gái…
Đúng là khó thật. Con gái miền Tây trắng trẻo, dẫu ít học cũng lanh lẹ, tươi vui, thật thà, giao tiếp xởi lởi, nên ra thành phố dễ kiếm việc: Bán hàng, làm nail, gội đầu, massage, giúp việc; rồi tuyển vào làm may, chế biến hải sản, nông sản cũng dễ dàng.
– Thế sao các cháu không ra thành phố kiếm việc làm để có cơ hội tốt hơn?
– Dạ, bọn con có đi rồi. Nhưng ra đó mình không có nghề, lao động cực nhọc lắm mà có khi tai nạn… Rồi thuê nhà, cái gì cũng phải mua mắc lắm, sống gò bó, cũng chỉ đủ ăn mà cực khổ. Ở nhà mình làm chơi cũng đủ ăn mà thoải mái…
Nghĩ cũng đúng. Các cháu không được đào tạo nghề nghiệp, khó thích ứng với thị trường lao động yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ngày một cao. Mà làm phu hồ hay khuân vác thì cực mà cũng chỉ đủ ăn, thì ở nhà vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn, sướng hơn chứ.
– Thu nhập của nhà ta từ những nguồn nào?
– Dạ, nhà có 2 mẫu ruộng lúa. Đầu tư vào cày bừa, giống, phân bón, thuốc trừ sâu… hết 20 triệu 1 mẫu. Nếu được mùa thì bán lúa được 40 triệu 1 mẫu, lời 20 triệu; nếu mất mùa thì lỗ… Mình đi làm thuê thì lại khoẻ, nhưng không lẽ bỏ ruộng hoang.
Ngoài ra có mấy sào trồng tràm. Cây tràm đạt chuẩn thu hoạch được thì bán 20 ngàn 1 cây, nay xây dựng ít dùng cọc móng nên xuống giá còn chừng 17-18 ngàn 1 cây mà khó bán.
– Thế chăn nuôi, thả cá, trồng cây trong vườn không có thu hoạch sao?
– Dạ, không. Cá nuôi để ăn thôi. Trước có nuôi heo nhưng dịch chết rồi không dám nuôi nữa; gà nuôi thả ra nó phá lúa, người ta kêu. Vườn trồng rau để ăn, mấy cây trái cho vui, ăn chơi thôi, không có bán.
– Sao nuôi những 4 con chó to vậy? Có bán chó hay ăn thịt không?
– Dạ, không, không ăn thịt chó, không bán. Nó già chết thì chôn thôi. Nuôi có tiếng chó sủa cho vui và để giữ nhà. Trước không nuôi chó, trộm vào lấy mất một xe máy đó.
Đi dạo quanh vườn, quả là đất màu mỡ, khí hậu tốt, cây gì cũng lên sum xuê, xanh mướt, cây mọc tự do, tự phát, chen lẫn nhau vui vẻ thoải mái sống…
Nhìn vào bếp rộng thênh thang, thấy mấy cái lu to chứa nước, mấy đống củi khô, đồ đạc treo, để tự do…
Nhìn ra cái ao khá lớn nuôi cá, thấy có 2 cầu tõm, người ngồi cầu bên này có thể trò chuyện với người ngồi cầu bên kia thoải mái. Ruộng lúa thì sát ngay sau nhà…
– Cá nuôi thế kia bắt lên ăn luôn sao?
– Dạ, không, phải bắt cá nhốt vào lờ, vào lưới, để xuống kênh nước sạch mươi ngày rồi mới ăn chớ.
Từ chuyện nhà cô Út, thấy: Việc lựa chọn cách sống như mấy cháu, mình cũng rất tôn trọng, vì xét cho cùng, sống sao mình thấy thoải mái thì sống thôi, việc gì phải bon chen cho cực khổ… Nhưng cũng băn khoăn:
– Một là, mỗi gia đình nên 2-3 con thôi cho đỡ vất vả việc nuôi, dạy;
– Hai là, giáo dục cần trang bị cho thanh niên khả năng thích ứng với cuộc sống đương đại; đừng lý luận cao xa nữa, mà cần nhất là kỹ năng nghề, làm việc hiệu quả và kỹ năng sống;
– Ba là, nghèo do không có TIỀN. Lúa chủ yếu để ăn; chăn nuôi hay cây trái, cứ mỗi thứ một ít không thành hàng hoá, không thành “vựa” để có thể bán sỉ ra thị trường; bán lẻ ở chợ quê thì nhà nào cũng có những sản phẩm giống nhau, ai mua?
Vấn đề là, với cái quần xà lỏn, áo phông, mọi thứ đủ xài, sống thoải mái, hổng phải tranh giành mệt mỏi… Nhưng học hành, xăng dầu, điện, nước, wifi, tivi, ma chay, cưới xin và nhất là bệnh tật, đều rất cần TIỀN.
Theo quy định của Bộ Y tế mới đây, khám bệnh 1 lần là 500k, tức hết 1 tạ lúa rồi; giường dành riêng không quá 4 triệu/ngày; chưa tính tiền chiếu, chụp, xét nghiệm các loại mất vài triệu, còn tiền thuốc…Vậy là nằm bệnh viện mấy ngày mất tiêu mẫu lúa rồi.
Cho nên khi bàn đưa cháu Việt bị tai biến, ngồi xe lăn, ra Sài Gòn chữa trị thì TIỀN đâu? Cả họ phải xúm vào cùng chung tay lo mới hy vọng.
TÓM LẠI, vấn đề của dân miền Tây là từ nông thôn đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hoà, con người thiện lành, khoẻ khoắn làm sao ra TIỀN một cách chính đáng?
Chương trình tivi bớt phim truyện dài lê thê, bớt ê a cải lương suốt ngày, bớt lý luận chính trị thời sự mệt óc; thay vào đó là các chương trình:
– Miền Tây trồng cây gì, nuôi con gì để ra TIỀN? Người làm ra TIỀN một cách chính đáng ở miền Tây là những ai, giới thiệu để học?
– Lối sống/ cách sống người miền Tây như thế nào cho vệ sinh, lành mạnh?
– Thanh niên Nam, nữ miền Tây cần học gì, làm gì để thích ứng, hoà nhập với cuộc sống hiện đại?…
Miền Tây đất, nước tuyệt vời, con người thật dễ thương, chẳng lo ai đói, rét. Chỉ mỗi tội làm gì chính đáng mà ra TIỀN! Rất cần TIỀN! Tiền!
______
Một số hình ảnh tác giả chụp trong chuyến đi thăm miền Tây: