Đức sẽ gửi hai hệ thống phòng không đắt nhất thế giới tới Ukraina
Liên Thành
Công ty quốc phòng hàng đầu Rheinmetall của Đức vừa thông báo rằng, thêm hai hệ thống phòng không Skynex nữa sẽ được chuyển giao cho Ukraina trong những tháng tới, theo Avia Pro.
Các hệ thống Skynex được biết đến là vũ khí phòng không tiên tiến và được sử dụng để phát hiện và tiêu diệt các loại mục tiêu trên không, bao gồm cả máy bay không người lái. Đặc trưng nổi bật của Skynex là độ chính xác và tốc độ bắn cao, bảo đảm tương tác hiệu quả trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại.
Tuy nhiên, chi phí một viên đạn cho hệ thống này là khoảng 4 nghìn đô la. Thông thường phải mất từ hai đến bốn phát đạn để có thể bắn trúng một phương tiện bay không người lái. Hệ thống này có khả năng bắn tới 1.000 viên đạn mỗi phút, khiến nó trở thành một trong những hệ thống bắn nhanh nhất.
https://twitter.com/explore?ref_src=twsrc%5Etfw%7Ctwcamp%5Etweetembed%7Ctwterm%5E1683885706584764434%7Ctwgr%5E81dfcb79a6ada6892e56327a5af13482fb4fe79b%7Ctwcon%5Es1_&ref_url=https%3A%2F%2Fwww.dkn.tv%2Fthe-gioi%2Fduc-se-gui-hai-he-thong-phong-khong-dat-nhat-the-gioi-toi-ukraina.html
Trước đó ở Đức, người ta tuyên bố rằng hệ thống này có hiệu quả cao trong việc chống lại máy bay không người lái, nhưng hiện chưa có trường hợp thực chiến nào ở Ukraina.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từ chức sau 38 năm; con trai cả lên thay
Thủ tướng Hun Sen của Campuchia, một trong những người tại vị lâu nhất thế giới, hôm 26/7 cho biết ông sẽ từ chức và trao quyền lực cho con trai cả của mình sau gần bốn thập kỷ cai trị theo đường lối cứng rắn, AFP đưa tin.
“Tôi mong người dân thông cảm khi tôi thông báo rằng tôi sẽ không tiếp tục làm Thủ tướng,” ông nói trong một chương trình phát sóng đặc biệt trên truyền hình nhà nước.
“[Con trai tôi] Hun Manet… sẽ trở thành thủ tướng trong vài tuần tới,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhà lãnh đạo mới sẽ được bổ nhiệm vào ngày 10/8.
Cựu lãnh đạo Khmer Đỏ đã điều hành vương quốc từ năm 1985, loại bỏ mọi phe đối lập với quyền lực, cấm các đảng đối lập, buộc những người thách thức ông phải chạy trốn và quyền tự do ngôn luận bị bóp nghẹt.
Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào Chủ nhật mà không có sự phản đối đáng kể nào, chiếm 82% số phiếu bầu, mở đường cho sự kế vị triều đại cho con trai cả của ông, mà một số nhà phê bình đã so sánh với Triều Tiên.
Chính phủ ca ngợi tỷ lệ cử tri đi bầu là 84,6% là bằng chứng về “sự trưởng thành về dân chủ” của đất nước, nhưng các cường quốc phương Tây bao gồm Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc bỏ phiếu là không tự do và không công bằng.
Ông Hun Sen đã trì hoãn việc chuyển giao quyền lực cho con trai mình trong một năm rưỡi, và người đàn ông 45 tuổi này đã đóng vai trò hàng đầu trong việc vận động cho cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật.
Nhưng ông Hun Sen đã nói rõ rằng ông vẫn có ý định sử dụng ảnh hưởng, ngay cả sau khi ông từ chức, bác bỏ quan điểm rằng đất nước có thể thay đổi hướng đi.
“Tôi sẽ tiếp tục là người đứng đầu đảng cầm quyền và là đại biểu Quốc hội,” ông nói hôm thứ Tư.
Dưới thời ông Hun Sen, Campuchia đã xích lại gần Bắc Kinh, hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư khổng lồ của Trung Quốc, bao gồm cả việc tái phát triển một căn cứ hải quân khiến Washington lo ngại.
Trung Quốc hoan nghênh cuộc bầu cử hôm Chủ nhật, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình gửi cho ông Hun Sen một thông điệp cá nhân chúc mừng.
Nhưng cơn lũ tiền Trung Quốc đã mang đến nhiều vấn đề, bao gồm sự bùng nổ của các sòng bạc và các hoạt động lừa đảo trực tuyến được điều hành bởi những người lao động bị buôn bán trong điều kiện khủng khiếp.
Những người chỉ trích nói rằng sự cai trị của ông cũng được đánh dấu bằng sự tàn phá môi trường và nạn tham nhũng.
Campuchia xếp thứ 150 trên 180 trong chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Ở châu Á, chỉ có Myanmar và Triều Tiên xếp hạng thấp hơn.
Các nhóm nhân quyền cáo buộc ông Hun Sen sử dụng hệ thống luật pháp để đè bẹp bất kỳ phe đối lập nào chống lại sự cai trị của ông – bao gồm các nhà hoạt động và các nhà lãnh đạo công đoàn, cũng như các chính trị gia. Nhiều chính trị gia đối lập đã bị kết án và bỏ tù trong thời gian ông nắm quyền.
Năm ngày trước ngày bỏ phiếu, chính quyền đã cấm nhân vật đối lập lưu vong Sam Rainsy ra tranh cử trong 25 năm vì kêu gọi người dân hủy bỏ lá phiếu của họ.
Lãnh đạo phe đối lập Kem Sokha hồi tháng 3 bị kết tội phản quốc và bị kết án 27 năm tù vì âm mưu lật đổ chính phủ của Hun Sen. Ông hiện đang thụ án dưới sự quản thúc tại gia.
Ông Hun Sen cho biết Quốc hội mới được bầu sẽ nhóm họp vào ngày 21/8 và nội các mới sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/8.
Lê Vy (theo AFP)
Pentapostagma: Tên lửa P-800 Onyx của Nga đã trở thành cơn ác mộng của Ukraina
Liên Thành
Trích dẫn tin từ ấn phẩm Pentapostagma của Hy Lạp cho biết, tên lửa hành trình P-800 Oniks của Nga đã cho thấy hiệu quả 100% trong các điều kiện chiến đấu. Một số đại diện của chính quyền Ukraina đã xác nhận rằng, họ không có khả năng đánh chặn loại tên lửa này từ lực lượng vũ trang Nga.
Pentapostagma cũng trích dẫn các nguồn chính thức của Ukraina cho biết, không có tên lửa P-800 Onyx nào bị phá hủy.
Theo ghi nhận của ấn phẩm Pentapostagma, tên lửa P-800 Onyx đã trở thành một vấn đề mà quân đội Ukraina không thể đối phó.
Bài báo viết: “Tên lửa này đã trở thành cơn ác mộng ám ảnh nhà lãnh đạo Ukraina Volodymyr Zelensky ngay cả trong giấc mơ”.
P-800 Oniks pic.twitter.com/iNHgyWsX7J
— A³ (@cyphe0r) July 20, 2023
Điều quan trọng cần lưu ý là tên lửa P-800 Oniks thuộc thế hệ tên lửa hành trình mới, được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên biển và trên bộ ở khoảng cách xa. Với tốc độ và khả năng cơ động cao, cũng như mức độ của công nghệ tàng hình, nó là một rào cản lớn đối với bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại nào.
Nga và Trung Quốc hội quân tại ‘Ngày Chiến Thắng’ của Triều Tiên
Liên Thành
Một phái đoàn Nga do Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu dẫn đầu đã đến Triều Tiên. Bên cạnh đó, một nhóm Trung Quốc cũng là một những vị khách công khai đầu tiên như vậy đã đến nước này.
Cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên – KCNA đưa tin, hai phái đoàn của Trung Quốc và Nga sẽ tham gia lễ kỷ niệm 70 năm “Ngày Chiến thắng” vào ngày 28/7, tại Bình Nhưỡng. Phái đoàn Trung Quốc do Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Hồng Trung dẫn đầu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: họ đã được người đồng cấp Triều Tiên mời và sẽ tham dự các sự kiện kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Bộ này cho biết trong một tuyên bố rằng: “Chuyến thăm này sẽ giúp tăng cường quan hệ quân sự Nga -Triều và sẽ là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển hợp tác giữa hai nước”.
Cơ quan này đã đăng một đoạn video ngắn trên ứng dụng nhắn tin Telegram cho thấy, ông Shoigu được một quan chức quân đội Triều Tiên chào đón trên thảm đỏ ở đường băng của sân bay.
Một biểu ngữ màu đỏ với dòng chữ: “Chào mừng đồng chí Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga Sergei Shoigu!” bằng tiếng Hàn và tiếng Nga, được giương lên phía sau hàng binh lính nghi thức.
Triều Tiên đã đóng cửa biên giới vào đầu năm 2020, với mọi trao đổi thương mại và ngoại giao, ngay cả với các đối tác kinh tế và chính trị chính là Trung Quốc và Nga.
Các sự kiện kỷ niệm dự kiến bao gồm một cuộc duyệt binh lớn ở thủ đô của Triều Tiên.
Trung Quốc khẳng định trong ngày 24/7 rằng: họ thực hiện “nghiêm túc” các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Đây là phản ứng trước một lá thư từ Nhóm G7. Liên minh châu Âu và các nước khác, kêu gọi Bắc Kinh ngăn chặn Bình Nhưỡng trốn tránh các biện pháp trừng phạt bằng cách sử dụng vùng biển của Trung Quốc.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Triều Tiên trong tháng 6 cao gấp 8 lần so với năm 2022, khi quốc gia bí ẩn này báo cáo hàng chục nghìn ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, và đã đóng cửa biên giới.
Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên cung cấp viện trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến ở Ukraina, một cáo buộc mà cả Bình Nhưỡng và Matxcova đều bác bỏ.
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Vedant Patel cho biết hôm 25/7 rằng, cả Nga và Trung Quốc “có thể sử dụng ảnh hưởng của họ đối với CHDCND Triều Tiên để khuyến khích họ kiềm chế hành vi đe dọa, trái pháp luật”.
Ông Patel nói: “Họ cũng có vai trò tiềm năng trong việc khuyến khích CHDCND Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán”.
Ngoại trưởng Blinken chỉ trích ‘hành vi có vấn đề’ của chính quyền Trung Quốc
Tạ Linh
Ngày 26/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ – Antony Blinken đã cảnh báo về “hành vi có vấn đề” của Trung Quốc trong chuyến thăm quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương. Ông viện dẫn việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, và điều mà ông gọi là cưỡng chế kinh tế.
Theo hãng thông tấn Reuters: Trung Quốc ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực Thái Bình Dương, khi nước này ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon vào năm ngoái. Động thái này đã khiến Hoa Kỳ và Úc lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh, đồng thời thúc đẩy sự can dự và viện trợ của phương Tây.
Ngoại trưởng Blinken cho biết tại một cuộc họp báo rằng: Hoa Kỳ không phản đối việc Trung Quốc tham gia vào khu vực. Tuy nhiên, ông cho rằng các khoản đầu tư của chính quyền Bắc Kinh cần phải minh bạch, và được thực hiện bằng nguồn tài chính bền vững.
Ông Blinken nói: “Tôi nghĩ một trong những điều mà chúng ta đã thấy là khi sự tham gia của Trung Quốc vào khu vực (Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) ngày càng tăng thì một số hành vi ngày càng có vấn đề”.
Ngoại trưởng Blinken đã hội đàm với Thủ tướng Tonga Siaosi Sovaleni về tầm quan trọng chiến lược của khu vực Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tài trợ cho cơ sở hạ tầng và tăng cường sự hiện diện ngoại giao trong khu vực. Năm ngoái, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến công du với nhiều điểm dừng ở Thái Bình Dương.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của phương Tây là khoản nợ của các nước trong khu vực. Tonga nợ Bắc Kinh rất nhiều và giới quan sát đã đặt ra câu hỏi rằng quốc gia chỉ có hơn 100.000 dân này sẽ trả món nợ đó như thế nào.
Ông Sovaleni cho biết tại cuộc họp báo rằng: Tonga năm nay bắt đầu trả nợ và không lo ngại về mối quan hệ với Trung Quốc.
Ngoại trưởng Blinken sẽ chính thức khai trương Đại sứ quán Hoa Kỳ mới tại thủ đô Nuku’alofa vào cuối ngày 26/7 trước khi bay tới Wellington, New Zealand.
Nhật Bản: Dân bản địa giảm, dân ngoại quốc tăng kỷ lục
Hải Đăng
Dân số Nhật Bản đã đang giảm với tốc độ nhanh nhất lịch sử, trong khi cư dân ngoại quốc lại tăng lên tới con số kỷ lục gần 3 triệu người, Reuters đưa tin theo số liệu chính phủ Nhật Bản công bố hôm thứ Tư (26/7).
Số liệu cho thấy xã hội Nhật Bản đang già đi trên khắp cả nước và cư dân ngoại quốc thậm chí đang đóng một vai trò lớn hơn trong việc bù đắp cho tình trạng sụt giảm dân số.
Dân số Nhật Bản đã giảm năm thứ 14 liên tiếp, giảm khoảng 800.000 người, xuống còn 122,42 triệu người, theo số liệu đăng ký cư dân tính đến ngày 1/1/2023, được Bộ Nội vụ và Thông tin công bố hôm 26/7. Đây là lần đầu tiên, số cư dân Nhật Bản giảm ở tất cả 47 tỉnh thành, theo số liệu.
Số lượng cư dân ngoại quốc đang sống tại Nhật Bản đã đạt kỷ lục 2,99 triệu người, tăng 10,7% so với năm ngoái, mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ khi Bộ Nội vụ và Thông tin bắt đầu theo dõi số liệu này một thập kỷ trước.
Tính đến ngày 1/1/2020, trước khi đại dịch COVID-19 lan rộng khắp thế giới, tại Nhật Bản có 2,87 triệu người nước ngoài sinh sống.
Theo số liệu mới, tổng dân số Nhật Bản đã giảm xuống còn 125,42 triệu người, tương đương giảm khoảng 511.000 người.
Dân số Nhật Bản đã đang giảm liên tiếp hàng năm kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2008 do tỷ lệ sinh thấp và tỷ lệ sinh xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu giải quyết vấn đề này bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả việc tuyển dụng nhiều lao động nữ hơn, một phát ngôn viên của chính phủ Nhật Bản phát biểu với truyền thông.
“Để đảm bảo ổn định lực lượng lao động, chính phủ sẽ thúc đẩy cải cách thị trường lao động nhằm tối đa hóa lao động nữ, người già và các nhóm khác”, Chánh văn phòng Nội cách Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đang đưa vấn đề đảo ngược tỷ lệ sinh thấp vào ưu tiên chính sách hàng đầu và chính phủ của ông bất chấp mức nợ công cao vẫn có kế hoạch dành riêng 3,5 nghìn tỷ yen (khoảng 25 tỷ USD) mỗi năm chi cho chăm sóc trẻ em và các biện pháp khác để hỗ trợ các cặp bố mẹ có con nhỏ.
Một nhóm các tổ chức tư vấn công có trụ sở tại Toyko năm ngoái cho biết Nhật Bản cần khoảng thêm gấp 4 lần lao động người nước ngoài vào năm 2040 để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà chính phủ đề ra.
Tokyo là nơi có nhiều cư dân nước ngoài sinh sống nhất với 581.112 người, chiếm 4,2% tổng dân số của thủ đô Nhật Bản.