Vị doanh nhân này cho rằng, phong tỏa đã giết chết doanh nghiệp, và kinh tế Trung Quốc sẽ không thể phục hồi trong vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Ông cũng nói rằng, đại dịch chỉ là một trò hề mà Trung Quốc dàn dựng để “kiểm soát người dân”.
Một doanh nhân Trung Quốc đã nói với The Epoch Times rằng, ông đã mất đi sự nghiệp kinh doanh trị giá 43 triệu USD trong 3 năm Trung Quốc phong tỏa và áp đặt các biện pháp zero-Covid.
Ông Meng Jun cũng bác bỏ tuyên bố của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rằng nền kinh tế của Trung Quốc đã phục hồi do Bắc Kinh tập trung vào “cải cách và mở cửa” – thứ được cho là nhằm khởi động lại ngành sản xuất và công nghiệp.
“Tôi đã có kinh nghiệm của chính mình”, ông nói. “Tất cả những nỗ lực tôi bỏ ra trong nhiều năm đã đổ sông đổ biển vì lệnh phong tỏa”.
Ông nói: “Không có cách nào để Trung Quốc phục hồi trong vài tháng – hoặc thậm chí vài năm.
Nhận ra rằng ĐCSTQ – và các chính sách mà nó theo đuổi – là nguyên nhân duy nhất dẫn đến những tổn thất trong kinh doanh mà bản thân ông sẽ không bao giờ có thể phục hồi được, ông Meng đã nắm lấy cơ hội của mình và trốn sang Mỹ.
Phong tỏa đã giết chết doanh nghiệp
Ông Meng Jun là nhà sản xuất các sản phẩm làm từ mủ cao su được xuất khẩu chủ yếu sang Đông Nam Á. Nhà máy của ông được đặt tại một khu công nghiệp của thành phố Nam Ninh ở tây nam Trung Quốc, gần biên giới Việt Nam. Các dây chuyền sản xuất của ông bị buộc phải ngừng hoạt động bất cứ khi nào thành phố thực hiện lệnh phong tỏa. Trong thời kỳ đại dịch COVID, các thành phố tại Trung Quốc thường ban hành các sắc lệnh phong tỏa có thể kéo dài hàng tuần – hoặc thậm chí hàng tháng.
Ông nói, không có trợ cấp hay hỗ trợ nào từ chính phủ cho những tổn thất liên quan đến đại dịch. Tệ hơn nữa, ông Meng cho biết, công ty tiếp tục gặp khó khăn về tài chính do phải hối lộ các quan chức, những người có thể tự ý ra lệnh cấm không cho phép công ty bán sản phẩm của mình dưới danh nghĩa “có kết quả xét nghiệm dương tính” với COVID-19.
Ông nói: Các chính sách zero-COVID nghiêm ngặt đã giết chết 90% các công ty trong khu công nghiệp, từ lĩnh vực đóng gói đến kinh doanh gỗ, và “không ai có thể chịu được điều đó”. Công nhân xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 tại nhà ăn của một nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc, miền trung của Trung Quốc vào ngày 04/08/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)
Công ty đã phải chi trả tất cả các khoản phí để đối phó với đại dịch. “Họ [các quan chức ĐCSTQ] không quan tâm, họ chỉ chịu trách nhiệm thu phí”, ông Meng giải thích.
Vào tháng 07/2021, khi thành phố bị phong tỏa, tất cả các công ty tư nhân đều nhận được lệnh ngừng sản xuất.
Tuy nhiên, công ty của ông Meng vẫn phải trả tiền thuê nhà, khoản tiền lương tối thiểu của công nhân và các chi phí xét nghiệm axit nucleic theo yêu cầu của chính phủ.
Một trường hợp xét nghiệm dương tính duy nhất từ một nhân viên sẽ dẫn đến việc cách ly toàn bộ công nhân của nhà máy.
Các cuộc xét nghiệm của công nhân tiêu tốn của ông Meng 5.000 CNY (nhân dân tệ) (tương đương 723,37 USD) mỗi tháng, đồng thời chính quyền cũng yêu cầu kiểm tra nguyên liệu thô.
Các nguyên vật liệu sẽ không nhận được dấu phê duyệt nếu chúng có kết quả dương tính. Tổn thất sẽ rất lớn, vì điều đó có nghĩa là tất cả các nguyên vật liệu có thể sẽ bị cấm vận.
Tuy nhiên, ông Meng nói rằng các cuộc kiểm tra đối với các nguyên vật liệu đã sớm trở thành một biện pháp mang tính hình thức. Không có cuộc kiểm tra nào thực sự nào được thực hiện – nhưng các quan chức vẫn thường xuyên đến nhà máy để thu phí kiểm tra.
Ông Meng nói rằng để duy trì hoạt động sản xuất, mọi công ty tại khu công nghiệp đã phải hối lộ các quan chức, những người đến với giấy kiểm tra. Ông nói: “Thực sự nó không phải để kiểm soát đại dịch mà là để kiếm tiền”.
Ông Meng cho biết những món tốt nhất dùng để hối lộ các quan chức bao gồm tiền mặt, thuốc lá đắt tiền và rượu cũng như các bữa ăn tại các nhà hàng địa phương.
Trốn chạy
Ông Meng giải thích rằng, trong khi hầu hết các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa, thì các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường.
“Thật quá khó để vận hành một doanh nghiệp ở Trung Quốc”, ông nói. “Bạn sẽ không biết [điều đó] cho đến khi bạn ra khỏi Trung Quốc và so sánh nó với thế giới bên ngoài”.
Từ năm 2020 đến năm 2021, ông Meng ấy đã bơm 8 triệu CNY (1,16 triệu USD) vào công ty, nhưng đã mất tất cả mọi thứ do phong tỏa. Ông ấy nhanh chóng đưa ra quyết định đóng cửa công ty sau Tết Nguyên đán 2022.
Khi đại dịch tấn công khu vực này nặng nề nhất hai tháng sau đó vào tháng 4, ông Meng đã rời Trung Quốc.
Với sự giúp đỡ của một người bạn, ông Meng đã có được giấy chứng nhận xét nghiệm axit nucleic hợp lệ, cho phép ông đi qua hải quan Trung Quốc. Ông đã đến Mỹ với một thị thực hợp lệ.
“Tôi đang phá sản, mặc dù may mắn là tôi đã trốn thoát”, ông nói. “Nhưng vợ tôi vẫn ở Trung Quốc”.
Ông Meng cho biết, ông rất hối tiếc vì vợ không thể đi Mỹ cùng với ông. “Tôi sẽ không trở lại Trung Quốc chừng nào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) còn cai trị đất nước”, ông nói với The Epoch Times phiên bản tiếng Trung.
Nhìn lại quá khứ, ông Meng mô tả đại dịch là một trò hề mà ĐCSTQ dàn dựng “để kiểm soát người dân”.
Một vụ việc thương tâm
Đã có nhiều trường hợp thương tâm xảy ra dưới sự phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc và các chính sách zero-COVID. Ông Meng nói rằng, một doanh nhân mà ông biết, ông Chen (tên giả), đã tự tử ở tuổi 57 trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Ông Meng nói rằng công việc kinh doanh của ông Chen lớn hơn nhiều so với của ông. Nhưng lệnh phong tỏa ngay lập tức khiến ông Chen phải gánh khoản nợ 6 triệu CNY (870.000 USD), bao gồm tiền lương, các khoản vay ngân hàng, chi phí nguyên vật liệu và tiền thuê nhà.
Ông Meng cho biết, ông Chen đã tự tử do không thể chịu đựng được căng thẳng do những người đòi nợ gây ra.
Ông Meng đã bị sốc trước thông tin này. “Ông Chen đã kinh doanh hơn 20 năm, từ một doanh nghiệp nhỏ đến quy mô lớn hơn, nhưng giờ đây [các chính sách Zero-COVID] đã khiến ông ấy phải trả giá bằng mạng sống”.
Bừng tỉnh
Vào năm 2020, ông Meng bắt đầu tìm kiếm thông tin về đại dịch bằng cách vượt qua Bức tường lửa vĩ đại – bức tường lửa Internet của ĐCSTQ, thứ ngăn công dân Trung Quốc sử dụng Internet để truy cập thông tin không bị kiểm duyệt từ nước ngoài.
Ông Meng biết được rằng, trong khi các quốc gia khác đã dần dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát đại dịch và dần phục hồi về kinh tế sau đại dịch, thì việc phong tỏa ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ông ấy nghi ngờ về những tuyên truyền không ngớt ở Trung Quốc về đại dịch.
Khi phong trào “giấy trắng” nổ ra vào năm 2022, ĐCSTQ bất ngờ nới lỏng các chính sách zero-COVID. Sự gia tăng các ca nhiễm bệnh diễn ra sau đó do các biến thể mới, việc thiếu miễn dịch tự nhiên trong dân chúng và các yếu tố khác đã dẫn đến số người chết khổng lồ ở Trung Quốc. Bố vợ của ông Meng cũng qua đời trong đợt bùng phát đại dịch.
Ông Meng nói rằng, kiểm duyệt trực tuyến đã chặn ngay cả từ “giấy trắng” trong tiếng Trung. “Không có quyền tự do ngôn luận: Tôi thậm chí không thể thoải mái cầm một tờ giấy”.
Ông Meng thấy rằng, “chính ĐCSTQ đã gây ra đại dịch – nó phải chịu trách nhiệm”. Một số người quen của ông Meng trong ngành đều đang chuẩn bị bán tài sản của họ ở Trung Quốc để chuyển ra nước ngoài.
Ông nói, họ không phải là những kẻ ngốc, đồng thời cho biết thêm rằng ĐCSTQ đặt mình lên trên luật pháp và các chính sách hỗn loạn của nó đã khiến mọi người nhận ra rằng đại dịch COVID-19 là một trò hề.
“Các điều kiện kinh tế thật tồi tệ. Xuất khẩu bị tắc nghẽn và tiêu dùng trong nước rơi xuống mức thấp khủng khiếp”, ông nói.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch