Mỹ lo ngại về sự tham gia của công ty Trung Quốc trong việc cải tạo vịnh Manila
Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại về sự tham gia của một công ty nhà nước Trung Quốc trong các dự án cải tạo của Philippines. Công ty này vốn đã bị đưa vào danh sách đen vì đóng vai trò xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông, theo VOA đưa tin.
Phát ngôn viên Tòa đại sứ Mỹ tại Manila, Kanishka Gangopadhyay cho biết: Washington cũng bày tỏ với chính phủ Philippines quan ngại về “tác động tiêu cực lâu dài, và không thể đảo ngược” của dự án và các hoạt động cải tạo khác đối với môi trường.
Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), nằm trong số hàng chục công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen năm 2020, vì đóng vai trò giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ông Gangopadhyay nói với các phóng viên: “Chúng tôi lo ngại về tác động của dự án đối với môi trường và về cả sự tham gia của CCCC. Đây là hai vấn đề riêng biệt”.
Ông cho biết, CCCC cũng đã bị Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á nêu tên vì tham gia vào các hoạt động kinh doanh gian lận.
Sau khi các công ty trên bị Mỹ đưa vào danh sách đen, Ngoại trưởng Philippines, Teodoro Locsin khi đó cho biết: ông sẽ đề nghị chính phủ Philippines chấm dứt các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc có trong danh sách.
Cơ quan cải tạo đảo Philippine (PRA) cho biết, hai trong số sáu dự án cải tạo đã được phê duyệt ở Vịnh Manila đang được thực hiện bởi các đơn vị CCCC, công ty China Harbour Engineering và China First Highway Engineering, cùng với các công ty Philippines và chính quyền thành phố.
Hiện chưa có bình luận từ CCCC về vấn đề trên..
Bờ biển của Vịnh Manila là nơi tọa lạc của một số di tích lịch sử và văn phòng chính phủ, bao gồm cả Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Trước đó Bộ trưởng Môi trường Antonia Loyzaga cho biết trong một cuộc họp báo ngày 2/8 rằng, Bộ sẽ tiến hành đánh giá tác động của các dự án đã được phê duyệt.
Ông Joseph John Literal, phụ tá tổng giám đốc PRA về cải tạo và quy định, cho biết, PRA sẽ trao đổi với chính quyền thành phố. Ông nói thêm rằng những người đề xuất các dự án đã có được giấy phép của nhiều cơ quan trước khi các dự án được PRA phê duyệt.
Tạ Linh
Quân đội Philippines lên án Hải cảnh Trung Quốc vì bắn vòi rồng vào tàu của nước này ở vùng biển tranh chấp
MANILA, Philippines — Hôm Chủ Nhật (06/08), quân đội Philippines đã lên án việc một tàu hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng một cách “quá mức và xâm phạm” để ngăn chặn một tàu tiếp tế Philippines thuyên chuyển quân lực, thực phẩm, nước, và nhiên liệu mới đến một bãi cạn mà Philippines hiện đang đóng quân trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Cuộc đối đầu căng thẳng hôm thứ Bảy (05/08) tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) là cuộc đụng độ mới nhất trong các cuộc xung đột lãnh thổ kéo dài liên quan đến Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, và Brunei.
Các tranh chấp ở Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới, từ lâu đã được xem như là một điểm nóng ở châu Á và là một lằn ranh mỏng trong cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong khu vực. Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với hầu như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này, bất chấp các phán quyết quốc tế vô hiệu hóa các yêu sách bành trướng lãnh thổ của Bắc Kinh, chẳng hạn như phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, một cơ quan quốc tế có trụ sở tại La Haye. Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó.
Khi lực lượng hải quân Philippines trên hai tàu tiếp tế đặc quyền đang hướng về phía Bãi Cỏ Mây, với các tàu tuần duyên Philippines tháp tùng, thì một tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận và sử dụng vòi rồng công suất lớn để chặn các quân nhân Philippines hướng tới khu vực bãi cạn mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền, theo các quan chức quân đội và tuần duyên Philippines.
Lực lượng Vũ trang Philippines cho biết hành động của tàu Trung Quốc là “hoàn toàn không quan tâm đến sự an toàn của những người trên boong” tàu hải quân đặc quyền của Philippines và vi phạm luật pháp quốc tế, gồm cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, nhưng không cho biết liệu có bất kỳ thủy thủ nào của họ bị thương không.
Phía Philippines cho biết trong một tuyên bố, các “hành động tấn công thái quá và mang tính xâm phạm đối với các tàu Philippines” gần bãi cạn đã ngăn một trong hai tàu Philippines dỡ hàng tiếp tế cần thiết cho quân đội Philippines đang bảo vệ bãi cạn trên tàu hải quân BRP Sierra Madre.
Họ kêu gọi lực lượng hải cảnh Trung Quốc và quân ủy trung ương của chính quyền Trung Quốc “hành động thận trọng và có trách nhiệm trong các hành động của họ để ngăn những tính toán sai lầm và tai nạn gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác.”
Một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại trước hành động của tàu Trung Quốc.
Ngay lập tức, Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với lực lượng Philippin và nhắc lại cảnh báo rằng, họ có nghĩa vụ bảo vệ đồng minh có hiệp ước lâu năm với mình khi các tàu và lực lượng công vụ của Philippines bị tấn công vũ trang, kể cả ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố, việc “bắn vòi rồng và sử dụng các hành vi ngăn chặn không an toàn, các tàu của CHND Trung Hoa đã cản trở việc thực thi hợp pháp quyền tự do hàng hải trên biển của Philippines và gây nguy hiểm đến sự an toàn của các tàu và thủy thủ đoàn của Philippines”. Họ đã sử dụng từ viết tắt cho tên của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Họ nói thêm rằng những hành vi như vậy là hành động mới nhất của CHND Trung Hoa ở Biển Đông và là mối đe dọa trực tiếp đối với “hòa bình và ổn định trong khu vực.”
Úc cũng đã bày tỏ lo ngại, mô tả hành động của tàu hải cảnh Trung Quốc là “nguy hiểm và gây bất ổn.”
Nhật Bản cho biết họ ủng hộ Philippines, đồng thời nói thêm rằng “sự quấy rối và hành động vi phạm các hoạt động hợp pháp trên biển và gây nguy hiểm cho an toàn hàng hải” là “hoàn toàn không thể chấp nhận được.”
Bộ Ngoại giao của Manila đã không kịp thời đưa ra bất kỳ phản ứng nào nhưng đã đệ trình một lượng lớn các công hàm phản đối ngoại giao về các hành động ngày càng trở nên đối địch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong những năm gần đây. Các quan chức ĐCSTQ đã không bình luận ngay lập tức về vụ việc.
Từ lâu ĐCSTQ đã yêu cầu Philippines rút tiểu đội của lực lượng hải quân nước này và di dời chiếc BRP Sierra Madre vẫn còn hoạt động nhưng hiện đang bị hư hỏng rời khỏi đây. Chiếc tàu hải quân này đã cố ý neo đậu ở bãi cạn vào năm 1999 và giờ đây được xem như một biểu tượng mong manh cho tuyên bố lãnh thổ của Manila đối với đảo san hô.
Các tàu Trung Quốc đã chặn và áp sát các tàu hải quân đang vận chuyển thực phẩm và các mặt hàng tiết yếu khác cho các thủy thủ Philippines trên tàu ở bãi cạn, nơi mà các tàu hải cảnh Trung Quốc và một nhóm tàu đánh cá Trung Quốc — được cho là do dân quân điều khiển — đã vây chặn trong nhiều năm.
Mặc dù Hoa Kỳ không đưa ra tuyên bố chủ quyền nào đối với Biển Đông, nhưng Hoa Kỳ thường chỉ trích các hành động gây hấn của ĐCSTQ, cũng như khai triển các chiến hạm và chiến đấu cơ của mình trong các cuộc tuần tra và tập trận quân sự với các đồng minh trong khu vực để bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không, mà họ cho biết là vì lợi ích quốc gia của Mỹ quốc.
Doanh Doanh biên dịch
TQ: Một phó thị trưởng thành phố bị lũ cuốn trôi làm dấy lên tranh luận sôi nổi
Hôm 5/8, chính quyền xác nhận Phó thị trưởng của TP. Thư Lan, tỉnh Cát Lâm, ông Lạc Húc Đông (Luo Xudong), cùng 3 công chức khác đã bị lũ cuốn trôi và mất liên lạc. Theo các nguồn tin trên mạng, dân làng đã tìm thấy thi thể của ông Lạc vào ngày hôm đó. Cả 4 người đều đã tử vong.
Bị ảnh hưởng bởi cơn bão Doksuri, mưa lớn trên diện rộng cũng xảy ra ở phía bắc tỉnh Cát Lâm, đặc biệt là thị trấn Kim Mã, thị trấn Khai Nguyên và thị trấn Thất Tinh Hương của TP. Thư Lan, bị nước lũ làm ngập lụt, một số cây cầu bị sập, đường bị hư hỏng và một số ngôi làng vẫn còn trong trạng thái bị cắt điện, nước và cắt liên lạc. Lượng mưa tại Lâm trường Vĩnh Thắng ở tâm mưa lớn Thư Lan đạt 489,0 mm, gấp 4,72 lần mức tối đa lịch sử là 103,6 mm.
Trang “Tin tức buổi sáng Tiêu Tương” ở Trung Quốc đưa tin, ban tuyên truyền địa phương đã xác nhận vào chiều ngày 5/8 rằng một Phó thị trưởng họ Lạc của TP. Thư Lan nằm trong số những người mất tích.
Một người dân ở thị trấn Khai Nguyên tiết lộ, người dân địa phương đã tìm thấy một thi thể và gọi cảnh sát. Người chết là nam giới, mặc áo khoác đen, quần dài và đi giày da. Danh tính của người thiệt mạng vẫn đang được xác định.
Tuy nhiên, theo Weibo “Jun Wu Ji” (có dấu tick V xác thực danh tính) đăng một tin nhắn vào chiều ngày 5/8 nói rằng thi thể được tìm thấy vào trưa ngày hôm đó, cả 4 người mất liên lạc đều đã chết.
Một nguồn tin khác từ truyền thông Hồng Kông cho biết, ngoài ông Lạc Húc Đông, 3 người người mất tích còn lại là Chu Côn Huấn (Zhou Kunxun) – Chính ủy Cục Lực lượng Vũ trang TP. Thư Lan, thư ký của ông Lạc Húc Đông và một người nữa là lái xe.
Trong mỗi trận lũ, một số lượng lớn người dân bị mất liên lạc, mất tích và thiệt mạng, nhưng hiếm có trường hợp quan chức bị cuốn trôi và mất liên lạc. Sự việc này đã thu hút sự chú ý và bàn luận sôi nổi của cư dân mạng. Một số người đặt câu hỏi: “Phó thị trưởng còn bị cuốn trôi, vậy không biết bao nhiêu người dân thường khác bị cuốn trôi?”
Một số chế giễu:
“Phó thị trưởng đầu tiên tôi nhìn thấy ở tiền tuyến.”
“Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy một quan chức lớn như vậy ở tiền tuyến.”
Một số người nói: “Đó chính là bức ép đến cùng, đến hiện trường để quay video, làm một trang bìa tin tức và chụp thêm hai bức ảnh, phần còn lại sẽ giao cho phó thường trực hoặc phó thị trưởng được phân phụ trách và quan chức cấp phòng bên dưới xử lý.”
Sau khi Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc hứng chịu lượng mưa cực lớn, chính quyền đã xả lũ mà không báo trước để bảo vệ Bắc Kinh và “phó đô” Hùng An, khiến cho Trác Châu (tỉnh Hà Bắc) trở thành khu vực chịu thảm họa lũ lụt nghiêm trọng. Một số phương tiện truyền thông địa phương đưa tin rằng tổng thời gian để lũ ở Trác Châu rút là khoảng 1 tháng. Lũ lụt và lở đất đã phá hủy các ngôi làng và đường xá ở Trác Châu. Nước, điện, internet và nguồn cung cấp vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt đã bị cắt khắp mọi nơi. Một số người đã bị chặn không cho đến hỗ trợ.
Vài ngày trước, một phóng viên của Tuần báo Phương Nam đã đưa tin về tình hình ở Trác Châu và mắng quan chức địa phương là “không biết gì cả, chỉ biết trung thành với đảng”; “Không bằng cầm thú, thiên tai không nghiêm trọng bằng nhân họa”.
Nhiều cư dân mạng đã nhân cơ hội này để châm biếm chính quyền Trác Châu vì “mất liên lạc tập thể” và thẳng thừng:
“Lãnh đạo ở Trác Châu cũng mất liên lạc.”
“Toàn mạng internet hãy tìm đi!”
“Chả trách mọi người đều nói thế, là vì thực sự mãi vẫn không lộ diện, giống như đã biến mất. Luôn luôn là những dân thường tự phát tổ chức gửi nước, thức ăn cho đội cứu hộ! “
Một số cư dân mạng đã châm biếm ông Tập Cận Bình rằng:
“Đây là lý do tại sao ‘nhất tôn’ (người đứng đầu cao nhất, chỉ ông Tập Cận Bình) không bao giờ dám đến hiện trường cứu hộ khẩn cấp và cứu trợ thiên tai.”
“Tập Cận Bình cũng muốn để quân đội đi cứu trợ thảm họa, nhưng sự kiện lớn này, có thể quân đội không nghe theo lệnh của ông ta.”
Ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá Bộ Tư lệnh Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tweet rằng lần này cả trung tâm chính trị Bắc Kinh và khu vực gần kinh đô là tỉnh Hà Bắc, đều bị lũ lụt tấn công. Khu vực Bắc Kinh, Thiên Tân, có mấy tập đoàn quân đóng trú, vì sao lần này sao không có tập đoàn quân nào ra cứu trợ? Có thể thấy mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và quân đội có vấn đề.
京津地区驻了好几个集团军,为什么这次没见一个出来? https://t.co/VdNpwVTTdx
— 姚诚 (@Yaochen64034657) August 5, 2023
Đổng Lâm San, Vision Times
AP: Chính quyền quân sự Niger ‘cầu cứu’ tập đoàn lính đánh thuê Wagner
Một trong những thủ lĩnh của cuộc đảo chính tuần trước ở Niger được cho là đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, trong bối cảnh hạn chót để chính quyền quân sự Niger phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ vào tuần trước đang đến gần. Nếu quá hạn chót, chính quyền này sẽ đối mặt với khả năng can thiệp quân sự từ các nước láng giềng.
Ngày 5/8, tờ Associated Press (AP) đã dẫn lời nhà báo người Pháp Wassim Nasr, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Soufan Center, rằng Tướng Salifou Moody của phe đảo chính ở Niger đã đề nghị nhóm lính đánh thuê Wagner giúp đỡ trong chuyến thăm Mali, nơi ông gặp gỡ một đại diện của Wagner.
Cuộc gặp gỡ được tờ France 24 đưa tin đầu tiên. Nhà báo Nasr cho hay ông đã xác nhận thông tin về cuộc đàm phán với 1 nhà ngoại giao Pháp cũng như 3 người có hiểu biết về vấn đề này tại Mali.
Ông Nasr nói với AP: “Họ cần (Wagner) vì Wagner sẽ là người bảo lãnh để họ nắm giữ quyền lực”, đồng thời tuyên bố rằng Wagner đang xem xét lời thỉnh cầu của chính quyền quân sự Niger.
Cả Wagner và các quan chức chính phủ Nga đều không đưa ra bình luận về vấn đề này. Hôm 4/8, Điện Kremlin tuyên bố bất kỳ sự can thiệp nào từ các cường quốc bên ngoài khu vực vào Niger sẽ khó có thể cải thiện tình hình. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc nhanh chóng khôi phục lại trạng thái bình thường theo hiến pháp mà không gây nguy hiểm đến tính mạng con người.”
Thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin gọi vụ đảo chính là một “cuộc nổi dậy chính đáng của người dân chống lại sự bóc lột từ phương Tây.”
Cộng đồng Kinh tế Các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đe dọa đưa quân vào Niger nếu những người đứng đầu cuộc đảo chính không thả tự do và phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum vào ngày 6/8. Ông Bazoum đã bị quản thúc tại gia kể từ cuộc đảỏ chính và đã thỉnh cầu cầu Hoa Kỳ “cùng toàn bộ cộng đồng quốc tế” khôi phục chính phủ của mình. Quân đội của một số nước thành viên ECOWAS, bao gồm cả Nigeria, đã đồng ý với kế hoạch can thiệp vào Niger.
Wagner đã trở thành một tổ chức có vai trò quan trọng trong bối cảnh an ninh châu Phi, mặc dù không rõ ảnh hưởng của nó đối với lục địa này như thế nào sau cuộc binh biến chống lại Moscow hồi tháng Sáu.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tương lai những hợp đồng mà Wagner đã ký với các quốc gia châu Phi là vấn đề do chính phủ các nước đó quyết định. Tập đoàn Wagner được cho là đã hoạt động ở các quốc gia như Mali, Burkina Faso, Sudan, Mozambique và Cộng hòa Trung Phi.
Mali và Burkina Faso nằm trong số các quốc gia thành viên ECOWAS đã đứng về phía chính quyền quân sự Niger sau cuộc đảo chính. Ông Bazoum cáo buộc 2 nước láng giềng này đang sử dụng “nhóm lính đánh thuê tội phạm người Nga”.
Chủ tịch Viện Tự do Châu Phi Franklin Nyamsi đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tờ RT hôm 3/8 rằng nếu ECOWAS thực hiện lời đe dọa đưa quân vào Niger, thì đó sẽ được coi là lời tuyên chiến với các đồng minh của chính quyền quân sự, bao gồm cả Mali và Burkina Faso. Một cuộc xung đột như vậy có thể leo thang nghiêm trọng khi các phe tham chiến tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.
Ông Nyamsi nhận định: “Chúng ta hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của một cuộc chiến tranh thế giới tại châu Phi.”
Vy An (Theo RT)