Tin thế giới sáng thứ Sáu: Ông Kim Jong Un miễn nhiệm tướng hàng đầu, kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh

Ông Kim Jong Un miễn nhiệm tướng hàng đầu, kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh

Hội An

Ông Kim Jong Un miễn nhiệm tướng hàng đầu, kêu gọi chuẩn bị cho chiến tranh (ảnh: Twitter).

Tại cuộc họp mở rộng của Quân ủy trung ương Triều Tiên, ông Kim Jong Un đã miễn nhiệm tướng hàng đầu của nước này và kêu gọi chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho quân đội trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến, truyền thông nhà nước triều Tiên KCNA ngày 9/8 đưa tin.

Theo KCNA, ông Kim đã miễn nhiệm chức vụ Tổng tham mưu trưởng của Tướng Pak Su Il và bổ nhiệm Phó Nguyên soái Ri Yong Gil thay thế. Ông Ri Yong Gil hiện là Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên, và hiện vẫn chưa rõ ông có tiếp tục đảm nhiệm vị trí đó hay không.

Những quan chức tham gia cuộc họp đã phân tích các động thái quân sự xung quanh Bán đảo Triều Tiên xáo trộn, đồng thời thảo luận về việc chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện nhằm vô hiệu hóa đòn tấn công của đối phương.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un kêu gọi tích cực cuộc tập trận thực tế để vận hành hiệu quả các loại vũ khí và thiết bị mới nhất. Ông Kim cũng yêu cầu đẩy mạnh sản xuất hàng loạt vũ khí, thiết bị một cách nghiêm túc để đáp ứng nhu cầu tác chiến. 

Theo hãng tin Reuters, Triều Tiên sẽ tổ chức một cuộc diễn hành dân quân vào ngày 9/9, đánh dấu kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập đất nước Cộng hòa.

Hoa Kỳ và Hàn Quốc dự kiến tổ chức các cuộc tập trận quân sự từ ngày 21 đến 24/8. Bình Nhưỡng cáo buộc đây là mối đe dọa đối với an ninh Triều Tiên.

Thương mại Trung Quốc sụt giảm, đe dọa triển vọng phục hồi

Liên Thành

Ảnh minh họa: REUTERS.

Nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc giảm nhanh hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 7 do nhu cầu yếu hơn đe dọa triển vọng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, làm gia tăng áp lực buộc các nhà chức trách phải tung ra các biện pháp kích thích mới để tăng trưởng ổn định, theo Reuters đưa tin.

Những con số thương mại ảm đạm củng cố kỳ vọng rằng, hoạt động kinh tế có thể chậm lại trong quý thứ ba, với hoạt động xây dựng, sản xuất và dịch vụ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và lợi nhuận công nghiệp đều suy yếu.

Dữ liệu hải quan hôm thứ Ba cho thấy, nhập khẩu giảm 12,4% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo giảm 5% trong cuộc thăm dò của Reuters và giảm 6,8% trong tháng 6. Trong khi đó, xuất khẩu giảm 14,5%, cao hơn mức giảm 12,5% dự kiến và mức giảm 12,4% của tháng trước.

Tốc độ giảm xuất khẩu là nhanh nhất kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020 và nhập khẩu sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 1 năm nay, khi dịch COVID-19 khiến các cửa hàng và nhà máy phải đóng cửa.

Các nhà phân tích cho biết, trong khi giá trị nhập khẩu yếu phản ánh nhu cầu yếu, giá hàng hóa giảm cũng làm trầm trọng thêm sự sụt giảm hàng đầu.

Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết: “Hầu hết các biện pháp về đơn đặt hàng xuất khẩu đều cho thấy nhu cầu nước ngoài giảm mạnh hơn nhiều so với những gì đã được phản ánh trong dữ liệu hải quan cho đến nay”.

“Và triển vọng ngắn hạn đối với chi tiêu của người tiêu dùng ở các nền kinh tế phát triển vẫn còn nhiều thách thức, với nhiều nền kinh tế vẫn có nguy cơ suy thoái vào cuối năm nay, mặc dù ở mức độ nhẹ”.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý 2 do nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, khiến các nhà lãnh đạo hàng đầu hứa hẹn hỗ trợ chính sách hơn nữa và các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của họ trong năm.

Trung Quốc siết chặt quy định sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt

Liên Thành

Trung Quốc có một mạng lưới camera an ninh rộng lớn được lắp đặt trên khắp đất nước. (Ảnh: AFP).

Trung Quốc có kế hoạch thắt chặt các quy định về công nghệ nhận dạng khuôn mặt, đồng thời bật đèn xanh cho việc sử dụng công nghệ này cho mục đích an ninh quốc gia, bao gồm phân tích dữ liệu cá nhân về chủng tộc và tín ngưỡng tôn giáo, theo trang tin SCMP.

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc ngày 8/8, đã phát động một cuộc tham vấn cộng đồng kéo dài một tháng về các quy tắc dự thảo. 

Cơ quan quản lý internet này cho biết: các quy tắc được đưa ra nhằm điều chỉnh công nghệ và duy trì “các quyền hợp pháp của cá nhân” cũng như “trật tự xã hội và an toàn công cộng”.

Các quy tắc dự thảo cấm lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt của các thực thể và trong các không gian công cộng bao gồm ngân hàng, sân bay, khách sạn, cơ sở thể thao, bảo tàng và thư viện.

Theo quy định mới, các thực thể sẽ chỉ có thể sử dụng công nghệ để xử lý thông tin nhận dạng khuôn mặt trong “những điều kiện nhất định” và khi có “đủ” nhu cầu – mặc dù dự thảo không nói rõ những điều kiện đó là gì hoặc điều gì sẽ cấu thành nhu cầu đó. 

Quy định mới xuất hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về quyền riêng tư, và việc lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc. Công nghệ này đã được sử dụng ở mọi nơi, từ nhà vệ sinh công cộng để ngăn chặn hành vi trộm cắp giấy vệ sinh, để làm xấu hổ trước công chúng những người bị bắt gặp đi ẩu khi tham gia giao thông, đến theo dõi cư dân trong đại dịch Covid-19, và giám sát người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số khác ở Tân Cương.

Các quy tắc dự thảo cho phép sử dụng rộng rãi dữ liệu sinh trắc học cho mục đích duy trì an ninh quốc gia, bao gồm phân tích thông tin cá nhân như chủng tộc, dân tộc và tín ngưỡng tôn giáo.

Các công ty công nghệ sử dụng công nghệ này cũng được yêu cầu, ưu tiên dữ liệu từ cơ sở dữ liệu nhận dạng trung tâm của chính phủ.

Theo dữ liệu mới nhất từ trang bảo mật máy tính Precise Security, Trung Quốc có một mạng lưới rộng lớn gồm 200 triệu camera quan sát được lắp đặt trên toàn quốc. Con số này gấp nhiều lần so với 50 triệu camera ở Hoa Kỳ.

Việc Bắc Kinh sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát là tâm điểm bị Washington và các đồng minh cáo buộc rằng Trung Quốc đang vi phạm nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương. Bắc Kinh phủ nhận các các buộc đó, nói rằng các chính sách của họ trong khu vực là nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Liên Hiệp Quốc: Tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar ‘thường xuyên và trắng trợn hơn’

Liên Thành

Một nhóm các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc cho biết tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar, bao gồm cả ném bom vào dân thường, đã trở nên ‘ngày càng thường xuyên và trắng trợn’. (Ảnh: Reuters).

Một nhóm các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc cho biết: tội ác chiến tranh của quân đội Myanmar, bao gồm cả ném bom vào dân thường, đã trở nên ‘ngày càng thường xuyên và trắng trợn’.

Trong một phúc trình được công bố hôm 8/8, bộ phận điều tra độc lập Myanmar của Liên Hiệp quốc (IIMM) cho hay, trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, có ‘bằng chứng thuyết phục’ cho thấy quân đội Myanmar và các lực lượng dân quân đã phạm 3 loại tội ác chiến tranh, với tần suất và sự trắng trợn ngày càng tăng.

Những tội ác này bao gồm nhắm bắn bừa bãi vào dân thường, ném bom và đốt nhà dân, đôi khi khiến toàn bộ làng mạc bị phá hủy.

Phúc trình cũng dẫn ra ‘việc sát hại dân thường hay binh lính bị bắt giam trong các chiến dịch’.

Ông Nicholas Koumjian, người đứng đầu IIMM, nói: “Bằng chứng của chúng tôi cho thấy tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại ở nước này gia tăng đáng kể, với các cuộc tấn công trên diện rộng và có hệ thống nhằm vào thường dân, và chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để tòa có thể sử dụng nhằm trừng trị các thủ phạm”.

Kể từ khi quân đội chiếm đoạt quyền lực 2 năm trước, Myanmar đã rơi vào hỗn loạn, với phong trào kháng chiến chống lại quân đội trên nhiều mặt trận sau khi quân đội đàn áp đẫm máu các đối thủ, khiến các nước phương Tây tái áp đặt các biện pháp trừng phạt.

Quân đội trước đây đã phủ nhận chuyện có xảy ra hành động tàn bạo, và nói rằng họ đang thực hiện một chiến dịch hợp pháp chống lại quân khủng bố.

Mặc dù họ đã biện minh cho các vụ đánh bom là nhằm vào các mục tiêu quân sự, song các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng quân đội Myanmar ‘lẽ ra phải biết hoặc thực sự đã biết’ rằng đông đảo thường dân đang có mặt ở đó hoặc xung quanh các mục tiêu khi các cuộc tấn công của họ diễn ra.

Truyền thông điều tra: Nga ép trẻ em Ukraina nhập thiếu sinh quân

Liên Thành

Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin. (Ảnh: Twitter).

Cơ quan truyền thông đối lập Nga Verstka cho biết: Ủy ban Điều tra Nga và người đứng đầu, Alexander Bastrykin có liên quan trực tiếp đến việc trục xuất trẻ em Ukraina về Nga, đồng thời ép đưa các em vào các chương trình huấn luyện quân sự của Nga.

Kênh Verstka báo cáo rằng: Ủy ban Điều tra Nga đã làm cái gọi là “bảo trợ” trẻ em Ukraina sống trong các trại trẻ trên khắp nước Nga. Đồng thời bộ này cử nhân viên của mình đến 10 ngôi nhà như vậy và mang theo đồ chơi, quần áo cùng đồ dùng học tập để ép buộc những đứa trẻ gia nhập quân đoàn thiếu sinh quân Nga. 


Kênh truyền thông báo cáo rằng, Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin đã đích thân đến thăm trẻ em Ukraina ở Nga. Ông đã nói với những đứa trẻ rằng, chiến thắng của Nga phụ thuộc vào chúng và Ủy ban Điều tra Nga ở đó để hỗ trợ chúng.

Kênh còn cho biết, Ủy ban Điều tra trước đó đã quảng cáo về đoàn thiếu sinh quân cho trẻ em Ukraina từ Donbas. Và cơ quan này tuyên bố rằng, 78 trẻ em Ukraina đã vào các cơ sở giáo dục, bao gồm đoàn thiếu sinh quân và các học viện trực thuộc Ủy ban Điều tra, từ tháng 2/2022 đến tháng 3/2023.

Báo cáo của kênh cho biết, ông Bastrykin đã ra lệnh cho quân đoàn thiếu sinh quân ở Matxcova, St. Petersburg và Volgograd để chuẩn bị tiếp nhận trẻ em Ukraina từ Donbas bị chiếm đóng sớm nhất là vào ngày 25/2/2022. 

Verstka nêu bật những tuyên bố của trẻ em Ukraina nói rằng, chúng cảm thấy bắt buộc phải tham gia vào đội thiếu sinh quân Nga do cơ hội giáo dục.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW, việc ép buộc trẻ em Ukraina tham gia vào các chương trình cải tạo quân sự yêu nước của Nga, có thể là một phần trong chiến dịch xóa bỏ bản sắc dân tộc Ukraina, và quân sự hóa những thanh niên đã bị trục xuất đến Nga.

Doanh thu của các công ty sản xuất vũ khí phương Tây đang tăng vọt

Doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của phương Tây đã đang tăng vọt trong năm 2022 và nửa đầu năm nay, trong đó các nhà thầu quốc phòng Mỹ vẫn đang thống trị nghành công nghiệp vũ khí toàn cầu, theo Defense News đưa tin.

Theo bảng xếp hạng Top 100 các công ty quốc phòng trên tờ Defense News, trong năm 2022, top 5 nhà thầu quốc phòng của Mỹ đã đạt doanh thu tổng cộng liên quan đến quân đội là 196 tỷ USD.

Bảng xếp hạng Top 100 này cho thấy bốn công ty có trụ sở của Mỹ nằm trong Top 5 các nhà thầu quân đội hàng đầu thế giới. Bốn công ty Mỹ này gồm: Lockheed Martin, RTX, Northrop Grumman và Boeing.

Mỹ đã đang nổi lên là nguồn cung vũ khí chính cho Ukraine kể từ khi nước này bị Nga tấn công vào cuối tháng 2/2022. Chính phủ Mỹ hiện đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Kyiv khoảng 37 tỷ USD.

Trong nửa đầu năm 2023 này, doanh thu của Top 25 nhà thầu quốc phòng phương Tây đã tăng 11%, đạt mức 212 tỷ USD, theo thông tin doanh nghiệp do kênh Telegram Ravenstvo Media đăng tải.

Theo những số liệu trên, tổng các thương vụ bán vũ khí của Top 25 nhà thầu quốc phòng phương Tây trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt 448 tỷ USD, tăng 47 tỷ USD so với năm 2022. Đến năm 2026, con số có thể tăng thêm 20%, đạt 554 tỷ USD nhờ vào chuyển vũ khí cho Ukraine và tái vũ trang ở châu Âu.

Báo cáo của Ravenstvo Media cũng ước tính rằng các nhà thầu quốc phòng phương Tây sẽ tăng doanh thu thêm 37% từ năm 2021 đến năm 2026, tương đương tăng thêm 150 tỷ USD. Trái lại, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển phương Tây chỉ bằng một nửa tốc độ tăng doanh thu quốc phòng nêu trên trong cùng thời kỳ. Báo cáo dẫn theo các dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng tới năm 2026, GDP gộp của các quốc gia phát triển sẽ là 67,8 nghìn tỷ USD, tăng thêm 11,2 nghìn tỷ USD so với năm 2021.

Các số liệu cho thấy Tập đoàn sản xuất Boeing của Mỹ đang nổi trội trong số các công ty tập trung vào quốc phòng. Boeing cung cấp cho Ukraine hàng loạt vũ khí từ UAV ScanEagle và các hệ thống phòng không Avenger, tới các tên lửa Harpoon và Hellfire, cũng như Hệ thống phóng từ mặt đất bom đường kính nhỏ.

Một nhà thầu quốc phòng khác của Mỹ là RTX (trước tháng 6/2023 nổi tiếng với tên Raytheon Technologies) cũng đã đang cung cấp hàng loạt vũ khí và hệ thống khí tài quân sự, trong đó có tên lửa tầm xa Patriot, các hệ thống chống tăng Javelin và TOW, và tên lửa vác vai Stinger.

Pháp đã đang cung cấp tên lửa tầm xa SCALP do công ty MBDA sản xuất. MBDA là công ty liên doanh giữa BAE Systems, Airbus, và Leonardo.

Theo RT, một báo cáo gần đây của tổng thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng một số thiết bị quân sự do Mỹ và các quốc gia đồng minh cung cấp cho Ukraine đã rơi vào tay của các nhóm tội phạm.

Nga vốn luôn cực lực phản đối phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraine đã thường xuyên cảnh báo về sự nguy hiểm của việc vũ khí quân sự bị buôn lậu ra khỏi Ukraine và được rao bán trên thị trường chợ đen.

Xuân Thành

Related posts