Mỹ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong bối cảnh Mỹ – Trung cạnh tranh gay gắt

Mỹ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong bối cảnh Mỹ - Trung cạnh tranh gay gắt
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin III bắt tay Ngoại trưởng Papua New Guinea Elias Wohengu (Trái) tại Port Moresby, Papua New Guinea, hôm 27/7/2023. (Ảnh: Chad J. McNeeley/Bộ Quốc phòng Mỹ)

Chính quyền ông Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy quan hệ với Papua New Guinea (PNG) và khu vực Thái Bình Dương bằng cách triển khai một tàu tuần duyên đến đảo quốc này vào tháng 8.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa ra thông báo trên trong chuyến thăm của ông tới PNG hôm 27/7, đánh dấu quan chức cao cấp Mỹ đầu tiên tới thăm Papua New Guinea.

Ông nói: “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực ưu tiên của chúng tôi và các mối quan hệ đối tác của chúng tôi là chìa khóa để đảm bảo cho khu vực quan trọng này được tự do và cởi mở”.

Ông Austin đưa ra tuyên bố trên sau khi ông và Thủ tướng PNG James Marape ký một thỏa thuận thực thi pháp luật hàng hải cho phép PNG tham gia vào chương trình lái tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ. Thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực của các đối tác Hoa Kỳ để giải quyết nhiều mối đe dọa chung trên biển .

Động thái này diễn ra sau lễ ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (DCA) mang tính bước ngoặt giữa hai nước vào tháng 5, một thỏa thuận mà Quốc hội PNG hiện đang xem xét.

Theo đó, trong thời hạn 15 năm, thỏa thuận sẽ cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ, bao gồm sân bay và cảng hải quân, đồng thời sẽ bao gồm “hoạt động cứu trợ”, nhiệm vụ ứng phó thảm họa thiên nhiên và cứu trợ nhân đạo.

The Epoch Times chưa xem nội dung bản sao của DCA.

Chính phủ PNG coi thỏa thuận này là một phương tiện để hiện đại hóa đất nước. Thủ tướng Marape nhấn mạnh rằng một trong những yếu tố then chốt của thỏa thuận là tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa năng lực quốc phòng của PNG.

“Nền kinh tế của PNG cần phát triển trong thỏa thuận DCA này, cũng như tất cả các thỏa thuận phụ khác sẽ diễn ra, như việc làm, tạo công ăn việc làm, cơ hội ký kết hợp đồng, cũng như các hoạt động kinh doanh khác của Hoa Kỳ, bao gồm cả việc các nhà sản xuất sẽ đến nước ta”, ông nói.

“Chúng ta phải tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Không có đối tác nào tuyệt vời hơn cho sự hợp tác này ngoài nền dân chủ và quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Về mặt hợp tác quốc phòng, đó là quan hệ đối tác mà chúng tôi lựa chọn”.

Thỏa thuận không thiết lập cho chiến tranh

Cả hai nhà lãnh đạo đều phủ nhận về việc tăng cường sự hiện diện là một phần trong nỗ lực đẩy lùi lớn hơn đối với Trung Quốc, quốc gia đang nỗ lực tăng cường quan hệ song phương với khu vực.

“Chúng tôi có các thỏa thuận quốc phòng song phương cụ thể với một số quốc gia. Chúng tôi có liên kết kinh tế đặc biệt với Trung Quốc. Vấn đề mắc kẹt ở đó. Nhưng Trung Quốc không yêu cầu chúng tôi thiết lập quan hệ quân sự”, ông Marape nói.

“Các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin về Trung Quốc. Về việc chúng tôi đã ký DCA với Hoa Kỳ, Đại sứ quán Trung Quốc tại đây nói với chúng tôi rằng họ không có vấn đề gì với việc chúng tôi ký DCA với Hoa Kỳ. Họ biết rằng một số nguyên tắc mà chúng tôi chia sẻ với Hoa Kỳ không được các quốc gia khác chia sẻ”.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập rằng thỏa thuận này diễn ra sau khi Tàu tuần tra USCGC Oliver Henry của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Hoa Kỳ bị từ chối cập cảng Honiara của Quần đảo Solomon để tiếp nhiên liệu và tiếp tế. PNG sau đó đã can thiệp để cung cấp một cảng tiếp tế cho con tàu.

Chính quyền Quần đảo Solomon, vừa mới ký hiệp ước phòng thủ với Trung Quốc, cho biết đó là một sự hiểu lầm.

“Với tư cách là đối tác, chúng tôi đã mời một con tàu đến Port Moresby [thủ đô PNG] để tiếp nhiên liệu trước khi ra khơi. Đó là một sự sắp xếp đặc biệt. Giờ đây, nhờ có DCA, chúng tôi có mối quan hệ có tổ chức hơn”, ông Marape cho hay.

“Đây không phải là chuẩn bị cho chiến tranh; đúng hơn, đó là thiết lập sự hiện diện ở Papua New Guinea để xây dựng đất nước”.

Thủ tướng PNG cũng nhấn mạnh rằng PNG duy trì lập trường ngoại giao rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc, như đã nêu trong chính sách “Một Trung Quốc, Hai Chế độ” mà Mỹ và các đồng minh khác như Canada, Úc và Vương quốc Anh, tuân thủ.

Ông Austin cho rằng thỏa thuận này chỉ nhằm mục đích tăng cường hòa bình và ổn định trong khu vực nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói chung.

Ông nói thêm: “Chúng tôi có mối quan hệ lâu dài với Papua New Guinea và chúng tôi chia sẻ tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, đồng thời cả hai bên đều thực sự tôn trọng và coi trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

“DCA được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ phối hợp trong lĩnh vực quốc phòng, các mối quan hệ quốc phòng và hợp tác quốc phòng”.

Ông Austin hiện sẽ cùng Ngoại trưởng Antony Blinken đến thăm nước láng giềng thân thiết của PNG là Úc để đàm phán về lĩnh vực quốc phòng.

Theo The Epoch Times

Lam Giang biên dịch

Related posts